Căn cứ hỏa lực số 6 – Firebase 6 trong chiến tranh Việt Nam
Căn cứ hỏa lực số 6 – Firebase 6 còn gọi là cao điểm 1001 hoặc đồi 1001 nằm ở Tây Nam thị trấn Dak To – Đắk Tô gần biên giới Việt Nam – Lào và Campuchia
Trong chiến tranh Việt Nam, căn cứ hỏa lực số 6 được thiết lập trong trận Đắk Tô năm 1967, nằm cách Đắk Tô khoảng 8km hướng Tây Nam và phía Tây Bắc của dãy cao điểm Hỏa Tiễn và hướng đông của thung lũng Plei Trap. Căn cứ này giám sát sự xâm nhập của quân Giải Phóng từ biên giới vào vùng II Chiến Thuật theo con đường 512
Với chiều cao khoảng 300m và chiều rộng khoảng 200m, căn cứ hỏa lực số 6 là nơi đóng quân của pháo đội B, tiểu đoàn 1, trung đoàn 92 pháo binh Mỹ với 6 khẩu pháo 155mm và 1 đài điều khiển hỏa lực – Fire Direction Center (FDC) . Ngoài ra còn có 1 trung tâm chỉ huy, 1 sàn đáp máy bay trực thăng.
Điều kiện sống ở đây rất tồi tệ, binh lính gần như suốt thời gian phải sống trong các công sự được phủ các tấm thép – perforated steel plating (PSP), gỗ, bao cát, … bên ngoài là các tấm nhựa chống mưa do ở đây, quân Giải Phóng pháo kích suốt ngày nhằm kềm chế quân Mỹ và thời tiết thì gần như mưa dầm trong nhiều tháng.
Lính Mỹ ở đây có nhiệm vụ bắn yểm trợ các trại lực lượng đặc biệt Ben Het, các cuộc lùng sục và truy tìm của các toán biệt kích Mỹ, … Trong trận đánh Ben Het ngày 9 tháng 5 năm 1967, tiểu đoàn 1 pháo binh đã bắn tổng cộng 49.041 phát đạn pháo. Ban ngày, lính Mỹ có nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa pháo, lấy phương vị tọa độ, bắn yểm trợ, … đến ban đêm, cũng là các nhiệm vụ bắn yểm trợ và bắn phản pháo quân Giải Phóng tuy mật độ có ít hơn. Họ luôn ao ước có 1 đêm ngon giấc nhưng không bao giờ có vì các lệnh bắn yểm trợ luôn đưa xuống với mật độ dày đặc
Việc tiếp tế căn cứ duy nhất là bằng đường hàng không với máy bay trực thăng. Tuy nhiên, việc tiếp tế cũng không hề dễ dàng và luôn chứa đựng nhiều nguy hiểm do quân Giải Phóng pháo kích hàng ngày và rừng súng phòng không chung quanh. Đến mùa mưa, việc tiếp tế còn phải đối mặt với mưa lớn và sương mù luôn dày đặc, thời tiết xấu làm che mất tầm nhìn của trực thăng
Tháng 11 năm 1967, trong cuộc hành quân MacArthur – Operation MacArthur ở Đắk Tô do sư đoàn 4 bộ binh Mỹ tiến hành, lính Mỹ đã xây dựng căn cứ hỏa lực số 6 ở đồi 1001 còn gọi là cao điểm 1001 do có tầm nhìn bao quát quanh khu vực và khống chế đường 512 chạy từ Cao Nguyên đến biên giới Lào. Đây cũng là con đường xâm nhập của quân Giải Phóng. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 8 bộ binh Mỹ đã dọn dẹp quanh khu vực để thiết lập căn cứ và pháo đội C thuộc tiểu đoàn 6 trung đoàn 29 pháo binh với pháo 105mm đã đóng quân ở đây
Cũng trong tháng 11 năm 1967, các tin tức tình báo cho thấy, quân Giải Phóng thuộc mặt trận B3 đã tập trung quân định chiếm Đắk Tô, lữ đoàn 1 Không Vận Mỹ đã tiến hành cuộc hành quân phía Tây dãy núi Cao Điểm Hỏa Tiễn và nơi đây đã diễn ra trận đánh Đắk Tô – Battle of Dak To, lữ đoàn 173 Nhảy Dù của Mỹ đã tăng cường lữ đoàn 1 từ căn cứ Ben Het và đã diễn ra trận đánh ác liệt ở Đồi 875 còn gọi là cao điểm 875. Trận đánh Dak Tô kéo dài từ ngày 3 tháng 11 đến ngày 22 tháng 11 năm 1967
Từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 12 năm 1968, pháo đội A với các khẩu pháo 155mm đóng ở căn cứ này do bộ binh cần những khẩu pháo mạnh hơn các pháo 105mm để có thể phá hủy các công sự quân Giải Phóng đóng rải rác chung quanh cũng như phá hủy các rừng cây dày đặc nhằm dọn bãi trực thăng và căn cứ được bảo vệ bởi lực lượng đặc biệt Winner và Mathews của sư đoàn 4 bộ binh
Tháng 1 năm 1969, pháo đội B được đến thay thế , còn đơn vị pháo ở đây cùng đội đặc biệt bảo vệ được chuyển đến căn cứ Ben Het. Việc bảo vệ ở căn cứ hỏa lực số 6 được giao lại cho lực lượng dân sự chiến đấu người Thượng – CIDG, lực lượng biệt động quân và được hỗ trợ bởi các cố vấn quân sự Mỹ. Pháo đội B đóng ở đây đến tận tháng 12 năm 1970.
