Khi Đồng Minh Tháo Chạy : Nguyễn Tiến Hưng – P4
Phần 4 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Khi đồng minh tháo chạy là cuốn sách xuất bản năm 2005 của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Howard. Cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
LÀM SAO THOÁT KHỎI VŨNG LẦY
Việt Nam bầu Nixon:
‘’Tôi tin chắc rằng sự việc đó (hành động của ông Thiệu) đã khiến ông Humphrey thất cử’’
Lyndon B. Johnson
Hồi ký The Vantage Point (1971)
Chiếc xe Limousine đậu sẵn ngoài sân cỏ. Khách bắt tay tạm biệt chủ, thong thả bước xuống bậc thềm. Đùng một cái, một trái pháo rơi nổ ngay phía trước mặt. Khách vội vã bước vào xe, tài xế đóng sập cửa. Chiếc xe mầu đen có còi hú phóng đi vun vút. Đoàn tùy tùng theo sau. Chắc là một điềm gở ?. Ông Nguyễn Văn Thiệu vừa thắng cử, Tổng Thống Lyndon Johnson phái Phó Tổng Thống Hubert Humphrey sang Sài Gòn dự lễ tấn phong. Sau phần nghi lễ ông Humphrey vào gặp ông Thiệu ở Dinh Độc Lập, có Đại Sứ Bunker và Ted Van Dyk tháp tùng. Trong giây phút huy hoàng của ngày đăng quang, ông Thiệu vui vẻ tiếp vị quốc khách. Chắc rằng Phó Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ có những lời chúc tụng, an ủi, làm yên lòng vị Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Thế nhưng, vừa uống xong ly là, Humphrey đã chậm rãi:
-‘’Ngài cần biết về tình hình chính trị ở Hoa Kỳ, hiện nay đã đến lúc cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để Miền Nam có thể tự lực, tự cường’’.
–‘’Vâng tôi hiểu’’, ông Thiệu đáp
–‘’nhưng chúng tôi còn cần phải có sự hiện diện của Hoa Kỳ với mức độ hiện tại’’.
–‘’Thêm vài năm nữa với cùng một mức độ viện trợ quân sự và kinh tế như hiện nay thì chắc không thể có!’’ Humphrey nói tiếp và ông Thiệu lắng nghe
Tàn than điếu thuốc lá Gauloise ông đang hút dở rớt ngay xuống tấm thảm dầy. Nói xong, phái đoàn ông Humphrey tạm biệt. Ông Thiệu tiễn đưa khách quý ra thềm Dinh Độc Lập. Vừa bước xuống thềm, chính ông Humphrey đã mục kích cảnh pháo kích.
Từ mùa Hè 1967, lúc dư luận bắt đầu nói về cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, nhiều người bạn Mỹ đã nói với tôi là phải hết sức thận trọng. Bây giờ nghe ông Humphrey nói như lúc này, tôi biết ngay là sắp tới lúc chính sách Hoa Kỳ thay đổi như ông Thiệu kể lại. Và từ sau cuộc gặp gỡ ông Thiệu đã có một ấn tượng rất rõ rệt về ông Humphrey: Ông này mà làm Tổng Thống thì Mỹ sẽ rút hết, để Miền Nam ‘’tự lực, tự cường’’.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 30 năm qua mà dư âm cuộc chiến Việt Nam vẫn còn như phảng phất đâu đây. Người ta luôn nhắc đến nó trong các cuộc tranh luận, gần nhất là chiến tranh Iraq.
Chỉ nói về hai ứng cử viên Dân Chủ, Cộng Hòa trong cuộc tranh cử năm 2004 (John Kerry và George Bush) là đã có vấn đề tranh cãi kéo dài cả mấy tháng. Rồi đến chuyện bài học về chiến tranh Việt Nam: Nếu Hoa Kỳ có tham chiến ở đâu thì phải đánh nhanh, đánh mạnh rồi rút ngay (như ông Bush ‘’Cha’’ đã làm). Chớ có đóng quân lại mà bị sa lầy. Vì thế, Nghị Sĩ Edward Kennedy, một nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân Chủ, đã gọi Iraq là ‘’Việt Nam của ông Bush (con)’’ bài học cho Hoa Kỳ thì nhiều người đã rút tỉa. Nhưng về những bài học cho Đồng Minh của Mỹ trong thời chiến thì ít ai nói tới. Một trong những bài học đó là mỗi khi có bầu cử Tổng Thống, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp mạnh để chứng t ỏ thiện chí xây dự ng hòa bình. Sớm là vào trước năm tuyển cử. Muộn là vào cuối Hè năm tuyển cử, lúc hai Đảng họp chọn ứng cử viên Tổng Thống. Hiện tượng này cũng đã tái diễn trong cuộc bầu cử 2004. Mùa Thu năm 2003, Chính phủ Bush đã tuyên bố là sẽ trao trả quyền hành cho Iraq vào cuối tháng 6.2004, làm cho nhữ ng người lãnh đạo mới của Iraq (được Mỹ ủng hộ) rất lo ngại, nhưng cũng phải đồng ý. Ảnh hưởng của bước đi này là làm giảm sự lo sợ của nhân dân Hoa Kỳ về chuyện sa lầy. Rồi lúc chuyển giao quy ền hành lại cũng đã được thực hiện vào thời điểm bất ngờ: Hai ngày trước ngày đã ấn định. Báo chí đăng tin rầm rộ. Gần đến ngày bầu cử, Tòa Bạch Ốc lại tuyên bố sẽ rút một số quân từ các địa điểm ngoại quốc về Mỹ. Washington còn công bố lịch trình bầu cử tại Iraq, ấn định vào cuối tháng Giêng 2005, dù có những phe phái của Iraq còn cho rằng điều kiện an ninh và xã h ội của họ chưa cho phép bầu cử. Người được bầu làm Tổng Thống chắc cũng biết được khi bầu cử xong là Mỹ sẽ nói tới việc rút quân. Và rồi tân Tổng Thống của Iraq cũng sẽ nói ‘’chúng tôi còn cần sự có sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong một thời gian nữa’’.
