
Mùa hè đỏ lửa – Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Easter Offensive 1972 – P33
Trước Mùa hè đỏ lửa – Chiến dịch Xuân Hè – – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Easter Offensive 1972 , quân đoàn IV đã nhiều lần chặn đánh các cuộc tấn công của sư đoàn 1 Bắc Việt vào vùng đồng bằng sông Mekong
Quân Đoàn IV đã bị phân tán lực lượng, việc liên tục chận đánh quân Bắc Việt ở vùng biên giới Campuchia, các cuộc tấn công của du kích địa phương, … đã khiến công tác bình định bị suy giảm. Mọi việc chỉ trở nên ổn định khi vùng trú ẩn của Bắc Việt sát biên giới Campuchia bị phá hủy trong chiến dịch Campuchia 1970 khi toàn bộ các căn cứ, kho tàng, khu đóng quân của sư đoàn 1 Bắc Việt bị phá hủy khiến đơn vị này phải phân tán thành những đơn vị nhỏ và rút sâu vào trong lãnh thổ Campuchia
Trong năm 1973, Quân Đoàn IV đã ổn định tình hình và bắt đầu nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ quân đội Campuchia vốn rất yếu nhằm ngăn chận các cuộc đột nhập, vận chuyển lương thực, vũ khí, … từ Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam. Giai đoạn này, Quân Đoàn IV cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cần phải phá hủy các khu căn cứ nằm trong vùng sông Mekong bao gồm : Khu Thất Sơn mệnh danh khu 400, khu Đồng Tháp Mười mệnh danh khu 470, khu Đầm Dơi – khu 482 , khu U Minh – khu 483, khu Sông Trăng – 487, khu Giồng Tôm – 490
Các cuộc bao vây, tấn công vào các khu vực này đã đạt nhiều kết quả khả quan. Quân Đoàn IV ngoài việc phá hủy phần lớn các khu căn cứ du kích cũng đã thiết lập nhiều chốt tiền đồn nhằm trấn giữ ở các vùng căn cứ vốn do du kích kiểm soát. Đáng kể nhất chính là việc phá hủy khu căn cứ ở vùng Bảy Núi hay còn gọi khu là Thất Sơn – khu 400 của sư đoàn 9 bộ binh VNCH, cuộc tấn công vào khu căn cứ U Minh – 482 của sư đoàn 21 bộ binh VNCH , cuộc phối hợp hành quân giữa sư đoàn 7 bộ binh và lực lượng Địa Phương Quân ở khu Đồng Tháp Mười mệnh danh khu 470 ở khu vực nằm giữa tỉnh Định Tường và Kiến Phong. Công tác bình định cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp ở tỉnh Kiến Hòa vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn của du kích

Với những kết quả trên, vào đầu năm 1972, tình hình an ninh của vùng IV rất sáng sủa khi 95% dân số ở vùng IV sống trong các khu vực thị trấn, làng xã, … được đảm bảo an ninh. Sản lượng lúa gạo ngày càng gia tăng và trẻ em đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường . Viễn cảnh tương lai ở khu vực này càng tươi đẹp hơn với chương trình Người Cày Có Ruộng và chương trình Xóm Làng Tự Vệ của chính phủ VNCH đưa ra ngày càng đạt nhiều thành tựu. Chương Trình Phòng Thủ Cộng Đồng và Kế Hoạch Phát Triển Địa Phương trong 4 năm do chính phủ khởi xướng từ tháng 3 năm 1972 đã hứa hẹn nhiều kết quả mới cho người dân vùng Đồng Bằng sông Mekong
Phía trên là bức tranh của vùng IV Chiến Thuật trước Mùa hè đỏ lửa 1972 – chiến dịch Xuân Hè 1972 – chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 – Easter Offensive 1972 . Nhìn chung, các hoạt động chiến sự chỉ ở mức các cuộc tấn công quy mô nhỏ, các cuộc đặt mìn phá cầu đường, … Quân du kích vẫn chỉ đang cố sức tích lũy lương thực, vũ khí ở những vùng ngập nước, hẻo lánh, .. thuộc rừng U Minh và khu vực thuộc tỉnh Định Tường nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn trong tương lai
Lúc này quân du kích địa phương đang có 6 trung đoàn ở vùng IV. Bao gồm : trung đoàn 18B và 95A ở vùng U Minh, trung đoàn D1 và trung đoàn D2 ở Tây Nam tỉnh Chương Thiện, trung đoàn D3 ở khu vực giáp ranh tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Vĩnh Bình và cuối cùng là trung đoàn Đồng Tháp đang đóng quân ở phía Nam của QL-4 thuộc tỉnh Định Tường
