Việt Nam Cộng Hòa và Sài Gòn sụp đổ 30/4/1975 – The fall of South Vietnam – P10
Việt Nam Cộng Hòa và Sài Gòn sụp đổ 30/4/1975 – The fall of South Vietnam – P10
Ngày 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc quận Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức 10 cây số, lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Quân Giải Phóng sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Ngày 7 tháng 3, lực lượng thuộc tiểu khu Ban Mê Thuột bắt được một tù binh thuộc toán tiền thám của Sư đoàn 320 . Người tù binh này cũng khai tương tự tù binh thuộc sư đoàn F10 ở Đức Lập. Tuy nhiên, cả 2 nguồn tin tình báo này đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II “xếp hạng” là những nguồn tin quan trọng
Ngày 9 tháng 3, chi khu Đức Lập ở phía Nam thị xã Buôn Ma Thuột bị tấn công dữ dội. Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập bị thương. Tướng Phạm Văn Phú – Tư Lệnh Quân Đoàn II đã có hai quyết định quan trọng :
1. Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột là Tư lệnh phó sư đoàn 23 – đại tá Vũ Thế Quang tùy theo tình hình, nếu cần cho phá hủy cầu 14 trên đường Quảng Dưc-Ban Mê Thuọt để làm chậm sức tiến của chiến xa Quân Giải Phóng.
2. Tư lệnh mặt trận Kontum là Đại tá Phạm Duy Tất rút Liên đoàn 21 Biệt động quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Và Liên đoàn Biệt động quân này phải được đổ xuống Buôn Hô ngay chiều nay.
Tướng Phú cũng đích thân liên lạc với Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân ở Pleiku, để vận dụng tất cả trực thăng cho cuộc đổ quân được hoàn tất thật nhanh. Vì thế, đợt đổ quân đầu tiên của Liên đoàn 21 Biệt động quân xuống Buôn Hô đã được thực hiện ngay chiều ngày 9 tháng 3, 1975.
Trận Buôn Ma Thuột bắt đầu ngày 10 tháng 3 và kết thúc ngày 18 tháng 3 năm 1975. Sáng ngày 10 tháng 3, sư đoàn F10 với sự hỗ trợ của xe tăng và pháo đã tổ chức làm 3 mũi tấn công đánh trực diện vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mũi 1 đánh vào kho đạn nằm ở phía Bắc thị xã. Viên đại úy chỉ huy lực lượng phòng thủ ở kho đạn đã tử trận khi đang chỉ huy trận đánh. Đến trưa, kho đạn đã bị tràn ngập
Mũi 2 của Quân Giải Phóng tấn công vào phi trường Phụng Dực đang do trung đoàn 53 dưới quyền của trung tá Võ Ân phòng ngự và họ đã chận đứng được quân Giải Phóng
Mũi thứ 3 đã nhanh chóng chiếm được sân bay L-19 và nhanh chóng tiến vào thị xã . Mục tiêu của họ là Bộ Chỉ Huy chi khu Buôn Ma Thuột đã bị tấn công dữ dội. Một xe tăng T-54 bị bắn cháy bên ngoài chi khu. Đến trưa, trung tâm hành quân của chi khu bị trúng pháo kích và bị phá hủy. Viên chỉ huy chi khu và cũng là tỉnh trưởng là đại tá Nguyễn Công Luật đã phải chuyển đến bộ chỉ huy tăng phái của sư đoàn 23 . Lúc này, tình hình của lực lượng Địa Phương Quân đã rối loạn và mất chỉ huy . Quân Giải Phóng đã chuyển hướng tấn công sang bộ chỉ huy của sư đoàn 23 và liên tục tấn công vào nơi đây. Đã có 3 xe tăng T-54 của Quân Giải Phóng bị phá hủy khi đánh vào nơi này
Liên Đoàn Biệt Động Quân lúc này được lệnh rút từ Buôn Hồ về yểm trợ thị xã Buôn Ma Thuột. Đến trưa, họ mở cuộc tấn công giải vây nhưng các chốt chặn của quân Giải Phóng đã chặn đứng lực lượng Biệt Động Quân. Lực lượng Địa Phương Quân và các đơn vị thiết giáp ở Bu Prang cũng được yêu cầu về chi viện và cũng bị chặn đứng ở cây cầu cách thị xã Buôn Ma Thuột 18km về hướng Tây Nam
Căn cứ 93 phía nam Pleiku đang được đặt dưới quyền của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường – Tư lệnh mặt trận nam Pleiku cùng sân bay Cù Hanh ở Pleiku liên tục bị pháo kích để ngăn đường tiếp viện từ Pleiku tiến xuống Nam để tăng viện Buôn Ma Thuột
Tối ngày 10 tháng 3, Quân Giải Phóng được tăng cường thêm sư đoàn 316 và siết chặt thêm vòng vây của bộ chỉ huy sư đoàn 23. Cuộc tấn công diễn ra càng lúc càng thêm dữ dội. Vị Phó tư lệnh sư đoàn 23 là đại tá Vũ Thế Quang – chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột đã yêu cầu không yểm ở tầm gần. Không quân chiến thuật của VNCH đã oanh kích và phá huỷ nhiều xe tăng Bắc Việt.
