Khi Đồng Minh Tháo Chạy : Nguyễn Tiến Hưng – P7
Phần 7 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Cơ hội tiến thân
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1968, ai là người đã cho phía Nixon biết hết những bí mật về kế hoạch của Tổng Thống Johnson tại Hòa Đàm Paris? Người đó chính là Kissinger. [5]
Ông có nhiều mối liên lạc với những chuyên gia về ngoại giao trong chính phủ Johnson vì chính ông đã làm tư vấn bán thời gian cho họ về vấn đề Việt Nam. Biết vậy nên ông Richard Allen, trong Ban Tham Mưu về ngoại giao của ứng cử viên Nixon, đã liên lạc với Kissinger để dò xét xem phía Dân Chủ đang mưu tính những chuyện gì về kế hoạch hòa bình. Kissinger liền xác đị nh với Allen là mình có nhiều bạn bè và đồng liêu hiện đang làm việc ngay tại Hòa Đàm Paris (bắt đầu từ tháng Năm, 1968). ‘’Tôi có cách liên lạc với họ’’, Kissinger quả quyết. Và ông đã làm như vậy.
Phía Nixon được ông khuyến nghị là phải đề phòng vì: ‘’Johnson đang chuẩn bị ngưng dội bom, và sẽ tung con bài bất ngờ ra trước ngày bầu cử’’. Trong tập hồi ký, chính Nixon cũng xác nhận việc này và tiết lộ một văn thư của phụ tá Haldeman thuật lại báo cáo của Kissinger gửi ông Mitchell (người điều hợp ban tham Mưu của Nixon rồi Tổng Trưởng Tư Pháp) nói trước Mưu lược của Johnson: ‘’Nguồn tin của chúng tôi cho việc chống đối ngưng ném bom là không thực tế, nhưng khuyên ta phải để tâm tới sự kiện là việc đó có thể xảy ra – nghĩa là ta nên tiên liệu trước việc đó – và nhất định là ta phải chuẩn bị cho cái lúc mà việc đó xảy ra. Nguồn tin của chúng tôi vô cùng quan ngại về những nước cờ sắp tới của Johnson, và tiên đoán rằng Johnson sẽ có một hành động nào đó trước ngày bầu cử’’. [6]
Bà Anna Chennault kể lại là vào thời điểm đó, bà đã không biết rõ ‘’nguồn tin của chúng tôi’’ là ai. Mãi về sau này, ông Mitchell mới tiết lộ cho bà tông tích của ‘’nguồn tin’’: đó là Henry Kissinger. Khoảng 12 giờ trước khi Johnson ngưng ném bom, Kissinger đã gọi cho Allen để thông báo một tin sốt dẻo: Tại Paris, hai ông Harriman và Vance, lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ tại hòa đàm, đã mở rượu xâm banh ăn mừng rồi! Mọi vấn đề liên hệ đã điều đình xong, và việc ngưng ném bom sẽ được tuyên bố sớm. [7]
Về hành động này của Kissinger, ký giả Seymour Hersh (người nổi tiếng về tiết lộ vụ Mỹ Lai) bình luận: ‘’Khi đem những thông tin từ Paris cho phía Nixon, không những Kissinger đã l ạm dụng tình đồng liêu nhưng còn phản bội những người mà ông đã từng cộng tác về những cố gắng đàm phán bí mật’’. [8]
Sau khi đăng quang, Tổng Thống Nixon đã lựa chọn ông vào chứ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Nixon viết thẳng ra trong hồi ký của ông rằng ‘’Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, khi Kissinger cung ứng cho chúng tôi những tin tức về việc ngưng ném bom, tôi đã thấy được rõ hơn nữa, về sự hiểu biết sâu rộng và ảnh hưởng của ông ta…tôi có một trực giác mạnh về Henry Kissinger’’. [9]
