Chiến dịch rải chất độc hóa học da cam diệt cỏ – Operation Ranch Hand
Chiến dịch rải chất độc hóa học hay còn gọi là chất diệt cỏ, chất khai quang, chất làm trụi lá cây , chất độc màu da cam của Quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – Operation Ranch Hand in Vietnam war
Chiến dịch Operation Ranch Hand kéo dài từ năm 1962 đến năm 1971 đã phun khoảng 76.000m3 thuốc diệt cỏ và thuốc làm rụng lá cây ở các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam trong nỗ lực nhằm hủy hoại nguồn cung cấp thực phẩm và các vùng rừng núi là nơi quân Giải Phóng làm nơi trú ẩn. Các khu vực khác của Lào và Campuchia cũng bị phun thuốc này nhưng với nồng độ thấp hơn
Theo đánh giá, trong suốt 10 năm của chiến dịch phun thuốc diệt cỏ hoặc rụng lá cây nằm trong chiến dịch Ranch Hand, đã có khoảng 20.000km2 rừng ở Việt Nam đã bị rải chất khai quang với khoảng 2.000km2 rừng bị tàn phá nặng nề hoặc bị hủy diệt hoàn toàn và khoảng 20% diện tích rừng ở Việt Nam bị rải chất khai quang ít nhất một lần
Thuốc diệt cỏ hay thuốc làm rụng lá cây được dùng trong chiến dịch Operation Ranch Hand cao hơn gấp 50 lần so với tỉ lệ dùng trong nông nghiệp và phần lớn thuốc này chứa nhóm TDCC có công thức hóa học là 2,3,7,8-TC DD – 2,3,7,8 Tetrachlorodibenzo-p-dioxin hay còn gọi là Dioxin là độc nhất
Chất độc da cam hay Chất độc màu da cam thực ra là một chất lỏng trong suốt, nó còn được gọi là “chất da cam” – Agent Orange vì những thùng phuy dùng để vận chuyển nó được vẽ các sọc có màu da cam. Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các chất diệt cỏ được dùng trong thời kỳ này: “chất xanh” (Agent Blue, cacodylic acid), “chất trắng” (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), “chất tím” (Agent Purple) và “chất hồng” (Agent Pink) và chất độc da cam có chứa chất độc dioxin, nguyên nhân của nhiều bệnh như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người Việt lẫn các cựu quân nhân Hoa Kỳ.
Trong chiến dịch Pink Rose – Operation Pink Rose vào tháng năm 1967 ở khu vực Tây Ninh và An Lộc, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay C-123 Provider phun chất làm rụng lá cây 2 lần và chất làm khô 1 lần. Sau đó dùng 10 tốp máy bay B-52, mỗi tốp 3 chiếc mang 42 quả bom chùm M-35 và ném vào khu vực , những quả bom này phát nổ sẽ gây cháy khủng khiếp, đốt trụi và phá hủy mọi thứ kể cả những công sự ngầm của quân Giải Phóng
Với mức độ dùng là 35 lít / 10.000m2, Các dấu hiệu về lá cây sẽ xuất hiện chỉ vài ngày ở khu vực bị rải thuốc, và trong 2 tuần sau đó, lá sẽ chuyển sang vàng úa và bắt đầu rụng. Trong 2-4 tháng sau, toàn bộ khu vực sẽ trở nên hoàn toàn cằn cõi và trụi lá. Tuy nhiên quân đội Mỹ đã dùng với liều lượng đến 60 lít / 10.000m2 để đẩy nhanh tốc độ phá hủy cây cối
Đầu tháng 11 năm 1961, bộ chỉ huy Không Quân Mỹ đã cấp 6 chiếc máy bay C-123 Provider để bắt đầu tiến hành chiến dịch phun chất khai quang với tên gọi là Operation Ranch Hand, các phi hành đoàn và chuyên viên được đào tạo tại Phi Đội 4400 – 4400th Combat Crew Training Squadron. 3 máy bay đầu tiên đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 7 tháng 1 năm 1962. Ngày 10 tháng 1 đã tiến hành chuyến phun thử đầu tiên và ngày 13 tháng 1 đã tiến hành nhiệm vụ chính thức đầu tiên
Tháng 12 năm 1963, chiến dịch Operation Ranch Hand bắt đầu tiến hành thử nghiệm các chuyến bay rải thuốc vào ban đêm nhằm tránh hỏa lực phòng không của quân Giải Phóng
Tháng 7 năm 1964, Ranch Hand được giao cho phi đội biệt kích số 309 thuộc nhóm vận tải 315 – 309th Air Commando Squadron, 315th Troop Carrier Group. Tháng 12 năm 1965, Ranch Hand được chuyển từ Tân Sơn Nhất đến sân bay Biên Hòa và phạm vi hoạt động được mở rộng đến tận Lào. Tháng 5 năm 1966, số lượng máy bay C-123 được tăng thêm 11 chiếc để làm nhiệm vụ rải chất độc
Tháng 6 năm 1966 đã ghi nhận máy bay của chiến dịch Operation Ranch Hand bị bắn hạ lần đầu tiên ở Quảng Trị nhưng 3 người thuộc phi hành đoàn đã được trực thăng cứu thoát. Ngày 15 tháng 10 năm 1966, Ranch Hand trở thành phi đội biệt kích số 12
