Cách đánh máy bay pháo đài bay B-52 – Shot down B-52 stratofortress
Quyển “Cẩm nang bìa đỏ” có tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” là tài liệu hướng dẫn cách đánh máy bay ném bom hay còn gọi pháo đài bay B-52 trong chiến tranh Việt Nam – Shot down B-52 stratofortress
Máy bay ném bom B-52 hay pháo đài bay B-52 là loại vũ khí hủy diệt có sức công phá khủng khiếp. Binh chủng Phòng Không – Không Quân kết hợp kết quả phân tích của hãng sản xuất tên lửa SAM-2 Dvina Liên Xô tạo ra quyển Tài liệu “Cách đánh B-52” gồm 29 trang, được biên soạn khoa học, chi tiết, phân tích cụ thể về thủ đoạn và quy luật hoạt động của máy bay B-52, cách đánh của bộ đội tên lửa, những vấn đề chủ yếu và tổ chức chỉ huy bảo đảm chiến đấu và hướng dẫn cách đánh máy bay B-52. Tài liệu thể hiện trí tuệ cao của tập thê cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không – Không quân, là cơ sở để các cán bộ, trắc thủ dân chủ bàn bạc, thống nhất nhận thức, đánh giá đúng về máy bay chiến lược B-52 của Mỹ tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn về nhiễu điện tử và tìm ra cách đánh B-52 sao cho có hiệu quả cao nhất.
Máy bay B-52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Cấu tạo của máy bay B-52G và B-52H gồm 8 động cơ phản lực, sải cánh rộng 56,39m, chiều dài thân 49,05m, chiều cao 12,4m, trọng lượng 221,350kg, tổ bay gồm 6 người, tốc độ tôi đa 960km/h, hành trình 810km/h, độ cao lớn nhất 16.765m, độ cao thực tế 10.000 đến 13.000m, tầm bay xa nhất 12.070km đối với B-52G và 6.093km đối với B-52H. Vũ khí trang bị có 4 súng 12,71y (B-52G), 1 súng 201y (B-52H), trung bình có thể đem được 15 máy phát nhiễu, mang được từ 18 đến 30 tấn bom. Thường thì pháo đài bay B-52 khi tấn công thường lập đội hình 3 chiếc. Mỗi đợt ném bom như thế có sức hủy diệt toàn bộ trong phạm vi hình hộp với diện tích 1kmx2.5km. Với trung bình quả bom 250Kg thì có 130 quả bom trên 1km2. Quả này cách quả kia 80m. Sức nổ sẽ phá hủy mọi thứ. Máy bay B-52 thường bay cao ở độ cao 9.000 – 12.000m. Ở độ cao này, những người bên dưới mục tiêu thường không thể nhìn thấy hay nghe thấy tiếng máy bay mà chỉ phát hiện khi loạt bom đầu tiên phát nổ. Do tính bất ngờ nên rất khó phòng tránh và cũng rất khó thoát khỏi phạm vị oanh tạc ghê gớm của B-52
Tên lửa phòng không của quân Giải Phóng lúc này là tên lửa phòng không SAM-2, còn gọi là tên lửa phòng không S-75 Dvina, được quân đội Liên Xô trang bị từ năm 1957, đây là một trong những tên lửa phòng không lợi hại nhất lúc bấy giờ. Tên lửa có chiều dài 10,66m, đường kính 0,7m, nặng 2300Kg trong đó đầu nổ phân mảnh nặng 200Kg . Tầm bắn 45Km, độ cao 28.000m
Đầu năm 1965, chính phủ Hà Nội yêu cầu Liên Xô cung cấp vũ khí phòng không nhằm chống lại các đợt ném bom của không quân Mỹ và Liên Xô đã quyết định cung cấp cho Hà Nội loại tên lửa này và bắt đầu triển khai chung quanh Hà Nội vào ngày 5 tháng 4 năm 1965 và ngày 24 tháng 7 năm 1965, tên lửa SAM-2 đã lập công đầu tiên bằng cách bắn hạ 1 máy bay F-4 Phantom. Trước đây, các máy bay thường bay ở độ cao 4-5Km. Ở độ cao này, việc ném bom rất chính xác và cũng đủ vượt khỏi tầm bắn của các khẩu súng phòng không 12 ly 7 hoặc pháo cao xạ 37 ly. Nhưng sau khi máy bay F-4 bị SAM-2 bắn hạ, máy bay Mỹ buộc phải bay cao hơn để tránh tên lửa thì việc ném bom lại không chính xác, bay thấp hơn để tránh Radar tên lửa thì lại chạm vào lưới phòng không tầm thấp của pháo cao xạ
Cuối năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu sử dụng tên lửa chống Radar AGM-45 Shrike. Đây là tên lửa chống bức xạ có khả năng hướng thẳng theo tín hiệu radar của đối phương để phá hủy mục tiêu. Đồng thời, các máy bay của Mỹ bắt đầu trang bị các máy gây nhiễu và các thiết bị áp chế điện tử. Liên Xô cũng hỗ trợ quân Bắc Việt bằng cách cải tiến các dàn radar và gia tăng các biện pháp chống nhiễu. Cuối năm 1965, các tài liệu của quân đội Mỹ phá hủy 8 dàn tên lửa SAM-2 đổi lại, không quân Mỹ mất 13 máy bay
Ngày 19 tháng 7 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo cao xạ 234, Người nói: “…Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng…”.
Ngày 12 tháng 4 năm1966, Lần đầu tiên tấn công ra Bắc, Mỹ dùng 9 máy bay B-52 ném bom xuống khu vực đèo Mụ Giạ phía Tây tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho nhiệm vụ tìm biện pháp chống máy bay B-52 cho đại tá Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân : “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc, phải tìm cho được cách đánh B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không – Không quân. Các chú muôn bắt cọp thì phải vào hang cọp”.
