Từ trại Lệ Khánh đến căn cứ Bến Hét – P2
Trại Polei Kleng còn gọi là trại Lệ Khánh cùng căn cứ Bến Hét còn gọi là căn cứ Ben Het hoặc căn cứ Bạch Hổ là những căn cứ thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ lập ra nhằm ngăn chận sự xâm nhập của quân Bắc Việt từ biên giới Việt Lào vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam
Tiểu đoàn 23 Biệt Động Quân được gửi lên vùng tam biên, nơi đầu thung lũng Plei Trap để bắt tay với tiểu đoàn 22/BĐQ đang hành quân trong vùng. Tiểu đoàn 22/BĐQ cũng được lệnh tiến lên phiá bắc thung lũng. Đối đầu với ba trung đoàn 28, 40 và 66 quân đội Bắc Việt. Tiểu đoàn 22/BĐQ phá vỡ trận phục kích cấp trung đoàn của địch, tiếp tuc tiến về hướng tiền đồn Ben Het. Tiểu đoàn chịu tổn thất hai cố vấn Hoa Kỳ, trung úy Orie Dubbeld, trung sĩ nhất James Duncan vì đạn súng cối và một số binh sĩ biệt động quân.
Tiểu đoàn 23/BĐQ trong đó có tôi, từ căn cứ Bến Hét di chuyển vào trong rừng, thiết lập tuyến phòng thủ đêm, nơi hướng nam căn cứ. Chúng tôi đã đề phòng cẩn thận, không có chuyện gì xẩy ra trong đêm và sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt tay với tiểu đoàn 22/BĐQ. Cả hai tiểu đoàn cùng di chuyển vào bên trong trại LLĐB Ben Het, để chỉnh đốn hàng ngũ
Sau đó tiểu đoàn 22/BĐQ, được đưa về hậu cứ ở Biển Hồ, Pleiku vì đã bị tổn thất trong trận phục kích vừa qua. Tiểu đoàn 23/BĐQ được lệnh nằm lại, chống giữ trại LLĐB, trong khi các binh sĩ trong trại đã được đưa về trung tâm huấn luyện BĐQ Dục Mỹ để tái bổ xung, huấn luyện. (Thực ra, lúc đó trại LLĐB Ben het đã được cải tuyển sang tiểu đoàn 95 Biệt Động Quân Biên Phòng và được đưa về Dục Mỹ huấn luyện).
Trong căn cứ Ben Het lúc đó chỉ có khoảng 300 binh sĩ BĐQ tiểu đoàn 23 và BCH liên đoàn 2/BĐQ. Ở bên ngoài, ba trung đoàn chính quy Bắc Việt đang siết chặt vòng vây. Trại LLĐB biên phòng này nằm gần khu vực ba biên giới, Lào, Miên và Việt Nam, nơi cuối con đường cũ do người Pháp xây trước đây, xa hơn trại LLĐB Dak To. Nói theo văn chương, Ben Het ở cuối con đường, hỏa ngục của các trận đánh đẫm máu. Phiá bên kia biên giới là những nhánh nhỏ trong hệ thống đường mòn HCM.
Xem xét lại tình hình bạn và địch, chúng tôi biết rằng cán cân nghiêng về phiá địch quân. Biệt động quân có hai khẩu pháo 105mm, cơ hữu của căn cứ và một pháo đội pháo 175mm của tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ. Ngoài ra có vài quân nhân LLĐB còn sót lại, họ thuộc đại đội công vụ, lo trông nom, giữ gìn doanh trại.
Sau khi tiểu đoàn 22/BĐQ vừa đi khỏi, địch quân cắt đứt con đường duy nhất lên căn cứ Bến Hét. Nhóm cố vấn chúng tôi vội vã yêu cầu chuẩn bị cho vấn đề không yểm khi cần thiết, nhưng được trả lời “Không trợ đã được dành cho những mặt trận khác có độ ưu tiên cao hơn”. Chúng tôi có lẽ được một chiếc trực thăng đơn độc đến thăm, đem theo vị sĩ quan tình báo từ Pleiku. Ông ta sẽ di chuyển những chấm đỏ (địch) trên bản đồ và cho chúng tôi biết, trong vùng hành quân có… hàng chục ngàn quân CSBV.
Hai ngày sau, trung tá Bùi Văn Sâm, liên đoàn trưởng LĐ2/BĐQ, đại úy Nguyễn Văn Phương, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 23 Biệt Động Quân quyết định, đưa một đại đội lên chiếm đóng đồi 880. Ngọn đồi chiến lược quan sát toàn khu vực Ben Het và đường xâm nhập của địch quân nằm bên kia biên giới. Tôi cùng với trung sĩ nhất Acoba đi theo đại đội biệt động quân. Trên đường di chuyển, chúng tôi thấm mệt, lên xuống những hố bom khổng lồ trước khi lên tới đỉnh đồi.Lần leo núi này mệt nhất trong đời, mặc dầu trước đây, tôi đã trải qua hai tuần lễ nơi “Căn Cứ Núi, Ranger Mountain Camp” ở Dahlonga, tiểu bang Georgia, trong khóa huấn luyện Biệt Động Quân Hoa Kỳ. Ngọn đồi này có vị trí chiến lược, là nơi có những trận đánh đẫm máu cho cả đôi bên. Trên đỉnh đồi không có một thân cây nào còn nguyên vẹn, chỉ còn lại mầu đất đỏ cùng với hầm hố, giao thông hào chiến đấu.
