Trận đánh Phước Long năm 1975 và hệ quả của nó – P2
Quân Giải Phóng đã xem trận đánh Phước Long năm 1975 như là bước thăm dò việc Mỹ có quay trở lại chiến trường Việt Nam hay không và khi thấy Mỹ đã từ bỏ Việt Nam, họ đã tấn công liên tục và giải phóng toàn bộ miền Nam chỉ sau đó 3 tháng
Ngày 3 tháng 1 năm 1975, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đã lập bộ chỉ huy chiến thuật do Trung Tá Vũ Xuân Thông chỉ huy cùng đại đội 811 do Đại Úy Trương Việt Lâm chỉ huy và đại đội 814 do đại úy Lê Đắc Lực Chỉ huy với toàn bộ quân số khoảng 250 người được tập trung ở căn cứ Long Bình và thả xuống thị xã Phước Long. Buổi sáng thả được đại đội 814 và buổi chiều thả tiếp được đại đội 811. Các pháo phòng không quân Giải Phóng đặt ở căn cứ núi Bà Rá bắn lên liên tục .Đội bay phải bay cặp theo dòng Sông Bé về hướng Bắc, vừa qua khỏi Thị Xã Phước Long, đoàn Trực Thăng quay vòng trở lại hướng Nam, bay qua Sông Dak- Lung để tránh pháo phòng không. Việc mất trạm điều khiển núi Bà Đen khiến không quân VNCH gặp khó khăn và do phải ưu tiên yểm trợ Tây Ninh nên ít có máy bay yểm trợ trận đánh Phước Long
Bà Rá, Bà Đen và cả Mây Tào, là những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Bà Rá có độ cao 7 trăm 36 mét. Ở độ cao này, quân Giải Phóng đặt lưới phòng không để bắn hạ các trực thăng tiếp tế và các khẩu pháo 75mm, 105mm, 130mm pháo kích vào thị xã Phước Long. Ngay khi vừa được thả xuống, cả 2 đại đội đều bị quân Giải Phóng kèm xe tăng tấn công. Sỹ quan quân y, Đàm Hữu Phước, thuộc Biệt kích 81, kể lại chỉ ngày đầu đơn vị phải quần thảo với xe tăng và đặc công tới hai lần, M72 bắn gần hết, thuốc men của quân y chẳng còn là bao so với nhu cầu. Hầm quân y chật cứng thương binh, chỉ khâu dùng hết phải dùng dây điện thoại để may tạm cầm máu vết thương và dùng penicilline để tránh nhiễm trùng.
Quân Giải Phóng dùng pháo binh pháo kích liên tục và sau đó tổ chức tấn công. Pháo binh quân Giải Phóng với pháo 130mm bắn liên tiếp vào Bộ chỉ huy tiểu khu Phước Bình làm trung tá tiểu khu phó bị tử thương, còn trung tá chi khu trưởng bị thương nặng. Pháo binh của Việt Nam Cộng Hòa không còn khẩu nào để có thể phản pháo. Tuyến phòng ngự của quân đội VNCH tại Phước Long chỉ còn thu hẹp ở chợ, khu hành chánh tỉnh và phi trường dành cho L-19. Xe tăng của quân Giải Phóng xuất hiện từ hai hướng Tây và Nam thị xã. Liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu khu và Quân Ðoàn 3 bị đứt quãng nhiều lần và sau khi trung tâm hành quân bị phá hủy thì hệ thống liên lạc viễn liên chỉ còn một tần số vô tuyến
Ngày 5 tháng 1, trận chiến diễn ra ngày càng ác liệt, quân Giải Phóng vẫn tiếp tục dùng pháo bắn thẳng vào thị xã và bộ binh kèm xe tăng T-52 tấn công liên tiếp vào phòng tuyến quân Việt Nam Cộng Hòa. Đại tá Nguyễn Thống Thành là chi khu trưởng Phước Long bị trúng pháo tử trận. Chủ lực của quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ là 1 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội thuộc Biệt kích 81 Dù. Các đơn vị khác chỉ là trinh sát hoặc biệt động quân biên phòng mà thực chất là địa phương quân. Các chiến xa do Nga chế tạo được trang bị với một loại khiên hóa giải đạn chống chiến xa. Một quân nhân sống sót mô tả hiện tượng: “Các chiến xa địch có cái gì mới và kỳ lạ. Các hỏa tiễn M-72 của ta không tài nào đánh gục tụi nó được. Chúng tôi bắn trúng chúng, chúng dừng lại một chập rồi lại lù lù tiến tới.” Quân VNCH buộc phải dùng chiến thuật dùng pháo không giật bắn thẳng hoặc áp sát, lẻn vào phía sau leo lên nóc xe tăng để ném lựu đạn vào bên trong
Ngày 6 tháng 1, trận đánh còn ác liệt hơn, quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải co cụm về dinh tỉnh trưởng và tòa hành chánh và sân bay. Đến 23h, liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị mất, các binh sĩ VNCH phân tán từng cụm nhỏ và rút vào rừng. Tổng cộng quân số VNCH khoảng 4.000 người tham chiến, chỉ có khoảng 850 người sống sót và rút về được hậu cứ. Số còn lại khoảng 3.000 người bị tử trận, bị thương không thể di tản hoặc bị bắt làm tù binh
Hệ quả của trận Phước Long
Sau khi Phước Long thất thủ, Trung Tướng Dư Quốc Đống xin từ chức và được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận và đã cử Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, chỉ huy trưởng binh chủng Thiết Giáp, cựu tư lệnh Quân Ðoàn 2 thuộc Vùng 2 Chiến Thuật (từ tháng 5/1972 đến tháng 10/1974), thay thế tướng Đống trong chức vụ tư lệnh Quân đoàn 3/Quân Khu 3.
Từ trận Phước Long, tình hình cho thấy sự thiếu hụt của lực lượng tổng trừ bị của Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Cao Văn Viên nhận xét : “Thất bại của mặt trận Phước Long đã nói lên thế và lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng để đối phó, hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Sự thất bại ở Phước Long khiến tinh thần chúng tôi xuống thấp cực độ”
Đến nay, nhiều người cũng cho rằng có lẽ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngay từ đầu do không đủ quân tăng viện đã muốn bỏ Phước Long vì e ngại chi viện nhiều thì không đủ quân, tăng viện ít thì như muối bỏ biển nên bỏ Phước Long để không phải căng mình chống trả vô ích
Trận Phước Long năm 1975 cũng cho thấy sự yếu kém của vũ khí quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang có, máy bay B-52 không còn, hỗ trợ của Mỹ không có, nên yểm trợ hỏa lực từ không quân Việt Nam Cộng Hòa quá ít không thực sự hiệu quả. Pháo binh thiếu hụt nghiêm trọng và những ngày cuối không có khẩu nào để phản pháo. Lực lượng thiết giáp thì không có chiếc nào được tăng viện cho Phước Long và đặc biệt, súng chống tăng M-72 đã không còn hiệu quả đối với xe tăng T-54 của quân Giải Phóng
Phía Mỹ và đồng minh không hề có phản ứng gì sau trận đánh. Điều đó khiến quân Giải Phóng an tâm và tổ chức cuộc tấn công mạnh mẽ vào vùng 2 với trận đánh Buôn Ma Thuột và sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng toàn miền Nam
Xem lại : Trận đánh Phước Long năm 1975 và hệ quả của nó – P1
[…] Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Cao Văn Viên nhận xét : “Thất bại của mặt trận Phước Long đã nói lên thế và lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chỉ mới bị […]