7h45 sáng ngày 11 tháng 3, Đại tá Vũ Thế Quang gọi lên Trung tâm Hành quân Quân đoàn II cho biết tình hình vô cùng nguy ngập
8h sáng, Trung tâm Hành quân Quân đoàn II mất liên lạc với Ban Mê Thuột từ lúc đó. Đại tá Quang cùng 1 thiếu úy tùy viên và 1 binh sĩ VNCH sau đó cố gắng thoát về phía Nam nhưng bị quân Giải Phóng bắt làm tù binh
Ngày 13/3 , Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân từ vùng III Chiến Thuật được đưa Pleiku để tăng viện. Đơn vị này sẽ thay chổ cho trung đoàn 44 và 45 của sư đoàn 23. Hai trung đoàn 44 và 45 được lệnh mở đường về để cứu Ban Mê Thuột đang bị bao vây
Ngày 14/3 , trung đoàn 44 và 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 45 được trực thăng thả xuống thị trấn Phước An cách Ban Mê Thuột 36km về hướng Đông Bắc . Cuộc tiến quân rất chậm và không hiệu quả do phần đông các binh sĩ đều là người vùng Cao Nguyên đều rất lo lắng và tìm cách thoát về nhà để tìm người thân đang bị mắc kẹt . Ngày 18/3 , quân Giải Phóng tấn công lên Phước An và thị trấn này bị tràn ngập, các đơn vị thuộc trung đoàn 44 và 45 gần như đều tan rã
Sau cuộc họp với Hội đồng An Ninh Quốc gia tại Dinh Độc Lập ngày 13/3/1975 có sự tham dự của Trung tướng Ngô Quang Trưởng-Tư lệnh Quân đoàn 1- để bàn về kế hoạch tái phối trí lực lượng trong tình hình mới, sáng ngày 14 tháng 3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Thủ tướng TrầnThiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang,Phụ tá an ninh của Tổng thống đến Cam Ranh để họp với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 & Quân khu 2. Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú phải rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 tại hai tỉnh Pleiku và Kontum về khu vực duyên hải miền Trung (Phú Yên và Khánh Hòa) để tái phối trí lực lượng phản công chiếm lại Ban Mê Thuột. Đây được xem là sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của mặt trận Tây Nguyên và dẫn đến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ – Sài Gòn sụp đổ – The fall of South Vietnam,
Khi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hỏi nên rút quân theo trục lộ nào, Tướng Phú đã trình bày với Tổng thống Thiệu rằng các quốc lộ chính nối trong khu vực Cao nguyên đã bị Cộng quân cắt đứt,chỉ còn liên tỉnh lộ 7B. Đây là con đường đá từ Quốc lộ 14 rẽ ra phía nam cách thị xã Pleiku chừng 32 km, chạy theo hướng đông nam, xuyên qua Hậu Bổn về Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên). Kế hoạch chọn liên tỉnh lộ 7B đã không được sự đồng ý của Đại tướng Viên vì ông cho rằng đưa một quân đoàn di chuyển trên một đoạn đường dài hơn 250 cây số mà không rõ tình hình an ninh là một việc “quá sức liều lĩnh”, tuy nhiên cuối cùng Tướng Viên cũng không tìm ra được một con đường nào khác nên kế hoạch của tướng Phú đã được chấp thuận.
Trong cuộc họp, Tổng thống Thiệu căn dặn tướng Phú rằng lệnh triệt thoái là tối mật, từ cấp tỉnh trưởng/tiểu khutrưởng trở xuống không được biết, có nghĩa là các lực lượng Địa phương quân vẫn ở lại chiến đấu, vẫn tiếp tục làm việc với tỉnhtrưởng, quận trưởng. Chỉ có toàn bộ chủ lực quân gồm Bộ binh, Pháo binh, Thiết giáp, Công binh, Không quân là phải triệt thoái.
Xem từ đầu : Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ngày 30/4/1975 – Sài gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 – The fall of South Vietnam April 30th 1975 – P1
Xem lại : Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ngày 30/4/1975 – Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 – The fall of South Vietnam on April 30th 1975 – P9
Xem tiếp : Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ngày 30/4/1975 – Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975 – The fall of South Vietnam on April 30th 1975 – P11
Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ – Sài Gòn sụp đổ – The fall of South Vietnam,