Trận đèo Chu Pao năm 1972
Trận đèo Chu Pao năm 1972 diễn ra ở đồi Chu Pao, là một khu vực then chốt án ngữ đường 14 giữa Kontum và Gia Lai và là trận đấu hy hữu mà xe tăng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tiến lên đồi để tấn công quân Giải Phóng
Đèo Chu Pao hay còn gọi là đèo Chư Pao cách Kontum khoảng 10km chiếm vị thế vô cùng hiểm yếu, Từ Pleiku đi theo đường 14 đi lên sẽ bắt gặp đồi Chu Pao hay Chư Pao phía Tây và núi Chư Thoi phía Đông kẹp 2 bên, chẹt đường 14 vào giữa một đoạn dài chừng 7 km, đường đi khúc khuỷu đèo dốc. Khi đứng trên đồi Chupao, có thể thấy rõ mọi sự di chuyển bên dưới
Cuối tháng 4 năm 1972, quân Giải Phóng sau khi tấn công và chiếm Tân Cảnh, làm tan rã toàn bộ sư đoàn 22 bộ binh và tư lệnh sư đoàn là đại tá Lê Đức Đạt tự sát, quân Giải Phóng đã đánh bật tiểu đoàn Biệt Động Quân trấn thủ đèo Chupao để bóp nghẽn con đường độc đạo từ Pleiku lên chi viện cho Kuntum. Một tiểu đoàn quân Giải Phóng được trang bị những khẩu pháo 75mm đã án ngữ con đường huyết mạch này.
Trong thời gian này, tướng Nguyễn Văn Toàn được cử làm tư lệnh vùng II Chiến Thuật đã ra lệnh chi viện khẩn cấp cho Kontum. Các ngày đầu, việc di chuyển quân khá thuận tiện, nhưng sau khi đồi Chu Pao bị mất, việc tăng viện không còn được thực hiện được. Quân Giải Phóng đóng chốt trên đồi được trang bị súng máy phòng không, đại liên và pháo 75mm đã khống chế toàn bộ đèo. Các xe qua lại đều bị pháo và súng máy bắn phá ác liệt.
Chi Đoàn 1/8 Thiết kỵ Việt Nam Cộng Hòa được giao giữ an ninh trục lộ và mở đường. Đường từ buôn Pleiboi, qua khỏi căn cứ hỏa lực 42 tới phía đông bắc của căn cứ hỏa lực 41 dưới chân núi Chu Pao. Qua khỏi núi Chu Thoi (đối diện núi Chu Pao, phía Nam quốc lộ 14 chừng 2Km là tới đồi Sao Mai rồi sau đó là tới Tân Phú.
Sư đoàn 23 bộ binh lúc này do đại tá Lý Tòng Bá làm sư đoàn trưởng có nhiệm vụ phòng thủ Kontum, ông biết rõ nếu đường 14 không được đánh thông, Kontum bị cô lập sẽ nhanh chóng thất thủ. Ngày 26 tháng 4 năm 1972, đại tá Lý Tòng Bá họp cùng bộ chi huy trung đoàn 45 bộ binh do Đại Tá Nguyễn Văn Chà, Trung Đoàn trưởng cùng thiếu tá Lê Quang Vinh – chi đoàn 1/8 thiết kỵ dưới chân núi Chu Pao. Đại tá Lý Tòng Bá ra lệnh :
– Toàn thể gia đình Tài Lực 1/8 (danh hiệu Chi Đoàn trương 1/8) phải nhổ xong chốt Chu Pao nội trong ngày nay! Không cần đợi phi pháo!
Thiếu tá Lê Quang Vinh choáng váng và bất ngờ:
– Thưa Đại tá Tư lệnh! Nhổ bằng cách nào ?
– Cho chiến xa leo lên đỉnh Chu Pao! Chi Đoàn sẽ sử dụng con đường mòn xe be kéo gỗ khi xưa ở hướng đông bắc Chu Pao để tiến lên đỉnh núi! Con đường không sủ dụng đã lâu đó nay đã ngập cây rừng nhưng chiến xa có thể càn qua được. Địch không thể ngờ ta dùng con đường này! Anh cho anh em thám sát ngay và hành động gấp cho tôi!
