Hồi ký nghị sĩ Mỹ John McCain bị bắn rơi ở Việt Nam – P2
Sau khi bị máy bay bắn rơi, Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain đã bị giam tại nhà giam Hỏa Lò ở Hà Nội cùng các phi công Mỹ khác cũng bị bắn rơi hoặc bị bắt trong các trận đánh trước đó
Cuối cùng, một người Pháp tên là Chalais bước vào, một tay cộng sản, như tôi biết ra sau đó, cùng với hai phóng viên ảnh khác. Ông ta hỏi tôi về sự đối xử và tôi nói với ông là thỏa đáng. “Mèo” và “Chihuahua”, một tên thẩm vấn khác, nhắc sau lưng tôi để nói theo rằng, tôi rất biết ơn cho việc chữa trị khoan hồng và nhân đạo của họ. Tôi từ chối, và khi chúng ép tôi, Chalais nói: “Tôi nghĩ rằng những gì ông nói với tôi cũng đủ rồi”. Sau đó Chalais hỏi tôi có nhắn tin gì về cho gia đình. Tôi bảo với ông là hãy nhắn vợ và những người khác trong gia đình là tôi đang hồi phục và rất yêu thương họ. Một lần nữa, từ đàng sau, “Mèo” khăng khăng bắt tôi nói thêm đại loại là hy vọng rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc để tôi có thể được về nhà. Chalais cứng rắn cắt ngang lời hắn ta, bảo rằng ông đã hài lòng với câu trả lời của tôi. Ông đã giúp tôi thoát khỏi một tình huống đầy khó khăn. Chalais ở ngay Paris. Vợ tôi sau đó đã bay sang đó gặp ông ta và ông đã cho cô ấy một bản sao đoạn phim, về sau được chiếu trên đài truyền hình CBS tại Mỹ. Ngay khi ông vừa đi khỏi, bọn chúng lập tức đưa tôi lên xe đẩy và tống về lại căn phòng bẩn thỉu trước đó.
Sau đó, đã có nhiều người đã đến nói chuyện với tôi. Không phải ai trong họ cũng đến để thẩm vấn. Có lần một nhà văn già có chòm râu dài như Hồ Chí Minh và nổi tiếng của Bắc Việt đến phòng của tôi, muốn trò chuyện về Ernest Hemingway (Chú KTT: Đó là nhà văn Nguyễn Tuân, người đã đưa cuộc nói chuyện này vào tập bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” theo chỉ thị đảng để ca ngợi chính sách “nhân đạo” (!?) của đảng với tù binh chiến tranh). Tôi nói với ông ta rằng Ernest Hemingway chống Cộng bằng vũ lực. Nó cho ông ta một điều gì đó để suy nghĩ. Những người khác đến để tìm hiểu về đời sống ở Mỹ. Họ hình dung rằng cha tôi cấp bậc quân sự cao như vậy, tất tôi phải được nhiều đặc quyền và trong vòng quyền lực. Họ không có khái niệm gì hết về cách vận hành dân chủ của chúng ta. Một trong những người đàn ông đến gặp tôi là tướng Võ Nguyên Giáp, được gọi là người hùng của Điện Biên Phủ mà tôi nhận biết qua ảnh sau này. Ông đến xem tôi ra sao, mà không nói gì. Ông là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và nằm trong Trung Ương Đảng cộng sản Bắc Việt.
Khoảng hai tuần sau, tôi đã được đưa vào giải phẫu chân có quay phim. Họ chẳng hề chữa trị gì cánh tay trái bị gãy của tôi. Nó tự lành. Họ bảo chân tôi cần hai cuộc giải phẫu, nhưng vì tôi đã có một ” thái độ xấu” nên họ sẽ không cho làm cuộc thứ hai. Tôi cũng chẳng biết họ đã làm cái quỷ gì trên chân tôi. Nhưng bây giờ quay về Mỹ, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ mổ và xem xét lại. Chưa gì ông đã báo với tôi rằng họ đã rạch sai đường mổ và cắt hết gân chằng ở một bên. Tôi ở trong bệnh viện khoảng đâu sáu tuần, sau đó được đưa đến một trại giam ở Hà Nội tạm gọi là “Đồn Điền”. Nó là vào cuối Tháng 12 năm 1967. Tôi được đưa vào chung một xà lim với hai người khác là George Day và Norris Overly, cả hai cùng là Thiếu tá Không quân. Tôi nằm trên cáng, chân còn cứng đơ và bộ ngực băng bột mà tôi đã mang được khoảng hai tháng. Từ trọng lượng bình thường 155 lbs, tôi tụt xuống còn khoảng 100 lbs. Sau này Thiếu Tá Day kể họ không nghĩ tôi sống thêm quá một tuần. Tôi cố gượng ngồi dậy được. Mỗi ngày tôi ngủ mê man khoảng 18 giờ, 20 giờ. Họ đã phải chăm sóc mọi thứ cho tôi. Họ được phép xách một xô nước để thỉnh thoảng rửa ráy cho tôi. Họ đút tôi ăn và chăm sóc tận tụy, và tôi hồi phục rất nhanh.
