Hộp quẹt – Bật lửa Zippo trong chiến tranh Việt Nam – Zippo lighter in Viet Nam war
Hộp quẹt Zippo – Bật lửa Zippo thông qua những hình ảnh, câu chữ, cảm xúc, … mà lính Mỹ khắc lên trên đó đã được xem là một trong những biểu tượng về chiến tranh Việt Nam
Bật lửa Zippo được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1933 bởi công ty Zippo Manufacturing. Kiểu dáng của loại bật lửa này chịu ảnh hưởng của một loại bật lửa của Áo và cái tên Zippo bắt nguồn từ “zipper” có nghĩa là khóa kéo. Bật lửa Zippo được ưa chuộng do độ đánh lửa rất nhạy, chỉ cần một động tác xoay bánh xe đánh lửa là bấc Zippo bắt tia lửa và hộp quẹt cháy ngay, ngoài ra, do dùng xăng nên ngay cả khi hộp quẹt bị thấm nước, chịu khó 1 chút, vẫn sẽ dùng bình thường. Ngoài ra, vì là bật lửa “chống gió”, nghĩa là vẫn cháy tốt trong gió và có thể giữ lửa ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Chính vì những ưu điểm trên, quân đội Mỹ đã dùng hộp quẹt đại trà trong thế chiến thứ 2 và đến chiến tranh Việt Nam, gần như quân đội Mỹ, người lính nào cũng có 1 chiếc hộp quẹt Zippo. Những người lính Mỹ ngoài việc dùng nó để hút thuốc, nắp bật có thể dùng để soi gương, họ còn trữ muối ở phần dưới bật lửa cho mỗi bữa ăn. Có binh sỹ đã từng thoát chết nhờ chiếc Zippo cản đạn.
Khi buồn chán, rảnh rỗi, muốn lưu kỷ niệm gì đó, … đặc biệt là sau những trận đánh, bị tổn thất, hoặc những cuộc hành quân liên tục, vất vả để truy tìm quân Giải Phóng mà chẳng thu được kết quả nào ngoài những thương vong do bị bắn tỉa, hầm chông, … lính Mỹ thường khắc lên hộp quẹt Zipp những dòng chữ, hình ảnh, … nói lên tâm trạng khi đó của họ
Trong trang phục chiến đấu của lính Mỹ, thường trên nón lính Mỹ sẽ có hộp thuốc lá, 1 lọ thuốc chống côn trùng, 1 hộp quẹt Zipp. Trong các cuộc càn quét Tìm và Diệt, lính Mỹ thường dùng hộp quẹt này bật lửa và đốt cháy các ngôi nhà tranh của dân chúng mà lính Mỹ cho là nơi chứa chấp quân Giải Phóng. Do đó nếu như máy bay B-52 được xem là biểu tượng của sự chết chóc thì hộp quẹt Zippo trong chiến tranh Việt Nam lại được xem là biểu tượng của sự phá nát cuộc sống của dân chúng Việt Nam
Năm 2012, tại nhà sàn đấu giá Cowan, nhà sưu tập là nghệ sĩ Bradford Edwards đã bán đấu giá bộ sưu tập của mình là 282 chiếc bật lửa Zippo của các binh sĩ Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, trên đó được khắc các dòng kỹ niệm, hình ảnh, tâm trạng, … của các binh sĩ này. Những chiếc hộp quẹt này được Bradford Edwards dày công sưu tập từ những năm 1990. Cuộc bán đấu giá đã mang lại số tiền lên đến trên 350.000 Usd và Bradford Edwards đã dùng số tiền trên vào công tác từ thiện