Trận đánh Huế và lệnh rút khỏi Huế của Nguyễn Văn Thiệu năm 1975
Tháng 3 năm 1975, quân Giải Phóng tấn công vào Huế nơi Vùng I Chiến Thuật, trận đánh Huế đã không diễn ra mà quân Việt Nam Cộng Hòa đã rút bỏ theo lệnh rút khỏi Huế của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 25 tháng 3 năm 1975
Tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford cử tướng Fred Weyand sang đánh giá tình hình chiến trường Nam Việt Nam, ông báo cáo :
“Tình hình quân sự của VNCH đang lâm vào tình trạng nguy ngập, và sự tồn tại của Nam Việt Nam là rất mong manh. Chính quyền VNCH đang bên bờ vực của một thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, VNCH dự tính tiếp tục chống cự với phương tiện có trong tay và, nếu có thời gian lấy lại sức, có thể tái tạo khả năng chiến đấu tùy thuộc vào sự viện trợ khẩn cấp về trang bị vũ khí, khí tài của phía Mỹ. Tôi cam đoan là chúng ta có bổn phận phải cống hiến sự hỗ trợ này cho họ”.
Ngày 22 tháng 3 năm 1975, quân Giải Phóng tấn công phía Nam Huế với ý định cô lập và cắt đứt đường tiếp viện giữa Huế và các tỉnh phía Nam. Lúc này, tình hình bố trí của phía Việt Nam Cộng Hòa như sau :
- Sư đoàn 1 và liên đoàn 15 Biệt động quân đóng tại Thừa Thiên
- Sư đoàn 3 và liên đoàn 14 Biệt động quân đóng tại Đà Nẵng, Quảng Nam
- Sư đoàn 2 và hai liên đoàn Biệt động quân 11, 12 bảo vệ Quảng Tín, Quảng Ngãi
- Sư đoàn dù và Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ làm cơ động trừ bị
- Các đơn vị yểm trợ gồm trên 10 tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn phòng không, một lữ đoàn thiết kỵ
- Hải quân gồm các giang đoàn xung phong, trục lôi, tuần thám tại Thuận An, các duyên đoàn tại Cửa Việt, tại Thuận An, Tư Hiền…
- Sư đoàn 1 Không quân đóng tại Đà Nẵng
Tổng quân số của Quân đoàn I vào khoảng 90 ngàn chủ lực và 75 ngàn địa phương quân, nghĩa quân
Ngày 11-13 tháng 3, Tổng thống Thiệu Triệu cùng các tướng lĩnh họp ở Dinh Độc Lập gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn và tướng Ngô Quang Trưởng để đánh giá tình hình, các báo cáo cho biết, các khó khăn do bị cắt viện trợ và tình hình chiến trường cho thấy không thể căng sức cho toàn bộ chiến trường mà chỉ có thể giữ được Quân khu 3, Quân 4 và một vài tỉnh duyên hải vùng 2, vùng Một chỉ giữ Huế và Đà Nẵng. Đồng thời Bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu tướng Trưởng trả sư đoàn Dù Về để làm trừ bị cho các mặt trận khác
Tướng Fred Weyand bình luận về cuộc họp ngày 13 tháng 3 :
“Trong mười hai ngày tiếp theo sau buổi họp này (từ 13 tới 25), có sự bất ổn lớn từ phía Quân Đoàn I và Sài Gòn về việc nên giữ lại những phần nào ở Quân đoàn I, nhất là về việc có nên hay không nên giữ Huế.”
Tin Sư Đoàn Dù bị rút đi khiến tinh thần binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa xuống thấp và dân chúng lo sợ vì đây là Sư Đoàn thiện chất nhất của miền Nam. Ý tưởng Huế sẽ bị bỏ rơi khiến dân chúng ồ ạt di tản
Ngày 19 tháng 3, Thiệu lại gọi tướng Trưởng về họp lần 2. Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp :
- Kế hoạch thứ nhất: nếu Quốc lộ 1 (QL 1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng;
- Kế hoạch thứ hai: nếu QL 1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế, và Đà Nẵng, nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chánh do bốn sư đoàn bộ binh và bốn liên đoàn BĐQ đảm nhận và lợi dụng những công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành để chống cự..
