Xe thiết giáp M-113 trong chiến tranh Việt Nam
Xe thiết giáp M-113 – xe bọc thép M-113 còn được gọi là thiết vận xa M-113 là loại xe chở quân chủ yếu và là công cụ phục vụ cho thiết thuật Thiết Xa Vận của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam
Xe thiết giáp M-113 là loại xe chở quân APC ứng dụng nhôm làm giáp bọc. Tuy để cùng khả năng chống đạn như lớp giáp bằng thép thì giáp bằng nhôm phải có độ gấp 3 lần giáp bằng thép nhưng nhôm được cho là có tính liên kết cao hơn thép ở cùng một trọng lượng nên nhiều vật nối, giằng, cột bên trong xe có thể được bỏ, do đó tăng được không gian trong xe để chở được nhiều binh sĩ hơn đồng thời giảm trọng lượng xe, thời gian chế tạo, …
Trong chiến tranh Việt Nam, các nhà quân sự Mỹ cho rằng, địa hình khu vực Nam Việt Nam với Vùng I Chiến Thuật và vùng II Chiến Thuật chủ yếu là khu vực núi cao, còn vùng III Chiến Thuật là khu vực sông ngòi, đầm lầy, … chỉ có Vùng III Chiến Thuật là tương đội bằng phẳng. Nhưng hệ thống đường xá của Việt Nam quá yếu, không thích hợp cho phương tiện xe tăng. Trong khi đó, xe M-113 có trọng lượng khá nhẹ, có thể di chuyển dễ dàng trên đường xá Việt Nam và còn có thể bơi trên hệ thống kênh rạch ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Xe có thể chở được 1 tiểu đội 10-12 binh sĩ với đầy đủ vũ trang. Hỏa lực xe cũng khá mạnh với súng đại liên 12 ly 7 hoặc các súng máy 7.62mm, súng phun lửa, … ngoài ra, các binh sĩ bên trong có thể chiến đấu thông qua lỗ châu mai trên thân xe. Lớp thép nhôm có thể chống lại các đạn súng trường thông thường, mảnh pháo, mìn hạng nhẹ, ….
Ngày 30 tháng 2 năm 1962, 32 chiếc thiết vận xa M-113 được chuyển giao cho các đơn vị chiến đấu ở Việt Nam và 2 đại đội xe thiết giáp M-113 được trang bị cho sư đoàn 7 và sư đoàn 21 bộ binh để đảm bảo con đường lưu thông từ Sài Gòn đi Miền Tây. Thời gian đầu tham chiến, M-113 chứng tỏ là một loại thiết giáp đa năng, có thể sử dụng hầu như trên mọi địa hình trong toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, từ rừng núi cao nguyên đến đồng bằng sông ngòi chằng chịt. Với lớp giáp khá dày, tốc độ nhanh, công suất lớn và đặc biệt với khả năng lội nước rất nhanh, M-113 đã gây rất nhiều khó khăn cho Quân Giải phóng. Lực lượng Quân Giải phóng hầu như không có vũ khí chống tăng hoặc quá thô sơ, hoàn toàn không có kinh nghiệm chống thiết giáp. Tâm lý e ngại phải đối đầu với loại xe chiến đấu này bởi sự lợi hại, cơ động nhanh, đi được ở dưới nước, thời gian đầu giao chiến không phải là không phổ biến. Từ các kinh nghiệm qua các trận đánh, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã biến M-113 dần trở thành xe chiến đấu bộ binh hơn là một xe APC thuần túy. Ngoài ra, xe thiết giáp M-113 còn được thiết kế và nâng cấp nhiều lần để có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau như chở quân, chở pháo cối, mang súng phun lửa, …
Trong trận Ấp Bắc, xe thiết giáp M-113 lộ điểm yếu là vị trí xa trưởng / xạ thủ đại liên 12.7mm không được che chắn và kết quả là có đến 14 xa trưởng / xạ thủ súng máy bị chết do bị bắn tỉa. Sau đó, xe M-113 được nâng cấp và việc trang bị dần trở nên chuẩn hóa vào năm 1966 với gói nâng cấp “A” bao gồm giáp chắn đạn cho khẩu.50 cal, giáp che 360 độ cho vị trí của xa trưởng và 2 súng máy M60 bên sườn cùng với tấm chắn đạn. Với cấu hình này, M-113 trở thành Xe bọc thép tấn công kỵ binh (Armored Cavalry Assault Vehicle – ACAV), một khái niệm mới do thiếu tá Martin D. Howell, chỉ huy của liên đội 1, Trung đoàn kị binh bọc thép số 11, đề ra. Ngoài ra còn có gói nâng cấp “B” chỉ bao gồm giáp cho súng máy và bao quanh 360 độ vị trí của xa trưởng, thường được dùng trên các xe chở pháo cối.
Càng về sau, xe M-113 càng đóng vai trò quan trọng và đặc biệt, quân Mỹ và VNCH đã phát triển chiến thuật “Thiết Xa Vận“. Đây là chiến thuật dùng xe M-113 chở binh sĩ đi theo, được che chắn tốt để có thể nhanh chóng tiến vào trận địa đối phương nhằm lùa quân Giải Phóng miền Nam – Việt Cộng ra nơi trống để dùng phi pháo tiêu diệt. Thời gian đầu, chiến thuật này đã rất lợi hại, gây nhiều thiệt hại cho quân Giải Phóng. Về sau, quân Giải Phóng được trang bị nhiều vũ khí chống tăng như súng không giật 37mm, súng không giật 75mm đặc biệt là súng chống tăng B-40, súng chống tăng B-41 nên Mỹ không cho xe thiết giáp M-113 đi riêng lẽ nữa mà thường cho đi kèm các xe tăng M-41, xe tăng M-48 nhằm tăng cường hỏa lực