Cứ bốn năm, mỗi khi có bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ là có áp lực vào Đồng Minh. Đó là một trong những kinh nghiệm của Miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, trước khi Tổng Thống Kennedy ra tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 1964, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị nhiều áp lực từ mùa Hè 1963, sau đó bị sát hại vào ngày 1.11 thời Đệ Nhị Cộng Hòa, trước cuộc bầu cử tháng 11.1972, Tổng Thống Nixon áp lực Việt Nam Cộng Hòa ký Hiệp Định Paris. Và vào năm trước kỳ tuyển cử 1976, Tổng Thống Ford đã làm ngơ, để Miền Nam lui vào dĩ vãng cho yên ổn.
Trở lại thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sau Tổng Thống Kennedy tới phiên Tổng Thống Johnson.
BẮT ĐẦU MUỐN THÁO GỠ
Tết Mậu Thân (31.1.1968) là cái mốc lịch sử quan trọng. Sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ, về mặt quân sự, Mỹ coi đó như một thành công, nhưng về mặt tâm lý, nó đã là một thất bại lớn. Lần đầu tiên các cuộc thăm dò dân ý cho biết số người chống đối chiến tranh (50%) đã vượt lên cao hơn số ủng hộ (42%) [1]. Báo chí đặt nhiều vấn đề về độ đáng tin cậy của lập trường Chính Phủ Mỹ. Ngày mồng 10 tháng 3, khi tờ New York Times tiết lộ rằng Tướng William Westmoreland vừa xin thêm 206.000 quân, một bầu không khí nặng nề hiện ra rất rõ từ Tòa Bạch Ốc [2]. Lúc đó có mặt t ại Washington, chúng tôi còn nhớ những bu ổi chiều khi ba hệ thống truyền hình M ỹ phát sóng báo cáo tin tức từ Việt Nam, kèm theo là những câu hỏi hóc búa, những bình luận bi quan, ôi sao nó ê chề đến thế! Bộ Ngoại Giao cũng như Tòa Bạch Ốc, khi trả lời báo chí rõ ràng là đã đứng vào thế thủ, chỉ chống đỡ. Vừa mới ba tháng trước, ông Westmoreland lên truyền hình trấn an nhân dân Mỹ là mọi việc đều tốt đẹp và sắp tới lúc nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Bây giờ, đùng một cái, việt cộng vào tới tận Tòa Đại Sứ Mỹ.
Câu hỏi hóc búa là nếu đang thắng, tại sao lại phải xin tăng thêm tới 40% quân số ?
Nhiều nhà bình luận cho rằng biến cố Mậu Thân là Điện Biên Phủ đối với Tổng Thống Johnson. Ông bị bại trận về tâm lý. Khi Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Mcnamara xuống tinh thần, ông Johnson hết chỗ tựa. Năm 1984 ông Mcnamara mới thú nhận là ngay từ khi Mỹ mang quân vào (1965-1966), ông cũng đã có những hoài nghi về cuộc chiến. Như vậy tại sao ông lại hăng hái chủ trương mang quân vào Miền Nam? Người ta cho rằng ông chỉ muốn chiều ý Johnson lúc đó vì nhắm chức Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới . Tết Mậu Thân là thời điểm tốt cho ông tính đến việc tháo lui. Bị chống đối dữ dội, lại thấy ‘’diều hâu’’ Mcnamara bắt đầu tránh né, Tổng Thống Johnson mệt mỏi, chán chường.
Ngày 31 tháng Ba, đúng hai tháng sau Mậu Thân, ông tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai nữa. Đồng thời ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến. Đình chiến xong là rút quân về.
Bầu cử, bầu cử: Hãy đi Paris ?
Tổng Thống Johnson lại đề cử ngay Phó Tổng Thống Hubert Humphrey thay ông ra tranh cử vào tháng 11.1968.
