Công và tội Phan Thanh Giản dưới cái nhìn của người Pháp – P3
Phan Thanh Giản trả lời rằng những người An-na-mít ủng hộ Poukombo là những kẻ vô lại của các tỉnh của chúng ta cũng như của các tỉnh thuộc họ, rằng dân An-na-mít đã luôn luôn thắng dân Cao Miên, khinh bỉ dân này quá nhiều để mà nhập bọn với họ, và rằng cũng không nên đi tìm những mối bất bình trong quá khứ lịch sử, rằng những gì đã xảy ra là những việc đã qua, rằng những lầm lỗi trước kia của chính phủ An-na-mít là do sự không hiểu biết giá trị và trí thức của người Âu, nhưng ngày nay hai dân tộc đã rõ nhau, thì dân tộc hùng mạnh phải giúp đỡ và soi sáng cho dân tộc yếu, để đưa dân tộc này vào các con đường của văn minh.
Hiệp ước ký kết giữa Hoàng đế Pháp và vua Tự Đức không những là một hiệp ước hoà bình, nhưng còn là một hiệp ước giao hữu, xoá bỏ tất cả dĩ vãng, và trở lại các lý lẽ trước của ông, Phan Thanh Giản nói với tôi rằng « người An-na-mít đã không làm một điều gì để vi ước, nhưng người Pháp về phía họ đã không có một cố gắng nào để truyền bá cho người An-na-mít các khoa học Âu Tây ; tuy rằng có hiệp ước giao hữu ấy, họ để mặc dân An-na-mít ở trong vòng vị khai và dốt nát, và lại còn lăm le vô cớ chiếm ba tỉnh tội nghiệp nữa ».
Tôi đáp lại Phan Thanh Giản rằng chúng ta còn nghi ngờ cho tới khi có bằng chứng trái ngược lòng thành của chính phủ An-na-mít, rằng nếu ngày nay chúng ta cố gắng đưa dân Annamite lên hàng các dân tộc văn minh, chúng ta e là võ trang cho chính kẻ thù của chúng ta, rằng chúng ta sẽ không bao giờ đi vào con đường ấy trước khi có được những bằng chứng hiển nhiên của lòng thành của họ.
Phan Thanh Giản mới hỏi tôi chúng ta còn muốn những bằng chứng nào ngoài bằng chứng đã được trưng bày bằng sự thi hành triệt để hoà ước. Tôi bèn trả lời ông : « Nếu, như ngài nói, ba tỉnh ở trong một tình trạng nghèo nàn, nếu chính Huế nhận chúng là nô lệ và phiên thuộc của Pháp, thì có phải hay hơn là giải quyết thẳng tình trạng dở dang này, nhường ba tỉnh tội nghiệp ấy đi, và ký kết trên căn bản ấy một hiệp ước mới sẽ phê chuẩn và nhìn nhận sự kiện ấy, mà chính ngài cũng cho là một việc đã thành ? Sự tự ý nhượng một lãnh thổ nằm dưới quyền của chúng tôi, theo tôi, sẽ được chính phủ Pháp coi như bảo đảm cho ý hướng thành thực và ngay thẳng của chính phủ An-na-mít. Khi đó tôi chắc chắn là chính phủ Pháp sẽ từ bỏ cái chính sách ngờ vực đã làm yếu chính phủ An-na-mít quá nhiều. Trái lại, chính phủ Pháp sẽ được lợi với sự thịnh vượng của một vương quốc đã thực sự trở thành một nước bạn ; chính phủ Pháp sẽ bảo đảm an ninh cho vương quốc ấy và ngăn ngừa không cho các cuộc nội loạn, mà chính ngài biết là thiết bách, làm cho vương quốc này xuống thấp hơn vương quốc Cao Miên, và làm nó trở nên miếng mồi ngon cho quốc gia nào nhòm ngó nó đầu tiên. »
Nhưng, Phan Thanh Giản đáp lại :
“tôi chỉ thấy ở đấy những điều kiện nặng nề đối với chúng tôi, còn các ông thì không hiến cho chúng tôi một sự đền bù chắc chắn và cụ thể nào. »
Tôi trả lời ông :
« Ngài quên rồi sao rằng xứ Bắc kỳ đang ở trong một tình trạng phiến loạn thường xuyên, rằng sự nổi loạn ở đó chỉ được đàn áp chứ không bao giờ được dẹp tắt, rằng ngày mà một nắm quân lính Âu Tây và vài khí giới được đưa vào đó, dân An na mít sẽ phải mất vương quốc phong phú ấy ? Ngài không biết chăng là người Tây Ban Nha muốn chiếm lấy xứ ấy, nhưng nước Pháp đã không bao giờ chịu ? Ngài không coi ra gì sự xá miễn món chiến phí bồi khoản mà Tự Đức còn phải trả cho chúng tôi hay sao ? Ngài cũng không coi ra gì hết sự trừng phạt bọn hải tặc phá hại các bờ biển và làm đói đế quốc ? Chắc ngài tưởng rằng các chiếc tầu chúng tôi sẽ dùng để quét sạch bọn cướp biển ấy không tổn ải chút nào và các máy dùng để chạy những tầu ấy không cần tới tiền bạc ? Ngài thử xét xem các chiếc tầu xấu các ngài mua ở Hương Cảng đã tốn bao nhiêu tiền và tính xem các sự hi sinh của chúng tôi sẽ tới đâu một khi các lợi ích của các ngài phù hợp với lợi ích của chúng tôi. Sau hết, ngài phải suy nghĩ rằng, nếu người Pháp muốn được ba tỉnh, họ có thể chiếm lấy chúng bằng vũ lực, không phải mất một trong những đền bù thật thụ mà một hiệp ước mới chắc chắn sẽ dành cho các ngài. »
Phan Thanh Giản mới cho tôi hân hạnh được biết rằng, nếu một ngày kia một sĩ quan Pháp tới trú tại Huế, ông muốn người ấy phải là tôi. Tôi vái chào lời khen ấy và đáp lại : « Aubaret ». Ông cả cười và, vì bữa cơm tối đã dọn, chúng tôi chấm dứt cuộc đàm thoại ấy và vị quan già vui vẻ nâng ly rượu để giải phiền, đến nỗi phải dựa vào tay Cha Marc để loạng choạng trở về thuyền của ông…
IV. CÁI CHẾT CỦA PHAN THANH GIẢN
Trung tá Ansart gửi Tổng Tham mưu trưởng Reboul.
