Chiến dịch Campuchia – Cambodian Incursion Campaign 1970 – P2
Trước khi diễn ra Chiến dịch Campuchia 1970 – Cambodian Incursion – Cambodian Campaign, quân đội Mỹ đã tiến hành rút quân về nước và đẩy mạnh chương trình hoạt động Việt Nam Hóa nhằm hiện đại hóa và nâng cao sức chiến đấu của quân đội VNCH
Ở Vùng III Chiến Thuật, với “chương trình Đồng Tiến” là các đơn vị VNCH phối hợp hoạt động với các đơn vị Mỹ. Chẳng hạn sư đoàn Nhảy Dù VNCH phối hợp hành quân với sư đoàn 1 Không Kỵ ở Chiến Khu C hoặc chiến khu D . Sư đoàn 25 VNCH phối hợp hành quân với sư đoàn 25 Mỹ ở khu vực Hố Bò – Bời Lời ở phía Nam Tây Ninh.
Ở Vùng IV Chiến Thuật, sư đoàn 7 VNCH cùng sư đoàn 9 VNCH thường phối hợp với sư đoàn 9 Mỹ hoạt động ở khu vực tỉnh Kiến Tường và Kiến Phong giáp biên giới để ngăn chận sự xâm nhập của Quân Giải Phóng từ phía Campuchia
Trong năm 1970, các hoạt động hiệu quả của quân Mỹ và VNCH đã khiến quân Giải Phóng phải rút về biên giới Campuchia để tránh tổn thất và bổ sung lực lượng
TÌNH HÌNH QUÂN VIỆT CỘNG
Tình hình chiến sự ở Miền Nam trở nên ác liệt khi Hà Nội đưa công cụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào miền Nam hoạt động vào những năm 1960. Mục đích là tạo sự hợp pháp của chiến tranh trước dư luận thế giới. Miền Bắc giải thích rằng đây là sự nổi dậy của những người miền Nam chống lại chính quyền chứ không phải là miền Bắc gây chiến. Nhưng thực tế là miền Bắc trực tiếp chỉ huy và hỗ trợ về nhân sự, vũ khí và tiếp liệu thông qua đơn vị gọi là Trung Ương Cục Miền Nam – the Central Office for South Vietnam (COSVN)
Những năm đầu 1960, các cán binh Việt Minh trước đó đã tập kết ra Bắc được đưa dần vào Nam để xây dựng cơ sở. Các đơn vị này tập hợp thành đại đội, thành tiểu đoàn, .. rồi đến năm 1965 đã thành cấp trung đoàn. Chiến lược hoạt động bao gồm cả chiến tranh du kích lẫn tổng tấn công như đã diễn ra trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Do thất thất trong năm 1968, Hà Nội đã chuyển chiến lược thành chiến tranh lâu dài mà không tìm kiếm một chiến thắng quân sự tức khắc như trước đây nữa
Năm 1965, khi quân Mỹ đến hỗ trợ quân đội VNCH, quân Việt Cộng đã tổn thất nặng nề. Cuộc nổi dậy dịp Tết Mậu Thân 1968 với mong muốn tạo bước chuyển biến càng kiến quân Việt Cộng thất bại nặng . Để cứu vãn tình thế, tháng 7 năm 1969, Trung Ương Cục Miền Nam đã ban hành Nghị Quyết số 9, thay đổi mục tiêu từ “giành chiến thắng quân sự toàn diện và nhanh chóng” trở thành “chiến thắng từng phần và từng giai đoạn” theo đà rút quân của quân đội Mỹ. Họ cũng đẩy mạnh yếu tố chính trị khi đẩy mạnh công tác “binh vận” và thúc đẩy thành lập các hội đồng cách mạng ở các làng xã. Về quân sự, quân Giải phóng cũng giảm dần các cuộc đụng trận tiêu hao lớn mà chuyển sang dùng đặc công và pháo kích
Để đạt mục tiêu, Trung Ương Cục Miền Nam đã đưa ra các biện pháp sau :
- Các lực lượng sẽ tấn công quân đội Mỹ liên tục để gây nhiều tổn thất cho quân Mỹ khiến không thể hỗ trợ quân VNCH, phá kế hoạch xuống thang chiến tranh để rút dần khỏi Việt Nam mà phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam
- Các lực lượng sẽ tấn công quân đội VNCH, phá kế hoạch “”truy quét và giữ đất”, cô lập và cắt đứt các đường tiếp viện để không thể phối hợp với quân đội Mỹ và dần dà không thể thay Mỹ đảm nhiệm vai trò chiến đấu và cuối cùng sụp đổ hoàn toàn