Chúng tôi chuyển đến một căn phòng khác ngay sau lễ Giáng sinh. Vào đầu Tháng Hai năm 1968, Thiếu Tá Overly được đưa ra khỏi phòng của chúng tôi và được trả tự do cùng với David Matheny và John Black. Họ là ba người tù binh đầu tiên được Bắc Việt trao trả. Tôi hiểu họ đã được khuyến dụ là không nên nói gì về việc đối xử tù nhân, để không gây nguy hiểm cho những người của chúng ta vẫn còn đang bị giam cầm. Chỉ còn lại Day và tôi một mình với nhau. Ông còn bó bột tay phải vì bị bắn sau lần ông đã bị bắt tận phía Nam, định vượt trốn và bị bắt lại lần nữa. Ngay sau khi tôi đã có thể đi được, vào khoảng Tháng 3 năm 1968, thì Thiếu Tá Day bị chuyển đi.
Tôi bị biệt giam từ thời điểm 1968 đó trong hơn hai năm trời. Tôi không được phép gặp mặt, nói chuyện hay giao tiếp với bất kỳ tù nhân đồng ngũ nào. Phòng giam của tôi tạm vừa phải- khoảng 10×10, có cửa ra vào chắc chắn mà không có cửa sổ. Hệ thống thông gió là hai lỗ nhỏ ở trên trần nhà, khoảng 6×4 inch. Mái nhà bằng thiếc nên phòng nóng như thiêu. Phòng mờ mờ đêm cũng như ngày, nhưng họ luôn bật một bóng đèn nhỏ để có thể quan sát tôi. Tôi bị nhốt trong đó suốt hai năm.
Theo cái kiểu bị biệt giam này thì điều quan trọng nhất để tồn tại là liên lạc được với một ai đó, đôi khi nó chỉ là cái vẫy tay hoặc một cái nháy mắt, gõ vào tường, hoặc có ai đưa ngón tay ra hiệu cũng làm mọi chuyện khác đi. Nó cũng rất là quan trọng để giữ cho đầu óc mình làm việc và tất cả chúng tôi đều làm việc này. Một số người thích toán học nên họ nhẩm các phép toán phức tạp trong đầu vì chúng tôi chưa bao giờ được phép có giấy bút. Vài người khác thì xây nhà trong đầu, xây từ tầng hầm lên trên. Tôi thì thiên về triết học. Tôi từng đọc rất nhiều sách về lịch sử nên đã dành hết ngày này đến ngày khác để ôn lại trong đầu những cuốn sách lịch sử này, suy diễn nơi nào nước này hay nước khác đã sai đường, hay Mỹ nên làm gì trong lĩnh vực đối ngoại. Tôi cũng suy niệm rất nhiều về ý nghĩa của đời sống. Cũng dễ dàng rơi vào sự tưởng tượng. Tôi đã từng viết sách và kịch trong tâm trí mình, nhưng tôi nghi ngờ rằng trong số này chẳng có cuốn nào hơn được mức tiểu thuyết rẻ tiền nhất. Người ta đã hỏi tôi làm cách nào mà chúng tôi có thể nhớ được những chi tiết như mật mã, con số, tên họ cùng mọi thứ khác. Thực tế là, khi anh không có bất cứ điều gì khác để suy nghĩ, không bị chia trí thì nó thật dễ dàng. Kể từ khi tôi đã quay lại đây thì lại rất khó cho tôi để nhớ cả những điều đơn giản, ví dụ như tên của một người mà tôi vừa mới gặp. Trong thời gian bị biệt giam, tôi nhớ tên của tất cả 335 tù nhân chiến tranh ở Bắc Việt. Tôi vẫn còn nhớ chúng. Điều bạn phải chống chọi với nó là nỗi lo lắng. Nội tình trạng thể chất mình cũng dễ gây căng thẳng. Một lần tôi bị trĩ và đầu óc tôi bị chết dính vào nó khoảng ba ngày. Cuối cùng, tôi nhủ, “Coi McCain, mày có từng biết thằng nào chết vì bệnh trĩ chưa?”. Vì vậy tôi bỏ mặc không nghĩ ngợi nữa và sau vài tháng thì nó tự khỏi.
