Chiến dịch Lam Sơn 719 – Trận Hạ Lào 1971 – Operation Lam Son 719 in Laos
Chiến dịch Lam Sơn 719 – còn gọi là cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 hay trận Hạ Lào 1971 do quân đội Việt Nam Cộng Hòa thực hiện nhằm tấn công vùng Hạ Lào với mục tiêu cắt đường mòn Hồ Chí Minh, phá vỡ hệ thống hậu cần của quân Giải Phóng Việt Nam
Bối cảnh Chiến dịch Lam Sơn 719 – Trận Hạ Lào 1971
Từ năm 1959-1970, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh hay đường Trường Sơn đã trở thành tuyến đường huyết mạch khi liên tục chi viện người, lương thực, vũ khí, xăng dầu cho chiến trường Miền Nam. Tuyến đường này bắt nguồn từ Quảng Bình, chạy qua vùng phía Đông Nam nước Lào mà người ta quen gọi là Hạ Lào, sau đó đi qua Campuchia và chốt cuối ở vùng giáp ranh Tây Ninh. Kể từ năm 1966, trên 630.000 người, 100.000 tấn lương thực, 400.000 tấn vũ khí, và 50.000 tấn đạn dược đã di chuyển qua mê cung của những con đường đất, đường rải đá, đường mòn, và các hệ thống vận chuyển đường sông dọc ngang vùng Đông Nam Lào
Sau khi rút quân khỏi Việt Nam và tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ cũng muốn thử nghiệm kết quả trên, phía Việt Nam Cộng Hòa cũng muốn chứng tỏ mình đủ sức gánh vác cuộc chiến. Các tin tức tình báo cho thấy, quân đội Giải Phóng Việt Nam đang tập trung ở phía Vùng I Chiến Thuật chuẩn bị cho cuộc tấn công nên phía Việt Nam Cộng Hòa quyết định tấn công trước
Lực lượng tham chiến Chiến dịch Lam Sơn 719
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tham chiến chủ yếu là lực lượng tổng trù bị bao gồm : sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, sư đoàn Nhảy Dù và sư đoàn 1 bộ binh. Đây được xem là 3 đơn vị thiện chiến nhất của VNCH. Ngoài ra còn có liên đoàn 1 Biệt Động Quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 thuộc sư đoàn 2 bộ binh
Phía Mỹ chỉ yểm trợ hỏa lực bằng không quân, pháo binh chứ không tham chiến trên mặt đất
Quân Giải Phóng Việt Nam gồm có :
- Bộ binh gồm có : sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320 và 324 kèm theo lực lượng B4, B5, đoàn 559 cùng lực lượng chính quy và dân quân Pathet Lào
- Xe tăng gồm có : 3 tiểu đoàn xe tăng gồm tiểu đoàn 297, 397, 198 với 88 xe tăng T-54, PT-76
- Phòng không gồm có : 8 trung đoàn pháo phòng không và sư đoàn 367 phòng không, 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không, 10 tiểu đoàn cao xạ 37mm và 57mm, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không 7.62mm và 12.7mm
- Pháo binh và tên lửa : gồm có 3 trung pháo binh 368, 38, 45 cùng 2 trung đoàn tên lửa 238, 237, trung đoàn 84 pháo không giật
- Công binh : 3 trung đoàn công binh: 219, 83, 7
Chiến lược của quân Việt Nam Cộng Hòa trong Chiến dịch Lam Sơn 719 là nhanh chóng đổ bộ bằng trực thăng để lập các căn cứ hỏa lực yểm trợ, kết hợp tiến quân bằng đường bộ dọc theo đường 9 với sự hỗ trợ của lực lượng xe tăng nhắm đến mục tiêu là Techepon – Xê Pôn, dọc đường sẽ phá hủy các tuyến đường của đường mòn Hồ Chí Minh, phá hủy các căn cứ hậu cần, kho bãi, … sau đó rút quân về, chỉ để lại các căn cứ hỏa lực nhằm khống chế đường Trường Sơn