Trong năm 1967, chiến dịch Ranch Hand tiến hành 18-27 phi vụ mỗi ngày với 3-4 máy cho mỗi nhiệm vụ. Mỗi máy bay mang thùng phi chứ 3.785 lít chất độc được nối với vòi phun dưới cánh và đuôi. Máy bay bay chậm và thấp nhất có thể, mỗi máy bay phun ra làn hơi chiều ngang hơn 8m và dài đến gần 20km. Mỗi máy bay có phi hành đoàn 3-4 người và 1 người Việt Nam làm nhiệm vụ quan sát
Ngày 1 tháng 8 năn 1968, Ranch Hand được đổi tên thành phi đội đặc biệt số 12 – 12th special Operations Squadron (12 SOS) và từ tháng 2 năm 1969 đã chuyển từ sân bay Biên Hòa đến Phan Rang và đến tháng 5, Ranch Hand bắt đầu nhận những chiếc máy bay UC-123K được trang bị thêm 2 động cơ phụ làm nhiệm vụ phun thuốc
Năm 1969, Operation Ranch Hand áp dụng chiến thuật mới với việc sử dụng thêm máy bay A-1 Skyraiders làm nhiệm vụ hộ tống và máy bay F-4 lãnh nhiệm vụ tấn công sau khi tiến hành phun thuốc. Chiến thuật này đã làm giảm sự thiệt hại do máy bay phun thuốc bị bắn từ dưới đất. Trung bình mỗi tháng trong tháng 9, Ranch Hand tiến hành 400 phi vụ mỗi tháng và giảm dần chỉ còn 43 phi vụ mỗi tháng trong năm 1970
Ngày 7 tháng 1 năm 1971, chiến dịch phun thuốc làm rụng lá cây Operation Ranch Hand tiến hành phi vụ cuối cùng và chính thức giải tán vào tháng 2
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, tổng thống Mỹ Gerald Ford ra sắc lệnh số 11850 chối bỏ việc sử dụng chất khai quang ở Việt Nam ngoại trừ việc sử dụng để diệt cây cỏ chung quanh các căn cứ quân đội Mỹ
Chiến dịch Operation Ranch Hand không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, con người ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam do các binh sĩ này không được thông báo rõ ràng về tác động của hóa chất Dioxin. Do đó, họ sử dụng các thùng chứa hóa chất làm đồ đựng rác, chất thải, làm gia cố công sự phòng thủ, … và từ đó nhiễm chất độc Dioxin
Các tranh cãi về hậu quả của chất độc da cam vẫn kéo dài hơn 40 năm, tháng 6 năm 2011, đã nổ ra cuộc tranh luận về việc liệu có xem xét cho các cựu chiến binh Mỹ phục vụ trên các tàu chiến ngoài khơi biển Việt Nam được hưởng các chế độ liên quan đến chất độc da cam như các cựu binh phục vụ trên đất liền
Tiến sĩ James Clary, một nhà khoa học từng phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ, người đã thiết kế các thùng chứa thuốc khai quang đặt trên trực thăng, và cũng là người viết báo cáo tổng kết về Chiến dịch Operation Ranch Hand cho biết :
“Khi chúng tôi (các nhà khoa học quân sự) tiến hành chương trình về thuốc diệt cỏ trong những năm 1960, chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng hủy hoại của thuốc diệt cỏ đã nhiễm dioxin. Thậm chí chúng tôi còn được cảnh báo rằng thuốc diệt cỏ theo công thức “quân đội” có nồng độ dioxin cao hơn các loại thuốc diệt cỏ “dân sự” vì giá thành thấp và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì sản phẩm được sử dụng vào “đối phương” nên không ai trong chúng tôi tỏ ra quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ hình dung ra cảnh binh lính của mình cũng sẽ bị nhiễm độc. Và, nếu xảy ra tình huống này, chúng tôi mong chính phủ của chúng ta sẽ trợ giúp các cựu chiến binh bị phơi nhiễm.”
Dù đến nay vẫn luôn chối bỏ nhưng đến nay ở Việt Nam vẫn còn hàng triệu nạn nhân đang chịu sự dày vò của chất độc da cam, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị tật với bao cuộc đời bất hạnh. Như các cựu binh lính Mỹ đang là nạn nhân của chất độc da cam đã viết : “we was killed in Viet Nam, I just haven’t died yet” – “Tôi đã bị giết trong chiến tranh Việt Nam nhưng đến giờ vẫn chưa chết được”
Theo công bố của một nhóm tác giả trên tạp chí Nature thì có thể nói chiến dịch phun chất độc hóa học ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới. Trong thời gian 10 năm đó, quân đội Mỹ và quân đội Nam Việt Nam đã rải 76,9 triệu lít hóa chất xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là chất độc da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím. Tổng lượng Dioxin vào khoảng 370Kg. Cần lưu ý rằng một nghiên cứu năm 2002 của trường đại học Colombia đã tính rằng chỉ 80 gram Dioxin pha vào nước uống sẽ giết sạch người dân của cả 1 thành phố với 8 triệu dân.
Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân Việt Nam đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.