Câu chuyện của Ernie Brace minh họa cho việc liên lạc là quan trọng với chúng tôi thế nào. Lúc tôi đang bị nhốt tại “Đồn Điền” vào tháng 10 năm 1968, có một căn phòng phía sau phòng tôi. Tôi nghe vài tiếng động bên đó vì vậy tôi bắt đầu gõ nhẹ vào tường. Tín hiệu mà chúng tôi gọi là “cạo râu và cắt tóc” để anh chàng khác sẽ gõ lại hai tiếng. Trong hai tuần, tôi không nghe động tĩnh, nhưng cuối cùng thì có hai tiếng gõ. Tôi bắt đầu gõ theo bảng chữ cái – một cái là “a”, hai cái là ” b ” và cứ vậy. Rồi tôi bảo: “Áp tai vào tường”. Cuối cùng anh ta đến và tôi áp cái cốc vào tường, nói cho anh ta nghe được. Tôi chỉ cho anh mã gõ và các thông tin khác. Anh nói tên mình là Ernie Brace. Ngay lúc đó thì có tên lính canh lai vãng, tôi nói với Ernie, “Thôi, ngày mai tôi gọi lại cho anh”. Cũng mất vài ngày anh ta mới quay lại bức tường. Anh chỉ nói được “Tôi là Ernie Brace” rồi bắt đầu khóc nức nở. Sau khoảng hai ngày thì anh dằn được cảm xúc của mình, và trong vòng một tuần anh chàng này đã biết cách gõ, giao tiếp, nhắn tin và làm rất tốt về sau. Ernie là một phi công dân sự bị bắn rơi ở Lào. Anh bị cùm chân trong một cái lồng tre trong rừng, cổ bị xích lại trong ba năm rưỡi, hầu như chẳng sử dụng đến đôi chân. Anh trốn thoát ba lần và sau lần thứ ba bị bắt lại, anh bị chôn đứng xuống đất, chỉ chừa lại cái đầu.
Trong những ngày đó, vẫn vào năm 1968, theo lẽ là chúng tôi được phép tắm cách ngày. Nhưng cái trại này thiếu nước nên đôi khi hai ba tuần, cả tháng cũng không được tắm. Tôi có một tên chuột cống canh ngục, lúc nào cũng đưa tôi ra sau chót. Bồn tắm kiểu cái chuồng ngựa đổ bê-tông. Sau khi tất cả mọi người tắm, thường là không còn nước dư nhưng tôi cũng bị tống vào đứng không năm phút “tiêu chuẩn tắm” rồi bị đưa về lại phòng. Chuyện vệ sinh thì tôi được phát cho cái xô có nắp đậy không vừa miệng. Ngày nào cũng phải đổ nhưng có người khác xách giùm vì tôi còn đi chưa nổi. Từ lúc Day và Overly rời tôi, Day rời vào tháng 2 còn Overly thì tháng 3 năm 1968, việc đối xử căn bản là có đỡ. Khi tôi bị bắt gặp đang gõ tín hiệu, liên lạc với người phòng khác hay đại loại vậy thì chỉ bị tặc lưỡi “Tắc, tắc! Không được thế, không được thế”. Thật vậy, tôi nghĩ cũng không đến nỗi nào.
