Trận đánh Điện Biên Phủ – Battle of Dien Bien Phu 1954
Trận đánh Điện Biên Phủ – Battle of Dien Bien Phu 1954 là trận đánh cuối cùng , quyết định giữa Việt Minh và quân đội Pháp ở Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương
Trận đánh Điện Biên Phủ diễn ra ở lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên giữa quân Giải Phóng Việt Nam (Việt Minh) và lực lượng liên hiệp Pháp. Vào năm 1953, quân Pháp đã sa lầy vào cuộc chiến Đông Dương và không còn sức lực để hỗ trợ tài chính hay chi viện quân sự cho cuộc chiến này và phải nhờ đến Mỹ. năm 1954, 80% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Hoa Kỳ chi trả. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đôla, năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô la nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.
Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến nhưng mặt khác, họ muốn duy trì quyền lợi của mình tại Đông Dương và đã bổ nhiệm tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương để điều hành cuộc chiến ở Việt Nam
Nhằm đề phòng quân Việt Minh đánh sang Thượng Lào, quân đội Pháp đã thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300km về phía Tây với ý định án ngữ hướng Tây Bắc, dụ quân Việt Minh đến đó để tiêu diệt. Chiến thuật này dựa trên chiến thuật con Nhím đã thành công ở trận Nà Sản trước đó
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, máy bay Douglas C-47 đã thả 3.000 lính Dù xuống Điện Biên Phủ . Sau đó, lính Pháp cấp tốc sửa chữa lại sân bay dã chiến ở đây và tiếp tục tăng viện quân sĩ, pháo binh, … cùng các dụng cụ để xây dựng cứ điểm
Ngày 3 tháng 12 năm 1953, Pháp đã trao quyền chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho đại tá Christian de Castries. Đến cuối tháng 12, cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành và Pháp quyết dùng Điện Biên Phủ để dẫn dụ quân Việt Minh đến đây để tiêu diệt.
Khi đó, cứ điểm Điện Biên Phủ là một chuỗi những căn cứ quân sự được lập trên những quả đồi cao, các cứ điểm này đều có chiến hào phòng thủ, bên ngoài có hàng rào thép gai canh phòng cẩn mật. Các cứ điểm này bao bọc sân bay ở giữa và được 12 tiểu đoàn và 7 đại đội quân Pháp trấn giữ. Jean Pouget sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy Navarre, viết: “…có thể khẳng định là không một ai trong số hơn 50 chính khách, các tướng lĩnh đã tới thăm Điện Biên Phủ, phát hiện được cái thế thua đã phơi bày sẵn…”. Tướng Navarre viết: “Theo ông de Chevigné vừa ở đó về 2-3 “thật là bất khả xâm phạm. Vả lại, họ không dám tiến công đâu.”. Tướng Cogny thì tin tưởng: “Chúng ta đến đây là buộc Việt Minh phải giao chiến, không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi”
Cứ điểm Điện Biên Phủ được chia làm 3 cụm chính :
- Cụm phía Bắc : Him Lam – Béatrice, Độc Lập – Gabrielle, Bản Kéo – Anne Marie 1, 2
- Cụm trung tâm : Dominique, Eliane, sân bay Mường Thanh, Huguette, Claudine
- Cụm phía nam : Isabella và sân bay nhỏ Hồng Cúm
Hỏa lực của pháo binh Pháp trong trận đánh Điện Biên Phủ khá mạnh. Căn cứ được yểm trợ hỏa lực của 24 khẩu pháo 105mm , 4 khẩu 155mm, 20 khẩu cối 120mm dưới quyền của trung tá Charles Piroth. Lực lượng thiết giáp gồm 10 chiếc M24 Chaffee dưới quyền đại úy Yves Hervouët. Hệ thống phòng thủ gồm 10 trung tâm đề kháng với 49 cứ điểm. Các cứ điểm đều có chiến hào, bên ngoài là các lớp dây thép gai, bãi mìn, .. và được yểm trợ bởi lực lượng không quân gồm các máy bay ném bom B-26 Invader, máy bay yểm trợ F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair. Tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của chỉ huy tập đoàn cứ điểm là Đại tá Christian de Castries.