Trung tá Lê Quang Vinh kể lại : “Sau khi nhận lệnh cho trận đèo Chu Pao, tôi đờ người ra, đầu óc xoay tròn những ý nghĩ không có đáp số. Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp với xích sắt, với chiến xa, tôi mới nghe và nhận một cái lệnh cho chiến xa leo núi tấn công địch. Cái này sách vở không dạy, binh pháp không thấy đề cập. Nếu vị Tư lệnh Sư Đoàn không phải là Đại Tá Lý Tòng Bá, một sĩ quan cao cấp kỳ cựu của binh chủng Thiết Giáp, đã từng du học về Thiết Giáp tại trường Thiết Giáp Saumur của Pháp và Fort Knox của Hoa Kỳ, có lẽ tôi đã từ chối chấp hành cái lệnh lạ đời này, và chấp nhận luôn hậu quả của việc ra tòa án quân sự. Nhưng không. Tôi không có sự lựa chọn nào khác. Tôi chấp hành lệnh.”
Chi đoàn 1/8 Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hòa sau đó cho 5 xe tăng M41 kèm 1 đại đội bộ binh tùng thiết, men theo đường mòn lên núi, các xe thiết giáp còn lại đóng ở mé rừng liên tục pháo kích lên đỉnh núi để nghi binh. Đường lên đỉnh Chu Pao tuy chỉ khoảng hơn 1km dốc rất cao, ngoằn nghoèo, nhiều đoạn là kế bên vực thẳm, đây là đường do xe ben trước đây vào để kéo gỗ và lâu rồi không sử dụng nên quân Giải Phóng bị bất ngờ khi xe thiết giáp VNCH tấn công sau lưng.
Hồi ký của Thiếu tá Lê Quang Vinh kể lại :
Công tác tấn kích trên đỉnh đèo Chu Pao cực kỳ nguy hiểm, nên thành phần tham dự ngoài xe Chi Đoàn trưởng, Chi Đội trưởng Chi Đội trực còn kèm theo 3 xe tình nguyện. Tất cả thành phần còn lại, Chi Đoàn phó, theo kế hoạch, sẽ cho chiến xa bố trí trong rừng, sát phía Nam Quốc Lộ 14 với nhiệm vụ là hướng tất cả các loại súng lên núi, tác xạ tối đa vào mục tiêu khi Chi Đội vượt tuyến tấn kích trên Quốc Lộ 14 để leo lên núi bằng con đường mòn.
Phía sau núi Chu Thới có một bãi lầy chiến xa M41 không qua được nhưng M113 thì không trở ngại. Tôi lệnh cho 2 xe M113 của Chi Đội chỉ huy vượt qua bãi lầy, nối cáp dài kéo từng chiếc M41 qua bên nay bãi, sau đó, toàn bộ len lỏi trong rừng tiến về hướng Đông Bắc Chu Paọ Tôi chia đội hình và kế hoạch tấn công như sau:
– Chiến xa M41 mang số 21 do Thượng sĩ Tôn chỉ huy dẫn đầu có nhiệm vụ dò đường, mở đường và soi đường. Khi vừa tới đỉnh sẽ phóng chiến xa đánh thẳ ng tốc tới phía trước nơi vị trí địch đạt khẩu đại bác 75 ly không giật chế ngự QL14.
– Chiếc kế là chiến xa chỉ huy, khi tới đỉnh sẽ đánh tràn qua hướng Tây để bảo vệ sườn cho chiến xa 21 dẫn đầu.
– Chiếc thứ 3 là chiến xa M41 mang số 11, khi tới đỉnh Chu Pao sẽ vượt qua yên ngựa đánh thẳng về hướng Đông Bắc.
– Chiếc thứ 4 là chiến xa M41 của Chi Đội trưở ng Chi Đội 2, Trung úy Chính, sẳn sàng tiếp ứng khi có lệnh.
– Chiếc thư 5 là chiến xa M41 của Thiếu úy Chi, Chi Đội phó Chi Đôi 3, khi đến đỉnh phải vượt qua đèo yên ngựa cùng với chiến xa 11 mở rộng đội hình dồn địch xuống núi.
– Một Đại Đội của Tiểu Đoàn 4/45 tùng thiết do Đại úy Cẩm, Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy sẽ bám sát chiến xa để bảo vệ và đánh cận chiến với Bắc quân.
Tiếng đại bác, đại liên qua lại từ dưới bắn lên, từ trên nả xuống kéo dài liên tục nhận chìm rừng núi trong một âm thanh điên cuồng, hổn loạn. Tiếng xích sắt chuyển động của đoàn chiến xa leo núi biến mất trong tiếng đạn nổ liên hồi. Chiến xa cứ bò lên, vượt thêm một đoạn nữa, tôi chợt thấy một phần của đỉnh đồi Chu Pao, phần yên ngựa, nơi thấp nhất nối liền mõm núi phía Đông và rặng núi phía Tây. Tất cả hệ thống vô tuyến đều im lặng, gương mặt chiến binh lạnh lùng trên pháo tháp, lạnh lùng theo vết chân tùng thiết, chờ đợi một cuộc xung phong tập kích quyết liệt bất ngờ vào tuyến địch. Thời tiết trên đỉnh Chu Pao còn rất lạnh nhưng áo trận của tôi vẫn đẫm ưới mồ hôi.
