Khi Đồng Minh Tháo Chạy – When the Allies ran away : Nguyễn Tiến Hưng – P28
Tài liệu nghiên cứu về chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away ” book by Nguyen Tien Hung – Phần 28
Mấy ngày sau khi nhận được thư của ông Ford, sau một buổi họp Hội Đồng Tổng Trưởng, ông Thiệu bảo tôi ở lại uống ly rượu nói chuyện thêm. Nhấm nháp ly Chivas Regal pha soda, ông hỏi qua loa về cá nhân ông Ford, vì ông này quá mới mẻ đối với Việt Nam. Ông hy vọng ông Ford, người được Nixon tiến cử, sẽ tiếp tục chính sách của vị tiền nhiệm. Tôi nói với ông Thiệu về cái thông lệ của Mỹ là một Tân Tổng Thống thường được Quốc Hội dành cho một ‘’tuần trăng mật’’ dài khoảng 100 ngày, đôi khi lâu hơn. Trong thời gian này, họ dành mọi sự dễ dàng cho vị Tân Tổng Thống.
Để bắn tin cho Washington biết, trong cùng ngày, ông Thiệu cho Bộ Ngoại Giao công bố lập trường chính thứ c của Việt Nam Cộng Hòa về việc ông Nixon từ chức, bình luận rằng vụ Watergate là ‘’Vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ…Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn tin tưởng vào chính ph ủ và nhân dân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao đã được năm vị Tống Thống Hoa Kỳ theo đuổi và còn được cả lưỡng Đảng chấp thuận. Bởi vậy Việt Nam Cộng Hòa tin tưởng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cộng tác với chính phủ và nhân dân Việt Nam để thực hiện hòa bình trên căn bản Hiệp Định Paris’’.
Lời lẽ rất là hợp lý và chặt chẽ, Tổng Trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc là một luật sư đã có tiếng.
Và bức thư trên, sau này tôi mới phát hiện ra là khi ông Ford ký để gửi cho ông Thiệu, thực sự chính ông cũng đã không biết tầm quan trọng của nó. Khi ông viết ‘’những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi’’, ông đâu biết tới thực chất những cam kết đó. Kissinger đã giấu đi hết (xem Chương sau). Ông Ford chắc chỉ nghĩ là mình chỉ nói tới hứ a hẹn chung chung như tuyên bố ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa của các Tổng Thống tiền nhiệm như Eisenhower, Johnson, Kennedy và Nixon.
Tại sao như vậy? Nhìn lại lịch sử để nhận xét những diễn biến hậu trường bang giao Việt-Mỹ từ lúc đó, tôi chỉ có thể kết luận rằng ông Kissinger đã muốn ông Ford trấn an phía Việt Nam Cộng Hòa để khỏi kêu ca oán trách khi bị Quốc Hội cắt xén viện trợ. Nếu ông Thiệu khiếu nại trên căn bản những mật ước thì sẽ gây nhiều tranh luận, đưa chính ông Kissinger vào chỗ kẹt. Điều hay nhất cho chính phủ Ford là làm sao giữ cho Sài Gòn cứ yên lặng, làm sao cho mọi chuyện được êm ả cho tới lúc Mỹ tháo chạy.
Sau khi cuốn Hồ Dơ Mật Dinh Độc Lập do tôi và J. Schecter vi ết, xuất bản năm 1986, ông Kissinger hết sức bất bình vì đã lộ ra hết. Vì có lẽ vì bức thư của ông Ford cũng đã được tiết lộ nên trong cuốn sách vừa viết năm 2003, ‘’Ending the Vietnam war’’ Kissinger nói qua loa tới mật thư này, nhưng cũng chỉ nhắc tới đoạn nói về trấn an phía Việt Nam Cộng Hòa về vấn đề quân viện. Ông viết là cùng một ngày, sau khi gặp Đại Sứ Phượng, Tổng Thống Ford đã gửi một thư cho Tổng Thống Thiệu, trong đó có một câu do chính ông Ford viết thêm vào bản thảo như sau:
Thủ tục của Quốc Hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Kissinger bình luận:
‘’Lúc đó cả ông Ford lẫn tôi đều không biết rõ được sự sâu đậm và tầm mức của việc chống đối lại Quốc Hội sau v ụ Watergate. Vì nếu biết được như vậy thì chắc chắn bức thư đó (9/8/74) đã được hạ giọng xuống rồi’’.
Như vậy, kể cả trong cuốn sách mới nhất, tuyệt nhiên Kissinger vẫn không đả động gì đến đoạn văn quan trọng nhất của bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 về việc chính Tổng Thống Ford đã tái cam kết ‘’những gì nước tôi đã hứa hẹn với quý quốc trong quá khứ’’.
