Publisher Theme
I’m a gamer, always have been.

Khi Đồng Minh Tháo Chạy – When the Allies ran away : Nguyễn Tiến Hưng – P31

72

Tài liệu nghiên cứu về chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam : “Khi đồng minh tháo chạy” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away ” book by Nguyen Tien Hung – Phần 31

Tin sét đánh

Ở mức quân viện như tài khóa 1972-73 là hai tỷ đô la một năm thì tới 1974-75, sau cú sốc dầu lửa, cũng chỉ còn mãi lực khoảng một tỷ hai, khó đủ phương tiện chống đối nếu có một cuộc tổng tấn công. Tới lúc Tổng Thống Nixon từ chức, ông bắt buộc phải ký thành luật một mức tối đa ngân sách quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa tài khóa 1974-75 là một tỷ. Tính về mãi lực sau lạm phát thì quả là ítỏi. Từ mức này, quân viện còn phải đi qua giai đoạn ‘’chuẩn chi’’ tại Quốc Hội nữa. Và từ lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa mong đợi từng giờ cho qua cái tình trạng bấtổn của chuẩn chi: Hết Ủy Ban này tới Ủy Ban khác, hết Hạ Viện tới Thượng Viện, tối ngày đe cắt viện trợ. Mỗi lần mang ra bàn cãi là lại có những luận điệu chỉ trích, bêu xấu chính phủ Miền Nam.

Cuối cùng thì mọi việc đã trở nên rõ ràng. Chỉ vài ngày sau khi Tống thống Ford viết bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 cho ông Thiệu (khuyên ông đừng có lo vì tuy thủ tục tại Quốc Hội rườm rà, nhưng ‘’sau cùng sẽ được đầy đủ cả về quân viện lẫn kinh viện’’) Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt từ ‘’mức chấp thuận’’ là một tỷ xuống còn 700 triệu. Đó là ‘’mức chuẩn chi’’. Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng Tham Mưu, vì nó thực sự phản ảnh một chiều hướng không thể đảo ngược được nữa về quân viện. Quốc Hội hình như đã ly dị với tân lang Tổng Thống trước khi tuần trăng mật bắt đầu. Niềm hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của ông Ford đã tan biến như mây khói.

Ngoài chiến trường thì ở Vùng I, từ cuối Hè, hai sư đoàn chính quy của Bắc Việt(sư đoàn 304 và sư đoàn 2) đã hoạt động ở vùng đồi núi hai Quận Đức Dục và Thường Đức phía Tây Nam Đà Nẵng. Tháng Chín, sư đoàn 324 lại tăng viện, chiếm trọn Quận Lỵ Thường Đức, và vùng đồi núi cao phía Nam Thừa Thiên, phi trường Phú Bài khó có thể sử dụng để tiếp liệu cho Huế. Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Đoàn 1 với sự tăng cường của Biệt Động Quân, phản công để lấy lại đất đai bị chiếm. Tuy nhiên, bao nhiêu kho đạn dự trữ tại Vùng 1 bắt đầu vơi và số binh s ĩ tử thương bỗng nhiên vụt tăng: Mùa Hè năm đó đã hiến thành một mùa Hè đỏ lửa thứ hai, trước một mùa Đông-Xuân đầy sôi động.

Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt gần cạn. Theo dự tính của Bộ Tổng Tham Mưu: Dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày. Đại Tướng Cao Văn Viên kết luận rằng nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì: ‘’số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng Sáu 1975, nếu không nhận được thêm viện trợ’’. Trong thực tế, Miền Nam đã không nhận được thêm viện trợ. Và nội trong tháng 4.1975, Quốc Hội đã biểu quyết bác đi hết: Một đồng cũng không cho thêm . Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: Nếu như không có biến cố 30.4.1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ lấy gì mà chiến đấu?

Đã đến lúc phải giải ngũ?

Mặt quân viện đã nát, mặt kinh viện càng thêm nát. Nhóm ‘’Indochina Resource Center’’ (Trung tâm tài nguyên Đông Dương) là một tổ chức phản chiến dẫn đầu chiến dịch cắt viện trợ cho Miền Nam. Họ hoạt động rất hữu hiệu, đi gặp từng Phụ Tá, từng Thơ Ký của các Nghị Sĩ, Dân Biểu, tham dự và theo dõi cuộc họp của tất cả các Ủy Ban liên hệ, từ Hạ Viện tới Thượng Viện. Và họ đã thành công.

Thoạt tiên Quốc Hội bắt thay đổi ngân khoản viện trợ trong chương trình ‘’Thực phẩm phụng sự hòa bình’’ (Food For Peace hay PL 480) từ ‘’cho không’’ sang ‘’cho vay’’. Từ nay, số gạo viện trợ hàng năm sẽ hết là cho không mà phải hoàn lại như những món nợ. Tuy nhiên, vì là nợ dài hạn nên ngay lúc đó trở ngại này có tác động về tinh thần hơn là thực chất.