Ngày 15 tháng 6 năm 1968 , một đêm tôi bị đưa lên phòng thẩm vấn. “Mèo” và một gã đàn ông khác mà chúng ta gọi là “Thỏ” đang ở đó. “Thỏ” nói tiếng Anh rất giỏi. “Mèo” là chỉ huy của tất cả các trại tù tại thời điểm đó. Với tôi, hắn làm như không nói được tiếng Anh, mặc dù rõ ràng theo tôi thì hắn biết, vì trong các cuộc trò chuyện, hắn đặt câu hỏi hoặc nói chuyện trước khi “Thỏ” dịch những gì tôi nói. Như bạn biết, người phương Đông hay nói vòng vo một chút. Đêm đầu tiên, “Mèo” nói chuyện với tôi khoảng hai tiếng. Tôi không biết ý hắn ra sao nhưng đại loại hắn nói với tôi là hắn từng quản các trại tù binh Pháp trong những năm 1950 và đã tha cho một vài người, và rằng gần đây hắn gặp lại thì họ đã cám ơn về lòng tốt của hắn. Hắn bảo Overly đã về nhà “với danh dự “. Tôi thực sự không biết phải nghĩ gì, bởi vì tôi đã từng có những cuộc thẩm vấn khác mà tôi chẳng khai báo. Lần này thì họ không tra tấn tôi. Họ chỉ nói rằng tôi sẽ không bao giờ được về nhà và sẽ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh. Đó là đề tài thường xuyên của họ trong nhiều tháng. Đột nhiên “Mèo” hỏi tôi:
– Anh có muốn về nhà không?
Tôi sững người và tôi nói với bạn rất thẳng thắn rằng, tôi đã trả lời rằng tôi phải suy nghĩ về nó. Tôi trở về phòng và nghĩ ngợi khá lâu. Tôi đâu liên lạc được các sĩ quan cấp trên để có thể nhận được lời khuyên. Tôi lo liệu tôi có còn sống hay không bởi vì tôi đang ở trong tình trạng khá xấu. Tôi vừa bị kiết lỵ khoảng một năm rưỡi nay, bị sụt cân lần nữa. Nhưng tôi hiểu quân cách sĩ quan rằng “không chấp nhận ân huệ hoặc ân xá ” và “sẽ không chấp nhận ưu đãi đặc biệt nào”, vì đối với ai đó được về nhà trước đó là một đặc ân đặc biệt. Không thể phá quân cách này. Ba đêm sau tôi được đưa trở lại. Hắn hỏi lại: “Anh có muốn về nhà không?”. Tôi nói: “Không”. Hắn ta muốn biết lý do, và tôi trả lời lý do. Tôi nói rằng, Alvarez (người Mỹ đầu tiên bị bắt) cần được thả đầu tiên, sau đó là các binh lính. “Mèo” nói với tôi rằng Tổng thống Lyndon Johnson đã ra lệnh cho tôi về nhà. Hắn đưa cho tôi một lá thư từ vợ tôi, trong đó cô đã viết: “Em ước chi anh là một trong ba người đã trở về nhà”. Tất nhiên, cô không cách nào hiểu được những phức tạp phía sau. “Mèo” cho biết rằng các bác sĩ đã nói với hắn rằng tôi không thể sống nổi trừ khi tôi được chữa trị tại Mỹ. Chúng tôi cứ vờn nhau điều này và tôi vẫn mực nói “Không”. Ba đêm tiếp sau đó cũng cứ như vậy. Trong sáng lễ Độc Lập 4 tháng 7 năm 1968, cùng một ngày cha tôi được thăng quyền Tổng Tư Lịnh Thái Bình Dương các lực lượng Hoa Kỳ, tôi được dẫn vào một căn phòng thẩm tra khác. “Thỏ” và “Mèo” đã ngồi ở đó. Tôi bước vào và ngồi xuống. “Thỏ” nói:
– Cấp trên chúng tôi muốn biết câu trả lời cuối cùng của anh.
– Câu trả lời cuối cùng của tôi cũng vậy. Đó là “Không”.
– Câu trả lời cuối cùng của anh phải không?
– Đó là câu trả lời cuối cùng của tôi.
“Mèo” đang ngồi với một đống giấy tờ trước mặt và một cây viết trong tay, hắn bẻ đôi cây viết, mực văng tung tóe. Hắn đứng lên, đá sầm cái ghế phía sau và nói: “Chúng dạy mày tốt lắm. Chúng dạy mày tốt lắm”. Tôi có thể thêm vào là, hắn nói bằng một giọng Anh rất chuẩn. Hắn quay ngoắt người, bước ra ngoài và đóng sầm cửa lại, để lại “Thỏ” và tôi ngồi lại. “Thỏ” nói: “Bây giờ, McCain, chuyện sẽ rất xấu cho anh đó. Về lại phòng”.
