Vì sao quân Mỹ không tham chiến trận đường 9 Nam Lào hay Lam Sơn 719
Nhiều người thắc mắc vì sao quân Mỹ không tham chiến trận đường 9 Nam Lào 1971 còn gọi là chiến dịch Chiến dịch Lam Sơn 719 hay Hành Quân Lam Sơn 719 hay trận Hạ Lào 1971
Từ năm 1959-1970, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh hay đường Trường Sơn đã trở thành tuyến đường huyết mạch khi liên tục chi viện người, lương thực, vũ khí, xăng dầu cho chiến trường Miền Nam. Tuyến đường này bắt nguồn từ Quảng Bình, chạy qua vùng phía Đông Nam nước Lào mà người ta quen gọi là Hạ Lào, sau đó đi qua Campuchia và chốt cuối ở vùng giáp ranh Tây Ninh
Quân đội Mỹ cũng như quân đội VNCH từ lâu đã nắm rõ tầm quan trọng của con đường này và đã nhiều lần suy tính nhằm ngăn chận nó. Trong các chiến dịch tìm và diệt từ năm 1965-1969, quân đội Mỹ đã tung nhiều toán quân cũng như lập các căn cứ của lực lượng đặc biệt nhằm lùng sục và phá hủy tuyến đường này, đặc biệt là khu vực thung lũng A Sầu như căn cứ A Sầu, A Lưới, Bến Hét, Polei Kleng, ….
Đến năm 1970, quân đội Mỹ đã tung cuộc hành quân xâm lấn vào Campuchia, lúc này do tướng Lon Non làm thủ tướng thực chức là đã ngã theo Mỹ nên mức độ phản đối không cao. James Olson viết:
“Phản ứng với cuộc xâm lược Campuchia, do ban lãnh đạo Nixon tiến hành không hề tham vấn Quốc hội Mỹ, các thượng nghị sĩ (TNS) J.Cooper (Cộng hòa, bang Kentucky) và F.Church (Dân chủ, bang Idaho) đã đề xuất một đạo luật cấm không chi ngân sách nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội …”
Phe tán thành cho rằng đề xuất này vẫn còn là quá chậm trên tiến trình của Cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đòi lại quyền kiểm soát theo Hiến pháp đối với việc Chính quyền Mỹ làm chiến tranh. Chính quyền Nixon cáo giác đề xuất của các TNS Cooper và Church là một xâm phạm trái Hiến pháp đối với quyền lực của Tổng thống – Tổng tư lệnh.
Sau khi tranh luận quyết liệt, một trong hai Viện của Nghị viện Mỹ là Thượng viện, với tỷ lệ 58/37, đã thông qua đề xuất trên, gọi là điều Cooper-Church Amendment vào ngày 30-6-1970…
Nếu điều khoản Cooper Church Amendment đạt hiệu lực pháp lý, can thiệp quân sự tổng lực của Mỹ sang Lào và Campuchia sẽ bị thu hẹp đáng kể. Hai Viện thông qua xét duyệt điều khoản Cooper-Church (revised Cooper-Church amendment), được chính thức gọi là sắc luật Public Law 91-652, có hiệu lực từ ngày 5-1-1971. Vừa trước khi diễn ra trận đường 9 Nam Lào 1971 vào ngày 8 tháng 2 năm 1971. Do đó trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Mỹ chỉ có thể tham gia trên bộ với lĩnh vực làm đường, xây cầu, …. và đến biên giới là chấm dứt. Sau đó chỉ còn tham chiến trong các tác vụ pháo kích từ Khe Sanh, Lao Bảo, … sang yểm trợ hoặc trong các phi vụ ném bom, hỗ trợ từ trên không
Có thể thấy, Mỹ không tham chiến trong trận Hạ Lào 1971 xuất phát từ lo ngại vi phạm điều khoản Cooper-Church và cũng như lúc này phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao, nếu tham chiến và bị thiệt hại, có thể ảnh hưởng đến chiến lược tranh cử của tổng thống Nixon nên Mỹ bắt buộc đứng ngoài trong chiến dịch này và kết quả là trong trận đường 9 Nam Lào 1971, quân đội VNCH đã bị thảm bại với lực lượng tham chiến bị tổn thất nặng nề và phải rút lui ngay khi vửa mới đến được Tchepon