Vì sao Mỹ không dự đoán được trận Tết Mậu Thân 1968 ? – Tet Offensive 1968
Khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra vào ngày 30/01/1968, lực lượng Mỹ đã bị bất ngờ. Vì sao Mỹ không dự đoán được trận Tết Mậu Thân ?. – Tet Offensive 1968 .
Kinh nghiệm của tôi trong thời gian làm việc cho Cục Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ có thể mang lại một số lý giải cho thiếu sót này.
Trận đánh Tết Mậu Thân 1968 diễn ra ở tất cả 44 tỉnh thành của Nam Việt Nam và các cuộc tấn công có phối hợp gây choáng váng vốn làm thay đổi tiến trình cuộc chiến. Trong bối cảnh Mỹ dành rất nhiều nguồn lực cho việc thu thập thông tin tình báo, nhiều người cho rằng Mỹ bị bất ngờ trong trận Tết Mậu Thân 1968
Kỳ nghỉ cuối tuần ngày 15/12/1967 hứa hẹn sẽ là một kỳ nghỉ hấp dẫn. Tôi được một người bạn Pháp tên là Serge mời đi cùng anh ta tới thăm một đồn điền cao su tại tỉnh Hậu Nghĩa. Đồn điền này là một phần của công ty Société des Plantations de Terres Rouges (Công ty Đồn điền Đất đỏ), một cơ sở lớn của Pháp cách Sài Gòn một giờ đồng hồ về phía Bắc. Trong nhiều thập niên, Công ty Đất đỏ cùng với chuỗi đồn điền Michelin là những viên kim cương trên vương miện của các nhà xuất khẩu nông nghiệp thực dân Pháp. Nay với việc chiến tranh tăng cường ở Việt Nam, đồn điền đã ngày càng thất bát do bị phá hủy bởi thuốc diệt cỏ của Mỹ – hay còn gọi là chất độc màu da cam – cùng với việc chặt bỏ những dải rừng cao su lớn mà quân đội Mỹ cho là giúp ngụy trang cho lực lượng Việt Cộng cũng như quân đội Bắc Việt. Serge được giao nhiệm vụ xác định liệu có nên tiếp tục duy trì hoạt động của đồn điền hay không và nếu có thì cần phải tiến hành những biện pháp nào để cải thiện tình hình.
Mối quan tâm của tôi đối với các đồn điền vừa mang tính chất cá nhân vừa liên quan tới công việc. Là một người nói tiếng Pháp và là thành viên của đội bình định hóa tại tỉnh Bình Long kế bên, tôi được giao nhiệm vụ liên lạc với người Pháp về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Không may, những vấn đề này thường rất tiêu cực. Sự xuất hiện đột ngột một lượng lớn nhân viên quân sự Mỹ tại các đồn điền đã gây nên những sự rối loạn và phá hủy – các khu nhà chứa mọc lên khắp nơi, bệnh viện đồn điền bị rối loạn, sân bay quân sự được mở rộng lấn chiếm vào các rừng cao su, và quan trọng nhất là việc phá hủy quy mô lớn những hàng cây cao su vốn sản xuất ra thứ “vàng trắng” rất có giá trên thị trường thế giới.
Chuyến đi của tôi với Serge tới Hậu Nghĩa hoàn toàn bí mật. Vị thế của Pháp tại Nam Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro. Hầu như không được hoan nghênh bởi chính quyền Nam Việt Nam, các chủ đồn điền phải cố gắng duy trì sự trung lập bởi vì các đồn điền cao su thường nằm ở các vùng nông thôn do lực lượng cộng sản kiểm soát. Một bí mật mở ai cũng biết là các đồn điền phải trả thuế cho cả phía chính phủ Nam Việt Nam lẫn lực lượng cộng sản. Tỉnh Hậu Nghĩa, đích đến của chúng tôi, đặc biệt không an toàn. Trong khi chính phủ duy trì một sự hiện diện quân sự lớn nhưng lại rất yếu ớt ở thị xã tỉnh lỵ thì lực lượng cộng sản lại kiểm soát vùng nông thôn và giành được sự trung thành của người dân. Thái độ chống chính phủ có thể được nhìn thấy trên gương mặt ác cảm của người dân. Những đứa trẻ vốn thường ngày hay vui đùa và hay nói chuyện bỗng trở nên yên lặng và không mấy thân thiện trước chúng tôi.
