Trận Hạ Lào 1971 – chiến dịch Lam Sơn 719 : sự thất bại của chỉ huy Việt Nam Cộng Hòa – P2
Trận Hạ Lào 1971 hay chiến dịch Lam Sơn 719 đánh dấu bước ngoặc to lớn khi quân Mỹ không còn tham chiến trên bộ mà chỉ yểm trợ hỏa lực từ trên không và tiếp tế, di tản thương binh
Trước trận Hạ Lào 1971, theo đánh giá, quân đội Bắc Việt có khoảng 10.000 người đóng tại khu vực Techpone của Lào, trong đó có khoảng 8.000 quân đội Bắc Việt chịu trách nhiệm chiến đấu, số còn lại là lực lượng vận tải, chưa kể lực lượng Pathet Lào, quân đội Giải Phóng Miền Nam, … Nhưng khi trận đánh diễn ra, quân Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện ra rằng trước đó, lực lượng quân đội Bắc Việt đã thành lập binh đoàn 70B với 3 sư đoàn 304, sư đoàn 308 và sư đoàn 320 với tổng quân số 45.000 người để chịu trách nhiệm phòng thủ khu vực. Lực lượng này còn được yểm trợ bởi lực lượng Pathet Lào, quân Giải Phóng Miền Nam, lực lượng pháo cao xạ 37mm, pháo cao xạ 57mm, pháo 130mm, xe tăng PT-76, xe tăng T-54,…. Do được bảo mật tối đa, áp dụng kỹ thuật ngụy trang tinh vi, quân Bắc Việt bố trí một trận địa pháo dày đặt từ cối 80, pháo tầm xa 130 ly, hỏa tiển 122 ly theo một chiến thuật mới mẻ, “phân tán pháo binh-tập trung hỏa lực” để khi muốn tấn công một căn cứ hỏa lực, nhiều vị trí pháo đổ xuống cùng một lúc, phía quân Việt Nam Cộng Hòa khó lòng chỉ định mục tiêu phản pháo.
Song song với trận địa pháo, quân Bắc Việt thiết lập một hệ thống phòng không chung quanh các bãi đáp, đường tiếp cận của phản lực khi yểm trợ, hoặc của trực thăng khi đáp xuống một căn cứ, ngoài đại liên phòng không 12ly7 thông thường, còn có những đại bác phòng không hạng trung và hạng nặng như pháo cao xạ 23 ly, pháo cao xạ 37 ly và cả pháo cao xạ 57 ly. Quan trọng hơn hết là chiến xa T54 lần đầu tiên được dùng vào chiến trường Miền Nam, loại chiến xa hạng nặng nầy vượt trội khả năng lẫn hỏa lực so với chiến xa M41 thường dùng của quân đội miền Nam, chỉ chiến xa M48 mới có khả năng đương cự tương đương.
Đối với T54, hỏa tiển chống chiến xa M72 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa không thể triệt hạ được mà phải dùng không quân yểm trợ hoặc dùng pháo 155mm hạ thấp nòng bắn trực diện mới phá hủy nổi xe tăng T-54
Với chuẩn bị chiến trường chu đáo, bảo mật tuyệt kỹ, quân số vượt trội, hỏa lực áp đảo, quân Bắc Việt bắt đầu trận đánh với chiến thuật tập trung tấn công từng cụm căn cứ hỏa lực theo hướng từ Bắc xuống Nam.
Diễn biến trận Hạ Lào 1971
Ngày 8 tháng 2 năm 1971, 12.000 quân Việt Nam Cộng Hòa biên chế thành 13 tiểu đoàn bộ binh và Nhảy Dù, 2 tiểu đoàn Biệt Động Quân bắt đầu tiến sang Lào. Ngay trong ngày đầu tiên, 6.200 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hiện diện trên đất Lào, quân Bắc Việt né tránh và không các trận chiến diễn ra ác liệt như dự đoán, tổn thất quân Việt Nam Cộng Hòa khá nhẹ, 3 chết , 28 bị thương và 3 mất tích. Trên không thì lực lượng phòng không Bắc Việt lại bắn rất ác liệt, trực thăng thực hiện 15 phi vụ để di chuyển quân đội và có 7 chiếc bị bắn hạ, 3 chiếc bị hư hỏng do tai nạn. Tuy nhiên diễn biến mọi thứ khá suông sẽ
Ngày 10 tháng 2, lữ đoàn 1 Thiết Kỵ do thời tiết cản trợ và đường xấu trước đó đến hôm nay mới bắt đầu tiến về hướng Bản Đông với tên gọi là căn cứ A Lưới lúc này đã được các tiểu đoàn Nhảy Dù thả xuống gần đó để thiết lập các căn cứ Hỏa Lực. Bản Đông cách biên giới khoảng 20km và khoảng nửa đường đến Tchepone
Ngày 11, quân Việt Nam Cộng Hòa đột nhiên dừng tiến quân, tổng chỉ huy chiến dịch của Việt Nam Cộng Hòa là trung tướng Hoàng Xuân Lãm cảm thấy cánh phía Nam tiến quân quá chậm làm cánh trung tâm bị hở sườn, ông muốn dừng lại để chờ bộ binh tiến lên. Đà tiến quân của cuộc hành quân Lam Sơn 719 vì thế bị dừng lại.