Giai đoạn Bắc Việt liên tục đối xử tàn nhẫn với tù binh Mỹ kéo dài đến khoảng Tháng Mười năm 69. Họ muốn tôi gặp các nhóm phản chiến đến Hà Nội, trong đó có rất nhiều người nước ngoài như Cuba, Nga. Tôi nghĩ lúc đó chưa có nhiều người Mỹ “phản chiến” sớm vậy, dù các năm sau đó thì nhiều hơn. Tôi từ chối gặp bất kỳ nhóm nào. Với họ thì giá trị tuyên truyền sẽ rất lớn khi cha tôi là Tổng tư lệnh Thái Bình Dương.
Nhóm David Dellinger đến. Nhóm Tom Hayden đến. Ba nhóm tù nhân được thả, trên thực tế , dưới sự bảo trợ của các “nhóm hòa bình” vậy. Những người đầu tiên được thả về với một trong nhóm anh em Berrigan. Nhóm tiếp theo là toàn bộ một phi hành đoàn, có James Johnson , một trong những Bộ Ba Fort Hood (Chú KTT: Nhóm 3 Binh Nhất Mỹ phản đối việc bị đưa sang Việt Nam) về cùng vợ của chủ biên tạp chí “Ramparts” và Rennie Davis. Nói chung, tôi nghĩ có tám hoặc chín người về kiểu đó. Sau đó là một nhóm thứ ba. Bắc Việt muốn tôi gặp tất cả các nhóm này, nhưng tôi đã có thể né được. Nhiều khi không thể làm họ mất mặt, vì vậy bạn phải cố gắng để đu đưa với nó. Bạn biết là “mặt mũi” là chuyện lớn với loại người này, và nếu bạn để họ có thể giữ thể diện thì được dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ họ đánh tôi tàn nhẫn và bắt tôi phải gặp một phái đoàn, tôi trả lời “Được, tôi muốn gặp một nhóm vậy, nhưng tôi sẽ không nói bất cứ điều gì chống lại đất nước mình và tôi cũng không nói bất cứ điều gì về việc đối xử với tôi, nhưng nếu được hỏi, tôi sẽ kể sự thật về các điều kiện tôi đang bị giam giữ”. Họ bảo, “Anh đồng ý gặp một phái đoàn nên chúng tôi sẽ cho anh gặp”. Nhưng như mọi người thấy, họ chưa bao giờ cho tôi gặp. Một lần, họ muốn tôi viết vài hàng cho các tù nhân chiến hữu của tôi nhân dịp Giáng sinh. Tôi viết thế này: “Gởi đến các tù nhân chiến hữu mà tôi không được phép gặp mặt hay nói chuyện, tôi cầu mong gia đình các chiến hữu được tốt lành và hạnh phúc, và tôi hy vọng rằng các chiến hữu được phép viết và nhận thư gia đình theo Công ước Geneva năm 1949 mà những người đang giam cầm các bạn không cho phép. Xin Thiên Chúa ban phước lành đến các chiến hữu”. Họ nhận thư nhưng tất nhiên là không bao giờ được công bố nó. Nói cách khác, đôi khi viết cái gì đó ca ngợi chính phủ mình hoặc chống lại họ thì tốt hơn chuyện cứ nói “Tôi sẽ không viết bất cứ điều gì”- vì đó cũng có thể là cách câu giờ khi các điều viết ra này phải được thông lên đủ loại cấp trên của chúng.
