Publisher Theme
I’m a gamer, always have been.

Thăm lại Cao điểm 1015 – đồi Sạc Ly – trận đồi Charlie trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972

0 3,877

Cao điểm 1015 – nơi diễn ra trận đồi Charlie phiên âm theo tiếng Việt là đồi Sạc Ly là nơi mấy trăm người lính trẻ thuộc trung đoàn 64 sư đoàn 320 của tướng Khuất Duy Tiến đụng trận với tiểu đoàn 11 Nhảy Dù của thiếu tá Nguyễn Đình Bảo trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Nhà văn Khuất Quang Thụy từng nói với tôi, “đỉnh cao 1015 chính là đỉnh cao hoang vắng”. Mỗi lần trở lại đỉnh 1015, tôi lại thấy anh Khuất Quang Thụy nói đúng quá…

Khi đến Kontum và hỏi thuê xe lên cao điểm 1015 ai cũng lắc đầu và ngạc nhiên, có vài người thông thuộc đường đi mách bảo nên tìm đến nhờ công ti Nguyên liệu giấy. Khi trò chuyện với ông chủ khách sạn. Thật may mắn, ông cho biết từng là Bí thư Huyện ủy Đắk Tô và gọi điện cho công ty Nguyên Liệu giấy. Bên đó cũng sẵn lòng giúp đỡ và hứa cho mượn xe để đi.

“Nhớ nhớ, phải cố mà đi, cố đưa một người lính đã từng chiến đấu nơi đó lên cắm nén nhang cho đồng đội”. Sau câu cảm ơn, anh tắt máy quay sang tôi hồ hởi:

– Anh yên tâm mà ngủ, sáng sớm sáu rưỡi xe đến đón. Đi đường Sa Thầy lên, hết 1015 sang đất Ngọc Hồi khoảng 12 giờ trưa, anh quay về Đắk Tô đứng đó mà nhìn đồi Sạc Ly lần nữa để thấy ngọn núi án ngữ Đắk Tô Tân Cảnh nó quan trọng nhường nào.

Đêm. Trời se se lạnh. Yên ắng quá. Ngày mai tôi biết nói gì với gần 400 liệt sĩ đơn vị tôi ngã xuống trên cao điểm ấy đây? Còn ngót 500 thương binh bạn bè tôi đang vật vã nơi đồng chiêm, nơi núi đồi phía Bắc có biết là tôi sẽ lên cao điểm ấy không ?

Năm 1972, quân Giải Phóng mở cuộc tấn công bằng Chiến Dịch Xuân Hè 1972 mà chính sử gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Quân Việt Nam Cộng Hòa lập vành đai Cao điểm Hỏa Tiễn với một loạt các căn cứ Charlie do tiểu đoàn 11 Nhảy Dù trấn giữ, căn cứ Delta do tiểu đoàn 7 Nhảy Dù phòng thủ, .. để án ngữ con đường tiến công từ hướng ngã 3 Biên Giới vào thị trấn Kon tum, Tân Cảnh. Người dân Kon Tum hồi ấy kể lại, những ngày đánh căn cứ Charlie, suốt một tuần lễ họ nhìn về phía cao điểm 1015 chỉ thấy một màu đỏ rực và khói bom đen quánh, các máy bay ném bom liên tục oanh kích yểm trợ cho đồi Charlie. 

Bảng chỉ hướng Cao điểm 1015 - đồi Sạc Ly - trận đồi Charlie
Bảng chỉ hướng Cao điểm 1015 – đồi Sạc Ly – trận đồi Charlie