Trong cương vị Cố Vấn của Tổng Thống, Kissinger chẳng mấy lúc đã nắm được trọn quyền hành về ngoại giao, qua mặt cả Ngoại Trưởng William Rogers. Và sau cùng, ngày 22 tháng Tám 1973, Tổng Thống Nixon còn chọn ông làm Ngoại Trưởng thay ông Rogers (từ chức ngày 16 tháng Tám). Và Kissinger đã trở thành người di cư đầu tiên lên tới chức vị này. Quan trọng hơn nữa, ông cũng là Ngoại Trưởng đầu tiên kiêm cả chức Cố Vấn Tổng Thống về An Ninh. Sau khi Nixon từ chức, ông Ford lên kế vị (ngày chín tháng Tám 1974), lại cũng tiếp tục bổ nhiệm Kissinger kiêm luôn hai chức như cũ. Tới tháng 11.1975 (bảy tháng sau khi Miền Nam sụp đổ) ông Ford mới rút lại chứ Cố Vấn. Như Kissinger đã tự thuật sau này là: ông đã kịch liệt phản đối việc ấy vì làm cho người ta nghi ngờ về địa vị của ông. ‘’Và trong mấy tuần, tôi còn có ý định từ chức nữa’’. [10]
Trong tám năm trời và dưới hai thời Tổng Thống, ông Kissinger đã nắm toàn quyền về ngoại giao Hoa K ỳ. Chắc chắn lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng trong một thời gian là sáu năm ba tháng (lừ 20 tháng Giêng 1969 tới 30.4.1975), tức là gần một phần ba thời gian tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa, Kissinger đã đóng vai trò then chốt trong cả việc Mỹ tháo gỡ và việc Mỹ bỏ chạy ra khỏi Miền Nam.
Chuyên gia tư vấn: Từ Dân Chủ sang Cộng Hòa
Tư vấn cho Đảng Dân Chủ. Đầu thập niên 1960, Kissinger theo đảng Dân Chủ và được làm tư vấn bán thời gian cho Bộ Ngoại Giao về vấn đề Âu Châu thời Tổng Thống Kennedy. Tới thời Tổng Thống Johnson, ông còn tư vấn thêm cả về vấn đề Việt Nam, đặc biệt là trong một công tác được gán hiệu là ‘’Pennsylvania’’. Trong khi tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Paris, Kissinger có gặp một Nhà Vi Trùng Học người Pháp tên Herbert Marcovich. Marcovich cho biết ông có người bạn, một kỹ sư tên Raymond Aubrac, là chỗ quen biết với ông Hồ chí Minh. Rất bén nhạy, Kissinger về Washington thuyết phục các cấp trên của ông dùng Aubrac làm đường dây với Hà Nội để điều đình. Chính phủ Johnson đồng ý và ngày 21 tháng Bảy 1967, hai người Pháp cùng với Kissinger bay ra Hà Nội gặp Thủ Tướng Phạm văn Đồ ng [11]. Và đó là ‘’Pennsylvania’’, nguồn gốc của hòa đàm. Tháng Năm 1968, Cyrus Vance, đại diện Hoa Kỳ và Hà văn Lâu, đại diện Hà Nội đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hòa đàm về chiến tranh Việt Nam.
Tư vấn cho Đảng Cộng Hòa.
Khoảng năm 1964, Kissinger đổi sang Đảng Cộng Hòa. Trước hết là tư vấn cho Nelson Rockefeller. Đối thủ của Richard Nixon. Nhà triệu phú Rockefeller, Thống Đốc Tiểu Bang New York, đã tuyển ông làm tư vấn về ngoại giao khi ra cạnh tranh với Nixon trong chức ứ ng cử viên Tổng Thống của Đảng Cộng Hòa. Thời đó, Kissinger rất khinh miệt Nixon, cho ông này là người ‘’nông cạn, tham quyền, chống cộng quá khích và có thể đưa Mỹ tới đụng độ nguyên tử với Nga Xô và Trung Cộng’’. Ông còn nói với phe chống Nixon trước ngày họp Đảng ‘’Con người Nixon đó không thích hợp để làm Tổng Thống’’. Để thuyết phục, ông thêm: ‘’Trong ngần ấy những người ra tranh cử, Richard Nixon là con người nguy hiểm nhất nếu trở thành Tổng Thống’’. Thế nhưng, tại Đại Hội đảng Cộng Hòa, ngày 8.8.1968, ông Nixon được đảng lựa chọn.