Tuyên bố ý định không ra ứng cử từ cuối tháng Ba, Johnson đã cho Humprey đủ thời giờ để tổ chức, vận động. Humphrey tranh cử với lập trường chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình. Nhưng nếu chấm dứt bằng cách đơn phương bỏ cuộc thì Hoa Kỳ sẽ bị thế giới coi thường. Như vậy là thua rồi ! Phải có một Hiệp Định đình chiến do chính Việt Nam Cộng Hòa ký thì mới danh chính ngôn thuận. Sau này, ông Thiệu kể lại ngay sau cuộc thăm viếng của ông Humphrey, nhân một chuyến đi quan sát chiến trường Miền Nam, Tổng Trưởng Quốc Phòng Mcnamara cũng đã nhấn mạnh: ‘’Chúng tôi cần có một cuộc bầu cử ( ở Miền Nam) để điều đình với Bắc Việt’’. Đại Sứ Bunker thì luôn nói tới ‘’Cần có hòa đàm để chứng tỏ với Quốc Hội và nhân dân Hoa Kỳ là chúng ta (Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa) đều muốn hòa bình’’ .
Kế hoạch của ứng cử viên Humphrey được thành hình vào tháng Năm 1968, khi ông Cyrus Vance đại diện cho Hoa Kỳ và ông Hà văn Lâu đại diện cho Bắc Việt đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hòa đàm chấm dứt chiến tranh. Lúc đó, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa chưa chịu tham gia vì Sài Gòn muốn trực tiếp đàm phán với Hà Nội, Mặt trận giải phóng miền Nam chỉ tham gia như một phần của phái bộ Bắc Việt mà thôi. Nhưng nếu Chính Phủ Miền Nam không tham gia thì làm thế nào để có được một Hiệp Định cho sớm?
Ông Humphrey không thể thắng cử nếu viễn tượng hòa bình chưa sáng tỏ vào ngày bầu cử mồng năm tháng 11.1968.
Càng gần ngày bầu cử, áp lực từ Washington đến càng mạnh. Đại Sứ Ellsworth Bunker tìm mọi cách thuyết phục ông Thiệu gửi phái đoàn sang Paris dự hòa đàm, càng sớm càng hay.
Bầu cử, bầu cử: Đừng đi Paris ?
Cùng lúc ấy, ông Thiệu lại nhận được những lời ve vãn từ phía đối thủ của ông Hubert Humphrey, đó là ông Richard Nixon. Thông điệp phía Nixon lại trái ngược hẳn: ‘’Chớ tham gia hòa đàm Paris, cố trì hoãn càng lâu càng tốt để đợi ông Nixon lên Tổng Thống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp’’. [7]
Những người làm trung gian lúc đó là bà Anna Chennault và Đại Sứ Bùi Diễm. Bà Chennault rất được ông Thiệu tin cậy. Bà là người gốc Trung Hoa, quả phụ của Tướng Claire Chennault, Chỉ Huy Đoàn Phi Hổ (Flying Tigers), một nhóm tình nguyện củ a Mỹ chiến đấu chống Nhật hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi chồng chết năm 1958, bà thay thế ông làm Quản Trị Viên của Hãng hàng Không Phi Hổ. Trong những chuyến bay qua Đông Nam Á, bà thường ghé Sài Gòn và đến thăm ông Thiệu. Có lần bà còn được mời ra nghỉ ở villa Bảo Đại Vũng Tàu. Bà đóng một vai trò chủ yếu trong nhóm ‘’Vận động cho Trung Hoa’’ ( China Lobby) và gây quỹ tranh cử cho Đảng Cộng Hòa. Bà Chennault ra vào tự do trong chính giới ở Washington và rất hãnh diện về những quen biết của mình ở đó. Bà gặp Nixon lần đầu tiên vào năm 1954, khi ông sang thăm Đài Loan với tư cách Phó Tổng Thống. Năm 1960, bà cổ động cho nhóm vận động của Nixon chống Kennedy.
Anna Chennault thăm viếng Sài Gòn thường xuyên vào năm 1968, để thông tin cho ông Thiệu về sự tranh cử của Nixon và những quan điểm của ông đối với Việt Nam. Bà nói với ông Thiệu rằng Nixon sẽ là một người ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn Humphrey nhiều. Sau này, bà kể lại cho chúng tôi: ‘’Ông Thiệu bị phe Dân Chủ làm áp lực nặng. Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng thay đổi ý kiến’’. Đại Sứ Bùi Diễm, qua sự giới thiệu của bà, còn được ông Nixon tiếp kiến và dặn là nếu có tin tức gì thì cứ đưa cho bà Chennault. Bà sẽ phúc trình thẳng cho John Mitchell, người phụ trách vận động tranh cử cho Nixon. Trong buổi gặp gỡ, Nixon hứa hẹn là nếu thắng cử, sẽ coi vấn đề Việt Nam là ưu tiên số 1, và ‘’bảo đảm sẽ dành cho Việt Nam một sự đối xử thuận lợi hơn phe Dân Chủ’’.
Tags : Khi đồng minh tháo chạy, sách Khi đồng minh tháo chạy, Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng, sách Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P3
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P5