Đến nay, nhiều người vẫn đánh giá quyết định dừng tiến quân một phần do tướng Lãm là 1 sự nhút nhát vì mũi tiến quân này là 1 lực lượng đầy sức mạnh với 1 lữ đoàn thiết giáp và đã được Nhảy Dù và Biệt Động Quân che chắn phía Bắc. Ngày 12, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay đến gặp tướng Lãm. Ông yêu cầu tướng Lãm tiến quân thận trọng và nếu số tương vong vượt quá 3.000 binh sĩ thì hãy tạm ngưng để củng cố. Thiệu cũng lưu ý tướng Lãm về những tổn thất của lực lượng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến vì đây là lực lượng tổng trừ bị
Ngày 14 tháng 2, tổng chỉ huy quân đội Mỹ là tướng Creighton Abrams cảm thấy sốt ruột, ông đã trực tiếp bay đến gặp tướng Lãm để yêu cầu lực lượng thiết giáp tiến quân ngay để đánh chiếm Bản Đông và Tchepone lúc quân Bắc Việt chưa kịp tổ chức phòng ngự và phản công đồng thời đẩy nhanh sư đoàn 1 để che chắn sườn Nam. Tướng Abrams tin tưởng quân thiết kỵ có thể chiếm được Techepone trong vòng 3-5 ngày nhưng tướng Lãm vẫn quyết dừng quân
Việc ngưng tiến quân của tướng Lãm đã giành thời gian quý báu cho quân Bắc Việt, trong những ngày đầu của trận Hạ Lào 1971, phản ứng của quân đội Bắc Việt là khá yếu ớt do bộ tư lệnh quân Bắc Việt vẫn chưa chắc chắn hướng tiến quân và mục tiêu của quân Việt Nam Cộng Hòa, họ e rằng đây chỉ là đòn nghi binh để tấn công hướng khác nên chưa tập trung quân đội về quanh Tchepone. Sau khi xác định rõ hướng tấn công của Việt Nam Cộng Hòa, bộ chỉ huy binh đoàn 70 Bắc Việt đã điều động sư đoàn 308 đang đóng gần ngã 3 Biên Giới, tiến về tấn công các cụm căn cứ phía Bắc của Nhảy Dù và Biệt Động Quân. Lệnh cho sư đoàn 2 là sư đoàn mới từ Bắc vào tiến đánh chặn lực lượng trung tâm dọc đường 9. Sư đoàn 320 đánh các cánh quân sư đoàn 1 phía Nam còn sư đoàn 304 làm tổng trừ bị ở Tchepone
Tốc độ và thời gian là chìa khóa cho sự thành công của trận đường 9 Nam Lào nhưng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đánh mất nó. Khi tiến quân trở lại thì lúc này quân đội Việt Nam Cộng Hòa gặp những kháng cự rất mạnh, các mũi tiến quân liên tục đụng trận với sự lực lượng áp đảo của quân Giải Phóng về số quân, hỏa lực và các trận địa đã củng cố và phòng ngự chặt chẽ
Ngày 19 tháng 2, căn cứ tiền đồn Biệt Động Quân Bắc – Ranger North do tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân phòng thủ bị trung đoàn 102 thuộc sư đoàn 320 quân Bắc Việt tấn công. Các binh sĩ trung đoàn 102 Bắc Việt được pháo binh yểm trợ đã tấn công liên tục. Các trực thăng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa liên tục tiếp tế đạn dược và tải thương. Ngày 20 tháng 2, trong lúc tải thương, y tá Dennis Fujii bị kẹt ở lại căn cứ, không kịp lên trực thăng do trực thăng tải thương của quân đội Mỹ bị bắn quá rát phải vội vã cất cánh
Ngày 20 tháng 2, trực thăng tiếp tế lại đến để chi viện và bốc y tá Dennis Fujii nhưng lại bị trúng đạn và phải đáp xuống căn cứ Biệt Động Quân Nam – Ranger South. Ngày 21 tháng 2, quân Bắc Việt lại tổ chức tấn công. Tiểu đoàn 39 biệt động quân có 178 người chết, chỉ còn 107 người lành lặn và thương nhẹ, số còn lại bị thương nặng. Đến khuya ngày 21, tiểu đoàn 39 phải bỏ căn cứ, rút về căn cứ Biệt Động Quân Nam
Ngày 22, để giữ vững tinh thần tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, quân đội Mỹ đã tổ chức yểm trợ chiến thuật và cho 13 chiếc trực thăng tải thương được 112 binh sĩ và cả y tá Dennis Fujii khỏi căn cứ Biệt Động Quân Nam. Sau khi mất căn cứ Ranger North che chắn phía Bắc, căn cứ Ranger South liên tục bị pháo kích và tấn công và tiểu đoàn 21 cũng phải bỏ căn cứ và di tản về căn cứ Hỏa Lực 31
Xem lại : Trận Hạ Lào 1971 – chiến dịch Lam Sơn 719 : sự thất bại của chỉ huy Việt Nam Cộng Hòa – P1