Đại tá Đặng Tính đã đưa Trung đoàn tên lửa 238 đang làm nhiệm vụ bảo vệ cảng Hải Phòng vào đất lửa Vĩnh Linh nhằm thử nghiệm khả năng và cách đánh B-52. Ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 Trung đoàn tên lửa 238 đã bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 đầu tiên trên chiến trường Vĩnh Linh và với chiến công này, đơn vị được thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Các lần giáp chiến với B-52, tuy bị khá nhiều tổn thất, nhưng qua các trận đánh, các đơn vị tên lửa đã có được kinh nghiệm về nhận biết tín hiệu, khả năng, các thói quen, quy luật hoạt động, đường bay, .. B-52 trên màn hiện sóng qua bản vẽ, những quy luật hoạt động của máy bay chiến thuật trong điều kiện chưa có nhiễu điện tử lẫn bị nhiễu
Qua năm 1967, Mỹ càng đưa thêm quân vào Việt Nam và kèm theo đó là quy mô oanh kích của không quân ngày càng mạnh. Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã huỷ diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Từ các kinh nghiệm của trung đoàn tên lửa 238 ở Vĩnh Linh và đánh máy bay chiến thuật của không quân – hải quân địch ở Hà Nội, Hải Phòng, ngày 7 tháng 1 năm 1969, quân đội Việt Nam đã cho ra mắt tài liệu “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52” nhằm đúc kết kinh nghiệm và đưa ra các khả năng về cách bắn hạ máy bay B-52. Bên cạnh đó, bộ Tham mưu Binh còn cử các cán bộ kỹ thuật của Quân báo, Tác chiến, Huấn luyện, Khoa học quân sự, ..theo sát các đơn vị phòng không để phổ biến kinh nghiệm và đúc kết thêm các bài học khi đối phó máy bay B-52.
Trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, không quân Mỹ đưa các thiết bị gây nhiễu, áp chế điện tử rất mạnh để hỗ trợ máy bay ném bom. Đặc biệt là trong trận đánh An Lộc, trận đánh Kontum và trận đánh Thành Cổ Quảng Trị . Các đơn vị phòng không Không Quân gần như không hạ được máy bay Mỹ hay Không quân Việt nam Cộng Hòa nào. Bộ tư lệnh đã mời gấp các chuyên gia lẫn kỹ sư của nhà sản xuất tên lửa SAM-2 từ Liên Xô sang để cùng nghiên cứu. Dựa vào các thông số toán học, chuyên gia đã chứng minh có thể nhận biết được nhiễu B-52 trên màn hình hiện sóng trong điều kiện bị nhiễu điện tử dày đặc. Đó là, khi B-52 bay ở độ cao từ 8 đến 12km, cách đài điều khiển từ 32km trở ra, thì tâm cánh sóng rọi thẳng vào đài điều khiển và trên màn hiện sóng của đài sẽ bị nhiễu đậm đặc. Nhưng khi máy bay B-52 vào cách đài dưới 32km, thì tâm cánh sóng nhiễu sẽ trườn lên phía trên đài điều khiển, lúc đó ta sẽ nhìn được tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu và đó là thời cơ phóng tên lửa. Ngoài ra, bộ tư lệnh còn được báo cáo về mẫu Radar KX mà máy bay B-52 không gây nhiễu được đồng thời nâng cấp, cải tiến Radar K860 của Trung Quốc viện trợ có băng sóng 3cm mà Không Quân Mỹ chưa biết nên chưa có cách gây nhiễu
Tháng 10 năm 1972, tài liệu “Cách đánh B-52” có bìa màu đỏ ra đời. Trong đó có ghi nhiều kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu một cách khoa học. Cách thức hoạt động, đường bay, độ cao, cách gây nhiễu, …của máy bay B-52 lẫn cách bắn hạ máy bay B-52. Tài liệu có ghi :
- Tuy không quân Mỹ gây nhiễu dày đặc nhưng trong mớ hỗn loạn các loại tín hiệu nhiễu trên màn hiện sóng, B-52 không phải là hoàn toàn vô hình, nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu B-52 một cách gián tiếp: đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B-52. Tuy mục tiêu không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác nhưng cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất: bắn một loạt đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao, phương án bắn xác suất này được “cẩm nang” gọi là “phương án P”.
- Khi mục tiêu B-52 đi thẳng vào đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên, nhưng tín hiệu mục tiêu cũng sẽ tăng mạnh hơn, mục tiêu sẽ hiển thị rõ nét hơn, đây là thời cơ có thể bắn điều khiển tên lửa chính xác theo “phương án T”, khi đó chỉ cần bắn 1 đến 2 quả tên lửa là B-52 sẽ phải rơi tại chỗ.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, các tài liệu quân Mỹ cho thấy, quân Bắc Việt đã phóng tổng cộng 266 quả tên lửa SAM-2, bắn hạ 15 chiếc B-52 và làm hư hỏng nhiều chiếc khác. Chiến thuật chính của quân Giải Phóng là phóng hàng loạt tên lửa SAM-2 vào cùng 1 mục tiêu và làm vượt khả năng xử lý gây nhiễu và áp chế điện tử của máy bay. Kết quả của trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán tại Hiệp Định Paris năm 1973.
Tác giả có thể gửi cho tôi xin 1 bản scan hay 1 bản phô tô của sách này ko? Lưu lại để dạy cho con, cháu trong nhà thôi.
Xin cám ơn!