Bây giờ để tôi kể với bạn câu chuyện của đại úy Dick Stratton. Anh bị bắn rơi vào Tháng Năm 1967, lúc vài nhóm phản chiến Mỹ đã nhao nhao la làng rằng Hoa Kỳ ném bom Hà Nội dù chúng tôi chưa làm vào thời điểm đó. Dick bị bắn rơi phía ngoài Hà Nội, nhưng họ muốn có một lời thú tội nhân lúc một ký giả Mỹ đang có mặt. Đó là vào mùa Xuân và mùa Hè năm 67 – chắc mọi người còn nhớ những câu chuyện rất giật gân về những thiệt hại do bom Mỹ? “Thỏ” và những tên khác thẩm vấn Dick Stratton rất tàn bạo. Tay Dick đầy các vết hằn dây thừng đã bị nhiễm trùng. Chúng thực sự bóp dẹp anh để có được một lời thú nhận rằng, anh đã ném bom Hà Nội như một bằng chứng sống. Chúng rút móng tay và gí tàn thuốc lá vào người anh. Dick bị dồn đến mức không thể nói “không”. Nhưng khi chúng đưa anh đến buổi họp báo, anh làm một hành động cúi chào – anh cúi chào 90 độ theo hướng này, anh cúi chào 90 độ theo hướng khác, đủ bốn góc. Với đám “gooks” thì không phải điều gì quá lạ lẫm vì chúng quen với việc cúi chào vậy. Nhưng bất kỳ người Mỹ nào nhìn thấy hình ảnh của một người Mỹ gập mình đến thắt lưng để cúi chào vậy cũng biết rằng có điều gì đó không ổn, có điều gì đó đã xảy ra với anh ta. Đó là lý do tại sao Dick làm những gì anh đã làm. Sau đó chúng tiếp tục tạo áp lực để anh ta nói rằng anh ta không bị tra tấn. Chúng tra tấn anh để buộc phải nói rằng anh không bị tra tấn. Dick vừa ra tuyên bố mạnh mẽ tại cuộc họp báo một vài tuần trước ở đây rằng anh muốn thấy Bắc Việt bị buộc tội là tội phạm chiến tranh. Anh ấy là một người cao quý. Anh và tôi đã ở chung trại “Đồn Điền” với nhau trong một thời gian dài và anh rất cang cường trong đó . Anh là một sĩ quan hải quân xuất sắc, một người Mỹ cống hiến hết mình và có đức tin sâu sắc. Tôi nghĩ đến Dick Stratton rất nhiều. Anh rất, rất là xui bị nhận những đối xử tàn tệ nhất mà đám “gook” có thể nặn ra.
Chúng tôi đã trải qua một mùa Xuân và Hè 1969 đặc biệt xấu vì có một cuộc vượt ngục tại một trong những trại tù. Hai người của ta là Ed Atterberry và John Dramesi lên kế hoạch chuẩn bị rất tốt nhưng đã bị bắt lại. Atterberry bị đánh đến chết sau cuộc vượt ngục bất thành này. Chẳng nghi ngờ gì về điều này khi Dramesi thấy Atterberry bị đưa vào một căn phòng và nghe tiếng đánh đập rồi bị biệt tăm từ đó. Còn Dramesi, nếu anh không phải là một người lì đòn thì cũng có thể đã bị đánh chết. Anh có thể là một trong những người gai góc nhất mà tôi từng gặp. Anh là dân từ Nam Philly, từng là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp và là một đô vật khi còn trong đại học. Các đòn thù lây sang tất cả các trại khác. Họ bắt đầu tra khảo chúng tôi về các kế hoạch vượt ngục. Thức ăn trở nên tồi tệ. Việc kiểm tra phòng trở nên rất nghiêm ngặt. Anh không thể có bất cứ điều gì trong phòng mình, không có gì. Họ không cho cả thuốc i-ốt xức ghẻ như trước vì Dramesi và Atterberry đã bôi i-ốt cho sậm da như người Việt Nam trước khi vượt ngục.
Mùa hè năm đó, từ Tháng Năm đến khoảng Tháng Chín thì cứ ngày hai lần, tuần sáu ngày, tất cả chúng tôi được cho ăn chỉ là canh bí đỏ và bánh mì tại trại mình. Đó là một chế độ ăn uống rất kham khổ, đầu tiên là ngán tận cổ thứ canh bí đỏ đó, kế đến là nó không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng thực sự nào. Điều duy nhất để có thể giữ cho bất kỳ trọng lượng trên người là bánh mì, một cục bột nhão nhoét. Ngày Chủ Nhật, chúng tôi được cho ăn món chè đậu, đậu nấu với đường, không có chút thịt nào. Rất nhiều người chúng tôi ốm tong teo và hốc hác. Tôi xui xẻo bị bắt gặp đang liên lạc bạn tù bốn lần trong Tháng Năm năm 1969. Tôi bị tống vào một phòng trừng phạt đối diện với xà lim của tôi nhiều lần.
Các phần khác :
Hồi ký Nghị sĩ John McCain bị bắn rơi ở Việt Nam – P1
Hồi ký nghị sĩ Mỹ John McCain bị bắn rơi ở Việt Nam – P2
Hồi ký John McCain bị bắn rơi ở Việt Nam – P3
Hồi ký phi công Mỹ Nghị sĩ John McCain bị bắn rơi ở Việt Nam – P4
tywq4e