Vĩnh long, 4-8-I867.
Thiếu tá thân mến,
Chúng tôi đã đạt đến chung cục bất hạnh của tấm bi kịch tự độc sát của Phan Thanh Giản. Ông ấy đã chết tối hôm qua, và thi hài của công đã được đưa ra ngoài thành sáng nay. Ông ấy sẽ được mai táng ở Kebon (cố hương của Phan Thanh Giản) trong vài ngày sắp tới đây.
Chúng tôi không khỏi bị xúc động nhiều vì sầu cảm trước cái chết của vị lão thành phi thường ấy, và tôi chắc rằng sầu cảm này sẽ được chia xẻ bởi tất cả những ai được biết ông ta. Ông ta đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng. Sau khi đã chuẩn bị thể xác cho sức tàn phá của độc dược bằng một sự giảm thực kéo dài hơn mười lăm ngày, ông bình tĩnh trù liệu mọi điều, cho mua quan tài của ông và tang phục cho gia thất và đầy tớ, sắp đặt tang lễ cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất và trối lại cho con cái ông những lời khuyên khôn ngoan và chính trực. Ông khuyến khích họ nên ở lại với người Pháp, nhưng không nên nhận một chức vụ nào của Pháp cả. Họ phải sống trong đất đai của họ, với tư cách những người chuộng hòa bình, ngay thực mà qui phục nước Pháp, không bắt tay vào chính trị ngoài sự khuyên nhủ hoà bình và cần lao khắp mọi nơi. Còn đối với các cháu nội của ông, không bị ràng buộc bởi cùng những lý do bất tham dự, ông dặn dò phải nhờ người Pháp chăm nom chúng và, vài ngày trước khi thi hành quyết định trí mệnh của ông, ông bày tỏ với tôi ý muốn giao cho tôi vài ngàn quan để đài thọ các phí tổn cho sự giáo dục các đứa trẻ này ở Saigon.
Khi ấy tôi không hiểu ý nghĩa của các lời nói của ông, mà chắc Cha Marc đã thấu rõ nếu Cha không vắng mặt, và mọi người đều tin tưởng rằng cha Marc cùng tôi sẽ có đủ ảnh hưởng đối với ông để khuyên can ông đừng thi hành quyết định tự tử. Nhưng số mệnh đã xen vào ; tôi đã không hiểu tí gì về những lời của ông, được nói với tôi qua miệng của một viên thông ngôn.
Khi Cha Marc đến đây, Phan Thanh Giản không còn đả động đến quyết định tuyệt vọng của ông nữa. Sáng mùng một tháng 8, ông hợp thức hoá vài văn kiện liên quan tới ấp công giáo. « Gấp lên, các người », ông nói. Vào lúc 11 giờ, ông uống thuốc độc trước mặt các con ông và các người thân cận. Khi chúng tôi được báo tin vào lúc 2 giờ thì đã quá muộn. Ông còn có thì giờ để ôm hôn Cha Marc và tôi, rồi bắt đầu hấp hối. Ông y sĩ ngoại khoa Le Coniat đã tranh đấu với thuốc độc bằng một trí sáng suốt và một sự tận tâm đã cho phép chúng tôi còn có một tia hi vọng cho tới chiều hôm qua, nhưng không có chi đủ thế lực để cứu sống cụ lão mà thân thể nhiễm đầy á phiện, và đã bị quật ngã bởi trạng thái đói lả và các mối sầu não…
5-8-1867… Cha Marc cho rằng, theo những câu chuyện hàn huyên trước đây, cụ già lương hảo này chắc đã theo đạo Thiên Chúa ngay sau khi ông loại trừ được chính sách và áp lực của các ông quan khác. Chính những vị này thật đã đẩy ông tới tuyệt vọng. Điều này đúng sự thật đến nỗi mà lúc các ông quan còn ở lại Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, và chúng tôi đã phải gần như ép buộc ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút thuốc giải độc. Nhưng, ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi, và chỉ còn có mình ông với chúng tôi, thì ông đã thuận mọi điều. Than ôi, khi đó đã quá muộn ! Và điều cho thấy rõ tư tưởng của ông đã theo một chiều tốt đẹp hơn, là hai lần ông hỏi Cha Marc : « Tôi sẽ có thoát khỏi được chăng ? » Rủi ro thay, thiếu tá biết chung cục như thế nào…
Xem lại : Công và tội Phan Thanh Giản dưới cái nhìn của người Pháp – P2