Khi Đồng Minh Tháo Chạy – When the Allies ran away : Nguyễn Tiến Hưng – P27
Phần 27 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away ” book by Nguyen Tien Hung
TẬP 3
KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY
Năm của định mệnh
Ngày 24 tháng Bảy 1974 là ngày quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ: Tối Cao Pháp Viện phán quyết Tổng Thống Nixon phải chuyển cho Chánh Án Sirica băng ghi cuộc nói chuyện tại Văn Phòng Tòa Bạch Ốc. Những băng này có liên quan tới việc xét xử sáu quan chức trong vụ Watergate. Nó có đầy đủ chứng cớ nói lên một tình huống trái ngược hẳn với những lời giải trình trước đó của Nixon. Chỉ sáu ngày sau cuộc đột nhập vào trụ sở đảng Dân Chủ, ông Nixon đã tuyên bố là mình không biết gì về vụ này. Thực ra là chính Nixon đã biết hết những hành động che giấu của các nhân viên thừa hành. Và như vậy, ông đã lừa dối nhân dân Mỹ kể từ lúc đó.
Khi có phán quyết như thế thì nếu không từ chức, việc truất phế Tổng Thống Nixon cũng chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Phán quyết của Chánh Án Sirica đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của Tổng Thống Nixon. Một cách trực tiếp, nó đã ảnh hưởng sâu xa đến sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày Song Bát
Trước 10 giờ sáng ngày thứ năm, mồng 8 tháng Tám 1974, Phó Tổng Thống Ford chủ tọa lễ trao Huân Chương Danh Dự Quốc Hội cho gia đình của bảy người lính tử trận ở Việt Nam tại Blair House, nhà khách của Tổng Thống. Lễ nghi vừa xong, ông liền được Tướng Alexander Haig, (sau này là Tổng Tư Lệnh NATO và Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ).
Chánh Văn Phòng cho biết Tổng Thống Nixon muốn gặp ông ngay. Ông vội bước qua đường Pennsylvania sang Tòa Bạch Ốc. Ford bước vào văn phòng, Nixon đứng lên bắt tay ông rồi ngồi xuống ngả lưng vào ghế. Hai tay nắm chặt vào nhau để trên đùi, Nixon trông vẫn còn căng thẳng nhưng ông tự kiềm chế. ‘’Tôi đã quyết định từ chức’’, ông nói với một giọng nghiêm nghị. ‘’Quyền lợi đất nước đòi như vậy. Tôi không muốn nói tới chi tiết những lý do nên hay không nên làm như vậy, nhưng tôi đã đi tới quyết định rồi’’ . Ngừng một giây lát, ông thêm: ‘’Jerry, tôi biết ông sẽ chấp chính tốt’’.
‘’Thưa Tổng Thống, Ngài biết là tôi hết sức buồn về tình huống này’’, ông Ford trả lời, ‘’Tôi ước gì nó đã không xảy ra như vậy nhưng tôi sẵn sàng và nghĩ rằng tôi đầy đủ khả năng gánh vác’’.
‘’Tôi cũng đã biết ông như vậy’’.
Nói qua loa về các vấn đề ngoại giao, rồi Nixon bắt sang chuyện Đông Dương. Ông Ford kể rằng ông Nixon đã trối trăn như sau: ‘’Tổng Thống Nixon đã khuyên tôi nên tiếp tục một chính sách mạnh mẽ về Việt Nam và Campuchia và nhấn mạnh vai trò của Henry Kissinger trong việc này’’.
Nixon nói thêm: ‘’Henry là một thiên tài, tuy nhiên ông cũng phải chấp nhận tất cả mọi việc ông ta đề nghị. Ông ta có thể hữu ích, và trung thành, nhưng ông không thể để cho ông ta hoàn toàn tự do làm theo ý mình’’.
Đọc kỹ hồi ký của cả hai cựu Tổng Thống Nixon và Ford, tôi đã không thấy ông Nixon dặn dò người kế vị mình điều gì liên hệ tới những cam kết của ông đối với Việt Nam Cộng Hòa.
Sau hôm đó, Tổng Thống Nixon lên truyền hình tuyên bố phó Tổng Thống Ford lên kế vị. Thế là từ một Dân Biểu ở Hạ Nghị Viện, vừa mới được Nixon đưa lên làm Phó Tổng Thống thay ông Spiro Agnew (phải từ chức vì bị tố cáo tham nhũng) vài tháng trước, bây giờ nhảy ngay lên ghế Tổng Thống, không có bầu bán gì cả.
Tiếp tục khoán trắng cho Kissinger
Kinh nghiệm ông Ford chỉ là kinh nghiệm vận động trong Đảng Cộng Hòa và tại Hạ Viện. Ít hiểu biết, ông đã khoán trắng công việc ngoại giao cho Kissinger. Khi Nixon còn làm Tổng Thống, ông đã tạm để cho Kissinger sau khi lên chức Bộ Trưởng, vẫn giữ chức cũ là Cố Vấn An Ninh. Vì Tòa Bạch Ốc đang bốc lửa sau vụ Watergate, Nixon chưa để ý tới vấn đề nhân sự.
