Người Ba Lan suýt ngăn được cuộc chiến Việt Nam
Trong Cuộc chiến Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã có một vai trò ngoại giao nhất định trong Ủy ban Đình chiến với hoạt động cả ở Hà Nội và Sài Gòn. Thậm chí, đại sứ Ba Lan Mieczyslaw Maneli suýt ngăn được cuộc chiến Việt Nam
Đại sứ Mieczyslaw Maneli, người hai lần làm việc tại Ủy ban Đình chiến còn được một số báo Ba Lan ca ngợi là “từng có cơ hội ngăn cuộc chiến Việt Nam bùng nổ”. Giáo sư luật Mieczyslaw Maneli nổi tiếng trong Chiến tranh Lạnh ở vai trò trưởng phái bộ Ba Lan trong Ủy ban Đình chiến sau Hiệp định Geneva về Việt Nam.
Khi sang Việt Nam, ngoài công việc ở Ủy ban Đình chiến, ông Maneli còn theo dõi quan hệ Xô – Trung vốn nhiều mâu thuẫn sau khi Stalin chết cho chính phủ Ba Lan. Ông đã gặp Cố vấn Ngô Đình Nhu tại Dinh Độc Lập năm 1963 với một đề nghị làm trung gian để Sài Gòn và Hà Nội đối thoại trực tiếp, trước khi Hoa Kỳ đổ quân vào. Các sử liệu báo Ba Lan giới thiệu cho hay ông Maneli đã gặp ông Nhu “ít ra là vài lần”. Ông Maneli, người thạo tiếng Pháp, cũng gặp các ông Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng và Quốc vương Sihanouk trong các lần đến châu Á.
Theo chính những gì đại sứ Ba Lan Mieczyslaw Maneli viết lại thì năm 1963 là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đối đầu Nam-Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ thời JF Kennedy đã tăng sự hiện diện của các cố vấn quân sự tại Nam Việt Nam lên nhưng chưa quyết định đem quân tác chiến vào chống cộng sản.
Các tài liệu Phương Tây và của người Việt xuất bản ở hải ngoại có nói đến tiếp xúc giữa ông Ngô Đình Nhu và lãnh đạo cộng sản miền Nam, ông Phạm Hùng. Nhưng đó chỉ là tiếp xúc mang tính thăm dò ở địa phương. Còn tiếp xúc cao cấp hơn, với đại sứ Ba Lan làm trung gian, hẳn phải có lý do chiến lược của cả chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Hà Nội.
Thời điểm diễn ra vài lần trao đổi giữa ông Maneli với ông Nhu ở Sài Gòn, sau khi ông Maneli đã gặp Phạm Văn Đồng ở Hà Nội trước đó, là rất đáng chú ý. Trong ‘Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam’, Frederik Logevall viết rằng chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng thấy sức ép, thậm chí thái độ thù địch từ Hoa Kỳ tăng lên, và một ‘lá bài’ của ông Nhu là việc nói chuyện với Hà Nội.
Về phía miền Bắc, mất mùa năm đó tệ nhất kể từ 1954 khiến Hà Nội không muốn phụ thuộc vào sự làm ơn của Liên Xô và Trung Quốc khi xin viện trợ lương thực. Nếu có trao đổi kinh tế, miền Bắc sẽ nhận lương thực từ miền Nam chứ không phải từ các đồng minh đang mâu thuẫn và có các tính toán riêng. Lúa gạo là một động cơ để nói chuyện với miền Nam, như nhà báo thân cộng sản người Úc, ông Wilfred Burchett, cho biết chính Hồ Chí Minh đã nói với ông ta như thế. Đại sứ Mieczyslaw Maneli ghi nhận bối cảnh đó trong một báo cáo viết về Warsaw :
“Căn cứ vào thông tin tôi nhận được hoàn toàn mang tính riêng tư ở miền Bắc, có thể kết luận rằng một số cuộc nói chuyện Ngô – Hồ đã bắt đầu, thông qua những người được miền Bắc ủy nhiệm trực tiếp.”
Không nhận được phản đối từ Ba Lan, ông bắt đầu công việc này. Các tài liệu của nhân chứng VNCH sau in ở nước ngoài cũng nói vào mùa hè năm 1963, Sài Gòn đầy các các tin đồn rằng ông Nhu thương thảo gì đó với Hà Nội. Theo Logevall, các trao đổi này không hẳn là bí mật, và ngoài Maneli còn có Roger Laloulette (đại sứ Pháp) và Ramchundur Goburdhun (đại biểu Ấn Độ thuộc Ủy ban Đình Chiến), biết và chia sẻ niềm tin tương tự về viễn cảnh thương thảo Nam – Bắc. Mặt khác, có vẻ rằng lãnh đạo hai bên lo ngại viễn cảnh Hoa Kỳ cứ đổ quân vào, bất chấp phản đối của Sài Gòn.
Sir Robert Thompson, chuyên gia Anh giúp Sài Gòn trong chương trình Ấp Chiến Lược thì ghi nhận rằng lúc đó, ông Hồ ‘sẵn sàng trả bất cứ giá nào’ để Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam. Hà Nội lo ngại về rạn nứt Trung – Xô và sợ rằng nếu chiến tranh leo thang, miền Bắc Việt Nam sẽ thành chiến trường giữa quân Mỹ và Trung Quốc.
Ngăn được cuộc chiến ?
Bằng các cuộc tiếp xúc trung gian, quả thực Đại sứ Ba Lan Mieczyslaw Maneli suýt ngăn được cuộc chiến Việt Nam và như một bài trên trang wp.pl hồi 2015 viết lại, ông Mieczyslaw Maneli “từng nỗ lực ngăn lại cuộc chiến Việt Nam” trước khi nó xảy ra. Điều đáng chú ý là các hoạt động của trưởng đoàn Ba Lan đã xảy ra không thông báo với người Nga, theo các báo Ba Lan.
Tin tức về các cuộc gặp Maneli và Ngô Đình Nhu được phía Ba Lan báo cho người Mỹ thông qua đại sứ J. K. Galbraith ở Ấn Độ. Theo một tài liệu nghiên cứu của Margaret Gnoinska, thì phía Mỹ lại tưởng đó là sáng kiến đến từ Moscow. Kết cục thì Moscow đã ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Adam Rapacki, chấm dứt ngay các việc như vậy. Các tài liệu ngày nay cho hay sau khi thông tin này lộ ra, các lãnh đạo Ba Lan tại Warsaw vô cùng hoảng sợ vì lo Moscow phật lòng. Moscow không hề muốn có những tiếp xúc như thế, và câu chuyện “hòa giải” giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam được xếp vào mục ‘sáng kiến riêng’ của đại sứ Maneli và chấm dứt ở đó.
Không lâu sau các cuộc gặp cuối hè 1963, hai anh em ông Diệm – Nhu bị giết ở Sài Gòn, và vài tuần sau nữa, Tổng thống JF Kenney bị bắn chết tại Dallas, Hoa Kỳ. Lyndon B. Johnson lên làm tổng thống và sang năm 1964, ông đã ‘dùng vụ Vịnh Bắc Bộ’ để có ủy quyền của Hạ viện cho hoạt động quân sự chống lại Bắc Việt. Vào tháng 3/1965 Johnson đưa 3500 thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Nam Việt Nam. Trong vài tháng sau, ông chuẩn thuận để triển khai tới 175 nghìn quân tác chiến. Con số này còn tăng sau đó cùng sự leo thang của cuộc chiến Việt Nam.