Về phía Quân Giải Phóng, họ đã chuẩn bị cho trận đánh Điện Biên Phủ – Battle of Dien Bien Phu từ lâu. Tuy nhiên vẫn gặp 1 số bất lợi như tuy đông hơn về quân số nhưng lại kém hơn về trang bị, hỏa lực. Ngoài ra, nếu chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài sẽ bất lợi về mặt tiếp vận lương thực, vũ khí. Bên cạnh đó, khi tấn công cứ điểm, cần phải vượt qua những lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn, .. từ đó sẽ phải phơi mình trước những họng súng quân Pháp. Đường lên hướng Tây Bắc đầy dốc và núi, rất khó vận chuyển pháo lớn lên đó . Chưa kể kéo pháo và tải lương thực cần huy động lực lượng người lớn, sẽ phải tốn thêm lương thực để nuôi đội quân vận chuyển và sẽ dễ bị máy bay Pháp phát hiện và tấn công. Pháp tính toán Việt Minh không thể mang pháo cỡ lớn từ 105mm trở lên mà chỉ có thể mang súng cối 60mm, 82mm, .. vào trận địa, nhưng súng cối chỉ là phương tiện phòng thủ, không thích hợp tấn công và súng cối không thể phá hủy nổi những công sự ngầm vững chắc của Pháp và khi súng cối bắn sẽ dễ bị Pháp phát hiện và ném bom hoặc phản pháo tiêu diệt
Pháp không ngờ rằng, Việt Minh lại có thể mang pháo lớn vào trận địa để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng nghị lực phi thường , Việt Minh đã kéo pháo lớn 105mm và 130mm vào trận địa và đặt lên những ngọn đồi và trông xuống khu căn cứ Điện Biên Phủ ở lòng chảo. Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Minh đã huy động hàng chục nghìn người dùng xe đạp để vận chuyển lương thực, vũ khí, … Nga và Trung Quốc cũng đã cung cấp hàng nghìn xe tải các loại. Tất cả được nhiều súng máy và pháo 37mm bắn yểm trợ ngày đêm chống lại máy bay Pháp.
Ngày 14 tháng 1 năm 1954 tại hang Thẩm Púa, tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã họp và phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh”. Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã trao cho mỗi đại đoàn, mỗi quân khu một lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” làm giải thưởng
Chiều 17h05 ngày 14 tháng 3, trận đánh Điện Biên Phủ bắt đầu khi Việt Minh dùng 40 khẩu pháo các loại đồng loạt pháo kích dữ dội khu phân khu Him Lam (Béatrice) và Mường Thanh giết chết thiếu tá chỉ Paul Pégot là chỉ huy trưởng Him Lam cùng với ba sĩ quan khác và cả chiếc điện đài. Him Lam mất liên lạc với Phân khu trung tâm Mường Thanh. Đại đoàn 312 tấn công Him Lam đến 23h30 thì chiếm được căn cứ
Ngày 14 , Pháp tăng viện cho Điện Biên Phủ bằng cách cho máy bay C-47 Dakota chở tiểu đoàn 5e BPVN do Đại úy André Botella chỉ huy thả xuống sân bay căn cứ, lúc này, pháo phòng không của Việt Minh bắt đầu khống chế bầu trời khiến các máy bay không thể đáp xuống mà chỉ có thể bay sà gần mặt đất rồi bung dù.
3h30 ngày 15, Việt Minh lại tấn công đồi Độc Lập (Pháp gọi là Gabrielle), đến 6h30, đồi bị chiếm, cả chỉ huy trưởng là là trung tá Mecquenem và chỉ huy phó là Thiếu tá Edouard Kah đều bị thương và bị bắt làm tù binh. 8h sáng, trung tá Charles Piroth – chỉ huy lực lượng pháo binh đã tự sát do thất bại trong việc áp chế pháo binh Việt Minh.
