Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù : Tàn Cơn Binh Lửa – Hồi ký đại úy VNCH Lê Đắc Lực – ARVN Airbone Ranger – P3
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù : Tàn Cơn Binh Lửa – Hồi ký đại úy VNCH Lê Đắc Lực trong chiến tranh Việt Nam – ARVN 81st Airbone Ranger in Vietnam war – P3
Trời bắt đầu tối dần, đoàn Molotova đang từ từ lọt hết vào đúng vị trí phục kích, sau khi Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Phan Văn Khánh, phát lệnh khai hỏa. Các Đại Đội đồng lọat nổ súng, kèm theo tiếng hô xung phong ầm ĩ vang rền cả một góc trời, phá tan cái âm u, trừ tịch của khu rừng. Trung Đội tôi cùng lúc tác xạ xối xả, nào Đại Liên, Trung Liên, Garant, Carbine, bắn liên tục như pháo Giao Thừa vào chiếc xe chạy dẫn đầu, làm nó nằm im, lửa bừng cháy bao trùm cả chiếc xe. Tiếng la hét hỗn loạn chen lẫn với tiếng súng nổ phản công của bọn cọng phỉ, tiếng đì đùm của mìn pháo trên các xe kế tiếp đang bốc cháy, tạo nên một âm thanh rùng rợn và hỗn độn. Vài tên địch rơi xầm xuống đất, nằm bất động tại chỗ “chắc không sống nỗi”, tôi chợt nghĩ như thế. Lựu đạn quăng tới tấp, những chiếc Molotova nối đuôi, cùng chịu chung số phận, cũng đã bị các Trung Đội của các Đại Đội 3, 2, 1 xơi tái, hạ gục, hết chiếc nầy đến chiếc khác, lửa hừng hực lan rộng dọc theo con đường, lửa khói bốc cao dữ dội, làm rực sáng và nóng bức cả một khu vực trong rừng đêm.
Sáng hôm sau, kiểm điểm tổng quát trận địa: Bên địch tám chiếc Molotova bị bắn cháy cùng với rất nhiều vũ khí, đạn dược, chiếc chạy dẫn đầu chứa đầy lương thực gạo, muối, lương khô và quân trang quân dụng của bọn chúng cũng bị thiêu rụi hầu hết. (Đoàn xe Molotova 8 chiếc do Thám Sát Delta phát hiện, đã bị Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù phục kích thiêu hủy toàn bộ tại thung lũng Ashau)
Lục soát dọc theo khu vực đã tìm thấy 20 xác Cọng phỉ nằm ngỗn ngang dọc hai bên sườn núi, bên ta Đại Đội Trưởng Đại Đội 3 Trung Úy Huỳnh Văn Thanh đã bị bắn một viên đạn AK, còn ghim trong lồng ngực đã được bốc khẩn cấp đến Bệnh Viện Dã Chiến Hoa Kỳ giải phẫu. Trung Đội Trưởng Chuẩn Úy Nguyễn Hiền, Thiếu Úy Trương Út và một số Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ các Đại Đội 1, 2, 3 bị trúng thương, tất cả đều đã được trực thăng vận chuyển về hậu trạm chữa trị.
Báo cáo tổng kết tình hình chiến trận cho Đại Bàng xong, các Đại Đội được lệnh nhanh chóng rút quân về lại bãi đáp để triệt xuất, đề phòng địch quân ẩn trú quanh đây chắc không phải là ít, chúng sẽ tập trung lực lượng phản kích.
Trên Trực Thăng đang bay về lại Căn cứ Hành quân Phú Bài. Thắng trận, tôi vừa vui vừa ngậm ngùi. Tôi không ưa sự chém giết. Đó là bản tính tôi. Tinh thần của một Phật Tử, truyền thống của dân tộc còn nặng trong tâm tư tôi. Tôi không biện minh. Đó chỉ là một điều tất nhiên mãi mãi tồn tại trong con người của tôi.
A Shau là tiếng Thượng, tiếng của dân tộc Vân Kiều hay Stiêng?. Ả Sầu là tiếng A Shau được Việt hóa! Ả là “cô ả”, là “cô nàng” nào đó. Có cô ả nào sầu vì thương những người lính xông pha núi rừng như chúng tôi trong trận đánh vừa qua??? Tôi thâm nghĩ: Đời còn có người thương thì đời còn vui chán!
Thế nhưng “Nam nhi cổ lai chinh chiến hề”.
Không bao lâu sau đó. Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù ( tiền thân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù – ARVN 81st Airbone Ranger ), trong đó có Đại Đội 1 chúng tôi do Đại Úy Bùi Cao Thăng chỉ huy, lại lần nữa nhảy vào Mật khu Ashau lần thứ hai.
Trong trận chiến này Tiểu Đoàn đã quần thảo suốt hai ngày đêm với một Trung Đoàn chính qui của cọng quân. Đại Đội 1 trong chiều tối đầu tiên đã bị địch tấn công, vây hãm bất ngờ trên đường di chuyển. Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 Thiếu Úy Đặng Thiện Chẩn, Khóa 22A Võ Bị Đà Lạt đã bị tử thương bởi đạn B.40, Hạ Sĩ I Dục mang máy truyền tin cũng cùng chung số phận, còn tôi bị một mảnh vỏ đạn súng cối cắt vào bắp chân trái. Nhưng không vì thế mà làm sút giảm sức kháng cự, chống trả của đơn vi. Trung Úy Nguyễn Ích Đoan, Đại Đôi Phó đã tả xông hữu đột, sát cánh cùng tôi điều động binh sĩ phản công, chận đứng các đợt xung phong biển người của địch quân. Cuối cùng cũng nhờ được sự tiếp ứng kịp thời của các Đại Đội 2, 4 và 5 cùng sự oanh kích chính xác của các chiến đấu cơ A.37 cọng quân đã phải tháo chạy, bỏ lại hơn 30 xác chết, lăn lóc nhầy nhụa bên những chiếc hố đào vội vã, thoai thoải quanh dốc đồi.
Cuộc đời của một con người đều có số phận. Trong cuộc chiến tranh, đối diện với đầu tên mũi đạn, thập tử nhất sinh, biết ai còn ai mất. Và với riêng tôi, trong trận chiến này, đây là lần đầu tiên tôi được nhận lảnh một “Chiến thương Bội tinh” và một Anh Dũng Bội tinh ngôi sao đồng.
Mậu Thân Đợt 2
“Chợ Cây Quéo & Chợ Cây Thị”
“Thị ơi, rụng xuống bị bà,
Bà đem bà ngửi, chớ bà không ăn”
Quả tình tôi quen với Saigon là quen với Mai Hương, Kim Sơn trên đường Lê Lợi, với La Pagode trên đường Nguyễn Huệ, còn với những cái tên nôm na như Chợ Cây Quéo, Chợ Cây Thị ở Gia Định, Gò Vấp thì tôi mù tịt. Cây Thị thì còn biết, trong truyện cổ tích Tấm Cám, còn Cây Quéo là “cây ra răng?”. Tôi hỏi đùa. Không biết thì bây giờ phải biết, mà biết thật kỹ nữa. Sinh mạng của tôi, sinh mạng của binh lính tôi, tùy thuộc vào cái biết ấy.
Có lẽ ngày xưa vùng nầy là đất hoang, có nhiều nghĩa địa nhỏ, và một vài Ông Thầy “tránh miền trần tục đến tu đây”. Đến tu nơi đây, nên phải dựng Chùa. Vùng nầy có mấy Ngôi Chùa. Vì chiến tranh, đồng bào tập trung về đây mà sống, được an toàn hơn. Sau 1954, đồng bào miền Bắc di cư vào rất đông, vùng đồng hoang nầy được biến thành khu nhà ở, chen chúc bên cạnh các mồ mả, trở thành khu bình dân, lao động, nhà tôn, vách lá, nhiều hơn vách gạch.
Việt cọng chia thành từng tổ nhỏ, ba bốn tên, núp trong nhà dân, núp sau các ngôi mộ xây, hay các bia mộ. Vũ khí của chúng là AK..47, CKC, Trung, Đại Liên, B-40, B-41, khá mạnh. Chúng là một bộ phận, cấp Tiểu Đoàn của Trung Đoàn Đồng Nai.
Các đơn vị của Quân Lực VNCH tấn công Trung Đoàn nầy nhiều trận, nhưng chúng vẫn còn mạnh. Lần nầy, đợt 2, Trung Đoàn Đồng Nai có nhiệm vụ tiến chiếm vùng nầy để làm bàn đạp uy hiếp Quận Gò Vấp, tiến lên đường Võ Di Nguy nồi dài, tấn công vào cổng sau Bộ Tổng Tham Mưu, địa điểm sân “Gôn” cũ, Phi Trường Tân Sơn Nhất hay mục tiêu của chúng có thể Cổng số 2 Bộ Tổng Tham Mưu trên đường Võ Tánh (cũ). Tuy nhiên, tới đây thì chúng bị khựng lại, không tiến thêm được nữa, đang bị Quân Đội của ta bao vây.
Con đường xâm nhập của chúng là từ An-Phú Đông qua ngã Bình Lợi, không đi qua Xóm Mới, Ngã Năm Chuồng Chó hay Ngã Ba Chú Ía, những nơi chúng đã thất bại trong đợt 1. Có hai cái khó khăn cho Quân Đội VNCH khi tái chiếm khu vực nầy:
1)-Chỉ có một số đồng bào chạy thoát, một số bị chúng giữ lại, làm bia đỡ đạn. Điều nầy là sở trường vô nhân đạo, tàn ác của cọng sản.
2)-Tránh tối đa việc tác xạ vũ khí nặng, làm hư hại nhà cửa của dân. Đó là lệnh của Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù dưới quyền Chỉ Huy của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nhã, đánh nhau với giặc cọng hơn hai tuần nay ở Ngã Ba Cây Quéo này. Tới hôm nay Tiểu Đoàn được lệnh bàn giao chiến trường cho Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù. Không phải ai đánh giỏi hơn ai, nhưng vấn đề chính yếu là chiến thuật. Với hai khó khăn nêu dẫn ở trên, các đơn vị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến hay Biệt Động Quân không thể tấn công Việt cọng bằng một lực lượng lớn, qui mô và hùng mạnh.
Thám Sát Delta và Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù sở trường đánh giặc bằng du kích chiến, bằng những Toán nhỏ 6 người. Các Đại Đội cũng được sử dụng đánh cấp Tiểu Đội hay Tiểu Đội cọng, có nghĩa là quân số nhiều hơn cấp Tiểu Đội một chút. Chiến thuật trên, đã được Thiếu Tá Phan Văn Huấn Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta và Thiếu Tá Trần Phương Quế vừa thay thế Đại Úy Phan Văn Khánh trong
chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù. Sau khi bay thám sát vùng trách nhiệm trở về, các vị phổ biến, căn dặn kỹ càng trước khi chúng tôi khởi sự xuất phát từ Ngã Ba Võ Tánh, Ngô Tùng Châu (tên cũ), tiến dần tới ngã ba vô Chợ Cây Quéo, bên trái đường Ngô Tùng Châu, rồi tuần tự nhận bàn giao phòng tuyến từ Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù.
Bàn giao xong, chờ màn đêm sập xuống, các Toán Thám Sát Delta, các Tiểu Đội khinh binh lặng lẽ khai triển đội hình, tiến lên theo hướng vùng đã được phân định. Việt cọng từ trong bắn ra từng loạt đạn AK, CKC cầm chừng, các Toán Thám Sát Delta, theo dõi, quan sát hướng chúng tác xạ, từ từ mò mẫm tiến gần chỗ chúng ẩn núp, tung lựu đạn tiêu diệt. Riêng các vị trí đặt Đại và Trung Liên của chúng, các Tiểu Đội, Trung Đội Biệt Cách Dù sau khi xác định chính xác tọa độ mục tiêu, đã gọi điện báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn để xin yểm trợ hỏa lực. Trung Úy Trần Duy Bình, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 là “thiên tài súng cối 60 ly”. Được các Toán Thám Sát Delta cung cấp tọa độ vị trí địch, Trung Úy Bình điều chỉnh hướng, tầm bắn và tác xạ chính xác mười quả y chục, đó là nhận xét của hầu hết các Sĩ Quan về tài thiện xạ của ông. Nhờ vậy mà các Đại Đội Biệt Cách Dù xông lên chiếm lại lần lượt các vùng cư dân đã bị Việt cọng chiếm đóng trước đây, đẩy lùi bọn chúng ra khỏi vùng Ngã Ba Cây Quéo. Các trận đụng độ này gây trọng thương cho Chuẩn Úy Trần Anh Phong, Trung Đội Trưởng và 12 Hạ sĩ quan, Binh sĩ.
Việt cọng mất dần trận địa, cuối cùng “chém vè” rút quân, băng qua khu dân cư gần Xóm Gà (Ngã Ba Ngô Tùng Châu – Lê Quang Định) về nhập chung với Trung Đoàn Phú Lợi để cố thủ tại khu vực ngã ba Chợ Cây Thị.
Xem lại từ đầu : Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù : Tàn Cơn Binh Lửa – Hồi ký đại úy VNCH Lê Đắc Lực – ARVN 81st Airbone Ranger – P1
Xem lại : Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù : Tàn Cơn Binh Lửa – Hồi ký đại úy VNCH Lê Đắc Lực – ARVN 81st Airbone Ranger – P2
Xem tiếp : Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù : Tàn Cơn Binh Lửa – Hồi ký đại úy VNCH Lê Đắc Lực – ARVN 81st Airbone Ranger – P4