Ký ức của cậu bé Campuchia Norng Chan Phal được quân tình nguyện Việt Nam cứu thoát khỏi Khmer đỏ
Cậu bé Campuchia Norng Chan Phal khi đó mới chỉ khoảng 8-9 tuổi bị Khmer đỏ giam ở Nhà tù khét tiếng S-21 hay còn gọi là nhà tù Tuol Sleng. Cậu bé đã trốn trong đống quần áo cũ bị vất bỏ và được quân tình nguyện Việt Nam cứu thoát
Năm 1978, bố của cậu bé Campuchia Norng Chan Phal bị đưa đến Nhà tù an ninh 21, đây là nơi giam giữ, tra tấn khoảng 17.000 người Campuchia. Nửa năm sau, đến lượt mẹ, Norng Chan Phal và em trai là Norng Chan Ny bị bắt đến đây. Norng Chan Phal đau khổ kể lại :
“Mẹ tôi khi đó bị ốm và không thể tự bước xuống xe tải. Chúng lôi mẹ tôi xuống và tát vào mặt bà nhiều lần”.
Mẹ và anh em ông bị nhốt trong một buồng giam trên tầng hai và phải ngủ trên sàn nhà ẩm ướt và đầy muỗi. Sau đó, Anh em ông bị tách ra và giam ở tầng trệt. “Có lần, em tôi đói quá. Tôi nhìn qua cửa sổ và thấy mẹ tôi cũng đang nhìn anh em tối. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ”, ông kể.
Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam – Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước. Tháng 1/1979, quân Tình Nguyện Việt Nam bắt đầu tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, quân Khmer đỏ hốt hoảng tháo chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan. Những tên cai ngục tại Nhà tù an ninh 21 dồn tù nhân lên xe tải để rời đi trước khi bộ đội Việt Nam đến.
“Một phụ nữ cố sức lôi bọn trẻ lên xe. Tôi và em tôi trốn vào đống quần áo dơ bẩn bị vất bỏ ở sân sau của nhà tù. Bọn họ không thể tìm thấy chúng tôi. Tôi hy vọng, khi họ rời đi, chúng tôi sẽ đi tìm lại mẹ mình”,
Sau khi quân Khmer Đỏ rời đi, Norng Chan Phal chạy đi tìm mẹ.
“Sau khi họ rút đi, tôi leo lên tầng hai nhưng không thấy mẹ. Tôi chạy đến một tòa nhà khác để tìm, nhưng chỉ thấy nhiều người chết nằm đầy trên sàn nhà. Tôi rất sợ, vừa khóc vừa tiếp tục chạy đi tìm”. Sau khi không thấy mẹ và nghe thấy tiếng súng, Chan Phal quay trở lại trốn trong đống quần áo.
Vài giờ sau, quân tình nguyện Việt Nam đến và phát hiện 5 đứa trẻ ở nhà tù, một trong số đó sau đó qua đời. Nhà báo Đinh Phong và nhà quay phim chiến trường Hồ Văn Tây cho biết, khi đó các cậu bé đều gầy rọc, trên thân chi chít vết bầm do đòn roi, ghẻ chóc do bị muỗi đốt
“Xác người chết thối rữa ở khắp nơi, trên cổ tay, cổ chân của họ vẫn còn bị cùm xích”, ông Tây cho biết.
Quân tình nguyện Việt Nam cho những đứa trẻ ăn và đưa chúng đến bệnh viện. Anh em Phal sau đó được chuyển vào trại trẻ mồ côi và họ đến nay vẫn không thể tìm lại được cha mẹ của mình
Nhiều năm sau, khi thăm lại nhà tù – nơi hiện là bảo tàng diệt chủng lưu giữ bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ, Chan Phal òa khóc. “Tôi nhìn vào nơi tôi từng thấy mẹ qua cửa sổ. Tôi vẫn cảm thấy đau lòng khi nhớ đến lúc bà bị lũ Khmer Đỏ đánh đập”, ông nói.
Năm 2009, ông đã bước ra tòa làm nhân chứng cho nạn diệt chủng Pol Pot tại nhà tù Tuol Sleng. Tuy nhiên, Trưởng trại tù là Kaing Guek Eav, biệt danh là Duch phản bác : “Tôi chỉ thừa nhận là có 1 số trẻ em bị đưa đến đây và không ai sống sót. Nếu các ông tìm thấy lý lịch của mẹ anh ta bị giam cầm ở nhà tù này thì tôi sẽ chấp nhận lời tố cáo của anh ta. Có thể, mẹ anh ta bị giam ở nhà tù khác”
Tháng 2 năm 2009, Trung tâm dữ liệu Campuchia – Documentation Centre of Cambodia (DC-Cam) đã xác nhận, bé trai trong ảnh được quân tình nguyện Việt Nam cứu thoát từ nhà tù S-21 chính là Norng Chan Phal
Năm 2018, Norng Chan Phal đã là người cha 49 tuổi với 2 đứa con. Tháng 6 năm 2018, ông đã viết lại quyển sách mang tựa đề “Norng Chan Phal : Những bí mật của cậu bé ở nhà tù S-21”. Quyển sách kể lại những gì ông đã trải qua và được phát miễn phí cho các du khách khi đến tham quan Bảo tàng của nhà tù này .
“Quyển sách sẽ giúp cho mọi người hiểu về chế độ Khmer Rouge vì đó là 1 thảm kịch và mọi người sẽ hiểu về nạn diệt chủng Pol Pot và vì sao chế độ Khemer Đỏ lại giết chết người dân của mình”
Chế độ Pol Pot đã giết chết hàng triệu người Campuchia và gần như xóa sổ toàn bộ nền kinh tế, sản xuất, đẩy hàng triệu người khác vào cảnh đói ăn, dốt nát, … . Sau khi giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và xây dựng lại đất nước, năm 1989, quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia