Phim The Viet Nam War 2017 – Bộ phim chiến tranh Việt Nam
Phim The Viet Nam War 2017 là bộ phim chiến tranh Việt Nam nhiều tập do 2 đạo diễn Ken Burns và Lynn Novicks thực hiện và khởi chiếu vào năm 2017
Đây là bộ phim theo kiểu sử thi truyền hình, có tính trung lập cao và cố gắng thể hiện tối đa tính trung thực của lịch sử. Bộ phim cũng phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử, các cựu binh của cả 2 phía. Điều này khác các bộ phim về chiến tranh Việt Nam khác như Áo giáp sắt – The Metal Jacket, Chuột địa đạo – Tunnel Rat, … đều đề cao tính cách Mỹ là trên hết và mang nhiều tính hư cấu
Có thể nói Phim The Viet Nam War – Cuộc chiến Việt Nam là một trong những dự án tham vọng nhất của Ken Burns và Novick. Bộ phim có độ dài 18 giờ chia làm 10 tập, được thực hiện trong thời gian dài 10 năm với kinh phí 30 triệu Đô-la Mỹ. Bộ phim đã sử dụng kho dữ liệu cực lớn với 25.000 bức ảnh, hơn 15.000 giờ phim tư liệu, phỏng vấn 79 nhân chứng là lính Mỹ, miền Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, giải phóng quân, gia đình tử sĩ Mỹ, liệt sĩ Việt Nam, thanh niên xung phong, người tị nạn, nhà hoạt động phản chiến, … của cả 2 bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa.
Trent Reznor, nhạc sĩ từng đạt tượng vàng Oscar cho phần âm thanh của phim “Mạng xã hội” chịu trách nhiệm sản xuất âm thanh. 120 tác phẩm nổi tiếng của Bob Dylan, The Beatles và rất nhiều tên tuổi khác cũng được cấp quyền sử dụng để tái tạo không khí những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Kịch bản của Phim The Viet Nam War được viết bởi Geoffrey Ward do Peter Coyote dẫn chuyện.
Do tính chất nhạy cảm của đề tài này ở Việt Nam, Thomas Vallely, một cựu binh Mỹ, người có đóng góp lớn vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đã phải lên tiếng để Bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Việt Nam đồng ý ngầm cho Novick phỏng vấn và quay phim. Đội ngũ cố vấn cũng tập hợp các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam như nhà sử học Fredrik Logevall từ Đại học Harvard, hay nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc.”
Các phần chính trong Phim The Viet Nam War
Tập 1: “Déjà Vu” (1858 – 1961)
Sau một thế kỷ đô hộ của người Pháp, Việt Nam giành được độc lập nhưng bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc.
Tập 2: “Riding the Tiger” (1961 – 1963)
Khi các cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản ngày càng trở nên mạnh mẽ, Tổng thống Kennedy phải vật lộn với sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Tập 3: “The River Styx” (1/1964 – 12/1965)
Với việc Nam Việt Nam bên bờ sụp đổ, Tổng thống Johnson bắt đầu ném bom miền Bắc và gửi quân Mỹ tới miền Nam.
Tập 4: “Resolve” (1/1966 – 6/1967)
Binh lính Mỹ tham chiến phát hiện ra rằng Việt Nam không giống với các cuộc chiến tranh của cha ông họ và đây là cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa, trong khi phong trào phản chiến ngày càng lớn mạnh.
Tập 5: “This Is What We Do” (7/1967 – 12/1967)
Johnson leo thang chiến tranh trong khi hứa hẹn với công chúng Mỹ rằng chiến thắng đang trong tầm tay.
Tập 6: “Things Fall Apart” (1/1968 – 7/1968)
Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 làm nước Mỹ choáng váng, các cuộc ám sát và nổi loạn, nước Mỹ dường như đang tan vỡ.
Tập 7: “The Veneer of Civilization” (6/1968 – 5/1969)
Sau khi bạo loạn làm Đại hội Đảng Dân chủ rối loạn, Richard Nixon hứa hẹn hòa bình và thắng cử Tổng thống một cách sít sao.
Tập 8: “The History of the World” (4/1969 – 5/1970)
Nixon hứa sẽ rút lính Mỹ khỏi Việt Nam nhưng sau đó ông đưa quân vào Campuchia, phong trào phản chiến lại bùng phát dữ dội trở lại.
Tập 9: “A Disrespectful Loyalty” (5/1970 – 3/1973)
Kissinger và Lê Đức Thọ ký hiệp định Paris 1973 đưa Nam Việt Nam vào thế một mình chiến đấu. Các tù nhân chiến tranh người Mỹ trở về nhà.
Tập 10: “The Weight of Memory” (3/1973 về sau)
Sài Gòn thất thủ và chiến tranh kết thúc. Người Mỹ và người Việt Nam ở tất cả các bên tìm kiếm sự hòa giải.
Điều đáng tiếc là Phim The Viet Nam War 2017 – Cuộc chiến Việt Nam đến nay vẫn không được trình chiếu chính thức ở Việt Nam. Tại buổi họp báo thường kỳ hôm 21/9, phóng viên AFP đã đặt câu hỏi rằng chính phủ Việt Nam đánh giá như thế nào về bộ phim The Viet Nam War và những phản ánh trong bộ phim có thực sự khách quan hay không, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao – bà Lê Thị Thu Hằng nói:
“Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước”.
Phóng viên này cũng hỏi liệu bà Hằng đã xem bộ phim tài liệu hay chưa và mô tả những người làm phim cho rằng bộ phim của họ “phản ánh khách quan” về cuộc chiến này.
Bà Hằng nói rằng “Cá nhân tôi mong muốn nhân dân Mỹ và các nhà làm Phim The Viet Nam War 2017 hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng như thiện chí của Việt Nam.”
Bà Hằng cũng không đưa ra bình luận gì về nội dung chi tiết trong bộ phim tài liệu mà chỉ khẳng định sự cải thiện trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sau chiến tranh.
Trên mạng xã hội, bộ phim cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người đánh giá bộ phim rất khách quan, phản ánh được tính chất chân thực của lịch sử. Có người lại cho rằng bộ phim không được mô tả nhiều như bộ phim “Chiến tranh Việt Nam 10.000 ngày”, …