
Bức ảnh “Em bé Napalm Girl” Kim Phúc và nhiếp ảnh gia Nick Út
Bức ảnh “Em bé Napalm” – “Napalm Girl” Phan Thị Kim Phúc với cơ thể trần truồng bị bom cháy xém được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ở Trảng Bàng, Tây Ninh
Cô bé Phan Thị Kim Phúc sinh năm 1963 và gia đình sống trong làng Trảng Bàng, Tây Ninh. Đây là tỉnh nằm sát biên giới Campuchia và là nơi thường xuyên bị quân Bắc Việt trú ẩn từ vùng Campuchia tràn sang tấn công. Trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.Quân Giải Phóng đã mở cuộc tấn công vào khu vực này nhằm phân tán lực lượng của quân đội miền Nam Việt Nam
Ngày 8 tháng 6 năm 1972, để yểm trợ cho quân trú phòng và ngăn chận quân Bắc Việt, không lực Việt Nam Cộng hòa dội bom xuống làng Trảng Bàng, máy bay ném bom cháy (napalm) trúng vào phía trước Thánh thất Cao Đài nơi gia đình Phúc trú ẩn trước đó để lánh nạn. Quả bom lạc đường đánh nhầm mục tiêu khiến Kim Phúc và một số trẻ em Việt Nam bị thương vừa khóc vừa chạy. Riêng em bỏng nặng và cháy hết quần áo và bất tỉnh
Nhiếp ảnh gia Nick Út tên thật là Huỳnh Công Úc sinh năm 1953 của hãng thông tấn Associated Press đã ghi lại khoảnh khắc này khi Kim Phúc trong tình trạng khỏa thân đang hoảng loạn cùng một số trẻ em khác vừa khóc vừa chạy về hướng các binh sĩ thuộc sư đoàn 25 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa và bức ảnh đã trở nên nổi tiếng về sự tàn khốc của chiến tranh.
Phóng Viên Nick Út đưa bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ đang bị thương khác vào Trung tâm Barsky ở Sài Gòn. Vết thương quá nặng nên người ta không tin là cô bé có thể sống sót. Tuy nhiên, sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc được về nhà. Nick Út tiếp tục viếng thăm cô cho đến khi ông rời Sài Gòn năm 1975
Sau khi bức ảnh được chuyển sang Mỹ để đăng tải. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times và được đặt tên là bức ảnh “Em bé Napalm” – “Napalm girl“. Về sau, tác giả của nó được trao Giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Bức hình ấy khiến nhân dân Mỹ có một cái nhìn khác về Cuộc chiến Việt Nam, góp phần đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ và đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam
Em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc sinh năm 1963, sau khi được chữa trị ở Sài Gòn đã lớn lên và theo học ngành Y. Năm 1986 bà đã gặp ông Bùi Huy Toàn là một sinh viên du học Cuba và cả hai yêu nhau. Năm 1992, 2 người kết hôn và sau tuần trăng mật ở Moskva, trên đường về, khi máy bay đang tiếp nhiên liệu tại Gander, Newfoundland, bà và chồng rời máy bay và xin tị nạn chính trị với chính phủ Canada
Hiện Kim Phúc đang sống với chồng và 2 con trai ở Ajax, Ontario. Năm 1996, Kim Phúc gặp lại những nhà phẫu thuật đã cứu sống cô. Năm sau, cô nhận quốc tịch Canada
Có nhiều tranh cãi về tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” – “Napalm girl” là người khác chứ không phải Nick Út. Theo phim The Stringer được công chiếu tại liên hoan phim Sundance hồi tháng 1, trong phim, ông Nguyễn Thành Nghệ (87 tuổi) cho biết ông chụp bức ảnh kể trên vào ngày 8-6-1972 trong một chuyến đi đến Trảng Bàng (Tây Ninh) với vai trò tài xế cho một đoàn nhà báo Đài NBC. Sau chuyến đi, ông Nghệ bán bức ảnh cho ông Nick Út với giá 20 Usd. Phim cho biết ông Nghệ bị AP bác quyền ghi nhận là tác giả ảnh vì không phải nhân viên chính thức.
Ông Joumana El Zein Khoury, giám đốc tổ chức Hình Ảnh Phóng Viên Thế Giới – World Press Photo, cho biết :
“Theo phân tích vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh được sử dụng hôm đó, chúng tôi xác định nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có khả năng cao là người chụp bức ảnh”,
Ngày 16 tháng 5, sau cuộc điều tra, World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức “Em bé Napalm”, cho rằng ảnh này có thể do người khác chụp.
Trong thông báo công bố hôm nay, giám đốc World Press Photo Khoury cho biết việc tổ chức đình chỉ ghi nhận Nick Út là tác giả không đồng nghĩa với việc rút danh hiệu Ảnh của Năm 1973 (Photo of the Year 1973) của bức ảnh.
“Giá trị bức ảnh là không thể tranh cãi. Nó tiếp tục gây ảnh hưởng ở Việt Nam, Mỹ và trên thế giới. Giải thưởng dành cho khoảnh khắc tiêu biểu của thế kỷ 20 này vẫn được ghi nhận”, ông Khoury nói.
Giám đốc Khoury cho biết có khả năng tác giả thực sự của bức ảnh “Em bé Napalm” – “Napalm girl” sẽ không bao giờ được xác định một cách rõ ràng. “Đây vẫn là một chi tiết lịch sử gây tranh cãi. Quyết định đình chỉ ghi nhận ông Út là tác giả bức ảnh sẽ có hiệu lực cho đến khi có bằng chứng khác”
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.