Trận đánh Khâm Đức 1970 – Battle of Kham Duc 1970
Trận đánh Khâm Đức 1970 – Battle of Kham Duc 1970 là trận đánh bằng lực lượng đặc công đánh vào sân bay ở trại lực lượng đặc biệt Khâm Đức hay còn gọi là Camp Conroy
Sau trận đánh Khâm Đức năm 1968, lực lượng đặc biệt Mỹ đã phải bỏ rơi và rút quân khỏi trại Khâm Đức và quân Giải Phóng đã sử dụng khu vực Khâm Đức làm bàn đạp để tập trung quân, lượng thực, .. nhằm mở các cuộc tấn công vào khu vực tỉnh Quảng Tín. Ngày 12 Tháng 7 năm 1970, quân đội Mỹ mở cuộc hành quân Elk Canyon – Operation Elk Canyon để giành lại khu vực này. Lực lượng thuộc lữ đoàn 196 Khinh Binh được không vận đến căn cứ Khâm Đức và chiếm lại căn cứ này. Sau khi giành được căn cứ, lữ đoàn 196 đã cho sửa chữa lại sân bay, thiết lập lại các chốt phòng thủ và đặt các khẩu pháo để thiết lập căn cứ hỏa lực yểm trợ cho các cuộc hành quân chung quanh. Cùng với chiếm lại căn cứ Khâm Đức, quân đội Mỹ cho trực thăng chuyển quân lên lập căn cứ hỏa lực trên đồi Không Tên còn gọi là đồi Sương Mù cách cao điểm 1599 khoảng 14km về hướng Bắc
Ngoài việc lùng sục quân Giải Phóng chung quanh, quân đội Mỹ cũng tổ chức các cuộc tìm kiếm thi thể các binh sĩ bị mất tích trong trận Khâm Đức và trận đánh tiền đồn Ngok Tavak 1968 .
Do vị trí hiểm yếu của trại Khâm Đức, nếu quân Mỹ đóng quân ở đây, có thể tung ra các cuộc hành quân và cửa ngõ tiến về đồng bằng phía Đông của quân Giải Phóng sẽ bị chận đứng. Các cuộc lùng sục liên tục chung quanh được không quân và pháo binh yểm trợ của quân đội Mỹ kéo dài từ ngày 27 tháng 7 đến 29 tháng 9 năm 1970 đã gây tổn thất lớn cho quân Giải Phóng với 107 quân Giải phóng tử trận và 1 bị bắt làm tù binh
Trước tình thế đó, quân Giải Phóng trong khu vực với lực lượng rất mạnh bao gồm : tiểu đoàn D1, D2, D5, D236 công binh, trung đoàn 230, tiểu đoàn 404 cùng với 1 số đơn vị độc lập đã cho tiểu đoàn 404 tổ chức cuộc tấn công vào ngày 5 tháng 8 năm 1970. Tiểu đoàn đã cho nhóm đặc công 16 người do tiểu đoàn phó Lê Quý Quỳnh tiến vào trước với mục tiêu phá rào để lực lượng phía sau tràn vào, khống chế sân bay và cho nổ tung máy phát điện
Trận đánh Khâm Đức năm 1970 bắt đầu lúc 4h sáng, lực lượng Đặc Công tổ chức đột nhập căn cứ nhưng cuộc tấn công bị quân Mỹ phát hiện nên nhanh chóng bị quân Mỹ tập trung hỏa lực chống lại. Kết quả toàn bộ 16 đặc công Giải Phóng đều tử trận và đến nay không tìm được xác. 1 số tin cho biết ngoài 16 người đặc công tử trận trong căn cứ còn có 1 người tên Nguyễn Văn Tiến hy sinh bên ngoài nên tổng cộng là 17 người. Người duy nhất sống sót là ông Nguyễn Văn Kiệt quê ở Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang lúc bấy giờ giữ nhiệm vụ nắm giữ khối bộc phá thuốc nổ để khi cần thi cho nổ tung 1 góc rào tạo đường cho đặc công rút lui. Nhưng khi bộc phá nổ, ông bị hất tung và bị thương. Quân Mỹ bắn chận đường nên các đặc công không ai thoát được. Quan sát hình ảnh ghi nhận lại cho thấy các chiến sĩ đặc công tử trận gần sát hàng rào, vũ khí như súng B40, mìn ống phá rào kiểu Bangalore, … đều còn nguyên vẹn cho thấy các chiến sĩ bị tử trận trước khi thâm nhập được vào bên trong. Dù cuộc đột kích thất bại, nhưng cũng khiến các binh sĩ Mỹ khâm phục sự dũng cảm của họ. Khi khám xét chung quanh, thu thập vũ khí của đặc công, các binh sĩ Mỹ đều tỏ vẽ rất đăm chiêu, không có nét mặt đùa cợt, kiêu căng
Danh sách 17 người đặc công tử trận trong trận đánh Khâm Đức mới xác định được tên 5 người bao gồm :
- Lê Quý Quỳnh sinh năm 1928, quê ở Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình
- Tạ Thiên Trì sinh năm 1945, quê ở Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi
- Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1939 , quê ở Đồng Quang, Phúc Oai, Hà Tây
- Vũ Văn Bỉnh, quê Thủy Tiên, Chương Mỹ, Hà Tây
- Phạm Đình Tho, quê Thủy Tiên, Chương Mỹ, Hà Tây
Đến nay, dù được nhiều thông tin, hình ảnh, … do các cựu binh Mỹ cung cấp cùng nỗ lực của nhiều cựu chiến binh Giải Phóng nhưng thời gian đã quá lâu, nhiều thông tin không còn chính xác, do đó vẫn chưa tìm được xác của các anh. Đây cũng là sự trăn trở khôn nguôi của rất nhiều người, đặc biệt là những cựu binh của tiểu đoàn 404