Tôi lại nhớ anh Hinh C trưởng của tôi, anh Hiệp D trưởng, anh The chính trị viên tiểu đoàn trong cùng một ngày đã hi sinh ở đó. Tôi lại nhớ lời anh Thoán hôm gặp nhau ở hội trường Quân khu Thủ Đô. Anh Thoán nói: mày không vào 1015 để viết, để nói hộ chúng tao – những ông già 70, 80 này thì mày xoàng. Anh Thoán nay đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá khoa chiến lược HVQP mắt ngân ngấn nước: “Lúc Hiệp nó hi sinh, tớ là tham mưu phó trung đoàn được cử xuống chỉ huy D8 lại bị thương. Anh em họ khiêng mình ra trong lúc các chiến sĩ xốc lại đội hình, người này ngã người kia lao lên… mình khóc trên võng, chả thấy đau đớn vì vết thương chỉ thấy nước mắt cứ tự nhiên giàn dụa…”

Từ thị trấn Sa Thầy đi thêm 5 km nữa dọc theo chân núi Chư Mom Ray là đến làng Rờ Kơi. Suối Rờ Kơi thanh bình trong sáng sớm. Những người đàn bà dân tộc Ê Đê giặt quần áo gò lưng soi trên những hòn cuội trắng. Những người đàn ông bình thản lùa bò lên nương. Nơi này là bàn đạp, bắt đầu để Trung đoàn 64 vượt qua vào chiếm lĩnh 1015 từ phía Tây – Nam. Nơi chúng tôi đang đứng là tọa độ của B52 rải thảm suốt những ngày đầu tháng tư năm 1972. Trước khi nổ súng, quân ta đã bị thương vong đáng kể vì bom B52 của kẻ thù.

Máy điện thoại đổ chuông. “Luân đã lên 1015 chưa?” Trung đoàn trưởng cũ Khuất Duy Tiến gọi cho tôi. Vâng thủ trưởng ơi, em sắp lên đến mỏm. Dốc lắm, khó đi lắm. “Luân ơi, cậu thắp hương nhớ nói tên tớ khấn anh em… tớ là Khuất Duy Tiến xin lỗi anh em, biết ơn anh em 64, tớ yếu quá không lên được với anh em, xin anh em tha lỗi.” Máy điện thoại im lặng hồi lâu, tôi vẫn không dám rời máy. Tôi biết người tướng già đang khóc. “Luân ơi, ở đấy mình mất ba cán bộ tiểu đoàn, sáu đại đội trưởng, biết bao nhiêu chiến sĩ… Thế lên đến chỗ thằng Hiệp, thằng The hi sinh chưa?” Dạ em chưa lên đến nơi. Máy tắt hẳn. Tôi biết cụ già lại khóc rồi. Tiếng ve bỗng ngừng bặt. Có lẽ, tiếng ve là tiếng gần ba trăm liệt sĩ đang tâm sự… Họ chợt nghe tiếng gọi của người chỉ huy mình… Và nắng cũng như đang ngưng lại. Cái nắng tháng tư sau bốn ba năm vẫn là màu nắng tháng tư năm ấy. Nắng chan hòa. Gió ngằn ngặt. Gió chạy từ Đông sang Tây, ào qua 1015, dãy Ngọc Rinh Rua, Chư Mom Ray sang ngã ba Đông Dương để rồi toả xuống Sài Gòn

Chúng tôi dừng xe trên sườn đất đỏ để xác định nơi c7 bị bom cháy lúc 2 giờ chiều 13 tháng 4 năm 1972 làm hi sinh hai bốn chiến sĩ và hơn mười người bị thương. Tôi nhớ chuyện anh Kiều Thế, người Thái Nguyên bị cháy hôm ấy mà không chết. Sau này anh Thế trở về làm trưởng phòng ở Sở Thủy lợi Thái Nguyên vẫn mang những vết sần sùi trên mặt trên tay. Tôi gọi anh Hinh, người đại đội trưởng can trường của d8. Tôi đứng giữa các mỏm M11, M12 nhìn những yên ngựa hẹp vanh vanh mà bộ đội ta vượt qua để tấn công hỗ trợ cho nhau. Những yên ngựa ấy, hôm nay toàn là lau lách vàng như rơm. Gió ngàn ngạt thổi, cỏ lau phất phơ, trong gió có mùi nhựa thông mùi hoa cà phê từ phía Đắk Tô ngạt ngào. Hít căng lồng ngực ngọn gió cao nguyên, tôi nhìn dòng Pô Kô ở phía mặt trời đang chói chang. Bốn mươi ba năm trước đồng đội tôi có kịp thấy mặt trời như hôm nay không? M11 đây rồi

