Lực lượng MACV-SOG trong chiến tranh Việt Nam
Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (Military Assistance Command, Vietnam – Study and Observation Group, MACV-SOG, MACV/SOG, SOG) là một đơn vị kết hợp đặc biệt được Bộ TTM Quân Lực Hoa Kỳ thành lập ngày 24 tháng Giêng năm 1964, cho Chiến Tranh không chính quy.
Đơn vị SOG trực thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), quy tụ các quân nhân Hoa Kỳ thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, Người Nhái Hải Quân SEAL, Không Quân, phòng Đặc Biệt cơ quan tình báo CIA, và các đơn vị Viễn Thám TQLC/HK. Danh xưng đầu tiên của đơn vị là Liên Đoàn Hành Quân Đặc Biệt, dưới sự chỉ huy của phòng Phản Gián và các Hoạt Động Đặc Biệt (SACSA), bộ Quốc Phòng. Đây là một sự sắp xếp đặc biệt, Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại tướng William Westmoreland, không có thẩm quyền ra lệnh cho các hoạt động ngoài phần đất miền nam Việt Nam. Với hệ thống chỉ huy này, đơn vị SOG bị “theo dõi” rất kỹ qua cơ quan SACSA và đến cả Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của đơn vị SOG là “Thực hiện những công tác quấy rối, phá hoại, đánh lạc hướng, tạo áp lực chính trị, thâu thập tin tức tình báo, bắt cóc tù binh, tuyên truyền chống lại chính quyền miền Bắc Việt Nam”.
Những công tác đặc biệt này nằm trong Hành Quân 34A (Oplan 34-Alpha) nhằm khuyến cáo chính quyền miền Bắc Việt Nam phải chấm dứt việc đưa quân xâm nhập vào miền nam. Trong kế hoạch đánh phá hậu phương miền bắc, Hành Quân 34A đã đưa những toán biệt kích xâm nhập vào miền bắc bằng phương tiện thả dù, và cho những toán biệt kích hải quân (Biệt Hải), người nhái đánh phá dọc theo bờ biển miền bắc.
Đại tá Clyde Russell là cấp chỉ huy đầu tiên của đơn vị MACV-SOG, ông ta gặp nhiều khó khăn tổ chức đơn vị đặc biệt để hoàn thành sứ mạng khó khăn. Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ chưa được sửa soạn, tổ chức cho những nhiệm vụ kể trên. Lúc đó đoàn quân Mũ Xanh chỉ được huấn luyện loại chiến tranh du kích đằng sau lưng địch, trợ lực cho một đạo quân chính quy. Họ chưa được huấn luyện về ngành điệp viên, tình báo, biệt hải, và tâm lý chiến. Quân Lực VNCH có một đơn vị, phối hợp làm việc với đơn vị SOG là Nha Kỹ Thuật
HÀNH QUÂN SHINING BRASS – Operation Shining Brass
Ngày 21 tháng Chín năm 1965, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chấp thuận cho đơn vị SOG tổ chức những chuyến hành quân ngoại biên, xâm nhập qua đất Lào, dọc theo đường biên giới nam Việt Nam. Đơn vị SOG đã đệ trình kế hoạch Hành Quân Shining Brass xâm nhập qua đất Lào từ năm 1964, dò thám con đường mòn chuyển quân, đồ trang bị, tiếp vận của quân đội Bắc Việt trên đất Lào (đường mòn Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn).
Cơ quan MACV đã yêu cầu Không Lực 7 (7th Air Force, Không Quân Chiến Lược) Hoa Kỳ từ Thái Lan oanh kích, thả bom hệ thống tiếp vận của địch nơi phía nam nước Lào (Chiến dịch Steel Tiger). Tiếp theo được chấp thuận đưa những toán biệt kích Việt Nam (hoàn toàn người Việt) xâm nhập qua đất Lào, dò thám hệ thống đường mòn HCM (Hành quân Leaping Lena). Hành quân Leaping Lena là một thất bại lớn, do đó sự có mặt của quân nhân LLĐB/HK trong những toán biệt kích là điều cần thiết, và đơn vị SOG được chấp thuận.
Đến tháng mười Một, toán biệt kích đầu tiên do người Hoa Kỳ chỉ huy, xâm nhập qua Lào, dò thám mục tiêu “Alpha-1”, một khu vực tình nghi (không ảnh) có bãi đậu xe vận tải Molotova của địch trên đường 165, nằm sâu 15 cây số trên đất Lào. Chuyến hành quân xâm nhập thành công nhưng các hoạt động bí mật trên đất Lào có thể bị thất bại, không phải do địch quân mà là Đại Sứ Hoa Kỳ bên Lào, William H. Sullivan. Ông ta muốn kiểm soát các hoạt động của đơn vị SOG trên đất Lào và muốn bảo vệ nên trung lập của quốc gia này.
