Nghĩa trang Biên Hòa quân đội Việt Nam Cộng Hòa – Nghĩa trang nhân dân Bình An
Nghĩa Trang Biên Hòa hay còn gọi là nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa sau này được đổi thành nghĩa trang nhân dân Bình An nằm cách Sài Gòn hơn 30km về hướng ngã ba Vũng Tàu trên xa lộ Hà Nội, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương là nơi yên nghỉ của từ 16.000 – 25.000 tử sĩ của chế độ cũ
Trước năm 1964, phần lớn sĩ quan của khu vực thủ đô đều chôn ở nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi, Sài Gòn. Sau này khi chiến sự ngày càng gia tăng, số binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận ngày càng nhiều dẫn đến thiếu nơi chôn cất. Do đó, giữa năm 1965, chính quyền chế độ cũ đã cho tiến hành xây dựng nghĩa trang quân đội Biên Hòa với diện tích 125 héc ta. Khu nghĩa trang có hình dáng con ong. Giữa lưng con ong là Nghĩa Dũng Ðài cao 43 thước. Ðầu ong là đền thờ chiến sĩ, cũng có lúc gọi là Ðền Tử Sĩ hay Ðền Liệt Sĩ. Phía dưới chân đền là Cổng Tam Quan nối thẳng một đường dài ra xa lộ. Con đường này làm thành cây kim nhọn của con ong và đầu kim là bức tượng Thương Tiếc ngay cạnh xa lộ.
Từ chân Nghĩa Dũng Ðài, lưng ong chia làm hình nan quạt hướng ra 4 phía và làm thành lưới nhện. Phần đuôi ong hẹp, phần dưới dài ra như quả trứng. Các ngôi mộ giống nhau chia thành từng khu. Khu quốc gia dành cho các vị lãnh đạo, khu tướng lãnh, khu cấp tá, cấp úy và binh sĩ.
Đến năm 1966, doanh trại của Liên Ðội Chung Sự và khu nhà xác được thiết lập và nghĩa trang bắt đầu nhận những di hài tử sĩ đầu tiên. Sau đó, nghĩa trang tiếp tục nhận các tử sĩ của các Trận Mậu Thân 1968, trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, trận Hạ Lào, trận Cambodia, …. Tử sĩ của các đơn vị tổng trừ bị đem về từ 4 quân khu. Tử sĩ của quân khu thủ đô và các tiểu khu lân cận. Tử sĩ của các quân chủng, nữ quân nhân, thiếu sinh quân, …
Các tử sĩ chôn từ trung tâm Nghĩa Dũng Ðài lần lượt ra các khu bên ngoài. Ðã có trên 10 tướng lãnh nằm tại nghĩa trang Biên Hòa kể cả các vị đại tá vinh thăng sau khi tử trận. Người có cấp bậc cao cấp nhất là Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Hiện nay ngôi mộ này đã được gia đình cải táng nhưng vị trí cũ vẫn còn di tích.
Theo trí nhớ của ông Đỗ Ngọc Ẩn (hay còn gọi là chú Út ) trước đây thuộc Tiểu đoàn 6, Thủy quân lục chiến (VNCH) đóng tại rừng Sác, Cần Giờ, đến năm 1978-1979 đến đây làm người chăm sóc nghĩa trang cho biết thống kê trước đây của chế độ VNCH thì toàn bộ nghĩa trang quân đội Biên Hòa có khoảng 16.000 ngôi mộ trong đó có khoảng 8.000 mộ đã có bia, số còn lại là mới đắp nhưng thực tế phải có đến khoảng 25.000 – 26.000 và trong đó số mộ vô chủ chiếm rất nhiều . “Mộ nào xây trước đó thì còn có bia ghi tên họ rõ ràng, càng gần 1975 thì đa số được dựng vội, chỉ là một nấm đất lạnh lẽo”, chú Út cho biết.
Ông Út được rất nhiều người quý mến và biết ơn do đã giúp nhiều người tìm lại được mộ người thân trong hàng chục nghìn ngôi mộ nằm khắp nghĩa trang và hiện tại cũng đang có rất nhiều người tiếp tục nhờ ông tìm giúp mộ phần
Kể từ sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. “Đây có thể là lý do lâu nay một số người không có thiện chí vẫn nói những người trong nước chưa dám mạnh dạn hoà giải”, ông Kha nói.
Tháng 11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1568/QĐ – TTg: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa trang Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự.
Giờ đây nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang nhân dân Bình An do UBND huyện Dĩ An quản lý.
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc trò chuyện với báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về sự kiện ngày 30 tháng Tư đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Ông nói, chiến thắng tháng Tư năm 1975 là vĩ đại, nhưng Việt Nam cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Và đây là câu chuyện “khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần đươc giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.
Chia sẻ với trăn trở này, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh cũng lưu ý: “Nếu vẫn để căng thẳng kéo dài chắc chắn không mang lại một chút lợi ích nào về mặt tinh thần cho những người Việt Nam khắp nơi, dù thuộc bên này hay bên kia, trong hay ngoài nước”.
Bởi vậy, Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội chế độ cũ được dư luận xã hội nhìn nhận là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, thống nhất lòng người.
Hiện tại, một số ngôi mộ đã được người thân bốc đi an táng nơi khác, nhưng đó chỉ là số ít, vẫn còn lại hơn 10 nghìn ngôi mộ cùng hàng nghìn ngôi mộ vô chủ chỉ còn là những mô đất, vô danh. Theo những người ở đây kể lại, khu vực này rất linh thiêng. Như lần gia đình của cố thiếu tướng Nguyễn Văn Phước là tư lệnh sư đoàn 21 bộ binh định cải táng mộ của ông, nhưng đêm đó cả gia đình nằm mộng và được ông báo tin là ông chỉ muốn ở lại nghĩa trang Biên Hòa cùng binh lính của ông nên sau đó gia đình quyết định không cải táng mà chỉ sửa sang mộ phần, hàng năm đến cúng bái mà thôi