Sáng ngày 17, đồn Bản Kéo (Anne-Marie) bị Trung đoàn 36 Việt Minh tấn công và thất thủ
Đến ngày 23 tháng 3, pháo phòng không của Việt Minh đã hoàn toàn khống chế sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm khiến máy bay không còn có thể đáp xuống để chuyển tiếp tế vũ khí, lương thực, … hay tản thương mà chỉ có thể thả dù từ trên không. Các thương binh Pháp bắt đầu đông dần và chiếm đầy những hầm thương binh. Tình hình đã trở nên vô cùng tồi tệ
Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ đợt 1 , Pháp đã mất toàn bộ cụm cứ điểm phía Bắc và 2 tiểu đoàn tinh nhuệ, 1 tiểu đoàn và 3 đại đội quân Quốc gia Việt Nam, 11 khẩu cối 120mm bị phá hủy, 4 khẩu pháo 105mm, 155mm bị hỏng linh kiện
Đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ tấn công vào khu trung tâm căn cứ. Khu vực này bao gồm hơn ba mươi cứ điểm và được chia thành 4 trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique. Mỗi trung tâm đề kháng gồm nhiều cứ điểm. Lúc này Pháp cử thiếu tá Marcel Bigeard làm chỉ huy các lực lượng phản công. Đây là viên thiếu tá nhiều kinh nghiệm và có uy tín cao trong quân đội Pháp.
18h30 ngày 30 tháng 3, Việt Minh nổ súng tấn công phân khu trung tâm, sau 45 phút, Trung đoàn 98 đã chiếm được đồi C1 (Eliane 1). Đồi C2 (Eliane 4) cũng bị tấn công, nhưng đến 23h, Pháp vẫn giữ được đồi và đánh bật nhiều đợt tấn công của Việt Minh
Trung đoàn 209 tấn công đồi D1 (Dominique 2) và chiếm được đồi sau 2 giờ tấn công, chỉ huy đồi là đại úy Garandeau bị pháo bắn sập hầm và tử trận. Đồi E (Dominique 1) cũng bị trung đoàn 141 tấn công và mất lúc 19h45. Sư đoàn 312 tấn công đồi Dominique 3 lúc này trở thành tiền đồn, trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4 của Pháp đã dùng pháo 105mm bắn thẳng vào đội hình quân Giải Phóng, những toán lính Pháp phòng thủ sân bay cũng phản công dữ dội khiến sư đoàn 312 thiệt hại nặng phải rút lui
Đồi A1 (Eliane 2) được phòng ngự rất kỹ khiến Việt Minh tổn thất rất nhiều, đồi bị chiếm đi chiếm lại nhiều lần. Thiếu tá Bigeard – chỉ huy trưởng lực lượng phản công liên tiếp tổ chức nhiều cuộc phản kích được sự yểm trợ của xe tăng đã giành lại được nửa ngọn đồi A1 (Eliane 2) và đã chiếm lại được đồi C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 2). Lúc này xe tăng M24 Chaffee của Pháp đã tỏ ra lợi hại do có hỏa lực mạnh, yểm trợ các đợt xung phong của lính Pháp rất tốt, tuy nhiên số lượng lại quá ít. Pháp chỉ đem được 10 chiếc lên Điện Biên Phủ và đây cũng là nổ lực rất lớn do Pháp không có máy bay đủ sức mang được xe tăng và sân bay Mường Thanh không đủ dài để máy bay vận tải hạng nặng sử dụng. Pháp đã tháo xe tăng M24 Chaffee ra thành nhiều bộ phận và mang đến Điện Biên Phủ để ráp lại. Việc lắp ráp cũng đòi hỏi những chuyên viên nhiều kỹ thuật.