Trận nội chiến ở bên Lào giữa cộng sản Pathet Lào (được Bắc Việt yểm trợ) và quân đội Hoàng Gia (được CIA, dân thiểu số Hmong, dưới quyền Tướng Vang Pao yểm trợ) đã làm cho quốc gia tả tơi. Cả hai bên đều đánh… cầm chừng. Hà Nội đưa quân qua Lào để bảo vệ hành lang tiếp vận cho miền nam Việt Nam, người Hoa Kỳ đứng về phiá bên kia. Cả hai (Bắc Việt và Hoa Kỳ) đều vi phạm nền trung lập của nước Lào.
Đơn vị SOG bắt đầu mở những cuộc hành quân xâm nhập vào đất Lào, và tiếp tục gia tăng trong vòng tám năm sau đó. Những chuyến hành quân qua Lào, khởi thủy do bộ chỉ huy Bắc (CCN) đóng ở Đà Nẵng đảm trách. Các toán biệt kích thường có ba quân nhân LLĐB/HK, từ ba đến mười hai quân tình nguyện, đa số người Thượng. Các toán biệt kích được đưa lên các căn cứ hành quân tiền phương (FOB), gần biên giới Lào-Việt ở Khâm Đức, Khe Sanh, Kontum trước khi xâm nhập qua đất Lào.
Sau khi đã chuẩn bị và huấn luyện, một toán biệt kích SOG sẽ được trực thăng TQLC/HK (ngoài vùng I chiến thuật) hoặc trực thăng H-34 thuộc phi đoàn 219 Không Lực VNCH đưa đến bãi đáp xâm nhập. Phi đoàn 219 có danh hiệu “King Bee” rất nổi tiếng trong lịch sử đơn vị SOG. Nhiệm vụ của toán biệt kích, xâm nhập vào mục tiêu, dò thám lấy tin tức. Phi cơ quan sát FAC sẽ bao vùng, cung cấp tin tức, tiếp vận truyền tin liên lạc giữa toán biệt kích và căn cứ hành quân tiền phương.
Đến cuối năm 1965, đơn vị MACV-SOG bao gồm luôn các hoạt động đánh phá các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam. Nha Kỹ Thuật VNCH thành lập trung tâm huấm luyện Quyết Thắng ở Long Thành để huấn luyện các toán “Lôi Hổ”. Các toán biệt kích SOG Hoa Kỳ vẫn được huấn luyện ở Khâm Đức (cho đến năm 1968, khi trại LLĐB Khâm Đức di tản).
HÀNH QUÂN DANIEL BOONE – Operation Daniel Boone
Trong năm 1966, 1967, cơ quan MACV đã nhận thấy rõ, quân đội Bắc Việt đang xử dụng quốc gia trung lập Cambodia, một phần trong hệ thống tiếp vận, chuyển quân, vũ khí đạn dược đến phần đất cuối miền nam Việt Nam. Người Hoa Kỳ vẫn chưa biết rõ, Bắc Việt xử dụng đất Cambodia như thế nào. Câu trả lời làm những phân tích gia ngạc nhiên, Ông Hoàng Sihanouk cho phép sự hiện diện của quân đội Bắc Việt trên đất Miên. Mặc dầu đường 110 từ khu vực phiá nam nước Lào, cùng tam biên đã được nối dài vào đất Miên, Hà Nội được phép xử dụng hải cảng Sihanoukville để chuyển đồ tiếp vận qua đường biển. Đồ trang bị, tiếp vận được gửi từ miền Bắc đến hải cảng, sau đó được xe vận tải chở đến những căn cứ điạ trên đất Miên.
Trong tháng Tư năm 1967, đơn vị MACV-SOG được chấp thuận bắt đầu Hành Quân Daniel Boone, xâm nhập qua đất Miên. Cả hai đơn vị SOG và liên đoàn 5 LLĐB/HK đều đã chuẩn bị hành quân xâm nhập qua Miên. (SOG tuyển mộ nhân viên từ liên đoàn 5 LLĐB. Có thể nói MACV-SOG là một thứ “LLĐB” trong LLĐB). Liên đoàn 5 LLĐB/HK tiến xa hơn tổ chức Hành Quân Sigma và Hành Quân Omega dựa theo Hành Quân Shining Brass của đơn vị SOG.
Hai hành quân này được các đơn vị Hoa Kỳ xử dụng để dò thám, ngoài vùng I và II chiến thuật (Delta cho cả bốn vùng chiến thuật, như một đơn vị tổng trừ bị), trong khi chờ đợi sự chấp thuận vượt biên qua Miên. Cả hai đơn vị SOG và liên đoàn 5 LLĐB tranh dành nhiệm vụ, và bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ quyết định trao trách nhiệm Hành Quân Sigma, Omega cho đơn vị MACV-SOG (đặt dưới quyền chỉ huy, điều hành của đơn vị SOG).