Tới bước thứ hai mới nguy. Vào đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ đi tới việc cấm cả dùng viện trợ để tài trợ ngân sách Quốc Phòng. Vài tháng sau thì tin đồn thành sự thực. Trước kia, 75% sự thiếu hụt ngân sách là do tài trợ bằng tiền của Quỹ đối giá (Counterpart Fund). Quỹ đối giá là một ngân khoản thu được khi tiền Viện Trợ Nhập Cảng (CIP) được đổi ra bạc Việt Nam. Thí dụ, một thương gia muốn nhập cảng bông gòn phải đem tiền Việt Nam đến ngân hàng xin mua Mỹ kim mở tín dụng thư. Số tiền này được đưa vào Quỹ đối giá. Đến nay, không những viện trợ đã bị giảm, mà Quỹ đối giá lại không còn được dùng để chi tiêu cho Quốc Phòng nữa.

Khi cơ quan USAID cho biết tin này, khối Kinh Tế-Tài Chính vô cùng bối rối, nhưng mọi người đồng ý sẽ không phổ biến. Chính phủ phải nhờ đến các viên chức USAID có nhiều thiện cảm để giúp chuẩn bị áp dụng một cách lỏng lẻo và linh động khi luật này có hiệu lực, như một số tiệm buôn có thể phải giữ hai hay ba sổ sách khác nhau (một sổ cho sở thuế, một cho công ty và một cho cá nhân mình). Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi tìm cách đi vòng và kết luận là sẽ làm ba ngân sách: Ngân sách quốc phòng, Ngân sách kinh tế, và Ngân sách nhân đạo:

  • Ngân sách quốc phòng sẽ do thuế nội địa tài trợ.
  • Ngân sách kinh tế do cả Quỹ đối giá và viện trợ thực phẩm lẫn các nguồn đi vay khác tài trợ.
  • Ngân sách nhân đạo, căn bản là giúp đồng bào tỵ nạn (được ông Kennedy ủng hộ) sẽ do viện trợ nhân đạo của Mỹ tài trợ.

Chúng tôi biết mánh lới này cũng không bền vì trung tâm phản chiến kia sẽ phát giác và tìm cách chặn. Vả lại họ cũng dễ thành công vì sẽ nói ‘’tiền trong kho, khó mà phân biệt được nó đến từ đâu’’.

Tại Washington hồi 3:30 giờ chiều ngày 13 tháng Năm, khi tôi gặp ông Nooter (chứ không phải Nutter), một quan chức cao cấp ở USAID đặc trách về Việt Nam, ông lưu ý ngay là:

‘’Rất nguy hiểm! Nếu theo đúng luật thì từ 31 tháng 12.1974, Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá viện trợ nhập cảng để tài trợ bộ Quốc phòng’’.

Nói trắng ra là không được dùng tiền từ Quỹ đối giá để trả lương cho Quân Đội nữa. Quân số Cộng Hòa lúc đó là một triệu hai. Trong tình cảnh này, kể từ đầu 1975, cơ quan USAID đã nhắm mắt làm ngơ để Sài Gòn không thi hành những giới hạn về kinh viện, tức là cứ tiếp tục lấy tiền ở Quỹ đối giá để tài trợ Ngân Sách Quốc Phòng. Nhưng như thế được bao nhiêu lâu? Chắc cũng chỉ dăm bảy tháng là bị bại lộ!

Ngoài ra ông Nooter còn lưu ý là có thể phải cần tới một luật sư để biện hộ (cũng chỉ là tạm thời) cho Việt Nam Cộng Hòa trong trường hợp bị nhóm phản chiến phát giác và công kích. Chưa xong, khi chúng tôi về tới Sài Gòn, Tướng Murray lại cho biết thêm: Sau quyết định trên, Quốc Hội còn đi thêm bước nữa: Từ ngày 31 tháng 12.1974, Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá của viện trợ nhập cảng dể trả lương cho Cảnh Sát nữa.

Lực Lượng Cảnh Sát lúc đó là 120.000 người.

Khi về hưu, Tướng Murray bình luận về vụ này trong Phúc Trình của ông: ‘’Quốc Hội thì cấm Cơ Quan Viện Trợ USAID tài trợ cho Lực Lượng Cảnh Sát, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng thì cấm luôn cả chúng tôi (Cơ Quan Quốc Phòng DAO) tài trợ cho họ’’. .

Phải báo cáo những tin tức bi đát này cho Tổng Thống Thiệu là một trong những công việc khó khăn nhất đối với cá nhân chúng tôi trong quá trình làm việc với ông.

Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa. Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: Từ năm 1976 Việt Nam Cộng Hòa sẽ lấy tiền đâu trả lương cho Quân Đội và Cảnh Sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ ?. Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam Nam rồi vậy.

Hết Phần 31 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng“When the Allies ran away” book by Nguyen Tien Hung

Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1

Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P30

Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P32

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.