Trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng cùng trung đoàn 56 bộ binh
Dưới áp lực pháo kích nặng nề cùng bị bao vây liên tục trong nhiều ngày trong chiến dịch Xuân Hè 1972 hay Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, trung tá Phạm Văn Đính cùng phần lớn trung đoàn 56 bộ binh đã đầu hàng quân Giải Phóng tại căn cứ Camp Caroll vào lúc 14h ngày 2 tháng 4 năm 1972
Trung tá Phạm Văn Đính tốt nghiệp trường sĩ quân Thủ Đức và trong đời binh nghiệp của mình đã liên tục được thăng chức từ thiếu úy lên trung tá trong vòng 5 năm. Năm 1970, trung tá Đính được cử làm trung đoàn phó trung đoàn 54 bộ binh và năm 1971 được cử làm trung đoàn trưởng trung đoàn 56
Lúc 11h30′ ngày 30/3/1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị-Thiên đã mở chiến dịch Xuân Hè 1972 hay chính sử còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tấn công trên khắp miền Nam nhưng áp lực nặng nhất là ở khu Quảng Trị, dọc theo vĩ tuyến 17. Các cuộc tấn công liên tiếp với cường độ cao được sự yểm trợ của xe tăng lần đầu xuất trận với số lượng lớn đã khiến quân Việt Nam Cộng Hòa bị bất ngờ và nhanh chóng sụp đổ
Khoảng 9h sáng ngày 30/3/1972, khi Trung đoàn 2 và 56 thuộc sư đoàn 3 bộ binh thực hiện cuộc hoán chuyển trại và vùng trách nhiệm theo chu kỳ đã định sẵn. Trung đoàn 56 của Trung tá Đính từ căn cứ C2 ở Bắc Cam Lộ di chuyển về hướng Nam, thay thế Trung đoàn 2 ở căn cứ Tân Lâm ( Camp Carroll), căn cứ hỏa lực Fuller và Khe Gió.
Khi trung đoàn 56 đầu hàng, hầu như chẳng ai tin vì khi đó, căn cứ Tân Lâm từng là căn cứ của các đơn vị thuộc lữ đoàn 101 Nhảy Dù Mỹ trước khi lính Mỹ rút đi và giao lại cho quân đội VNCH. Căn cứ khống chế khu vực có đường kính gần 25km với các hầm ngầm, công sự chiến đấu được che chắn bằng gỗ dày và các bao cát, bên ngoài là nhiều hàng dây thép gai, hệ thống hào chiến đấu và công sự được nối với nhau và được hỗ trợ bởi 22 khẩu pháo trong đó có các khẩu 155mm và 175mm Vua Chiến Trường cùng vài chiến xa Duster hạng nhẹ (trang bị đại bác 40 ly). Tất cả biến căn cứ Tân Lâm thành căn cứ vững chắc nhất ở Vùng I Chiến Thuật.
Ngày 30 tháng 3, pháo 130 ly của Đoàn Bông Lau bắn tràn ngập các mục tiêu. Cố vấn Mỹ là thiếu tá Brown được tăng viện đến căn cứ cùng các trang thiết bị tăng viện. Ngày 1 tháng 4, tiểu đoàn phòng thủ căn cứ Khe Gió bị tràn ngập trước đó rút về được Tân Lập. Pháo binh quân Giải Phóng đã phá nát toàn bộ thiết bị liên lạc trong căn cứ. Trước áp lực nặng nề của pháo binh quân Giải Phóng, ngày 31/3/1972, Trung tá Đính liên lạc với chuẩn tướng Vũ Văn Giai để xin tiếp viện. “Nếu không được tiếp viện, căn cứ Tân Lâm chỉ có thể giữ được vài ngày nữa thôi”
Tướng Giai trả lời :
“Ráng chờ vài ngày, sẽ có tiếp viện “
Ngày 1 tháng 4, tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh Quân đoàn 1 của Quân lực VNCH đích thân gọi cho Đính. Tướng Lãm nói vắn tắt rằng tình hình đang nguy khốn, quân đoàn 1 không còn lực lượng trừ bị để tiếp viện và trung đoàn 56 phải giữ căn cứ Cam Carroll bằng mọi giá và bằng chính những gì hiện có của trung đoàn
Cựu chiến binh Hồ Văn Duyệt kể lại như sau: “Hồi đó tôi là giáo viên Trường Sĩ quan Pháo binh được phái đi phục vụ cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Tôi được đi cùng Trung đoàn Pháo binh 38, chi viện cho Sư đoàn 304, tấn công căn cứ Carroll do Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 đóng giữ.
