Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers – P6
Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers about Vietnam war – Phần 6
Trong cuộc gặp đó, Đại sứ cần bày tỏ sự hài lòng với chính sách của Pháp kèm theo nhận định việc thực thi các chính sách trên sẽ rất hiệu quả trong việc loại bỏ các mối nguy như: (1) những người Việt cực đoan và không muốn hoà giải được làm chủ tình hình, (2) Người Việt có thể bị đẩy xa khỏi tầm ảnh hướng của phương tây, chuyển sang những ý thức hệ và liên minh thù địch với các nền dân chủ khiến Đông Dương kéo dài hỗn loạn và gây ra hậu quả cho toàn Đông Nam Á.
Tránh để lại cảm tưởng với việc Chính phủ Hoa Kỳ can thiệp chính thức vào thời điểm này. Công khai theo bất kỳ hình thức nào cũng không nên”
Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers cho biết, trong thời gian này, người Pháp có vẻ thành tâm làm theo Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và thoả thuận đình chiến, tránh va chạm với VNDCCH. Có những phát biểu đối nghịch từ một số người, chẳng hạn như Đô đốc d’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương, ông ngạc nhiên khi Pháp có một quân đoàn viễn chinh tốt như vậy ở Đông Dương, thế mà các nhà lãnh đạo của họ thích đàm phán hơn là chiến đấu. Có nhiều người như tướng Leclerc, người đã dẫn quân Pháp vào Hà Nội ngày 18/3/1946, nhanh chóng gặp Hồ Chí Minh, tuyên bố tất cả thành ý tuân thủ Hiệp định ngày 6/3. Ông nói “Lúc này không việc gì phải dùng vũ lực để đáp lại quần chúng đang khao khát sự tiến bộ và đổi mới.” Đảng Xã hội Pháp – chính đảng đang nắm quyền ở Pháp – nhất mực đề ra chủ trương hòa giải trong suốt năm 1946. Thậm chí, khi có sự cố đụng độ giữa Pháp-VNDCCH vào tháng 11 ở miền bắc (biến cố Hải Phòng), thì tháng 12/1946 Leon Blum – mới nhậm chức Thủ tướng Chính phủ lâm thời Pháp đã viết rằng Pháp không còn cách nào khác ngoài việc trao độc lập cho Việt Nam.
Ông viết “Chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn tiếng tăm nền văn minh Pháp, ảnh hưởng chính trị và tinh thần, và những lợi ích vật chất hợp pháp của chúng ta ở Đông Dương: đó là thỏa thuận chân thành với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng nền độc lập…”
Đảng Cộng sản – một đảng cánh tả lớn khác ở Pháp, cũng hô hào hòa giải; nhưng, những người cộng sản muốn được tham gia chính quyền nếu không phải mình họ độc tôn thì ít nhất cũng phải là một phần của chính quyền lâm thời liên hiệp, họ có xu hướng xem trọng khía cạnh dân tộc chủ nghĩa hơn những người đảng Xã Hội. Tháng 7/1946, tờ L’Humanité, tờ báo Cộng sản, đã nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản không muốn nước Pháp bị thu nhỏ thành “lãnh thổ nhỏ chỉ còn mỗi chính quốc”, và cảnh báo rằng đó sẽ là hậu quả nếu các dân tộc thuộc địa quay lưng lại với Pháp:
Tờ báo này viết rằng “Có phải chúng ta, sau khi mất Syria và Lebanon ngày hôm qua, sẽ để mất Đông Dương vào ngày mai, Bắc Phi ngày hôm sau?”
*Giải thích của người dịch: Syria và Lebanon (Li Băng) từng là thuộc địa của Pháp. Syria được Pháp trao trả độc lập tháng 4/1946 và Lebanon được Pháp trả độc lập tháng 10/1945.
Tại Quốc hội tháng 9/1946, một đại biểu Cộng sản đã tuyên bố:
“Những người cộng sản cũng như thế hệ tiếp nối cho sự vĩ đại của đất nước. Nhưng… họ chưa bao giờ ngừng khẳng định rằng Liên Hiệp Pháp… chỉ có thể được thành lập dựa trên sự tin tưởng, xem nhau như anh em và trên hết là sự hợp tác dân chủ của tất cả các dân tộc và chủng tộc tạo ra tổ chức liên hiệp này…”
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã không thể tận dụng mối liên hệ của ông với phe Cánh tả Pháp (Hồ từng là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào đầu những năm 1920) để biến niềm tin của những người theo chủ nghĩa xã hội hoặc những người cộng sản ở Pháp thành lợi thế cho VNDCCH. Đảng Cộng sản đã không được chuẩn bị để làm mạnh vụ việc cho người Việt Nam vì sợ mất phiếu bầu ủng hộ. Những người theo chủ nghĩa xã hội hô hào hòa giải, nhưng lại để cho những quân nhân thực dân, đặc biệt là những người ở Việt Nam, đặt ra chính sách của Pháp ở Đông Dương; do đó, Đô đốc d’Argenlieu, chứ không phải Tướng Leclerc, mới là tiếng nói đại diện Chính phủ Pháp.