Báo động
Vào lúc đêm hôm đình chiến sau Hòa Đàm Paris (27 tháng Giêng 1973), sáu chiếc tàu chở đầy đạn dược đang thuận buồm xuôi gió trên Thái Bình Dương tiến vào hải phận Việt Nam bỗng được lệnh quay trở về Hoa Kỳ. Số đạn này là từ kho dự trữ cho Việt Nam Cộng Hòa từ trước, nên kể như không bị ảnh h ưởng do Hiệp Định quy định. Vậy mà nó lại đã không tới nơi. Thế là 55.000 tấn đạn cần thiết cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị mất đi một cách bí mật. Đây là do áp dụng Hiệp Định Paris một cách máy móc hay là do một sắp xếp nào khác? .
Bí mật này, do Tướng John Murray (hiện cư ngụ tại Springfield, Virginia) tiết lộ, cho tới nay cũng ít ai hay. Murray lúc đó là người điều khiển Cơ Quan Quốc Phòng Mỹ DAO ở Sài Gòn.
Ngày 19 tháng 12 1973, Tướng Murray lại nhận được công điện từ Bộ Quốc Phòng cho hay Quốc Hội đã cắt nhiều viện trợ cho Đông Dươ ng, ảnh hưởng đến tiếp liệu sáu tháng còn lại của tài khóa 1973/74. Tài khóa này ch ấm dứt ngày 30 tháng Sáu 1974. Bộ Quốc Phòng cũng yêu cầu Tướng Murray đề nghị những chương trình nào của Việt Nam Cộng Hòa có thể cắt giảm để phù hợp với ngân khoản mới. Đồng thời, Bộ Lục Quân chẳng đợi Quốc Hội hành động đã bắt đầu cắt ngân khoản điều hành và bảo trì cho Việt Nam Cộng Hòa ngay trong tài khóa 1974. Chắc là họ muốn dùng ngân khoản ấy vào những mục tiêu khác. Lúc đó, việc tiếp liệu cho Do Thái đang là ưu tiên. Tài nguyên của Quốc Phòng cần phải dồn về Trung Đông!
Khi Tướng Munay nhận được tin, ông báo ngay cho Đại Sứ Martin và yêu cầu ông chính thức thông báo cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng Martin không bằng lòng, bảo Murray phải giữ kín tin này, vì nó có thể ‘’gây ra nhiều xáo động về mặt chính trị’’.
Tuy nhiên, từ đầu tháng Giêng 1974, Tướng Murray tiếp tục báo động cho phía Việt Nam phải tiết kiệm đồ tiếp liệu, nhất là đạn dược. Ông họp với Bộ Tổng Tham Mưu về vấn đề này. Dù không đi vào chi tiết, Murray cũng muốn cho phía Việt Nam nhận thức được sự cắt giảm đã bắt đầu. Tướng Murray kể lại: ‘’Từ trước đến nay, tôi vẫn nói với Bộ Tổng Tham Mưu là các ông sẽ được tiếp tế đầy đủ như chúng tôi đã hứa, và sẽ nhận được quân dụ ng theo linh thần một-đổi-một của Hiệp Định Paris. Thật là khó cho ông. Từ Trước đến nay, chẳng ai báo cho tôi hoặc Tổng Thống Thiệu, hay Đại Tướng Viên biết chuyện cắt ngân khoản cả. Tôi đã hứa rồi, bây giờ nói lại, thật là một sự đau lòng’’
Ngày 13 tháng Hai 1974, Đại Tướng Cao Văn Viên ra lệnh hạn chế việc sử dụng vũ khí các loại. Vì từ lúc gởi đơn đặt hàng cho đến lúc nhận được phải mất khoảng bốn tháng.
Nguồn tiếp liệu thì đã bắt đầu cạn Trước tháng Tư. Từ đó ‘’hệ thống tiếp vận này không bao giờ hồi sinh được nữa’’ [8]. Đơn xin tiếp liệu từ các quân khu gởi về Tổng Tham Mưu càng ngày càng nhiều, gồm những thứ khan hiếm khẩn cấp như đạn dược, tiếp liệu quân y và ngân khoản thực phẩm cho binh sĩ. Người lính bộ binh thường vẫn mang sáu lựu đạn, bây giờ chỉ được phát có hai. Súng cối và trọng pháo bảo vệ tiền đồn chỉ được phát bốn quả đạn mỗi ngày và mọi cuộc pháo kích đều phải ngưng để tiết kiệm đạn dược. Nửa số xe thiết giáp bị nằm ụ, 200 phi cơ không cất cánh được. Trong cuốn The Final Collapse (Sự sụp đổ cuối cùng), Đại Tướng Viên đã kết luận: ‘’Trong những năm 1974-1975, người lính Việt Nam Cộng Hòa ra trận mà lòng lo sợ rằng đạn không tiếp tế kịp và nếu bị thương thì việc tải thương cũng sẽ chậm trễ hơn. Thời vàng son tiếp liệu thừa thãi và trực thăng quân vận mau lẹ đã qua rồi… Việc cắt viện trợ quá nhiều và quá đột ngột đã triệt tiêu mọi cơ hội thành công và làm cho dân chúng cũng như Quân Đội miền Nam hốt hoảng, đồng thời khuyến khích cộng sản gia tăng nhịp độ thanh toán miền Nam bằng võ lực’’.
Hết Phần 28 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away” book by Nguyen Tien Hung
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P27
Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P29
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.