Tướng Trưởng kết luận : ” Đoạn đường Huế-Đà Nẵng, Chu Lai-Đà Nẵng đã bị chốt, làn sóng tỵ nạn lại đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất này để chạy về Đà Nẵng. Chúng ta chỉ có một chọn lựa, và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trễ.‘
Khi tướng Trưởng bay về Đà Nẵng, ngày hôm sau, tướng Trưởng cho biết có khả năng không giữ nổi Huế và Đà Nẵng cùng lúc vì tướng Lâm Quang Thi – Tư lệnh phó QĐ I báo cáo là quân đội Bắc Việt đã bắt đầu pháo vào Bộ chỉ huy rồi
Lúc này ở phía Mỹ, nhóm Dân chủ ở Hạ viện đã bỏ phiếu chống viện trợ bổ túc cho Miền Nam (ngày 12 tháng Ba) với số phiếu 189-49; rồi nhóm ở Thượng viện theo sau với số phiếu 34-6.
Lúc này, tình hình binh sĩ Miền Nam sa sút rất nhanh, các đơn xin viện trợ lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, …. liên tục được gửi về trong khi chính phủ Miền Nam đã cạn kiệt
Ngày 19-3 Quảng Trị bị bỏ rơi, quân Việt Nam Cộng Hòa rút về phía Nam sông Mỹ Chánh, các ngày sau, quân Giải Phóng tấn công 3 hướng, từ Quảng Trị đánh xuống, từ Quảng Ngãi đánh lên và từ dãy căn cứ Camp Caroll, Rock Pile ở hướng Tây đánh sang. Tình hình Quân Khu I ngày càng nguy kịch, các trận đánh ác liệt và liên tục bị chận đánh khiến sư đoàn 1 bộ binh bị tan rã, đường từ Quảng Ngãi đến Chu Lai bị cắt đứt dân chúng ùn ùn tản cư khiến tình hình trở nên rối loạn không thể kiểm soát. Quốc Lộ 1 bị chốt chặn. Ngày 24 tháng 3, quân Giải phóng làm chủ Tam Kỳ. Quân VNCH co cụm về 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế,
Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng kể lại : ngày 25 tháng Ba 1975, một cuộc họp tại Dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu lúc 9 giờ 30 sáng. Hiện diện: ngoài Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm còn có Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc, Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng.
Các tin xấu liên tục của chiến trường khiến tất cả im lặng và cùng nghiên cứu bản đồ. Sau khi Tướng Khuyên trình bày về tình hình QK I và II, Tổng thống Thiệu nhấc máy điện thoại gọi Tướng Trưởng hỏi xem có giữ được Huế hay không. Rồi ông nhắc lại câu trả lời từ đầu giây bên kia:
Trung tướng Trưởng: “Nếu có lệnh, thì giữ.“
Tổng thống Thiệu: “Liệu giữ được bao lâu?“
Trung tướng Trưởng: “Ngày một ngày hai.“
Tổng thống Thiệu: “Vậy nếu không giữ được, phải quyết định ngay, và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ.“
Xoay qua mọi người, tổng thống Thiệu thở dài: “Mình trông cậy vào ba ‘enclaves’ (cứ điểm), mà bây giờ chỉ còn một ở Đà Nẵng.” Nghe vậy, ông Bắc và tôi bàng hoàng nhìn nhau. Như vậy là đã có lệnh rút khỏi Huế của Nguyễn Văn Thiệu. Cùng ngày bỏ Huế, Tổng thống Thiệu chỉ thị cho tôi trình ông bản thảo chót về bức thư cầu cứu Tổng thống Ford.
Mở đầu có câu: “Thưa Tổng thống, lúc lá thư này tới tay Ngài, thành phố Huế có lẽ đã bị bỏ ngỏ, và rất có thể chính Sàigòn cũng bị đe dọa.“
Ông Thiệu gạch ngay câu mở đầu đi vì Huế đã bị bỏ ngỏ rồi. Trên đầu thư chúng tôi đề “Saigon, March…, 1975” để trống con số về ngày gửi, vì chưa biết ông định gửi thư ngày nào. Lúc ấy ông lấy bút chì xanh viết xuống số “25” thật to, tức là “Saigon, March 25, 1975“.
Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt buồn thảm của ông lúc ấy. Ông bảo tôi đưa bản văn cho Chánh văn phòng tổng thống là Đại tá Cầm để cho đánh máy và chuyển cho Đại sứ Graham Martin ngay. Gửi thư đi rồi, Tổng thống Thiệu chờ đợi từng giây phút về phản ứng của Tổng thống Ford. Nhưng nhận được thư SOS, Tổng thống Ford lờ đi, không hồi âm
Sau khi Huế bị bỏ rơi, quân Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục rút về Đà Nẵng và Chu Lai theo cửa biển Tư Hiền và cửa biển Thuận An, quân Giải Phóng pháo kích ác liệt, tình hình càng hỗn loạn và đến ngày 29, quân Giải Phóng đã chiếm được Đà Nẵng