Cuộc hành quân xâm nhập vào đất Miên lần đầu tiên trong tháng Chín do bộ chỉ huy (Nam, CCS) mới thành lập ở Ban Mê Thuột đảm trách. Những toán biệt kích SOG xâm nhập qua đất Miên bị nhiều giới hạn hơn so với những toán khác xâm nhập vào đất Lào. Lức mới bắt đầu, các toán biệt kích chỉ được trực thăng đưa đến một bãi đáp gần biên giới Việt-Miên, rồi từ đó lội bộ xâm nhập qua đất Miên (trực thăng, phi cơ Hoa Kỳ không được phép bay qua đất Miên). Họ cũng không được phi cơ thám thính FAC bay bao vùng như trên đất Lào. Với những điều kiện kể trên, những toán biệt kích qua đất Miên thường ít người hơn, để dễ lẩn tránh địch quân.
Những toán biệt kích MACV-SOG được tăng cường thêm với sự thành lập các đại đội Khai Thác (Hatchet Force, Exploitation Force), để tiếp ứng các toán biệt kích trong trường hợp khẩn cấp, hoặc tấn công một mục tiêu đặc biệt trên đường mòn HCM. Đơn vị SOG có hai (sau này ba) tiểu đoàn Khai Thác (Haymaker), chia ra đại đội (Hatchet) và trung đội (Hornet).
Các cuộc hành quân của đơn vị MACV-SOG đều được giữ bí mật, nhưng có tờ báo Hoa Kỳ đăng một bài viết về Hành Quân Shining Brass, nên đơn vị SOG đổi tên mới Prairie Fire cho những chuyến xâm nhập qua đất Lào. Hành Quân Prairie Fire (Lào) kết hợp với Hành Quân Daniel Boone (qua Miên) thành một đơn vị mới “Đoàn Nghiên Cứu trên Bộ” (Ground Studies Group, Oplan-35). Tất cả các hoạt động ngoài miền bắc Việt Nam, gom lại trong chương trình mới, lấy tên là Footboy, bao gồm các hoạt dộng trên biển (biệt hải, người nhái) Plowman, chiến tranh tâm lý Humidor, điệp viên Timberwork, và không quân Midriff.
Những toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc, nằm vùng dài hạn đều bị bắt gần hết, đơn vị SOG đưa ra một chương trình mới, đưa những toán biệt kích xâm nhập miền bắc trong một thời gian ngắn hạn, khu vực hoạt động nơi phiá nam của miền bắc, và toán biệt kích ít người hơn. Qua kinh nghiệm những toán ra miền bắc trước đây, đơn vị SOG tìm đủ mọi cách để triệt xuất toán biệt kích. Đó là những toán biệt kích Strata, hoàn toàn người Việt Nam. Nhiều toán biệt kích Strata xâm nhập vào miền bắc Việt Nam và trở về an toàn.
ĐOẠN KẾT
Năm 1969, “Đoàn Ngiên Cứu trên Bộ” đơn vị MACV-SOG có ba bộ chỉ huy: Bắc (CCN) ở Đà Nẵng đảm trách Hành Quân Prairie Fire (đông nam nước Lào), Trung (CCC) trên Pleiku đảm trách khu vực tam biên (phiá nam nưóc Lào, phiá bắc Cambodia, khoảng giữa hai hành quân Prairie Fire và Daniel Boone đã đổi tên Salem House), Nam (CCS) ở Ban Mê Thuột đảm trách Hành Quân Daniel Boone (Cambodia).
Năm 1969 là năm “bận rộn” cho đơn vị SOG. Trong Hành Quân Prairie Fire, bộ chỉ huy Bắc tổn thất 20 quân nhân Hoa Kỳ, 199 người khác bị thương và 9 người báo cáo mất tích. Số biệt kích quân Thượng tổn thất 57 người chết, 270 bị thương và 31 mất tích.
Đến cuối tháng Ba năm 1971, liên đoàn 5 LLĐB/HK rời Việt Nam, đơn vị SOG tái tổ chức ba bộ chỉ huy, thành ba ban cố vấn TF1AE, TF2AE, và TF3AE. Tất cả các đại đội Khai Thác Hatchet Force đều bị giải tán. Đến ngày 1 tháng Năm 1972, đơn vị SOG chỉ còn lại toán cố vấn cho Nha Kỹ Thuật (STDAD-158). Các hành quân đổi tên Việt Nam Prairie Fire thành Phù Dung, Salem House thành Thốt Nốt. Đến ngày 12 tháng Ba năm 1973, đơn vị MACV-SOG hoàn toàn giải tán.