Đến ngày 31 tháng 3, quân Giải Phóng phản công, Lính Pháp đã quá kiệt sức và không được chi viện nên không giữ lại được đồi C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 2). 10 giờ tối, Chỉ huy trưởng Phân khu Trung tâm Langlais gọi điện thoại cho Bigeard, hỏi có thể giữ được những gì còn lại trong đêm nay không! Bigeard trả lời: “Thưa Đại tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Eliane 2(A1). Nếu không thì căn cứ Điện Biên Phủ sẽ bị mất”. Đồi A1 đã trở thành “thành luỹ cuối cùng” (dernier rempart) của tập đoàn cứ điểm của lính Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Để chống lại những công sự kiên cố của Pháp, Việt Minh đã thay đổi chiến chiến thuật từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến thuật “Đánh chắc tiến chắc” và bắt đầu đào chiến hào. Những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km và việc đào công sự được thực hiện liên tục thường xuyên. Đường hào này đều có chiều sâu 1,7 mét và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5 mét, đáy hào trục rộng 1,2 mét và được bố trí hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp. Các chiến hào này giúp hạn chế thương vong vì pháo binh và không quân và vào sát được vị trí của quân đối phương, làm bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp đã nhận ra sự lợi hại của chiến hào Việt Minh và tổ chức dò tìm, phá hủy chiến hào nhưng kết quả thu được không khả quan do máy bay ném bom phải bay cao để tránh lưới phòng không nên ném bom không chính xác. Pháo binh không đủ đạn để bắn nên Pháp phải tổ chức phá đường hầm bằng bộ binh. QĐNDVN vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn.
Ngày 10 tháng 4, Thiếu tá Marcel Bigeard cho pháo binh bắn cấp tập vào đồi Eliane 1, sau đó cho nhiều toán quân Pháp lợi dụng lúc pháo bắn, xâm nhập thành công lên đồi Eliane 1, ngày 11 tháng 4, Pháp chiếm lại đồi Eliane 1. Ngày 12, quân Giải Phóng cố chiếm lại đồi nhưng không thành công
Lúc này, trong trận đánh Điện Biên Phủ, quân Pháp sống trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Trên diện tích 1 km vuông, một khoảng rộng bên bờ sông phải dành cho bệnh viện và cái “hố chung”. Nếu tập đoàn cứ điểm không ngừng thu hẹp thì khu vực dành cho thương binh và người chết cũng không ngừng phát triển. Công binh Pháp ra sức đào thêm những nhánh hào mới để mở rộng bệnh viện nhưng vẫn không đủ chỗ cho thương binh. Nhiều thương binh phải nằm ngay tại cứ điểm. Chiếc máy xúc duy nhất còn lại chỉ chuyên vào việc đào hố chôn người chết. Danh mục đồ tiếp tế cho Điện Biên Phủ có thêm một yêu cầu khẩn cấp, đó là thuốc sát trùng và thuốc diệt côn trùng DDT. Ruồi nhặng kéo tới đẻ trứng trên những vết thương. Thương binh nặng nằm trên những chiếc giường ba tầng, sáu người trong một căn hầm nhỏ. Nhiều người bị thương sọ não và mắc chứng hoại thư. Máu mủ của những người nằm bên trên nhảy xuống những người nằm bên dưới. Những cẳng tay, cẳng chân, những ống tiêm chôn ngay trong đường hầm, khi trời mưa, nước bên ngoài chảy vào, tất cả lại lềnh bềnh nổi lên. Phần lớn những bộ phận lọc nước đã bị hỏng. Những viên chỉ huy ra lệnh cho binh lính đào giếng nhưng chỉ thấy một thứ nước váng dầu đục ngầu. Rời công sự đi lượm dù hoặc lấy nước là làm mồi cho lính bắn tỉa, khó trở về an toàn. Điện Biên Phủ khẩn thiết yêu cầu gửi thật nhiều ống nhòm ngầm (kính tiềm vọng) vì nhô đầu lên khỏi chiến hào để quan sát đã trở thành mạo hiểm
Lúc này, cụm cứ điểm Isabelle chỉ bị tấn công khá nhẹ, quân Giải Phóng chỉ chia cắt con đường nối liền từ Isabelle đến khu trung tâm khiến mọi chi viện của Isabelle đều không thành công, pháo binh từ Isabelle không bắn đến nổi các ngọn đồi phía trên. Chỉ huy cụm cứ điểm Isabelle chỉ còn cách khoanh tay mà không làm được gì
Vòng vây thu hẹp, tiếp tế và tiếp viện trở nên cực kỳ khó khăn. Những phi công Mỹ làm công viện này đã được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra khi phải bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có pháo phòng không chờ sẵn. Nếu bay thấp thì máy bay trở thành mồi ngon cho pháo phòng không Việt Nam, nhưng nếu bay cao thì việc thả dù sẽ thiếu chính xác. Riêng trong ngày 26 tháng 4, 50 máy bay trúng đạn trên bầu trời Điện Biên Phủ và 3 chiếc bị bắn hạ, trong đó có một máy bay B-26 Invader và hai chiếc F6F Hellcat của hạm đội 11, do phi công Mỹ lái. Đêm hôm đó hứa tăng viện 80 người, nhưng chỉ thả dù được 36, hứa thả 150 tấn hàng tiếp tế, nhưng chỉ thả được 91 tấn với 34% rơi vào phía bên kia.
Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: “Có tới 50% kiện hàng rơi ngoài bãi thả. Ngày 1-4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6-4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9-4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được… 6 tấn. Ngày 13-4, máy bay C-119 của Mỹ đã “trút toàn bộ số đạn pháo 105mm xuống trận địa Việt Minh, coi như tiếp tế đạn cho đối phương!”. Ngày 18-4, hơn 30 tấn hàng “rơi lạc” sang trận địa Việt Minh. Ngày 27-4, có tới 70% số dù hàng rơi lạc mục tiêu. Ngày 5-5, hầu hết số hàng do C-119 thả xuống đều rơi xuống trận địa Việt Minh”
Để động viên tinh thần cho lính Pháp ở Điện Biên Phủ, tháng 4 năm 1954, chính phủ Pháp đã thăng quân hàm trước thời hạn cho de Castries, từ Đại tá lên Chuẩn tướng (nhiều tài liệu tiếng Việt ghi là Thiếu tướng)
Ngày 1 tháng 5, Việt Minh tổ chức đợt 3 trong trận đánh Điện Biên Phủ với các nhiệm vụ được phân công :
- Đại đoàn 316, được phối thuộc trung đoàn 9 của 304 (thiếu 1 tiểu đoàn), tiêu diệt A1, C1 và C2.
- Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm.
- Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía tây.
- Đại đoàn 304: trung đoàn 57 được phối thuộc 1 tiểu đoàn của trung đoàn 9, cử 1 tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm.
- Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.
Ngay trong đêm đầu tiên, Pháp mất tiếp cứ điểm C1, Dominique 3, Huguette 5. Đêm ngày 4 tháng 5, đại đoàn 308 chiếm tiếp đồi Huguette 4. Trong ngày 5 tháng 5, Việt Minh đã đào hầm đưa 1 tấn thuốc nổ vào đồi A1 và kích nổ lúc 20h30, làm sập nhiều công sự Pháp. 4 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đại úy Jean Pouget chỉ còn lại 34 lính dù và đã sử dụng đến những viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng. Pouget bị thương nặng và bị bắt Đồi A1 bị Việt Minh chiếm giữ
Đến sáng ngày 7 tháng 5, Việt Minh tiếp tục tiến công tiêu diệt cứ điểm C2, 506, 507, 310F và Pháp không còn sức kháng cự. 17 giờ ngày 7 tháng 5, Việt Minh tiến vào hầm chỉ huy và bắt sống tướngde Castries và các sĩ quan Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt
Tổng kết trận đánh Điện Biên Phủ, Pháp mất 1.747 – 2.293 người chết, 5.240 – 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội Quân đội Quốc gia Việt Nam bị tiêu diệt. Số sĩ quan bị chết, bị thương và bị bắt là 1.706, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Thiệt hại về phía Mỹ là 2 phi công chết và 1 bị thương.