Khi Đồng Minh Tháo Chạy : Nguyễn Tiến Hưng – P14
Phần 14 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away ” book by Nguyen Tien Hung
Tuy không phải là một chuyên gia về ngoại giao, nhưng tôi nghĩ trong lịch sử của Hoa Kỳ đã chưa có trường hợp nào lại có những áp lực trực tiếp, rõ ràng, cạn tàu ráo máng từ một vị Tổng Thống gửi tới một Đồng Minh như thế này. Cũng chưa bao giờ có những cam kết mạnh mẽ, dứt khoát, được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy…
Tới đây thì Việt Nam Cộng Hòa nhượng bộ.
Mật đàm đã giúp Hoa Kỳ thành công trong việc giải quyết chiến tranh Việt Nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Nixon. Chỉ chậm có hai ngày:
Ngày 20 tháng 1 năm 1973 là ngày Nixon đăng quang nhiệm kỳ hai.
Ngày 21 tháng 1, Tổng Thống Thiệu họp với Đại Sứ Bunker để trao văn thư gửi Tổng Thống Nixon, thông báo Việt Nam Cộng Hòa sẽ ký bản Hiệp Định.
Ngày hôm sau Nixon hồi âm: White House
Ngày 22 tháng Giêng 1973 Thưa Tổng Thống,
Với lòng can đảm và kiên trì, Ngài đã bảo vệ được quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong công cuộc theo đuổi mục tiêu duy trì tự do và độc lập.
Trân trọng, Richard M. Nixon.
Trong bầu không khí xám ngắt lạnh lẽo và mưa sụt sùi buổi xế trưa ngày Thứ Ba, 23 tháng Giêng hồi 12 giờ 45, hai ông Henry Kissinger và Lê đức Thọ đã phê chuẩn Hiệp Định Paris tại ‘’Trung tâm hội nghị quốc tế’’, khách sạn Majestic, Đại lộ Kléber. Hai bên giằng co về số trang và so sánh bản chữ ‘’HK (Henry Kissinger) và ông Lê đức Thọ ký vỏn vẹn một họ’’. Kissinger dùng một số bút mực và tặng cho bộ tham mưu của ông mỗi người một cái. Lê đức Thọ thì đưa bút của mình cho Kissinger ‘’để nhắc Hoa Kỳ về việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định này’’ . Vừa ký xong, Kissinger vội bay về Washington.
Ngày 27 tháng Giêng, Ngoại Trưởng Mỹ William Rogers, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm đồng ký. Hiệp Định Paris bắt đầu có hiệu lực.
Khi mọi việc đã êm đẹp, có phóng viên UPI là bà Helen Thomas muốn tò mò hỏi xem Kissinger làm gì vào chính lúc ông Rogers đặt bút xuống ký. Vì múi giờ khác nhau, 11 giờ sáng bên Paris là năm giờ sáng tại Washington. Văn phòng báo chí của Kissinger trả lời: ‘’Hãy làm tình, dừng đánh nhau’’ (Make love not war).
Lui vào bóng tối
‘’Ngày Quân Lực’’ năm đó được tổ chức hết sức linh đình. Xe tăng, đại pháo, mọi quân, binh chủng với quân phục mới tinh, oai hùng diễn hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên bầu trời, máy bay phản lực F-5 tung cánh sắt, lướt trên ngàn mâygió. Rõ ràng là hình ảnh của một chính phủ, một quân đội đầy tự tín trên con đường xây dựng hòa bình, thịnh vượng.
Trước đấy, Tổng Thống Nixon đã gửi đại diện sang Việt Nam để gây ấn tượng cho tình đoàn kết giữa hai nước. Ch ỉ ba ngày sau Hiệp Định, đài truyền hình Việt Nam có phóng sự đặc biệt: Phó Tổng Thống Spiro Agnew thăm viếng Sài Gòn. Hôm đó là ngày 30 tháng Ba, 1973. Khi tới phi trường Tân Sơn Nhứt, vị quốc khách được đón tiếp linh đình. Hết sức ca ngợi Tổng Thống Thiệu, ông Agnew nhắc tới lập trường Hoa Kỳ là tiếp tục ủng hộ một Đồng Minh trung thành của mình.
Dân chúng miền Nam thấy lên tinh thần. Sao mà nhanh thế? Vừa có đình chiến xong là đã có Phó Tổng Thống Mỹ sang ủng hộ. Buổi chiều, phần tin tức hấp dẫn trong ngày được chiếu đi chiếu lại.
Bên ngoài thì rầm rộ lạc quan như thế, nhưng thực ra, bên trong hậu trường lại khác. Chuyến viếng thăm của ông Agnew đã báo hiệu một điềm dữ . Có cái gì đây chẳng được lành. Không phải là ông Phó Tổng Thống đã tuyên bố hay mật đàm chuyện gì có phương hại cho hòa bình, nhưng cái nguy hiểm là những điều gì ông không nói.