Khi thấy Rockefeller thất bại ngay lần bỏ phiếu đầu với số phiếu 277 so với cho Nixon, Kissinger vô cùng buồn bã. Người ta kể lại rằng ông đã khóc. Ông còn nói: ‘’Cái ông đó hả, ông ta không có quyền để cai trị’’. [12]
Nhảy sang tư vấn cho Richard Nixon
Khinh miệt Nixon như vậy, mà khi ông này vừa được đảng Cộng Hòa tuyển chọn, Kissinger xoay chiều ngay. Dù biết rằng Kissinger coi thường cấp trên của mình, ban tham mưu của Nixon cũng nhận ra tài năng của ông ta. Chính ông Nixon cũng biết về thái độ thù nghịch của Kissinger, nhưng ông cho rằng đó chỉ là chuyện chính trị trước bầu cử [13]. Phía Cộng Hòa liền đề nghị Kissinger cộng tác để làm việc cho đảng trong kỳ tuyển cử tới. Kissinger vui vẻ quá sức. Người ta cho đây là ‘’cơ hội chủ nghĩa’’ ở đỉnh cao nhất của nó [14]. Lúc đó, Nixon đang cần có một nhà tư tưởng, nhà quân sư như Mcgeorge Bundy, Arthur Schlesinger của Kennedy hay Walter Rostow của Johnson. Là một luật sư, tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế về chính sách vì đã làm Phó Tổng Thống thời Eisenhower, nhưng ông Nixon thiếu cách diễn tả lưu loát về ngoại giao và những quan niệm về cơ cấu quy mô của chính trị toàn cầu.
Về điểm này, chúng tôi cũng có nhận thức được phần nào, khi nghe ông Nixon tranh luận với ông Kennedy vào lúc bầu cử Tổng Thống hồi tháng 11, năm 1960. Ngồi trong gian phòng giải trí dành cho sinh viên tại Đại Học Virginia, tôi được xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tại nước Mỹ trên truyền hình, tuy là TV đen trắng và nhỏ xíu. Chắc là ông Kennedy có những cố vấn ở Đại Học Harvard luyện cho trước cuộc tranh cãi, nên ăn nói lưu loát và bình luận về ngoại giao ở tầm lý thuyết cao. Còn ông Nixon thì mắt cứ chớp chớp, chỉ chống chế cho thành tích ngoại giao dưới thời Eisenhower. Sau cùng Nixon đã thất cử năm đó.
Tư vấn cho hai đảng một lúc
Trong kỳ bầu cử 1968, khi Henry Kissinger ngấm ngầm làm việc với phía Cộng Hòa qua Richard Allen, ông lại tiếp tục cộng tác với phía Dân Chủ qua Zbigniew Brzezinski, người điều hợp về ngoại giao cho Humphrey. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn The Price of power có dẫn chứng là Ted van Dyke, viên phụ tá thân cận của Humphrey có xác nhận chính ông đã là người tiếp nhận bức thư Kissinger viết cho. Humphrey vừa chỉ trích Nixon vừa xin tình nguyện làm việc với chính phủ Humphrey. Trong một cuộc điện đàm với Brzezinski, Kissinger cho biết là ông có thể đưa cho xem cả hồ sơ riêng của Rockefeller về Nixon. Theo như lời Kissinger, đó là những ‘’hồ sơ nhơ bẩn’’ (shitfiles) của Nixon. [15]
Và ông cứ đi hàng hai như vậy cho tới giữa tháng Chín khi những cuộc thăm dò dân ý cho biết Nixon đã bỏ xa Humphrey, lúc đó ông mới tỏ rõ thái độ, nghiêng hẳn về Nixon. Khi Brzezinski gọi điện thoại tới văn phòng Kissinger để hỏi xin hồ sơ này, cô Thư Ký trả lời: ‘’Như ông đã biết, Tiến Sĩ Kissinger bây giờ đang làm việc cho ông Nixon rồi’’. Và từ đó phía Humprey không nghe thấy gì về ‘’shitfiles’’ của Nixon nữa. [16]
Vào đầu thập niên 1990, khi tôi có dịp quen biết với Richard Allen (trước đó là Cố Vấn An Ninh cho Tổng Thống Reagan), trong cương vị là thành viên của Hội Đồng Quản Trị Trung Tâm nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center tại Heritage Foundation) do Allen làm Giám Đốc, tôi tò mò hỏi xem ông nghĩ sao về việc đã giới thiệu Kissinger cho Nixon, Allen nhún vai, lắc đầu, như hối tiếc đã giúp cho tham vọng của ông này.
