Trận Thượng Đức 1974 – Battle of Thuong Duc 1974 – P2
Ngày 7 tháng 8 năm 1974, trong trận Thượng Đức – battle of Thuong Duc, cường độ pháo kích của quân Giải Phóng lên đến đỉnh điểm với 1.200 quả đạn pháo các loại đã khiến tuyến phòng thủ của chi khu Thượng Đức nát vụn, gần như toàn bộ công sự, chiến hào đều sụp đổ
Tình hình ở chi khu Thượng Đức đã rất trầm trọng, phần lớn công sự và hầm hào đều đã đổ sập do quân Bắc Việt pháo kích liên tục. Thương vong của Biệt Động Quân lên cao, tiểu đoàn trưởng yêu cầu cho di tản thương binh. Tuy nhiên, Không Quân VNCH cho biết lưới phòng không quá ác liệt nên không thể tổ chức di tản.
Tướng Trưởng điều 1 chi đoàn xe tăng M48 từ căn cứ Tân Mỹ ở Thừa Thiên vào làm trừ bị. Chi đoàn này đến được Đà Nẵng vào ngày 1 tháng 8. Tướng Hinh thành lập chiến đoàn đặc nhiệm để tiếp viện cho trận Thượng Đức và giải vây cho tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân, lực lượng bao gồm trung đoàn 2 bộ binh và và Chi Đoàn 11 Thiết Kỵ từ Đại Lộc đi dọc theo Tỉnh lộ 4 tiến về Thượng Đức. Dọc đường, chiến đoàn gặp sức chống trả ác liệt của quân Giải Phóng . Hỏa lực pháo kích từ các cao điểm 1235, 1062 liên tục rót xuống khiến thương vong ngày càng tăng.
Ngày 2 tháng 8, các đợt không kích làm tình hình chiến sự ở Thượng Đức tạm yên, tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân tổ chức trinh sát bên ngoài và phát hiện 53 thi thể quân Bắc Việt tử trận do trúng không kích. Quân Giải Phóng thiết lập 6 vị trí phòng không chung quanh chi khu Thượng Đức khiến mọi cố gắng tải thương đều thất bại. Một tù binh Bắc Việt bị bắt giữ cho biết anh ta thuộc sư đoàn 324 và đơn vị này đã được lệnh di chuyển đến đóng quân ở phía Đông Thượng Đức để án ngữ đường TL 4 từ Thượng Đức đến đồi 52. Việc tấn công Thượng Đức sẽ được giao lại cho sư đoàn 304 thay thế
Việc tiến quân của chiến đoàn 2 theo tỉnh lộ 4 đã rất chậm chạm do Quân Giải Phóng chốt dày đặc trên tuyến đường này. Đến ngày 5 tháng 8, chiến đoàn 2 mới chỉ đến vị trí cách căn cứ 52 khoảng 4km. Tiểu đoàn 2 của chiến đoàn 2 phải chiến đấu liên tục để phá các chốt chặn trên các ngọn đồi phía Bắc đường 4. Tiểu đoàn 1 bị chặn đứng ở phía Tây của căn cứ 52 do hỏa lực Quân Giải Phóng quá mạnh
Lúc này, tình hình trận Thượng Đức – Battle of Thuong Duc trở nên nguy cấp, Biệt Động Quân không được tiếp tế và tải thương nhiều ngày khiến sức chiến đấu ngày càng giảm. Không Quân VNCH cố gắng thả dù tiếp tế khẩn cấp nhưng do hỏa lực phòng không ác liệt của Bắc Việt, tám kiện hàng tiếp tế đều rơi ngoài chu vi phòng thủ.
Ngày 6 tháng 8, tướng Trưởng cảm thấy tình hình ngày càng nguy cấp khi lúc này có đến 2 sư đoàn quân Giải Phóng ở sát quân Đại Lộc. Ông đã báo cáo tình hình cho Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn và tướng Viên – Tham Mưu Trưởng đã tăng cường cho Quân Đoàn I bằng lữ đoàn 1 Nhảy Dù. Lữ đoàn 3 Nhảy Dù cũng được lệnh chuẩn bị để di chuyển đến Đà Nẵng.
Khuya ngày 7 tháng 8, quân Giải Phóng mở đầu bằng các cuộc pháo kích dữ dội vào khi khu Thượng Đức. Đây là trận pháo kích ác liệt nhất kể từ khi trận đánh mở màn vào ngày 29 tháng 7, hơn 1.200 quả pháo các loại kể cả những khẩu trong pháo 130mm đã khiến chu vi phòng thủ bên ngoài trở nên nát vụn, quân Giải Phóng bắt đầu tấn công dồn dập vào Thượng Đức nhưng Biệt Động Quân vẫn cố gắng chống trả và đẩy lùi cuộc tấn công. Các máy bay VNCH liên tục ném bom, bắn yểm trợ để quân Biệt Động Quân giữ các vị trí cuối cùng. Rạng sáng ngày 7 tháng 8, cuộc tấn công mới còn mạnh hơn lại bắt đầu, tiểu Đoàn 9 quân Giải Phóng đã chiếm được khu Địa Phương Quân và phát triển xuống khu cảnh sát, quận lỵ. Tiểu Đoàn 7 từ hướng tây bắc đã sang hướng Tiểu Đoàn 9, đột phá vào khu Biệt Ðộng Quân. Lúc 8 giờ 30 phút ngày 7 tháng 8/1974, Sư Đoàn 304 đã tràn ngập cứ điểm Thượng Đức. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân báo cáo mở đường máu rút lui trước khi liên lạc bị mất vào trưa ngày 7 tháng 8. Đây là căn cứ Biệt Động Quân thứ 3 bị mất sau căn cứ Dak Pek và căn cứ Tieu Atar bị mất vào tháng 5 năm 1974
1 tiểu đội trưởng Hỏa lực của đại đội 3, tiểu đoàn 7, trung đoàn 66, sư đoàn 304 viết :
“Tất cả những gì nói về trận Thượng Đức 1974 chưa ai nêu được tên người dầu tiên cắm cờ lên đồn Thượng Đức vào khỏang 7 giờ 30 sáng ngày 7/8/1974 : Đó là chính trị viên Hoàng Văn Nụ, vì C3 D7 chẳng còn cán bộ đại đội nào nên anh ấy chỉ huy mũi tấn công từ mũi Tây Bắc xuống. Lúc này tiểu đoàn 9 đã làm chủ một số số lô cốt đầu cầu ở hướng Tây Nam đi lên.
Ngay 2 tiếng đầu của trận Thượng Đức, máy bay A37 dội thẳng bom vào hàng rào hướng Tiểu đoàn 7 E66 (bắc) làm chết ngay 25 anh em của mũi chủ công thuộc C2 D7 E66 F304. Ban chỉ huy Đại đội hy sinh hết luôn. Đại đội 2 này là đại đội Anh hùng thời đánh Mỹ, mang theo lương 3 ngày mà đuổi theo Mỹ 5 ngày. Hồi còn ở Dakrông Hướng Hóa Quảng trị, bọn tôi đi bộ ra thao trường, còn mấy anh này “bôn tập” (chạy ra thao trường).
Thiệt hại trong trận này vô cùng to lớn mà chẳng sách nào viết ra. Nhiều tài liệu viết bên mình có 111 người hy sinh trong trận này là con số rất sai, tôi nghĩ còn là ít so với con số bộ đội thiệt hại trong ngày đầu tiên tấn công Thựong đức.”
Ngày 8/8/1974, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cùng 3 Tiểu Đoàn trực thuộc 1, 8 và 9 Nhảy Dù được khẩn cấp không vận đến vùng hành quân Đại Lộc bằng phi cơ C130 để chi viện cho trận Thượng Đức, một ngày sau khi Thượng Đức thất thủ, trong khi các thiết bị nặng như đại bác 105-ly và xe cộ được đưa ra bằng tàu của Hải Quân. Sau khi nghỉ đêm tại Quận Hiếu Đức, sáng hôm sau Lữ Đoàn I ND di chuyển bằng đoàn xe GMC hướng về quận Đại Lộc, qua Ái Nghĩa, cầu Chìm chuẩn bị vào trận địa.
Ngày 11/8/1974 tướng Trưởng đã cho triển khai Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đến Đà Nẵng. Ngày 14 tháng 8, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đang phòng thủ phía Tây của tỉnh Thừa Thiên được thay thế bằng Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân. Lữ đoàn 3 Nhảy Dù cùng 3 tiểu đoàn 2, 3 & 6 được lệnh di chuyển bằng phi cơ từ phi trường Phú Bài xuống phi trường Đà Nẵng. Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng – sư đoàn trưởng sư đoàn Nhảy Dù đã cho thiết lập bộ chỉ huy ở khu vực Ngũ Hành Sơn phía Nam Đà Nẵng. Đơn vị của ông vẫn còn lữ đoàn 2 Nhảy Dù đang được tăng phái cho sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ tỉnh Thừa Thiên
Trên vùng đồi núi chập chùng nằm phía bắc thung lũng sông Vu Gia, Liên Tỉnh Lộ 4 nối liền Thường Đức với khu vực đồng bằng duyên hải, 2 bên trái phải là 2 dãy núi cao chót vót trùng điệp chạy chụm lại, 2 dãy núi gặp nhau tại một khe núi rất hẹp, có tên là Ba khe, với ngọn đồi 52 trọc đỏ ối nằm ngay yết hầu con đường độc đạo chạy từ Đại Lộc vào Thường Đức, vào sâu nữa là vùng Bến Giàng rồi Khâm Đức. Do con đường độc đạo, quân Giải Phóng đã chuẩn bị sẵn hầm hố, đào chiến hào, đắp công sự phòng thủ
Xem lại : Trận Thượng Đức 1974 – Battle of Thuong Duc năm 1974 – P1
Xem tiếp : Trận Thượng Đức 1974 – Battle of Thuong Duc năm 1974 – P3