Đứng trong vị trí của trưởng xa, khẩu đại liên 50 đã được nối với 5 thùng đạn. Một thùng lựu đạn được tháo khỏi hộp, sẳn sàng sử dụng khi chiến xa ủi thẳng tới hầm địch khi đại bác và đại liên không còn hiệu quả mà chỉ có lựu đạn và lưỡi lệ Bên phải tôi, Thượng sĩ Bào thuộc phân đội chiến xa chỉ huy mặt đanh lại, hai tay ghìm chặc khẩu đại liên 50 sẳn sàng nhả đạn. Tôi hồi hộp nhìn theo chiến xa dẫn đầu mang số 21, khoảng cách lên tới đỉnh núi một lúc một rút ngắn, tim tôi muốn vỡ tung trong lồng ngực khi chiến xa đầu vừa lên khỏi dốc. Bắc quân vẫn không hay biết gì về sự có mặt của những con cua sắt định mệnh trên đỉnh Chu Pao ngay sát nách hầm hố của các chốt. Bỗng Tôn hét trong hệ thống âm thoại:
– Mục tiêu hướng 12 giờ! Khoảng cách 50 mét! Bắn!
Tiếng đại bác và đại liên của xe đầu dệt thả m lửa vào các mục tiêu địch. Chợt hai tiếng nổ liền nhau từ hướng 3 giờ của xe mang số 21, nó bị khựng lại, tôi hét lớn trong máy.
– 21 lao thẳng vào mục tiêu! Để hướng 3 giờ cho tôi thanh toán!
Hai tiếng nổ tiếp theo, chiếc 21 bốc cháy. Ngay lúc đó xe chỉ huy vượt qua chỗ đất bằng, ép qua bên phải, đại bác và đại liên càn quét tất cả khu vực trước mặt, cây cối thi nhau rạp ngả, cách xe chi huy chừng 20 mét là khẩu đại bác 75 ly không giật đặt trên tảng đá cao quay nòng về xe chỉ huy. Trong gang tấc chết sống, tôi tung hai qua lựu đạn về hướng địch. Địch khai hỏa thẳng vào xe chỉ huy, đạn trúng bên hông pháo tháp, Bào bị thương, máu văng tung tóe vào mặt tôi. Tôi hét:
– Kéo Bào vào trong! Nạp thêm đạn!
Tôi chụp khẩu đại liên 50 đẩy gần hai thùng đạn vào vị trí khẩu 75 ly địch. Trong nháy mắt, ba chiến xa sau vọt tới, tôi điều động gấp rút qua âm thoại:
– 11 vượt qua yên ngựa, tấn công mục tiêu hướng 3 giờ! Chính số 2 phối hợp 11 mở rộng đội hình càn quét mục tiêu! 34 tấn công hướng trước mặt xe 21!
Lệnh ra như một cái máy. Các chiến xa nhận lệnh phóng ào vào mục tiêu và hướng chỉ định. Lúc này ta và địch sát nhau, có chỗ địch kẹt dưới hầm, chiến xa cán lên trên, có nơi địch và ta cài răng lược, cận chiến, đại bác, đại liên trở thành vô dụng, lựu đạn được dùng tối đa. Địch bám chốt cả một tiểu đoàn, quân dố quá đông, địa thế lại chật hẹp, khó xoay trở, mình tung lựu đạn xuống, địch tung lựu đạn lên. Tôi chụp máy hét:
– Cẩm cho con cái nhào vô tiếp sức gấp!
Liền đó, Đại Đội tùng thiết của Đại úy Cẩm từ mé rừng tràn vào hai hướng tấn công của chiến xa và một trận đánh cận chiến vô cùng hào hùng và ác liệt đã diễn ra. Lưỡi lê tuốt trần, lựu đạn nổ khắp nơi.
Kết quả sau trận đèo Chu Pao năm 1972, quân Giải Phóng bị đẩy lùi khỏi đồi Chu Pao. Sau đó, đại tá Lý Tòng Bá cho tiểu Đoàn 4/45 BB ở lại giữ đồi Chu Pao, Chi Đoàn 1/8 Chiến xa rút vế Pleiku để nhận tiếp tế và vài ngày sau đó lại nhận lệnh di chuyển lên Kontum và là đơn vị thiết kỵ duy nhất chống trả quân Giải Phóng ở mặt trận này