Publisher Theme
I’m a gamer, always have been.

Chiến dịch Xuân Hè – Mùa hè đỏ lửa – Battle of An Lộc – Easter Offensive 1972 – P31

104

Các đợt ném bom từ máy bay B-52 đã yểm trợ mạnh mẽ cho quân đội VNCH trong Mùa hè đỏ lửa – chiến dịch Xuân Hè – Trận An Lộc – Battle of An Lộc – Easter Offensive 1972 

Ngày 12 tháng 5, quân Bắc Việt lại mở cuộc tấn công mới nhưng lần này yếu hơn nhiều và nhanh chóng bị chận đứng. Vài xe tăng Bắc Việt yểm trợ nhưng chỉ đứng từ xa bắn vào chứ không dám đến gần phòng tuyến An Lộc. Các bộ binh Bắc Việt cũng chỉ tấn công lác đác do thiếu xe tăng yểm trợ. Các máy bay yểm trợ chiến thuật cùng máy bay B-52 liên tục dội bom yểm trợ phòng tuyến An Lộc rất hiệu quả. Trận chiến kéo dài sang ngày 13 nhưng phía Bắc Việt vẫn không xuyên thủng An Lộc

Ngày 14 tháng 5, quân Bắc Việt lại mở cuộc tấn công lớn , lần này từ phía Tây và Tây. Tuy nhiên, cuộc tấn công nhanh chóng bị các đợt bom từ B-52 chặn đứng và quân Bắc Việt rút lui vào giữa trưa. Lợi dụng quân Bắc Việt rút lui, quân VNCH đã triển khai phản công và tái chiếm nhiều vị trí trong thị trấn An Lộc và qua đó mở rộng vòng vây

Đợt tấn công cuối này đã khiến quân Bắc Việt thiệt hại nặng, 40 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, nhiều đơn vị tham chiến bị tiêu diệt hoàn toàn. Vòng vây An Lộc tiếp tục được nới rộng, cường độ pháo kích của quân Bắc Việt vào thị trấn đã giảm nhiều. Quân Bắc Việt bắt đầu phân tán lực lượng nhằm ngăn chận sư đoàn 21 bộ binh VNCH đang dần tiến lên dọc theo QL 13 để phá vây An Lộc

An Lộc được giữ vững, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự đó là do sự chiến đấu kiên cường của các binh sĩ sư đoàn 5 bộ binh dưới quyền tướng Lê Văn Hưng, các binh sĩ địa phương quân dưới quyền của tỉnh trưởng là đại tá Trần Văn Nhật và trên hết là khả năng tác chiến cực cao của các binh sĩ thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và các binh sĩ Nhảy Dù. Tuy nhiên, điều khiến quân Bắc Việt thiệt hại nhiều nhất chính là do các đợt ném bom trải thảm của máy bay B-52. Các đợt ném bom chính xác khiến quân Bắc Việt bị thiệt hại rất nặng và khiến các đợt tấn công không được tiếp ứng và liên tục, nhiều xe tăng Bắc Việt bị trúng bom và lật tung, …

Giải tỏa phía Nam An Lộc

Ngày 12 tháng 4, một ngày sau khi An Lộc bị tấn công lần đầu tiên, sư đoàn 21 bộ binh đã di chuyển đến gần Lai Khê và đặt Bộ Chỉ Huy sư đoàn ở đây. Nhiệm vụ của sư đoàn là đảm bảo tuyến đường QL 13 thông suốt từ Lai Khê đến Chơn Thành. Chơn Thành là một thị trấn nằm cách An Lộc khoảng 30km về phía Nam. Ngay khi đơn vị đầu tiên của sư đoàn 21 là trung đoàn 32 di chuyển đến Chơn Thành, họ đã liên tục chạm súng ác liệt với các đơn vị Bắc Việt làm nhiệm vụ chốt chặn QL 13

Ngày 22 tháng 4, tuyến đường QL13 bị trung đoàn 101 độc lập Bắc Việt cắt đứt ở đoạn đường cách Lai Khê 15km về phía Bắc. Liên tục từ ngày 24 đến 27, sư đoàn 21 bộ binh đã mở nhiều cuộc tấn công nhằm đánh thông đường QL13 theo thế gọng kềm, trung đoàn 33 của sư đoàn 11 đánh từ phía Nam lên trong khi trung đoàn 32 đánh từ Chơn Thành ở phía Bắc ngược về. Ngày 27 tháng 4, trung đoàn 101 Bắc Việt buộc phải rút lui về phía Tây nhưng vẫn để lại 1 tiểu đoàn làm nhiệm vụ tử thủ. Sư đoàn 21 phải mất thêm 2 ngày cho đến ngày 29 mới đánh thông được đến Chơn Thành 