Vào giữa tháng 12/1946, ngay sau khi Blum nhậm chức, Hồ đã gửi cho ông một bức điện với những đề nghị giảm bớt căng thẳng ở Việt Nam, nhưng thông điệp này đã không đến được Paris cho đến ngày 26/12. Vào thời điểm đó, đụng độ đã diễn ra. Tại Hà Nội, ngày 19/12/1946, quân đội Việt Nam, sau nhiều ngày chất chứa hận thù với bạo lực, đã cắt điện nước của thành phố và tấn công các đồn trú của Pháp bằng vũ khí cỡ nhỏ, súng cối và pháo binh. Vấn đề ai gây chiến trước đã không bao giờ được giải quyết. Chiến sự bùng lên khắp miền Bắc Việt Nam, và hai ngày sau, cuộc chiến du kích ở miền Nam Việt Nam nhanh chóng diễn ra. Có những lúc người Pháp đã đáp trả các cuộc tấn công ban đầu bằng sự dã man khiến cho việc muốn trở lại như trước đó ngày càng khó.
Ngày 23/12/1946, Thủ tướng Leon Blum phát biểu trước Quốc hội về cuộc khủng hoảng Đông Dương. Ông nói về hòa bình, nhưng lại đồng tình với các sĩ quan Pháp ở Việt Nam. Mặc dù ông tuyên bố “cách làm của thực dân cũ với việc chinh phục, cưỡng chế, khai thác thuộc địa đã chấm dứt”, ông cũng bày tỏ thêm:
“Chúng tôi có nghĩa vụ phải đối phó với bạo lực. Những người đàn ông đang chiến đấu ngoài kia, những người lính Pháp và những cư dân thân thiện, có thể tin tưởng vào sự cảnh giác và cách giải quyết của chính phủ.
Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng làm mọi thứ để tránh đổ máu cho hai phía, của người Pháp và không phải người Pháp, của những người có quyền tự do chính trị mà chính phủ này đã công nhận 10 tháng trước, của những người cần giữ vị trí của họ trong Liên Hiệp Pháp
Trước hết, trật tự phải được thiết lập lại, hoà bình phải được duy trì thì mới có thể tiến hành những thoả thuận.”
Một tuần sau bài phát biểu, Thủ tướng Leon Blum đã bị thay bằng Thủ tướng đầu tiên của Đệ tứ Cộng Hoà Pháp – Paul Ramadier. Pháp đã cử 3 phái viên đến Việt Nam vào thời điểm này: Đô đốc d’Argenlieu, Tướng Leclerc, và Bộ trưởng Bộ Xã hội chủ nghĩa Pháp ở nước ngoài, Marius Moutet. Đô đốc d’Argenlieu trở thành Cao ủy Đông Dương, và cáo buộc người Việt Nam bất tín với Pháp. Ông tuyên bố dứt khoát ý định bảo tồn vị thế của Pháp ở Đông Dương:
“… duy trì và phát triển các ảnh hưởng hiện tại cùng các lợi ích kinh tế, bảo vệ các dân tộc thiểu số đã được phó thác, chăm lo, bảo đảm an ninh cho các căn cứ chiến lược trong khuôn khổ phòng thủ của Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp…
Pháp không còn ý định trao cho nhân dân Đông Dương nền độc lập hoàn toàn và vô điều kiện, điều này sẽ chỉ là một điều hư cấu gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của hai bên.”
Hai đại diện khác của Pháp được cử đi tìm hiểu thực tế. Các báo cáo của họ đề ra những chính sách trái ngược nhau. Tướng Leclerc viết:
“Vào năm 1947, Pháp sẽ không còn dùng vũ lực để chống lại 24 triệu dân (có thể là) một lòng với nhau, trong họ có một chủ nghĩa bài ngoại và một lý tưởng quốc gia…
Vấn đề từ bây giờ là chính trị. Phải đối mặt với một chủ nghĩa dân tộc bài ngoại đang thức tỉnh, làm sao để giữ lại phần nào các quyền lợi của Pháp.”
(Bản dịch của Nam Đào do Admin chientranhvietnam chỉnh sửa và bổ sung)
Xem từ đầu : Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers – P1
Xem lại : Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers – P5
Xem tiếp : Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers – P7