Hướng tiến quân sẽ được quân Dù bảo vệ ở cánh phía Bắc và sư đoàn bộ binh ở cánh phía Nam với 1 loại căn cứ hỏa lực ở phía Bắc sẽ bao gồm : căn cứ Hỏa Lực 30, 31 , Hope, … còn ở phía Nam sẽ là các căn cứ Delta, Yellow, Don, White, …
Phía Mỹ đặt tên cho chiến dịch là Dewey Canyon II lấy tên theo chiến dịch Dewey Canyon năm 1969 do Thủy Quân Lục Chiến tiến hành ở thung lũng A Sầu và thung lũng sông Đa Krông ở phía Tây của Huế nhằm mục đích đánh lạc hướng quân Giải Phóng. còn phía Việt Nam Cộng Hòa gọi là chiến dịch Lam Sơn 719 với 71 là năm của chiến dịch, số 9 là đường 9 Nam Lào
Diễn biến
8h sáng ngày 8 tháng 2, quân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng vượt biên giới với mở màn bằng các cuộc pháo kích và ném bom của máy bay B-52. Lực lượng Biệt Động Quân nhảy dù chiếm 2 ngọn đồi lập cứ điểm BĐQ Bắc và BĐQ Nam nhằm che chắn sườn phía Bắc, còn lực lượng nhảy dù lập căn cứ Hỏa Lực 30 và 31 để chi viện hỏa lực cho lực lượng trên bộ tiến quân với chủ lực là Lữ đoàn 3 Thiết giáp và các Tiểu đoàn 1 và 8 Nhảy dù
Trong những ngày 8, ngày 9 tháng 2, lực lượng VHCH tuy tiến quân không vấp phải sự kháng cự nào mạnh tuy nhiên đường xá lại rất xấu, càng đến gần phía sông Tchepon, sức chống trả quân Giải Phóng càng tăng. Chỉ có thể tiếp viện bằng trực thăng lên thẳng.
Ngày 10 tháng 2, lực lượng VNCH tiến được đến A Loui – bản Đông, nằm sâu 20km trong biên giới Lào và khoảng nửa đường đến Tchepon. Cánh quân phía Nam của lực lượng bộ binh sư đoàn 1 VNCH tiến quá chậm khiến trục quân theo đường 9 phải dừng lại chờ để tránh bị đánh tạt sườn khiến tốc độ của cả chiến dịch đều bị trì hoãn. Quân Giải Phóng nhân dịp này củng cố và điều phối quân lực đánh chặn các đường tiến quân
Đến giữa tháng 2, quân Giải Phóng đã bắt đầu xác định chính xác mục đích và khu vực của chiến dịch nên đã điều quân các nơi về ứng cứu. Lúc này quân số quân Giải Phóng đã tăng lên 36.000 quân, gấp rưỡi quân số của VNCH. Quân Giải Phóng bắt đầu tiến đánh các căn cứ Hỏa Lực ở phía Bắc trục đường 9 với chiến thuật dùng cối 82mm, pháo 130mm và hỏa tiễn 122mm tập kích liên tục vào các căn cứ Hỏa Lực khiến pháo binh VNCH không thể bắn chi viện được cho các cuộc tiến quân. Tầm bắn của pháo 130mm của quân Giải Phóng lại xa hơn gấp đôi so với pháo 105mm, pháo 155mm khiến các đợt bắn phản pháo để bắn trả pháo 130mm đều không được, không quân Mỹ và VNCH cố gắng ném bom để diệt các khẩu pháo quân GP đều không thành công do quân Giải Phóng ngụy trang rất kỹ. Các đợt tiến quân của VNCH bắt đầu bị trì trệ, các căn cứ hỏa lực bảo vệ bị tấn công, nguy cơ thất bại bắt đầu hiện rõ
Xem tiếp Chiến dịch Lam Sơn 719 – Trận Hạ Lào 1971 – Operation Lam Son 719 in Laos P2
trận này Vnch thua lớn, chết rất nhiều