Ngày 2/4/1972, tôi tiếp tục thực hiện kế hoạch hỏa lực. Khoảng đầu giờ chiều hôm ấy, một chiến sĩ trực vô tuyến điện báo cáo với tôi: “Có một thằng nó yêu cầu gặp thủ trưởng!”, tôi bảo: “Nó phá rối đấy chứ gặp gì, mặc kệ nó”. Một lát sau, chiến sĩ lại báo cáo: “Thằng đó xưng là trung tá chỉ huy trưởng xin gặp Sao Hôm”. Sao Hôm là mật danh của đài quan sát chỉ huy.
Theo cách xưng hô, tôi đoán là một viên sĩ quan nên tôi cầm máy. “Alô! Tôi là Sao Hôm đây, các anh cần gặp có việc gì?”. Phía bên kia trả lời: “Tôi, trung tá Phạm Văn Đính – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Xin ông cho biết danh tính và cấp bậc”.
Nghe câu nói đó, tôi nghĩ tay này chắc được huấn luyện rất chính quy ở bên Mỹ. Riêng tôi, chưa từng dự kiến đối thoại với địch nên lúng túng không biết xưng hô thế nào. Tôi trả lời Trung tá Đính: “Chúng tôi không có thói quen xưng hô tên tuổi cấp bậc với đối phương trong lúc tác chiến, anh gọi tôi là Sao Hôm là được rồi. Tôi không phải là cấp chỉ huy cao nhất, nhưng có thể trả lời những gì anh cần hỏi, nếu quá quyền hạn tôi sẽ chuyển đạt lên cấp trên”.
Đính nói :
“Tôi đề nghị các ông dừng hỏa lực trong một giờ, chúng tôi muốn thương lượng”.
Tôi dùng điện thoại báo cáo lên cấp trên, Sư đoàn điện xuống chỉ đạo:
“Anh có thể gọi họ là ông, anh bảo nó đầu hàng đi chứ còn thương lượng cái gì”.
Tôi lên vô tuyến điện trả lời viên trung tá chỉ huy trưởng:
“Tôi nghĩ đề nghị của ông không thích hợp, các ông đã mất Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn rồi. Lữ đoàn thiết giáp lên giải vây cho các ông đã bị đánh tan tác, chạy lui rồi. Đông Hà cũng sắp mất. Chắc ông cũng đã nghe tiếng súng máy gần kề rồi. Các ông hạ vũ khí ngừng chiến đấu là tốt nhất. Các ông nên đầu hàng đi”.
Trung tá Đính : “Có đầu hàng cũng phải thảo luận các điều kiện chứ”.
Tôi nói: “Không cần thảo luận đâu! Ông có biết chính sách 10 điểm của Mặt trận giải phóng miền Nam không?”.
Trung tá Đính :
“Nhưng tôi cũng cần triệu tập các sĩ quan dưới quyền, họ chỉ huy từng bộ phận rải rác khắp nơi và cần thời gian để họp”.
Chỉ huy Sư đoàn vẫn tập trung để theo dõi cuộc trao đổi của tôi với viên trung tá chỉ huy trưởng, đồng thời gọi điện thoại xuống để hướng dẫn cho tôi một số thủ tục. Tôi nói với trung tá Đính:
“Vậy thì tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong vòng 1 giờ theo yêu cầu của ông. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm của căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. Sau khi ngừng hỏa lực được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang theo vũ khí”.