Ngoài du kích địa phương, quân Bắc Việt bao gồm sư đoàn 1 bộ binh lúc này gồm 3 trung đoàn : 101D, 52 và E44 đang ở vùng Campuchia giáp ranh tỉnh Châu Đốc, trung đoàn Z15 bộ binh và trung đoàn thiết giáp 211 đang vùng biên giới tỉnh Kiến Tường

Giai đoạn này, việc phòng thủ biên giới được giao cho lực lượng thuộc Biệt Khu 44 Chiến Thuật – 44th Special Tactical Zone (STZ) . Lực lượng này triển khai các đơn vị Biệt Động Quân Biên Phòng được sự yểm trợ của thiết giáp phòng thủ dọc biên giới và trải dài từ khu Mỏ Vẹt đến vùng vịnh Xiêm (Siam). Ngoài nhiệm vụ phòng thủ dọc biên giới trong lãnh thổ Vùng IV Chiến Thuật, Biệt Khu 44 còn đảm nhiệm việc việc phòng thủ tại 2 căn cứ trọng yếu trên lãnh thổ Campuchia . Đó là căn cứ Neak Luong – (Neak Loeung ) nằm trên tuyến đường QL-1 của Campuchia, có con phà bắt qua sông Mekong nối Kampong Cham – Prey Veng với khu vực Hồng Ngự. Căn cứ thứ 2 là căn cứ Kampong Trach cách Hà Tiên khoảng 20km về phía Bắc, án ngữ đường đi ra thị trấn cảng biển Kep trọng yếu
Phòng thủ 2 căn cứ Neak Luong và Kampong Trach là lực lượng Biệt Động Quân. Sư đoàn 9 bộ binh chịu trách nhiệm phía Bắc vùng căn cứ U Minh và tỉnh Chương Thiện, sư đoàn 21 chịu trách nhiệm khu vực phía dưới của U Minh, khu vực Cà Mau và các vùng duyên hải. Sư Đoàn 7 sẽ chịu trách nhiệm 2 tỉnh quan trọng là Định Tường và Kiến Hòa cùng các khu vực còn lại nằm giữa sông Mekong và sông Hậu
Vào giữa tháng 3, các tin tức tình báo cho biết Sư Đoàn 1 Bắc Việt đã di chuyển xuống phía Nam của tỉnh Kampot thuộc Campuchia. 2 trung đoàn du kích là 18B và 95A cũng đã rời khu rừng U Minh để di chuyển về phía tỉnh Chương Thiện. Những hoạt động này cho thấy sẽ có biến cố ở vùng đồng bằng Mekong trong mùa khô 1972
Kampong Trach – vùng đất lửa
Trận đánh ở vùng căn cứ Kampong Trach đã tác động mạnh mẽ đến cục diện vùng IV đến suốt năm 1972. Trận đánh bắt đầu vào ngày 22 tháng 3 giữa Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân VNCH và trung đoàn 101D Bắc Việt và kéo dài đến hết tháng 4
Kampong Trach là một thị trấn nhỏ thuộc Campuchia nằm trên giao lộ với một đường đi hướng Tây ra biển và một đường xuống Nam đến Hà Tiên. Thị trấn này cách biên giới khoảng 20km về phía Bắc . Quân Đoàn IV đã đặt 1 căn cứ ở đây để khống chế đường vận chuyển của Bắc Việt để đi ra biển rồi đi vòng đường biển xuống Nam cũng như tuyến đường vận chuyển về Hà Tiên
Rõ ràng rằng ngay từ đầu, Bắc Việt đã không cố ý kéo dài trận đánh này mà muốn để dành lực lượng để tấn công vùng châu thổ sông Mekong nhằm phối hợp với mặt trận An Lộc , mặt trận Kontum và mặt trận Quảng Trị. Tuy nhiên, trận đánh đã kéo dài và cả 2 phía đều dồn quân vào đây. Phía VNCH dưới quyền của Quân Đoàn Trưởng Quân Đoàn IV là tướng Ngô Quang Trưởng đã tung Liên Đoàn 42 Biệt Động Quân ba Tiểu đoàn 66 – 93 – 94 chỉ huy bởi Trung tá Trần Kim Đại được tăng phái thêm một Chi đoàn Thiết Giáp thuộc Thiết đoàn 12 Kỵ Binh. Tuy nhiên, cuối cùng thì lực lượng được huy động tổng cộng là 6 tiểu đoàn BĐQ cùng 4 thiết đoàn thiết giáp cho mặt trận Kampong Trach
Xem lại từ đầu : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972 – P1
Xem lại : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972 – P32
Xem tiếp : Chiến dịch Xuân Hè – Chiến dịch Nguyễn Huệ – Mùa hè đỏ lửa – Easter Offensive 1972 – P34
tag : Mùa hè đỏ lửa 1972 – chiến dịch Xuân Hè 1972 – chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 – Easter Offensive 1972
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.