Trận không kích sân bay Libi ở hồ Kẻ Gỗ
Đêm 7-1-1973, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi ở khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ và đã phá hủy sân bay này khiến rất nhiều chiến sĩ hy sinh
Giai đoạn năm 1971-1973 để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành. Đường 22 được mở nối ngã ba Thình Thình chạy qua khu vực hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình, là công trình đã ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong. Trong khi đó, sân bay dã chiến Libi, được gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực này, có lẽ đã được chuẩn bị cho các kế hoạch quân sự quan trọng khác mà cho đến nay vẫn còn đang trong vòng bí mật. Để thực hiện các công trình này, hàng nghìn thanh niên xung phong đã được huy động.
Tỉnh Quảng Bình được xem là địa điểm xuất phát của đường mòn Hồ Chí Minh. Tuyến đường 22 đã trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ . Theo những cựu binh thanh niên xung phong và bộ đội tại mặt trận này, có những trận đánh mà thương vong “dễ có đến cả trăm người, chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác”. Đêm 7-1-1973, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi. Sân bay Libi, vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào đã bị phá hủy hoàn toàn. Cho đến nay, những tài liệu chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng theo hồi ức của một số nhân chứng, thương vong của phía miền Bắc trong trận không kích sân bay Libi ở hồ Kẻ Gỗ này là “rất lớn”.
Sau năm 1975, nhà nước đã gấp rút cho xây công trình hồ Kẻ Gỗ và vẫn còn rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Tài liệu về sân bay Libi ở hổ Kẻ Gỗ vẫn là bí mật. Ngày nay, tại khu vực này vẫn còn dấu tích của hàng trăm hố bom lớn nhỏ. Khi mực nước xuống thấp, có thể nhìn thấy dấu vết của đường băng cũ.
Năm 2005, khi nước hồ xuống thấp, một số người đánh cá phát hiện dấu tích các ngôi mộ. Đến nay, xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời được hàng chục hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước
Ông Nguyễn Chí Công, Phó trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, năm 2012, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ và giao lại cho Ban quản lý khu bảo tồn Kẻ Gỗ để lập một miếu nhỏ thờ cúng các anh hùng liệt sĩ ngay chính tại mặt trận năm xưa. Điều đáng buồn là đến nay có lẽ vẫn còn hàng trăm chiến sĩ, thanh niên xung phong vẫn còn nằm dưới lòng hồ nước lạnh giá