Ngay sau đó, Đính tập hợp 13 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn trong hầm chỉ huy để quyết định. Đính mở lời trước, cho biết tình thế rất tuyệt vọng. Căn cứ không thể cầm cự trước sự tấn công liên tục của Quân giải phóng. Sau đó Đính nói ra ý nghĩ thật của mình, là “Nếu tiếp tục chiến đấu, nhiều người sẽ chết. Và nếu chúng ta có bị thương, có chết, để có được một chiến thắng, thì cũng không ai lo cho chúng ta sau đó. Chúng ta bây giờ phải tự lo lấy thân”.
Tiếp theo Đính nói về đề nghị của chỉ huy Quân giải phóng. Sau đó Phạm Văn Đính hỏi tất cả muốn tử thủ, đánh mở đường máu, hay đầu hàng? Nếu tất cả các sĩ quan có mặt đồng ý tiếp tục đánh thì trung tá Đính sẽ nghe chiều theo ý họ. Trong số sĩ quan hiện diện, chỉ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 56 lên tiến đòi đánh đến cùng. Số sĩ quan còn lại yên lặng không ý kiến.
Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Đính nói về gia đình của họ, về viễn ảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiếu tá Mãn không bỏ phiếu. Với quyết định đã được đồng thuận, Lúc 14:00, Đính đi qua lô cốt của hai sĩ quan cố vấn Mỹ để thông báo việc đầu hàng.
“Chẳng ai chịu chiến đấu. tôi đã bắn 1 người để khiến họ dũng cảm lên nhưng họ vẫn muốn đầu hàng. Tôi đã liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng và họ hứa sẽ đối xử tốt. Các ông có đầu hàng cùng với chúng tôi ?.”
“Không” : Trung tá William Camper trả lời.
Đính lại nói :
“Các ông có thể trà trộn vào binh sĩ của tôi để thoát ra ngoài cổng và sau đó trốn vào các bụi cỏ cao để trốn đi hoặc để giữ sỉ diện, có thể tự sát cùng với tôi”
“Người Mỹ không làm chuyện đó” : Camper trả lời
Camper đề nghị trung đoàn dùng những chiếc xe tăng Dusters trang bị pháo 30mm để đánh ra ngoài để tiến về căn cứ Mai Lộc ở phía Nam, nơi có các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa cùng các cố vấn Mỹ ở đó. Đính lắc đầu : “Sẽ không làm được”
Lúc 15:30, Camper dùng điện đàm trên lưng duy nhất còn sót lại báo tin cho chỉ huy ở Ái Tử : “Chúng tôi đang rời khỏi Camp Caroll, chỉ huy ở đây đã quyết định đầu hàng. Cờ trắng đang được chuẩn bị treo lên”
Camper cùng Brown và 2 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đi theo lẻn ra phía Nam tiến về Mai Lộc cách đó khoảng 3,6km.
Camper gọi về Ái Tử :
“Tôi đang bị bắn chận ở vòng ngoài căn cứ”
Đại úy Amery phụ trách máy liên lạc ở Ái Tử
“Có một chiếc Chinook đang tiếp tế cho Mai Lộc, họ sẽ đến chổ anh”
Chiếc trực thăng Chinook mật danh Coachman 005lúc này đang tải đạn pháo 105mm cho Mai Lộc trên đường tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc đã không thả đạn xuống mà lập tức nhận lệnh và bay về hướng Bắc đón Camper cùng với 2 chiếc trực thăng vũ trang Cobra hộ tống. Lúc này, trung tá Đính cùng khoảng 600 binh sĩ đã đầu hàng quân Giải Phóng. Số binh sĩ còn lại do thiếu tá Tôn Thất Mãn dẫn đầu đã tìm cách bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt