Máy bay Wild Weasel Chồn Hoang và tên lửa chống Radar AGM-45 Shrike Missile – P2
Không quân Mỹ đã thành lập biệt đội máy bay Wild Weaseal Chồn Hoang với các tên lửa Shrike và các thiết bị dò tìm tín hiệu radar của đối phương từ những năm 1965 – Wild Weasels and anti radar AGM-45 Shrike Missile in Vietnam war
Các máy bay Wild Weasel đã hình thành nên chiến thuật tấn công và đã chứng tỏ sự hiệu quả. Nhóm F-100 Wild Weasel đã phá hủy 9 dàn tên lửa SAM-2 và áp chế các dàn tên lửa khác. Tổn thất là 3 chiếc F-100 (2 trong chiến đấu và 1 do tai nạn) trong số 7 chiếc F-100 Wild Weasel.
Vấn đề là các máy bay F-100 vốn có tốc độ trung bình 800km/h thấp hơn các máy bay F-105D thường bay ở tốc độ 950km/h nên khó phối hợp với nhau. Giải pháp là cải biên những máy bay F-105D vốn nhanh hơn và mạnh hơn để làm nhiệm vụ Wild Weasel
Tháng 4 năm 1966, không quân Mỹ bắt đầu cải biên những chiếc F-105 mạnh mẽ hơn thành các máy bay F-105D Wild Weasel III để phân biên với các máy bay Wild Weasel I là những chiếc F-100 (không có máy bay Wild Weasel II)
Vũ khí của các máy bay F-100 Wild Weasel và máy bay F-105 Wild Weasel là các dàn rocket Lau 3 rocket. Các máy bay F-100 mang được 2 cụm rocket còn máy bay F-105 mang được 4 cụm. Mỗi cụm có 19 rocket cỡ 70mm. Các rocket có thể bắn tuần tự hoặc bắn hàng loạt và được lắp đầu nổ mạnh HE hoặc đầu nổ chống tăng HEAT hoặc đầu nổ cháy Phosphorus. Tuy nhiên, sự khác biệt là máy bay F-105D mang theo các tên lửa bức xạ chống Radar AGM-45 Shrike
Tháng 5 năm 1966, 11 máy bay F-105D trang bị tên lửa Shrike đã đến phi đoàn 388 ở căn cứ Korat ở Thái Lan. Tháng 7 năm 1966 thêm 7 chiếc F-105D đến phi đoàn 355th TFW ở căn cứ Takhli Air Base. Các máy bay F-100 lãnh nhiệm vụ Wild Weasel cuối cùng vào tháng 7 năm 1966 và được thay bằng các máy bay F-105
Tuy nhiên, việc tăng cường các máy bay F-105 Wild Weasel chậm hơn nhiều so với tốc độ trang bị tên lửa SAM của Bắc Việt. Đến tháng 8 năm 1966, Bắc Việt đã có hơn 100 trận địa tên lửa SAM quanh Hà Nội và bắt đầu phủ dần các khu công nghiệp và kéo dài xuống phía Nam đến tận Vinh. Hậu quả là 7 chiếc F-105 ở căn cứ Takhli Air Base đều bị bắn rơi trong 6 tuần sau khi được triển khai đến đây
Mặc dù các máy bay Wild Weasel rất hữu hiệu để chống tên lửa SAM, tuy nhiên, số lượng máy bay Wild Weasel lại quá ít. Theo các phi công, đội hình lý tưởng của một nhóm Wild Weasel sẽ bao gồm 4 máy bay Wild Weasel để hộ tống các máy bay ném bom khi oanh tạc miền Bắc. Tuy nhiên, do số lượng máy bay Chồn Hoang Wild Weasel không đủ, nên thường trong nhóm Wild Weasel chỉ có 1 chiếc đầu là F-105 Wild Weasel còn 3 máy bay còn lại chỉ là F-105 thông thường
Thiếu tá Leo K. Thorsness – chỉ huy lực lượng Wild Weasel ở căn cứ Takhli cho biết :
“Thông thường, nhiệm vụ của chúng tôi đều rất nguy hiểm vì có trận địa tên lửa SAM ở đó. Các máy bay Chồn Hoang sẽ sử dụng chính họ như mồi nhử. Chúng tôi sẽ bay đủ cao để phía Bắc Việt phóng tên lửa vào chúng tôi, sau đó chúng tôi sẽ sà xuống thấp để tấn công lại họ”
Trong chiến dịch Linebacker I và Linebacker II, để hỗ trợ phi đội máy bay Chồn Hoang số 17 – 17th Wild Weasel Squadron, không quân Mỹ đã tăng cường 28 chiếc máy bay F-105G từ Phi Đội Chiến Đấu Cơ Chiến Thuật số 561 – 561st Tactical Fighter Squadron. Ngoài ra, không quân Mỹ cũng lần đầu sử dụng các máy bay F-4C Wild Weasel IV trong chiến dịch này.
Việc biến cải các máy bay F-4C thành vai trò Wild Weasel bắt đầu từ năm 1966 nhưng gặp nhiều trở ngại cho đến năm 1969 mới hoàn thành. Đơn vị F-4C Wild Weasel đầu tiên là đơn vị thuộc Phi Đội Đặc Nhiệm số 67 ở căn cứ Kedena thuộc Okinawa – 67th TFS vào tháng 9 năm 1972 đã gửi 6 chiếc F-4C Wild Weasel đến căn cứ Korat ở Thái Lan. Các máy bay này đã tiến hành 460 phi xuất ở chung quanh Hà Nội và đã chứng tỏ được sự hiệu quả cao trong chiến dịch Linebacker II mà không gặp bất kỳ tổn thất nào
Trong chiến dịch Linebacker II, các máy bay Wild Weasel Chồn Hoang đã tiến hành yểm trợ trong các phi vụ oanh kích các mục tiêu mà hơn 50% số đó tập trung trong bán kính 40km quanh khu vực Hà Nội. Đây là khu vực được trang bị các hệ thống phòng không dày đặc nhất thế giới lúc bấy giờ. Các máy bay Wild Weasel đã làm giảm rõ rệt các tổn thất do tên lửa phòng không của Bắc Việt mà không bị bất kỳ tổn thất nào. Trong chiến dịch Linebacker II, Bắc Việt đã phóng lên hơn 4.000 quả tên lửa SAM-2 và bắn rơi 49 máy bay Mỹ, tỉ lệ hơn 80 quả đạn / máy bay
Tên lửa SAM-2 – S-75 Dvina
Tên lửa SAM-2, phía Liên Xô gọi là S-75 Dvina nhưng được biết đến nhiều hơn dưới cái tên SA-2 Guideline do NATO định danh.
Trong thời gian đầu khi các máy bay Mỹ oanh kích miền Bắc Việt Nam, họ đã gặp tổn thất nặng trước các dàn tên lửa phòng không SAM-2 do Liên Xô cung cấp. Các tên lửa SAM-2 có thể bắn hạ mục tiêu lên đến độ cao 20km. Để chống lại các tên lửa SAM-2, các máy bay Mỹ phải hạ thấp độ cao nhưng lại phải đối mặt với hệ thống pháo phòng không AAA. Do đó, không quân Mỹ đã tiến hành chương trình Wild Weasel hay chương trình Chồn Hoang và chương trình này đã chứng tỏ sự hiệu quả khi chống lại hệ thống radar của các dàn tên lửa SAM-2 và tên gọi máy bay Chồn Hoang Wild Weasel cũng được đặt cho các máy bay được biên chế làm nhiệm vụ này
Từ khi chấm dứt cuộc ném bom Sấm Rền vào năm 1968, phía Bắc Việt đã tăng cường mạnh mẽ lực lượng không quân cũng như hệ thống phòng không với các trang thiết bị ngày càng hiện đại. Vào năm 1972, Bắc Việt đã có trên 200 dàn tên lửa phòng không SAM-2 và được phân bổ trải dài đến tận miền Nam Việt Nam
Mỗi trận địa tên lửa SAM có 6 dàn phóng bố trí theo hình ngôi sao 6 cạnh. Tất cả được điều khiển bằng radar Fan Song đặt trong xe tải ở giữa hình ngôi sao. 6 bệ phóng với 6 tên lửa lắp sẵn, 6 quả tên lửa hay còn gọi là đạn dự phòng, xe tải chở đạn, 1 dàn radar P-18 hay còn được gọi là radar Spoon Rest dò tìm mục tiêu và radar Fan Song dẫn tên lửa đến mục tiêu. Tên lửa SAM-2 sử dụng đạn V-750 có chiều dài 10.6m – 11.2m tùy phiên bản . Radar P-18 có nhiệm vụ lùng sục và phát hiện mục tiêu, sau đó truyền dữ liệu về vị trí mục tiêu cho hệ thống. Radar Fan Song có nhiệm vụ nhận dữ liệu mục tiêu, phân tích xử lý và dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu. Radar Fan Song có thể nhận dữ liệu từ 4 mục tiêu trước khi phóng tên lửa và có thể dẫn đường cho 3 tên lửa cùng tấn công 1 mục tiêu
Nhiệm vụ của Radar là phát các chùm tín hiệu lên bầu trời và khi dội trúng mục tiêu là các máy bay, tín hiệu sẽ phản xạ lại hệ thống và khi đó mục tiêu sẽ bị nhận diện. Tuy nhiên, việc phản hồi lại tín hiệu cũng đồng nghĩa sẽ dẫn đến vị trí của radar và khi đó radar lại trở thành mục tiêu của cuộc tấn công khác. Việc theo dõi và phát hiện các tín hiệu radar sẽ cần đến các thiết bị điện tử chuyên biệt và chúng được lắp trên các máy bay Chồn Hoang
Các tên lửa SAM sẽ mất hiệu quả khi máy bay bay ở độ thấp dưới 1.000m. Do đó, thường bên cạnh trận địa tên lửa SAM sẽ có trận địa pháo phòng không hoặc súng máy phòng không tầm thấp yểm trợ. Khi các máy bay hạ độ cao để tránh tên lửa SAM sẽ lọt vào trận địa pháo phòng không và cũng nguy hiểm không kém
Xem lại : Biệt đội Chồn Hoang Wild Weasel và tên lửa chống Radar Shrike – Wild Weasel and AGM-45 Shrike Missile in Vietnam war – P1
Xem tiếp : Biệt đội Chồn Hoang Wild Weasel và tên lửa chống Radar Shrike – Wild Weasel and AGM-45 Shrike Missile in Vietnam war – P3
chương trình Wild Weasel, project Wild Weasel, tên lửa Shrike, tên lửa chống radar, tên lửa chống radar Shrike, tên lửa SAM-2, Wild Weasel in Vietnam war