Chiến thuật Đàn Ngỗng – Super Gaggle tiếp tế cho các đồi tiền đồn Khe Sanh
Chiến thuật Đàn Ngỗng – Super Gaggle Technique là chiến thuật dùng trực thăng được yểm trợ hỏa lực ở tầm gần nhằm tiếp tế cho các quả đồi tiền đồn của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bị bao vây ở căn cứ Khe Sanh
Trận Khe Sanh kéo dài 77 ngày từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1968 diễn ra ở thị trấn Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Chỉ huy căn cứ Khe Sanh lúc đó là Đại tá Lownds (TQLC Hoa Kỳ) – trung đoàn trưởng trung đoàn 26 Thủy Quân Lục Chiến, gồm có 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ phòng thủ căn cứ, 1 tiểu đoàn TQLC phòng thủ ở các ngọn đồi tiền đồn và các ngày sau, được tăng cường thêm Tiểu đoàn 37 Biệt động quân – Quân lực Việt Nam Cộng hòa phòng thủ hướng Đông Nam và 1 tiểu đoàn TQLC Mỹ phòng thủ ở thung lũng sông Rào Quán, nâng tổng số quân tham chiến lên đến 6.680 người.
Trong những ngày của cuộc chiến, quân Giải Phóng áp dụng chiến thuật pháo kích liên tục kèm các cuộc tấn công trên bộ. Mỹ áp dụng chiến dịch Niagara là chiến dịch sử dụng không quân ném bom yểm trợ ở tầm gần kèm việc sử dụng máy bay ném bom B-52 có mật danh Arc Light – Ánh Hồ Quang dội bom vào các vị trí quân Giải Phóng. Trung bình cứ 90 phút, có 3 máy bay B-52 mỗi máy bay mang theo 27 tấn bom dội xuống các khu vực chung quanh căn cứ Khe Sanh. Dưới áp lực của không quân Mỹ, quân Giải Phóng thay đổi chiến thuật, chuyển sang đào đường hầm, bao vây căn cứ Khe Sanh, liên tục pháo kích nhằm phá hủy đường băng ở sân bay Khe Sanh, đồng thời chia cắt đường tiếp tế cho các ngọn đồi tiền đồn. Việc căn cứ Khe Sanh vẫn đứng vững vì có các ngọn đồi tiền đồng phòng thủ chung quanh, khác hẳn Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập. Lính Mỹ hiểu rằng, nếu mất các ngọn đồi đó, Khe Sanh hoàn toàn bị cô lập và không thể chống cự nổi
Việc tiếp tế cho căn cứ Khe Sanh và các ngọn đồi hoàn toàn dựa vào không quân. Đường băng liên tục bị bắn phá và việc một máy bay C-130 bị phá hủy khi đáp xuống sân bay đã khiến Không Quân Mỹ quyết định không cho đáp xuống đường băng nữa mà sử dụng kỹ thuật LAPES nghĩa là thả dù ở tầm thấp. Tuy nhiên, việc tiếp tế cho các quả đồi tiền đồn lại rất nan giải. Quân Giải Phóng đặt các khẩu súng máy phòng không 12,7mm, pháo cao xạ 37mm, … chung quanh các ngọn đồi, mỗi khi các trực thăng bay đến để tiếp tế lương thực, vũ khí, tải thương là các khẩu súng bắn lên ác liệt. Đến khi trực thăng đáp xuống là đến lượt quân Giải Phóng pháo kích vào bằng súng cối và pháo tầm xa khiến hàng chục máy bay trực thăng bị bắn hạ hoặc bị hư hỏng, mỗi lần trực thăng bay đến các ngọn đồi là mỗi lần giáp mặt tử thần
Việc tiếp tế cho các ngọn đồi chỉ có thể được thực hiện nếu không quân Mỹ có thể áp chế súng phòng không và các trận địa pháo cối của quân Giải Phóng xung quang các ngọn đồi. Quân Mỹ đã tổ chức chiến dịch Operation Super Gaggle – “Chiến dịch đàn ngỗng” còn được gọi là kỹ thuật tiếp tế Super Gaggle Techique mới có thể tiếp tế thành công. Lý do đặt tên trên là dùng các trực thăng tiếp tế giống như cả đàn ngỗng khổng lồ. Chiến dịch huy động 12 chiếc A-4 Sky Hawk từ Chu Lai kết hợp 4 trực thăng vũ trang Huey và 16 chiếc trực thăng vận tải CH-46 Sea Knight cùng 1 máy bay chỉ huy từ Đông Hà cùng phối hợp đồng thời và cực nhanh trong việc tiếp tế. Đầu tiên 1 chiếc máy bay TA-4 2 chổ ngồi bay vào vùng Khe Sanh để đánh giá tình hình thời tiết, nếu điều kiện cho phép, 4 chiếc A-4 Sky Hawk sẽ bay đến và dội bom vào vị phí quân Giải Phóng, tiếp theo là 2 chiếc A-4 thả hơi cay, đến 2 chiếc A-4 thả bom dọc 2 hành lang . Sau 30 giây là 16 trực thăng vận tải ào đến thả tiếp tế xuống các ngọn đồi và di tản thương binh. Các trực thăng vận tải này được 4 trực thăng vũ trang Huey bắn yểm trợ ở tầm thấp và giải cứu khi co trực thăng hay máy bay nào bị bắn rơi, kết hợp 4 chiếc A-4 mang tên lửa và Roket bắn yểm trợ cận sườn. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của 1 trực thăng chỉ huy và toàn bộ quá trình tiếp tế diễn ra trong thời gian chưa đến 5 phút và đã thành công tốt đẹp