Tổng Thống Nixon đã hứa trong thư ngày 17 tháng Giêng 1973 là khi tới Sài Gòn, ‘’Phó Tổng Thống Agnew sẽ công khai cam kết những gì tôi đã hứa với Ngài…’’ Thế mà có thấy gì đâu: Ngoài phi trường cũng như trong Dinh Độc Lập, chỉ thấy ông Agnew nói một cách chung chung quyết tâm ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa của Hoa Kỳ. Người ta cho rằng ông chỉ lập lại những điểm gì đã được ông Kissinger soạn thảo sẵn từ Washington trước chuyến đi.
Và rồi chỉ có thế. Nhưng để an ủi Việt Nam Cộng Hòa phần nào. John Negroponte, Cố Vấn của Kissinger về vấn đề Việt Nam, người tháp tùng ông Agnew trong chuyến đi, đã kéo ông Hoàng Đức Nhã ra ngoài hiên sau một buổi họp và nói nhỏ:
“Tôi lấy làm tiếc vì những điều xảy ra mấy tháng trước đây. Chúng tôi biết không thể gây áp lực đối với các ông được, và bây giờ phải làm tất cả những gì có thể làm được để giữ lời hứa. “
Thật là khôn: Bên ngoài và chính thức thì Phó Tổng Thống không nói đến những cam kết nữa, ông Nhã là người đã đứng cạnh Tổng Thống Thiệu trong những giờ phút căng thẳng trước Hiệp Định Paris. Ông Negroponte sau này được cử làm Đại Sứ đầu tiên của Mỹ tại Iraq thời hậu Saddam Hussein. Ông Thiệu kể lại là khi thấy Phó Tổng Thống Agnew lờ đi về những cam kết của Tổng Thống Nixon: ‘’Tôi đã bắt đầu nghi ngờ Hoa Kỳ từ lúc đó…’’
Lại tìm củ cà rốt
Càng nghi ngờ, ông Thiệu lại càng sốt ruột. Trước khi ký kết Hiệp Định, ông Nixon có hứa mời ông sang Mỹ để ‘’chúng ta có dịp công khai nhắc lại mối hợp tác giữa hai nước và sự cam kết của Hoa Kỳ’’. Sau chuyến viếng thăm của ông Agnew, cuộc họp mặt với Tổng Thống Nixon trở nên cấp thiết hơn nữa. Rồi lại nghe tin không hay từ Washington về vụ Watergate. Dinh Độc Lập bối rối, hoang mang. Bây giờ mà không gặp được Nixon ngay là nguy to. Biết đâu vì chính trị nội bộ, cuộc họp lại bị hoãn chăng? Ông Thiệu tìm mọi cách để chuyến đi Mỹ sớm được thực hiện.
Tổng Thống Nixon chính thức mời ông Thiệu sang Mỹ họp với ông vào ngày 3.4.1973. Tuy trong thư trước, Nixon đã nói tới San Clemente là nơi họp, nhưng ông Thiệu lại ngỏ ý muốn thăm viếng Hoa Kỳ tại Thủ Đô Washington. Là một Nguyên Thủ Quốc Gia, ông muốn được tiếp đón với đầy đủ nghi lễ. Sau cùng, Đại Sứ Trần Kim Phượng đã điều đình để ông Thiệu được đón tiếp như một quốc khách ở San Clemente. Việt Nam gửi một phái đoàn tiền phong sang Washington để cùng phía Mỹ hoạch định chương trình cho cuộc họp. Hàng Không Việt Nam thuê một phi cơ của Pan American, sơn cờ Việt Nam, chở Tổng Thống để tăng phần trang trọng và chủ quyền quốc gia.
Ngoài hồ sơ về viện trợ quân sự, ông Thiệu mang theo hồ sơ kinh tế. Tuy nhu cầu vừa tái thiết vừa phát triển đòi tới cả tỷ đô một năm, nhưng phải thực tế mà đề nghị. Ban Kinh Tế Tài Chánh (với các ông Phạm Kim Ngọc, Hà Xuân Trừng) đem ra những con số khiêm nhượng. Theo ‘’Chương trình phát triển 1973-1980’’, Việt Nam Cộng Hòa chỉ yêu cầu Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế 650 triệu đô la (1973) và 780 triệu (1974), rồi giảm dần xuống tới mức không đáng kể vào năm 1980 (95 triệu). Hy vọng là từ năm 1981 trở đi thì Việt Nam Cộng Hòa có thể tự túc tự cường, khỏi phải đi xin xỏ nữa.
Không may là chỉ vài ngày trước khi ông Thiệu lên đường, vụ Watergate lại vỡ lở lớn. Tòa Bạch Ốc lo âu, bối rối vì báo chí đã phát giác: Có ‘’nhiều nhân vật cao cấp’’ trong chính quyền nhúng tay vào việc che chở cho vụ ăn cắp tài liệu của đảng Dân Chủ ở Tòa nhà Watergate…
Hết Phần 14 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away” book by Nguyen Tien Hung
Xem thêm :
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P13
Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P15