- Tiếp tục xây dựng và củng cố quân đội, giành quyền kiểm soát các vùng nông thôn, vùng rừng núi và đặc biệt các vùng có các tuyến đường huyết mạch đi qua. Kích động và khơi dậy các cuộc nổi dậy ở thành phố, phá vỡ các hệ thống chính quyền của Miền Nam và đặc biệt là chương trình bình định
Đầu năm 1970, trước khi chiến dịch Campuchia – Cambodian Incursion – Cambodian Campaign diễn ra. Cơ cấu của lực lượng quân Giải Phóng bao gồm 3 thành phần : Chiến đấu, chỉ huy và hỗ trợ , cơ sở và lực lượng du kích. Lực lượng chiến đấu bao gồm : bộ binh, đặc công, trinh sát và lực lượng hỗ trợ bao gồm pháo binh, công binh, y tế, tiếp tế, … Lực lượng chiến đấu bao gồm ba bộ phận chính : chính quy miền Bắc, chính quy miền Nam và lực lượng địa phương. Lực lượng chính quy đa số là người được sinh ra ở Bắc, được huấn luyện và đào tạo sau đó gửi vào Nam chiến đấu. Lực lượng chính quy miền Nam lúc đầu do các cán bộ tập kết ra Bắc ra đó về Nam xây dựng lực lượng nhưng lực lượng này đã suy mòn theo thời gian. Do đó, lực lượng miền Nam sau này được bổ sung bằng lực lượng miền Bắc đưa vào. Lực lượng địa phương bao gồm các đơn vị tại địa phương và hoạt động ở các khu vực mà cơ sở du kích hoạt động mạnh. Đến năm 1969-1970, các lực lượng địa phương này đã được tổ chức thành cấp tiểu đoàn và trung đoàn
Lực lượng chỉ huy và hỗ trợ bao gồm các cá nhân chỉ huy, các cán bộ, … ở Tổng Hành Dinh của Trung Ương Cục Miền Nam, chỉ huy ở các địa phương tỉnh, huyện, xã, … trực thuộc Trung Ương Cục Miền Nam
Lực lượng du kích là các đơn vị chiến đấu quy mô tiểu đội, trung đội, nhận lệnh trực tiếp từ Hội Đồng Cách Mạng ở làng, xóm. Các hoạt động chính báo gồm bắt cóc, ám sát, quấy rối an ninh, thu thuế, tuyên truyền, bảo vệ cán bộ. Đây cũng là lực lượng giữ nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường, hỗ trợ… cho các lực lượng chính quy
Đến cuối năm 1969, tổng lực lượng quân Giải Phóng ở Miền Nam Việt Nam vào khoảng 243.000 người. Trong đó bao gồm lực lượng chiến đấu : 133.000 người , lực lượng chỉ huy và hỗ trợ : 58.000 người, du kích : 52.000 người. Ngoài ra còn khoảng 84.000 người hoạt động trong lĩnh vực chính trị, dân vận, binh vận, … Lực lượng này được biên chế thành 8 sư đoàn, 57 trung đoàn, 271 tiểu đoàn và 58 tiểu đoàn hỗ trợ chiến đấu. Lực lượng này được trang bị vũ khí của Nga, Trung Quốc và các nước thuộc khối Xã Hội Chủ Nghĩa. Các vũ khí đều hiện đại như súng trường AK47, súng máy RPD, súng phóng lựu RPG, súng máy 12,7mm, súng máy 14.5mm, súng chống tăng B40, súng chống tăng B41. Sau giai đoạn Tết 1968, Việt Cộng được trang bị thêm rocket 107mm, 122mm, pháo không giật 75mm, 82mm, 107mm, súng cối do Trung Quốc chế tạo như 60mm, 82mm, 120mm. Các đặc công được trang bị súng ngắn K-6 với băng đạn gấp lại có thể dùng như súng tiểu liên. Đến năm 1969, Việt Cộng được trang bị các thiết bị liên lạc hiện đại như điện đài TA-57 , R-105 của Nga, B-600 của Trung Quốc
Nhìn chung, giai đoạn đầu năm 1970, quân Giải Phóng đều không có bất cứ hoạt động nào đáng kể. Tuy nhiên, các tù binh bắt được và những chiến binh đào ngũ, chiêu hồi tiết lộ Việt Cộng chuẩn bị 2 cuộc tấn công lớn vào tháng 5 và tháng 7 nhằm tạo sức ép lên cuộc hội đàm Paris tuy nhiên diễn biến chính trị ngày 15 tháng 3 đã làm thay đổi kế hoạch của họ
Xem lại : Chiến dịch Campuchia 1970 – Cambodian Incursion 1970 – Cambodian Campaign 1970 – P1
Xem tiếp : Chiến dịch Campuchia 1970 – Cambodian Incursion 1970 – Cambodian Campaign 1970 – P3