Ngày 9 tháng 3 năm 1969, quân Giải Phóng với trung đoàn 66 và trung đoàn 208 đã tấn công căn cứ Ben Het và được sự hỗ trợ của xe tăng PT-76, đây là trận đối đầu xe tăng đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam. Hỏa lực từ căn cứ hỏa lực số 6 đã bảo vệ hữu hiệu căn cứ Ben Het và chặn đứng được cuộc tấn công. Đến ngày 11 tháng 6 năm 1969, đến lượt căn cứ 6 bị quân Giải Phóng tấn công, quân Giải Phóng đã tràn vào được căn cứ và quân phòng vệ đã phải cố sống cố chết mới bảo vệ được căn cứ
Năm 1971, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, căn cứ hỏa lực 6 được thay thế bằng tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 42 bộ binh, đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 71 Biệt Động Quân, đại đội 42 trinh sát và 1 pháo đội pháo 105mm. Tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 92 pháo binh Mỹ cử 1 đội chuyên viên điều khiển hỏa lực – Integrated Observation System – IOS đến căn cứ 6 để hỗ trợ quân Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 31 tháng 3 năm 1971, trung đoàn 66 Bắc Việt tấn công căn cứ, cuộc chiến ác liệt khiến quân Việt Nam Cộng Hòa phải rút bỏ, 5 chuyên viên IOS của Mỹ thì có 3 chết, 1 mất tích và chỉ 1 người sống sót, 2 cố vấn Mỹ là Philip Terrill và James Salley bị bắt và chết trong nhà tù. Chỉ có 1 người là Brian Thacker sống sót , bò về được căn cứ 6 vào ngày hôm sau khi quân Việt Nam Cộng Hòa phản công và chiếm lại được căn cứ. Brian Thacker được thưởng huy chương Anh Dũng, còn những cố vấn Mỹ còn lại đều bị mất tích
Năm 1972, quân Việt Nam Cộng Hòa xây dựng 1 loạt các căn cứ quân sự che chở phía Tây Tân Cảnh, các căn cứ này liên tục hứng chịu hỏa tiễn 122 ly của quân Giải Phóng nên được mệnh danh là các cao điểm hỏa tiễn – Rocket Ridge . Tháng 4 năm 1972, các trung đoàn 66, trung đoàn 28, trung đoàn 958 thuộc mặt trận B3 tấn công các căn cứ này mở đầu chiến dịch Xuân Hè 1972 còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, căn cứ 6 là căn cứ đầu tiên bị quân Giải Phóng chiếm đóng, tiếp theo lần lượt là căn cứ hỏa lực 5, căn cứ Charlie mà lịch sử gọi là trận đánh đồi Charlie, … Cuối tháng 4, quân Giải Phóng tấn công Tân Cảnh, ở trận đánh Tân Cảnh, quân Giải Phóng đã dùng tên lửa chống tăng Sagger phá hủy hàng loạt xe tăng Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi chiếm Tân Cảnh, đường tiến xuống để mở ra trận đánh Kontum đã bắt đầu. Quân Giải Phóng chiếm giữ căn cứ 6 cho đến hết cuộc chiến tranh Việt Nam
Ngày nay, nơi này đã trở thành ruộng vườn, rất ít người biết đến sự tồn tại của căn cứ hỏa lực số 6 ngoại trừ những người từng tham chiến ở đây. Con đường 512 giờ đây trở thành 1 trong những nhánh đường Hồ Chí Minh