Lên chức Cố Vấn Tổng Thống.
Ngày 27 tháng 11, 1968, sau khi Nixon thắng cử, ông John Mitchell mời Kissinger tới căn phòng của Nixon ở lầu 39 khách sạn Pierre, New York để gặp Tổng Thống tân cử. Nơi đây Nixon mời Kissinger làm Phụ Tá An Ninh Quốc Gia. Vui vẻ quá sức nhưng ông vẫn tỏ vẻ ngần ngại, nói là cần có thời gian để suy nghĩ.
‘’Được rồi, một tuần’’, Nixon trả lời. Kissinger về hỏi ý kiến Rockefeller. Ông này đồng ý để tiến cử đệ tử mình. Ngày 20 tháng Giêng 1969, Nixon đăng quang, dọn vào Bạch Ốc. Kissinger dọn vào theo. [17]
* * *
Tổng Thống Nixon là người muốn thành công ở lãnh vực ngoại giao nên muốn tập trung chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vào Tòa Bạch Ốc, chứ không giao cho Ngoại Trưởng như Tổng Thống Eisenhower đã giao cho ông John Foster Dulles. Và như vậy cũng rất khôn ngoan. Quyền lực và danh vọng của một Tổng Thống Mỹ thực ra chỉ được biểu lộ trong lãnh vực đối ngoại. Truman thả bom nguyên tử ở Hiroshima, Kennedy cho chiến hạm trực chỉ Cuba ép Krutschev gỡ hỏa tiễn về. Và ngày nay, ông Bush Cha thả bom Baghdad, bắt Iraq rút khỏi Kuwait, ông Bush Con, đánh đuổi Taliban và Al Qaeda khỏi Kabul. Rồi chiếm Iraq, lại bắt được Saddam Hussein trốn trong hầm. Ngay chính bản thân Nixon, khi làm Phó cho Tổng Thống Eisenhower cũng đã chỉ nổi tiếng về vụ ‘’Kitchen Debate’’, đốp chát với Krutschev ở trong một khu trưng bày đồ gia dụng nhà bếp tại hội chợ quốc tế ở Moscow.
Bây giờ lên dài, Nixon phải sáng chói. Cũng chỉ trong lãnh vực ngoại giao thôi. Vì trong thời hiện đại, có Tổng Thống Mỹ nào nổi tiếng về vấn đề nội trị đâu? Nền kinh tế Mỹ như cái máy tự động, khổng l ồ, chỉ làm sao đừng bị lạm phát (dưới 4%), giữ thất nghiệp cho thấp (khoảng 5%) là tốt rồi, đâu có làm phép lạ được. Xã hội thì đã có nền nếp, luật pháp thì đã thành khuôn, chắc như đanh đóng cột. Khó mà làm được gì nổi bật trong địa hạt chính sách đối nội. Ngượ c lại chỉ thấy nhức đầu: Tăng thuế cũng bị chửi, giảm thuế cũng bị la. Tổng Thống Johnson đã hái được nhiều thành quả trong nước, đặc biệt là đã để ý tới vấn đề xóa đói giảm nghèo, công bình xã hội, nhưng lại thất bại về mặt ngoại giao là chiến tranh Việt Nam, nên rồi cũng chẳng đi đến đâu. Hiện giờ (2005) Tổng Thống George Bush vừa thắng nhiệm kỳ hai, ông đặt ưu tiên cho chính sách đối nội là sửa đổi lại hệ thống ‘’an ninh xã hội’’ (so-cial security system), nhưng rồi cũng sẽ gặp nhiều chống đối, và dù đa số ở Quốc Hội là Cộng Hòa, ông cũng sẽ phải đi đến thỏa hiệp nếu muốn thành công. Và sau cùng thì kết quả về chiến tranh Iraq cũng vẫn là yếu tố quan trọng xác định địa vị của ông trong lịch sử.
Tags : Khi đồng minh tháo chạy, sách Khi đồng minh tháo chạy, Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng, sách Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P6
Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P8