Với việc đồn điền Hậu Nghĩa nằm trong tay lực lượng cộng sản, Serge nói rằng chúng tôi nên cẩn thận hơn để che giấu thân phận của tôi trong chuyến đi. Từ bỏ chiếc áo kaki và denim kiểu Mỹ thân thuộc, tôi mặc một bộ đồng phục quản lý đồn điền kiểu Pháp gồm áo và quần short màu trắng. Khi chúng tôi tới văn phòng đồn điền trong chiếc xe Citroen cũ kỹ, Serge nhắc tôi hạn chế nói chuyện để đề phòng giọng Pháp lơ lớ kiểu Mỹ của tôi sẽ làm tôi bị lộ tẩy trước các nhân viên công đoàn của đồn điền vốn là những người theo cộng sản. Chúng tôi dành cả ngày đi xem các khu rừng cao su bị phá hủy và nghe nhân viên công đoàn đòi hỏi có tiếng nói lớn hơn trong việc vận hành đồn điền. Bữa trưa, chúng tôi được phục vụ một bữa ăn kiểu Pháp ngon miệng tại tòa nhà câu lạc bộ của đồn điền. Mặc dù hoạt động trong trạng thái khủng hoảng do đồn điền đang bên bờ vực sụp đổ, bữa ăn kiểu Pháp kéo dài 2 tiếng vẫn rất chất lượng. Chúng tôi nghe nói binh lính Bắc Việt đang ẩn nấp trên khắp đồn điền và sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào.
Nghĩ rằng sứ quán Mỹ vốn không rành rọt về tình hình trên thực địa sẽ quan tâm tới một báo cáo tại chỗ về các điều kiện ảm đạm tại một tỉnh then chốt gần Sài Gòn mà người Mỹ coi là hầu như an toàn, tôi đã soạn thảo một báo cáo chi tiết về chuyến thăm tới Hậu Nghĩa và nộp lên cho sếp của tôi, một cố vấn cấp cao của tỉnh, và là một quan chức ngoại giao kỳ cựu người đã khuyến khích tôi có thói quen viết các báo cáo hoạt động chi tiết.
Vì sao Mỹ không dự đoán được trận Tết Mậu Thân ?. – Tet Offensive 1968. Nhìn lại, tôi thấy mình quá ngây thơ. Những nỗ lực trước đó của tôi nhằm kết nối các nhân viên tình báo Mỹ với các chủ đồn điền Pháp am tường, một nhóm những người rất thông minh và mạnh mẽ trong đó có cả những cựu lính Lê dương dày dặn kinh nghiệm trận mạc, đã bị bỏ ngoài tai. Suốt ngày nằm trong khu nhà bị cách ly với thế giới hiện thực bên ngoài bởi tiếng ồn đinh tai nhức óc của máy phát điện và được trao cho các tin tức tình báo thêu dệt bởi những người cung cấp tin được trả tiền, bộ phận tình báo Mỹ xem thường bất cứ nỗ lực nào cung cấp tin thật cho họ, coi đó là những thông tin “không chính xác” hay “của người Pháp”.
Nhưng bị phớt lờ không phải là cái kết của câu chuyện. Vài tuần sau chuyến đi tới tỉnh Hậu Nghĩa của tôi và việc tôi nộp báo cáo lên tòa đại sứ, tôi ghé thăm Serge, người đã không liên lạc với tôi kể từ sau chuyển đi. Tỏ vẻ bực bội, Serge nói với tôi rằng anh ta đã được bộ phận chính trị của sứ quán Mỹ thông báo rằng tôi đã nộp một báo cáo về chuyến đi, rằng tôi không được phép tham dự hoạt động báo cáo như vậy và tôi cũng không nên tham gia các chuyến đi tương tự trong tương lai. Thân phận của tôi đã bị lộ và mối quan hệ của tôi với người Pháp đã hoàn toàn bị phá hủy. Sếp của tôi và tôi hầu như không nói được nên lời khi biết về sự vi phạm quy tắc chuyên môn đó, điều xuất phát từ sự ghen tỵ hẹp hòi của một nhân viên tòa đại sứ bị mếch lòng bởi những gì mà sếp tôi nghĩ là một hoạt động báo cáo tin tức đầy sáng tạo.
Vài tuần sau đó tôi quay lại Sài Gòn để bay về Mỹ khi mà cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra làm phá vỡ khung cảnh tương đối yên bình của Sài Gòn lúc đó, đồng thời làm thay đổi kết cục cuộc chiến. Các thành viên trong cộng đồng người Mỹ đều cảm thấy kinh ngạc trước cuộc tấn công nhưng tôi thì không hề thấy vậy. Nước Mỹ đã đi tới điểm ảo tưởng trong chiến tranh Việt Nam nơi mà “nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm” và nghe những lời mình tự nói lại dễ dàng hơn và yên tâm hơn việc đối mặt với sự thật phũ phàng rằng “chiến thắng” là một điều không tưởng.
Sam Oglesby
Sam Oglesby, một nhà báo tự do, làm việc cho Cục Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong thời gian Chiến tranh Việt Nam.