Chúng tôi thắp nén nhang trong miếu thờ của hơn ba mươi công nhân của công ti Nguyên liệu Giấy trồng rừng trên 1015 đã hi sinh vì bom mìn còn sót lại lúc 10 giờ sáng. Ngọn núi như cái đầu người hói. Công ti Nguyên liệu giấy cũng chỉ trồng cây ở phía dưới chân lên lưng chừng. Đỉnh núi trơ trọi vì bom và chất độc phát quang nhiều đến nỗi, bây giờ cây vẫn không mọc được.  Đột nhiên tôi nghĩ tới cái bật lửa của Tiểu đội trưởng Nguyễn Mạnh Khởi người Văn Giang Hưng Yên. Khởi bị thương ở 1015. Nằm viện ba tháng rồi về cùng trung đội với tôi. Khởi có thói quen cứ đêm đêm là giở ba lô lấy cái bật lửa Zipo ra xem. Chúng tôi gạ đổi cái gì Khởi cũng không đồng ý. Có lần anh gắt. Đừng gạ bật lửa của tao nữa. Đây là cái bật lửa của thằng Nọn cùng làng tao. Nó chết trên mỏm dốc nhất cùng anh Hinh đấy. Tao bò lên, nó mở mắt bảo tao, mày mang cái bật lửa về cho bố tao. Từ ấy không ai dám hỏi gì nữa về cái bật lửa.

11 giờ trưa trên đỉnh 1015, tôi chọn một chỗ không có cỏ khô, lập bập thắp nhang cho đồng đội. Tôi quay nhìn về phía Tây, ngọn Chư Mom Ray xanh mờ huyền ảo và dãy Ngọc Rinh Rua. Bó nhang cháy rừng rực giữa trưa. Tôi đứng ngước lên đỉnh điểm cao mang cái tên Cao điểm 1015 mà khấn các anh. Tôi quay mặt về hướng Tây mà lạy các anh, tôi vái tứ phía những ai đã hòa tan vào đất đỏ cao điểm 1015 này. Tôi biết hầu như các liệt sĩ hi sinh trong trận 1015 không còn di vật gửi về. Các anh đã chịu bom napan đốt trận địa, chịu pháo bầy, chịu B52 suốt ba ngày đêm, quần áo rách bươm, ba lô cũng không còn. Tất cả những người lính đã chịu khát trên núi mà ôm súng, mà gùi đạn lên bình độ 1000 đánh địch. Nơi đây, Trung đoàn tôi đã xóa sổ một tiểu đoàn dù mang danh “Song kiếm Trấn ải”. Nơi đây, Trung đoàn tôi khai tử cái tự hào của lính dù không bao giờ bị tiêu diệt gọn cấp tiểu đoàn. Cánh cửa Tây Pô Kô được mở toang để mười bốn ngày sau, chiến dịch Đắk Tô – Tân Cảnh tiêu diệt Sư đoàn 23 Việt Nam Cộng hòa bắt đầu…

Chúng tôi có lỗi với hương hồn các anh. Có lỗi với biết bao nhiêu người mẹ, người vợ của các anh. Đồi 1015 là một vùng cỏ cây cỏ hoang vu, một vùng yên nghỉ của những người lính trẻ thuộc trung đoàn 64 Sư 320 . Cảm giác trong lòng mắc nợ các anh một tấm bia tưởng niệm trên đỉnh núi. Chẳng có đỉnh núi cao nào mà con người lại không lên được. Chỉ sợ đỉnh núi hiện hữu mà lại bị con người lãng quên.

Nguyễn Trọng Luân

Leave A Reply

Your email address will not be published.

lorain duval fucked on the pool table.check my reference free porn tube
swinger show young couples blowjob orgy cosplay.anal sex