Đại đội biệt động quân lên tới đỉnh đồi cũng nằm thở dốc, sau đó rải quân xung quanh ngọn đồi thiết lập tiền đồn phòng thủ. Trên đỉnh đồi hoang tàn, nắng cháy, vấn đề nước uống rất cần thiết. Vài binh sĩ BĐQ lấy nước từ trong hố bom, đục ngầu để uống, kết qủa nằm ôm bụng. Sĩ quan BĐQ đến quan sát hố bom, dùng gậy khuấy lên mới biết, trong hố bom có xác chết mục rữa, chỉ còn xương. Có lẽ xác của một cán binh Bắc Việt, chết trong trận đánh năm ngoái (vùng tam biên, năm nào đến mùa khô, khoảng tháng Ba địch quân thường mở những trận tấn công lớn). May mắn, lúc đó đang có một trực thăng Hoa Kỳ đậu trong căn cứ, các cố vấn Hoa Kỳ gọi máy xin trực thăng tiếp tế nước uống cho đại đội BĐQ tiền đồn.
Chiếc trực thăng đem nước cho BĐQ cất cánh đúng lúc địch quân pháo kích vào trại LLĐB Ben Het bằng hỏa tiễn 122 ly. Trên đỉnh đồi 880, chúng tôi quan sát rất rõ, nhìn thấy được vị trí đặt hỏa tiễn của địch. Tôi vào tần số báo cáo vào trong căn cứ. Một giọng nói lạ như hét lên, cho biết họ đang bị pháo kích, yêu cầu tôi ra khỏi hệ thống để họ làm việc. May thay, trung tá Toner, cố vấn trưởng liên đoàn 2/BĐQ nhận ra được giọng của tôi, chen vào. Ông ta ra lệnh cho tôi gọi không yểm, ông ta quên rằng, tôi đã xin nhưng không được ưu tiên… phải chờ!
Một “chốt” Biệt động quân nằm dưới chân đồi cũng báo cáo lên cho biết, họ trông thấy lính Bắc Việt đi chặt gỗ trong rừng. Đó là một dấu hiệu không tốt cho BĐQ, điều đó chứng tỏ địch quân vẫn ung dung, không màng tới đơn vị BĐQ đang hiện diện trong vùng hành quân. Chắc chắn quân đội Bắc Việt phải có một đơn vị cỡ lớn trong thung lũng Plei Trap. Biết rõ tình hình địch, đại đội BĐQ đang đóng trên đồi đành nằm chịu, vì không thể bỏ tiền đồn, kéo xuống tấn công mấy tên địch lẻ tẻ… Biết đâu, địch quân chơi trò “điệu hổ ly sơn”. Mắc mưu là kể như vừa mất vị trí chiến lược, vừa bị rơi vào trận phục kích. Tôi gọi không yểm… và một lần nữa bị từ chối. Tôi cùng với trung sĩ nhất Acoba ngủ một “đêm dài” nơi tiền đồn cùng với đại đội BĐQ. May thay, không có chuyện gì xẩy ra trong đêm. Theo sự ước đoán… Địch quân bắt buộc phải… lấy lại vị trí chiến lược bằng mọi giá. Những cảnh hoang tàn đổ nát trên đỉnh và xung quanh ngọn đồi đã chứng minh sự suy luận của tôi.
Sáng hôm sau, một trực thăng đến đón, đưa tôi và Acoba trở vào trong trại lực lượng đặc biệt Ben Het. Những điều tôi đoán đã trở thành sự thực. Đại đội BĐQ chiến đấu anh dũng trong tuyệt vọng. Căn cứ Ben Het đã bị địch bao vây, pháo kích, không thể đưa quân ra ngoài tiếp cứu được, vả lại lội bộ cũng mất mấy tiếng hồng hồ (phải xử dụng trực thăng tiếp tế nước, đưa đón cố vấn Hoa Kỳ). Lính Bắc Việt xung phong lên đỉnh đồi, tràn vào tuyến phòng thủ của đại đội biệt động quân. Hai bên đánh cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn… trước khi mất liên lạc với BCH tiểu đoàn 23/BĐQ trong căn cứ Ben Het.