Sau khi đánh thông đường QL13 đến Chơn Thành, sư đoàn 21 đã cho trực thăng thả trung đoàn 31 xuống cách Chơn Thành 6km về phía Bắc, tại đây, trung đoàn 31 đã có 13 ngày đụng trận ác liệt với trung đoàn 165 thuộc sư đoàn 7 Bắc Việt. Trong suốt thời gian này, trung đoàn 165 bị thiệt hại nặng nề cả về do trung đoàn 31 VNCH lẫn do các trận ném bom từ máy bay B-52. Sư đoàn 7 đã buộc phải rút trung đoàn 209 từ An Lộc về để tăng viện cho trung đoàn 165. Đến giữa tháng 5, sư đoàn 21 đã đã đánh thông các vị trí chốt chặn của 2 trung đoàn Bắc Việt và tiến xa Chơn Thành thêm 8km về phía Bắc

Khi tiến về phía Bắc, sư đoàn 21 đã triển khai trung đoàn 32 ở thị xã Tàu Ô cách Chơn Thành 13km về phía Bắc, tại đây trung đoàn 32 đã gặp phải trung đoàn 209 thuộc sư đoàn 7 đang chốt chặn tại đây. Khu vực này đã được quân Bắc Việt đào hố sâu, giao thông hào và cài mìn dày đặc. Mỗi khu vực chốt chặn do một đại đội trấn giữ, vị trí phòng thủ được tổ chức theo hình móng ngựa, có các hầm chữ A tránh bom, có các giao thông hào đan xen, có các vị trí bắn chéo cánh sẻ yểm trợ nhau. Cứ mỗi 3 ngày các trung đội tác chiến sẽ được luân phiên thay thế. Mỗi vị trí chốt chặn sẽ được 2 vị trí chốt chặn gần đó yểm trợ theo hình thức tam giác “Kiềng 3 Chân”. Toàn bộ tuyến phòng thủ Bắc Việt ở khu vực Tàu Ô được tổ chức dọc theo đường rày xe lửa chạy song song Quốc Lộ 13. Khu vực phòng thủ này lấy khu vực đầm lầy của suối Tàu Ô làm trung tâm và bao phủ cả khu vực đồn điền cao su ở phía Tây

Trung đoàn 209 Bắc Việt được trang bị vũ trang mạnh mẽ bằng các khẩu súng tên lửa chống tăng vác vai B-40, B-41 với số lượng cực lớn, súng máy hạng nặng 12.7mm, súng không giật DKZ 75mm,.. đã chặn đứng khu vực Tàu Ô suốt 38 ngày liên tục, trung đoàn 32 VNCH đã không thể đánh thông khu vực này. Mặc dù không thể vượt qua khu vực Tàu Ô, sư đoàn 21 cũng đã cầm chân sư đoàn 7 Bắc Việt với 2 trung đoàn 165 và 209 ở phía Nam An Lộc

Để yểm trợ hỏa lựa cho An Lộc và sư đoàn 21, quân đoàn III VNCH đã cho lập căn cứ hỏa lực ở Tân Khai, cách An Lộc 10km về phía Nam và cách Tàu Ô 4km về phía Bắc. Căn cứ này được giao cho chiến đoàn 15 do trung đoàn 15 thuộc sư đoàn 9 bộ binh được đưa lên tăng viện từ Quân Đoàn IV và Thiết Đoàn 9 Thiết Giáp 

Ngày 20 tháng 5, trung đoàn 141 thuộc sư đoàn 7 Bắc Việt đã tấn công vào căn cứ hỏa lực ở Tân Khai, cuộc tấn công diễn ra suốt 3 ngày và lực lượng VNCH đã đánh bật mọi cuộc tấn công của Bắc Việt. Căn cứ hỏa lực này đã lôi kéo một phần lực lượng Bắc Việt khỏi An Lộc khiến vòng vây An Lộc được nhẹ bớt. Cùng với việc sư đoàn 21 bộ binh đã tiến đến Tàu Ô, QL 13 dù vẫn còn bị cắt đứt nhưng các binh sĩ phòng thủ An Lộc đã vững tâm chiến đấu hơn

Phá các chốt kháng cự

Những ngày cuối tháng 5, viện trợ từ các cuộc thả dù đã đều đặn hơn rất nhiều, quân phòng thủ VNCH và những người dân bị bao vây ở An Lộc đã nhận được khá đủ lương thực, thuốc men, vũ khí, … quân phòng thủ An Lộc đã nới lỏng được các vòng vây, khiến các đợt thả dù cũng dễ dàng hơn. Quân Bắc Việt do liên tục gặp thiệt hại nặng từ các cuộc tấn công và từ các đợt ném bom dữ dội của B-52 đã không còn lực để mở các cuộc tấn công lớn. Những ngày này chỉ còn các đợt chạm súng lẻ tẻ và các cuộc pháo kích vu vơ từ phía Bắc Việt

Mặc dù sư đoàn 21 bộ binh VNCH vẫn còn mắc kẹt ở phía Tàu Ô nhưng căn cứ Hỏa Lực ở thị xã Tân Khai đã giam chân nhiều đơn vị của Bắc Việt. Tổng thiệt hại của sư đoàn 5, sư đoàn 7, sư đoàn 9 Bắc Việt đã lên hơn 10.000 quân 

Xem lại từ đầu : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972  – P1

Xem lại  : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972  – P30

Xem tiếp  : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972  – P32

 

tag : Mùa hè đỏ lửa 1972chiến dịch Xuân Hè 192Trận An Lộc 1972Battle of An Lộc 1972Easter Offensive 1972

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.