Chính Phủ Việt Nam phải thay VNCH trả nợ Mỹ ?
Nhiều người cho rằng, chính phủ Việt Nam phải thay Việt Nam Cộng Hòa trả nợ cho Mỹ do chính phủ miền Nam Việt Nam trước đây không có khả năng thanh toán. Thế nhưng sự thật thì Sài Gòn dư khả năng thanh toán món nợ trên
Ngày 28 tháng 7 năm 2020, Bộ Tài Chính Mỹ đã xác nhận là khoản nợ $145 triệu của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hồi thời chiến tranh vừa được chính quyền Việt Nam hiện nay trả hết vào ngày cuối cùng của năm 2019.
Qua 20 năm, lượng viện trợ kinh tế mà Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa tổng số tiền hơn 10 tỷ USD (thời giá 1960). Nếu tính cả chi tiêu tại chỗ của lính Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan đóng tại miền Nam Việt Nam (lên tới vài trăm triệu USD mỗi năm và cũng do Mỹ chi trả) thì tổng lượng tiền mà Mỹ đổ vào kinh tế Việt Nam Cộng hòa lên tới trên 20 tỷ USD (thời giá 1960), tương đương 140 tỷ USD theo thời giá 2015.
Bộ Tài Chính Mỹ cho biết, hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa chính là các khoản viện trợ kinh tế bao gồm viện trợ thương mại (nhằm hỗ trợ nhập khẩu và hỗ trợ ngân sách nhà nước), viện trợ nông phẩm (dưới hình thực hiện vật là các lương thực và thực phẩm), viện trợ theo dự án (có thể bằng tiền hoặc hiện vật cho từng dự án cụ thể trong các lĩnh vực hành chính, xã hội, kinh tế-văn hóa). Theo Bộ Tài Chính Mỹ, số nợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là $145 triệu bao gồm khoảng $76 triệu là nợ gốc từ các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, giao thông, nhà máy điện… mà chính quyền Sài Gòn vay của Washington từ trước khi kết thúc chiến tranh năm 1975, và khoảng $70 triệu còn lại là tiền lời trả trong 24 năm.
Nếu xét theo tính chất cho vay hoặc cho không, thì phần lớn viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho VNCH là viện trợ cho không (không hoàn lại), viện trợ cho vay trong 20 năm từ 1955 đến 1975 chỉ chưa đến 200 triệu USD. Các khoản cho vay lớn của Hoa Kỳ giúp VNCH đóng tiền gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4 triệu USD năm 1956), đổi mới hệ thống viễn thông (6,8 triệu USD năm 1958-1959), phát triển đội tàu hỏa (9,7 triệu USD năm 1959, 9,7 triệu USD năm 1961), mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn (17,5 triệu USD năm 1960), xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Thủ Đức (12,7 triệu USD năm 1961), hỗ trợ chương trình Người cày có ruộng (5 triệu USD năm 1970).
Theo bản tin của VOA Tiếng Việt hôm 28 tháng 7 năm 2020, đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Washington. Trong một email gửi cho VOA Tiếng Việt gần đây, phát ngôn viên Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết: “Việt Nam đã hoàn tất các khoản thanh toán của mình. Kể từ ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019, Việt Nam không còn nợ bất kỳ khoản nợ nào đối với bất kỳ cơ quan chủ nợ nào của chính phủ Hoa Kỳ.”
Vào ngày 7 Tháng Tư, 1997, ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là bộ trưởng Bộ Tài Chính Việt Nam, ký một thỏa thuận tại Hà Nội với ông Robert Rubin, lúc đó là người tương nhiệm phía Mỹ, theo đó, Việt Nam đồng ý trả khoản nợ $145 triệu của chính quyền VNCH như một điều kiện xúc tiến ngoại giao.
“Đây là một bước quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta và sự hòa nhập của Việt Nam vào hệ thống tài chính quốc tế,” ông Rubin nói lúc đó.
Theo thông báo nêu trên của Bộ Tài Chính Mỹ, Việt Nam trả ngay một khoản “downpayment” hơn $8.5 triệu tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Kể từ sau đó, Việt Nam trả đều đặn số nợ còn lại, bắt đầu từ Tháng Bảy, 1997, đến năm 2019 thì hết.
Vẫn theo VOA Tiếng Việt, “từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, Hoa Kỳ liên tục tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu đô la cho các chương trình y tế, giáo dục, xử lý chất độc dioxin, người khuyết tật, biến đổi khí hậu…nhưng Washington vẫn kiên quyết buộc Hà Nội thanh toán khoản nợ của chính quyền Sài Gòn và từ chối xóa món nợ này.”
Theo AP: “Lúc đầu, Việt Nam từ chối thanh toán các khoản nợ này, nhưng sau đó đổi ý vì muốn được Washington tạo thuận lợi để khuyến khích đầu tư nước ngoài.”
Về phương diện giáo dục, một phần số tiền trả nợ này được chi cho quỹ giáo dục Vietnam Education Foundation (VEF), do Quốc Hội Mỹ lập năm 2000, nhằm đưa sinh viên Việt Nam sang học tại Hoa Kỳ. Tổng cộng, theo chính phủ Mỹ cho biết, trong hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam hơn $1.8 tỷ, trong đó có $706 triệu cho y tế.
Việt Nam Cộng Hòa không có khả năng trả nợ Mỹ ?
Thực tế thì Việt Nam Cộng Hòa dư khả năng thanh toán nợ. Theo tài liệu ghi chép cũng như lời kể của ông Lữ Minh Châu vốn là người của Cục R cài cắm trong ngân hàng Quốc Gia VNCH tại số 17 Bến Chương Dương . Ông Lữ Minh Châu sau này là tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết mình được giao nhiệm vụ trưởng Ban tiếp quản ngân hàng khi Sài Gòn được giải phóng thuật lại :
“Các nhân viên cũ của VNCH bàn giao lại toàn bộ sổ sách, không có sự phá hủy tài liệu hay tẩu tán tài sản và tiền vàng trong ngân hàng đầu não Sài Gòn. Họ khóa sổ kho quỹ, niêm phong, tiếp nhận hồ sơ nhân sự, sổ sách tài liệu và cắt người bảo vệ các vị trí quan trọng như kho quỹ, tầng hầm trữ vàng… “
Đến thời điểm 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của Việt Nam Cộng hòa còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ. Với số vàng 16 tấn tại Việt Nam, năm 2005, khi trả lời phỏng vấn với đài BBC, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa thời ông Nguyễn Văn Thiệu chi biết thời giá lúc đó bằng gần 300 triệu đôla Mỹ. Còn 5.7 tấn vàng tại Thụy Sĩ, sau đó phía Hà Nội đã nhờ Tiệp Khắc chuyển về Tiệp Khắc và đã bán giúp
Ngoài ra, một số vàng khá lớn và đá quý do các tư nhân ký gửi vẫn còn ở ngân hàng. Theo cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam, toàn bộ số tiền mặt của Việt Nam Cộng hòa thu được hơn 150 tỉ đồng.
Trong đó, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia 125 tỉ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng in hình các con thú mới chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỉ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỉ đồng.
Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối của chính phủ Sài Gòn cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138.798.820 USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thụy Sĩ.
Tổng kết cho thấy, phía Việt Nam Cộng Hòa dư khả năng thanh toán nợ của Mỹ