Bên trong căn cứ Ben Het, tình hình rất căng thẳng, trong vùng tam biên có những đơn vị chính quy Bắc Việt cấp lớn. Quân lực VNCH tăng cường thêm quân lên Dak To và thiết lập một căn cứ hỏa lực trên một ngọn đồi nằm giữa Ben Het và Dak To. Bên trong căn cứ Bến Hét, đồ tiếp liệu, lương thực, đạn dược cần được tiếp tế hàng ngày bằng xe từ Tân Cảnh. Ngày nào xe tiếp tế cũng bị bắn quấy rối, khi vừa qua khỏi Dak To. Cuối cùng, nhu cầu không yểm cho căn cứ được đáp ứng. Trung tá Toner ra lệnh cho tôi: “Fee, mình được biệt phái trực thăng võ trang Cobra bay bao vùng cho xe tiếp tế. Anh đi theo máy bay, quan sát coi tụi nó phục kích ở đâu, rồi điều động Cobra làm thịt”
Được biết khu vực không được an toàn, phi công trực thăng bay là trên đầu ngọn cây dọc theo con đường để tránh hỏa lực phòng không của địch. Từ trên không nhìn xuống một ngọn đồi nhỏ trước mặt, thay vì bay vòng để tránh, viên phi công tiếp tục bay thẳng, lên cao tránh ngọn đồi, rồi lại xà thấp xuống.Chúng tôi nhìn rõ trận phục kích ở dưới, ngay trước mắt là một chiếc xe GMC chở đạn đại bác đang bốc cháy và sẽ nổ tung không biết lúc nào. Viên phi công hốt hoảng bay lên cao. Chúng tôi quan sát lại cho kỹ tình hình ở dưới, có khoảng ba chiếc xe trúng đạn bốc cháy, binh sĩ VNCH hộ tống đoàn xe, nằm rải rác dọc theo con đường đang chống trả đám lính Bắc Việt từ hai bên đường, đang sửa soạn tiến lên chỗ đoàn xe đang nằm kẹt trên đường.
Tôi báo cáo về Ben Het, và được bốn chiếc Cobra bay theo đội hình hàng dọc lên bao vùng. Tôi cho họ biết vị trí của địch rồi theo dõi các trực thăng võ trang “làm việc” để báo cáo. Chợt có một chiếc máy bay quan sát FAC (Phi cơ điều không tiền tuyến, Forward Air Control) lên bao vùng. Viên phi công FAC này tôi quen trong phi trường Cù Hanh ở Pleiku, lên tiếng hỏi.
– Tôi giúp được gì không?
– Chắc chắn. Bạn có những gì?
– Loại “bay nhanh” (phản lực). Trên đường “vượt rào” trở về (vượt biên thả bom trên đất Miên).
– “Đồ chơi” (bom) cỡ nào?
– 500 cân Anh.
– Ồ “bạn hiền” (oh, man!). Để tôi cho mấy chiếc Cobra ra khỏi vùng.
Xin cám ơn Thượng Đế. Tôi đang kiếm “bạc cắc” đào được “vàng”. Sau khi các trực thăng Cobra làm cú chót, tôi nói họ bay về hướng quân bạn. Viên phi công FAC cũng khuyên tôi “Bạn cũng nên ra khỏi khu vực luôn”. Biết gặp “thứ dữ”, tôi nói viên phi công trực thăng, đưa tôi trở lại căn cứ Ben Het. Trung tá Sâm, liên đoàn trưởng LĐ2/BĐQ vui vẻ cho biết, trận phục kích đã thất bại và đoàn xe tiếp tế sắp vào đến căn cứ.
Tôi đi theo trung tá Sâm, trung tá Toner, mấy sĩ quan BĐQ leo lên nóc pháo đài, dùng ống nhòm theo dõi trận oanh kích. Sau khi máy bay quan sát FAC bắn đạn khói chỉ điểm mục tiêu, hai phản lực F-4 Phantom chúi xuống thả bom. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Một đại đội biệt động quân được lệnh ra ngoài căn cứ, truy kích đám tàn binh của địch đang trên đường rút lui.
Biệt động quân đem về ba tù binh. Một trong ba người cấp bậc hạ sĩ quan, anh ta có cuốn sổ tay ghi tên và vũ khí trang bị cho các cán binh trong trung đội. Cuốn sổ tay còn cho biết vị trí nhận tiếp tế cho đại đội anh ta. Các tù binh bắt được cùng tài liệu được trực thăng đến đưa về Pleiku. Một điều đáng nói là binh sĩ biệt động quân, đối xử với tù binh rất tốt, cho họ ăn uống và thuốc lá.
Sau trận phục kích, địch quân dường như đã rút quân ra khỏi khu vực tam biên. Có nhiều giả thuyết, có người cho rằng quân đội Bắc Việt dự định tấn công căn cứ Bến Hét bất ngờ. sau đó đụng tiểu đoàn 22/BĐQ trong thung lũng Plei Trap, rồi được biết có thêm TĐ23/BĐQ vào vùng hành quân, nên địch quân bỏ kế hoạch tấn công.
Vùng tam biên với căn cứ Bến Hét là điểm nóng trên vùng cao nguyên. Căn cứ hỏa lực vừa mới thiết lập giữa Dak To và Ben Het, chỉ được ít hôm bị địch tràn ngập. các ngọn đồi xung quanh đều thấm máu của cả hai bên. Cho đến mùa hè năm 1972, vùng này hoàn toàn lọt vào tay địch quân.
Đại úy Karl Fee, cố vấn quân sự tiểu đoàn 23 BĐQ, 70-71
Xem lại : Từ căn cứ Polei Kleng đến căn cứ Ben Het – P1