Đại úy Michael Phillips thuộc phi đoàn HMM-364 Purple Foxes kể lại :
” Chúng tôi đóng quân ở Đông Hà, lúc 5h30, chúng tôi được tóm tắt chuyến bay và sau đó cất cánh đội bay gồm 8 chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight. Chúng tôi giữ độ cao ở khoảng 2.500m. Khe vào gần căn cứ Khe Sanh, chúng tôi quần thảo khoảng 30-40 phút trong khi chờ pháo bắn kết hợp các máy bay ném bom F-4 Phantom, A-6 Intruder và A-4 Skyhawk đang dội bom quanh các ngọn đồi cần tiếp tế để áp chế hỏa lực Việt Cộng. Việc duy trì đội hình bay rất khó khăn do chúng tôi vừa cố gắng tránh va chạm với nhau, vừa cố giữ độ cao cần thiết, tuy nhiên do phải bay chậm lẫn chở nặng khiến chúng tôi cứ bị tụt độ cao 100-200m và lại phải bay lên lại rồi lại tụt xuống
Khi máy bay chỉ huy báo đến lượt chúng tôi, chúng tôi sà xuống, các xạ thủ bắn liên tục các khẩu súng máy 12,7mm đế đàn áp Việt Cộng nhưng hết sức cẩn trọng để tránh bị thương các đồng đội Thủy Quân Lục Chiến. Khi khoảng cách còn quá 500m, các khẩu AK-47 của Việt Công không gây nhiều nguy hiểm, điều lo lắng nhất chính là giữ cự ly giữa các máy bay trực thăng khi lần lượt đáp xuống. Việc từ từ đáp xuống hoặc giữ độ cao 300m khi chuẩn bị đáp xuống là điều gây nguy hiểm nhất vì lúc này, động cơ phải hoạt động hết công suất để giữ lực nâng và đây cũng là lúc Việt Công sẽ bắn bằng mọi khẩu súng vào trực thăng. Các trực thăng nhanh chóng đáp xuống, bốc dỡ vũ khí, thuốc men, … và tải các thương binh mà không lãng phí một giây phút nào
Việc tiếp tế cho đồi 881 Nam – 881 South là nguy hiểm nhất vì Việt Cộng giữ đồi 881 Bắc còn lính Mỹ giữ đồi 881 Nam . Gần đó là đồi 551 nơi đặt 100 khẩu súng cối để yểm trợ hỏa lực và việc tiếp tế đạn dược nơi đây gần như việc phải làm suốt ngày
Các binh lính Thủy Quân Lục Chiến ở Khe Sanh và các phi công trực thăng luôn bị Việt Cộng pháo kích suốt ngày liên tục khiến tinh thần họ căng thẳng liên tục, kèm đó luôn phải đặt trong tình trạng cảnh giới tối đa khiến họ bị thiếu ngủ dẫn đến ai cũng dễ cáu gắt, nóng nảy “
Chiến thuật Đàn Ngỗng hay Kỹ thuật Super Gaggle trên được áp dụng kể từ ngày 24 tháng 2 và kéo dài đến ngày 9 tháng 4 năm 1968. Có những thời điểm, thời tiết không thuận lợi như cuối tháng 2, đồi 881 South bị mây mù bao phủ suốt 3 ngày còn đồi 950 bị sương mù đến 9 ngày khiến binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bị thiếu nước uống trầm trọng và đội tuần tra đã phải mạo hiểm mò xuống suối để lấy nước uống
Trung tá Ellinger – Chỉ huy chiến dịch nhớ lại :
“Chuyến bay đầu tiên phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều máy bay với nhiều chủng loại khác nhau, chỉ có 2 trực thăng bị bắn hỏng trong suốt thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 và các phi công đều được nhanh chóng cứu thoát. Chúng tôi có thể tiến hành 4 đợt tiếp tế tương đương 40 tấn vũ khí, lương thực, … cho các ngọn đồi mỗi ngày. Mỗi lần khoảng 12-16 chiếc trực thăng có thể nhanh chóng đáp xuống các ngọn đồi trong vài phút, thả hàng hóa, nhận thương binh và nhanh chóng rút khỏi trong các làn khói được thả từ máy bay A-4 mà Việt Công không thể nhìn thấy gì hoặc không kịp bắn”
Quân Giải Phóng dự định biến trận đánh Khe Sanh thành trận Điện Biên Phủ thứ 2, nhiều người đánh giá điểm khác biệt giữa 2 trận đánh là khả năng tiếp tế và chiến dịch Đàn Ngỗng là yếu tố quyết định trong trận đánh này