Trở về văn phòng, việc đầu tiên ông Ford làm là gọi điện thoại cho ông Kissinger: ‘’Henry, tôi cần ông, đất nước cần tôi, tôi muốn ông tiếp tục ở lại. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm việc với ông’’.
‘’Thưa Ngài, sẽ không có vấn đề gì. Bổn phận của tôi là làm việc cùng với Ngài chứ không phải là Ngài cùng với tôi’’, Kissinger trả lời.
Vị tân Tổng Thống mời Kissinger tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức cùng một lúc: Ngoại Trưởng và Cố Vấn An Ninh. Và như vậy, tuy đã có lời trối trăng của ông Nixon, ông Ford đã để ông này ‘’hoàn toàn tự do làm theo ý mình’’
Tái xác nhận những cam kết
Ngay buổi chiều ngày làm việc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, tân Tổng Thống đã gặp riêng Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa Trần Kim Phượng. Theo Kissinger thì trong buổi họp, ‘’Tổng Thống Ford đã đảm bảo với ông Phượng là ông quyết tâm về sự sống còn của chính phủ Sài Gòn và sẽ cố gắng hết sức để tăng viện trợ (cho Việt Nam Cộng Hòa)’’.
Tuy đã tiên đoán là Tổng Thống Nixon sẽ phải từ chức, nhưng khi nghe tin này, chính phủ Sài Gòn hết sức hoang mang. Gặp Tổng Thống Thiệu ngay chiều hôm ông Nixon từ chức, tôi thấy ông không giấu nổi lo lắng. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, nhận được công điện do Đại Sứ Phượng báo cáo từ Washington về buổi gặp gỡ Tổng Thống Ford, ông Thiệu thấy phần nào yên tâm. Thế rồi, lại một dấu hiệu tích cực: Hôm sau, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ, ông W. J. Lehman tới Dinh Độc Lập trao tận tay ông Thiệu một lá thư mật của Tân Tổng Thống.
Lúc đó Đại Sứ Martin còn ở Washington vận động viện trợ. Lá thư như sau:
Ngày 10 tháng Tám, 1974
Thưa Tổng Thống,
Khi tôi lên đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ, ý tưởng đầu tiên của tôi là nghĩ tới những cuộc tấn công tàn bạo mà quân đội quí quốc đã đẩy lui một cách can trường và quả cảm. Có lẽ tôi không cần phải thông báo cho Ngài rõ rằng chính sách ngoại giao của Hoa K ỳ luôn luôn được dựa trên căn bản liên tục và sự ủng hộ của lưỡng đảng. Lúc này đây những tính chất đó lại càng rõ ràng hơn nữa và tất cả những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi.
Những cam kết này của tôi lại đặc biệt thích ứng với Việt Nam Cộng Hòa trong điều kiện hiện tại. Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường dài và đầy chông gai. Tôi đã nghe những tường trình của Đại Sứ Martin về những tiến bộ đáng ghi nhận của quý quốc dưới sự lãnh đạo của Ngài. Kể từ lúc ký kết Hiệp Định Paris, qua bản báo cáo của ông Đại Sứ, tôi rất khích lệ sự quyết tâm của Ngài trong công cuộc cải tổ chính phủ để sư dụng việ n trợ Hoa Kỳ và các quốc gia bạn khác một cách hữu hiệu hơn, ngõ hầu đem lại nền kinh tế tự túc cho Việt Nam Cộng Hòa trong vài năm tới đây. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với tinh thầ n cao và chiến đấu hữu hi ệu sẽ là một bằng cớ hiển nhiên cho các nhà lãnh đạo Hà Nội phải nhận ra rằng đã đến lúc phải tham dự vào việc duy trì bản Hiệp Đị nh Paris và nghiêm chỉnh cộng tác với Ngài trong việc thi hành Hiệp Định như ý muốn của Ngài.
Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại về những bước đầu của Quốc Hội trong việc chuẩn chi viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa. Thủ tục của Quốc Hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Trước thử thách quan trọng này, tôi nhờ đến sự giúp đỡ của Tiến Sĩ Kissinger tham dự chính phủ mới với tư cách Tổng Trưởng Ngoại Giao như cũ. Cả Tiến Sĩ Kissinger và Đại Sứ Martin đều được tôi tín nhiệm hoàn toàn.
Trân trọng
Gerald R. Ford
Ông Thiệu lên tinh thần đôi chút. Ít nhất, Tân Tổng Thống đã xác nhận lại những cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, tôi chưa biết gì đến những cam kết mật của Tổng Thống Nixon. Tổng Thống Ford vừa nói với Đại Sứ Phượng về quyết tâm của ông, bây giờ chính ông Ford lại tái xác định tính chất liên tục của chính sách Hoa Kỳ.
Hết Phần 27 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away” book by Nguyen Tien Hung
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P26
Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P28
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.