Khi Đồng Minh Tháo Chạy – When the Allies ran away : Nguyễn Tiến Hưng – P21
Phần 21 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away ” book by Nguyen Tien Hung
Trận chiến Trung Đông
Ngày mồng sáu tháng 10, có tin giao tranh lớn tại Miền Trung Đông. Thoạt đầu ai cũ ng cho là chuyện không quan trọng. Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, mấy anh em cùng một Tổ Phụ Abraham mà có thương yêu gì nhau đâu. Ngược lại còn xung khắc hết đời này sang đời khác. Chỉ khổ cho dân vô tội, nạn nhân của những cuộc tranh chấp. Sáu năm trước đó, vào tháng Sáu, 1967 cũng đã có trận lớ n: Do Thái lấn chiếm vùng đất Sinai, Cao nguyên Golan (Golan Heights) để dạy cho Ai Cập một bài học. Nhưng trong trận này, ngoài khối Ả R ập, ít xứ khác bị ảnh hưởng vì cuộc chiến. Kể từ năm đó, quân đội Do Thái được tân trang, ngày một lớn mạnh, lại có Mỹ đứng sau. Do Thái bắt đầu ỷ y: Khối Ả Rập đâu có dám gây hấn lớn nữa. Thế nhưng, sự việc bất ngờ đã xảy ra. Vào ngày Yum Kippur, mồng sáu tháng 10 năm 1973, khối Ả Rập bất ch ợt tấn công. Yum Kippur là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Do Thái, ngày Lễ Đền Tội ‘’Atonement’’, một ngày để ăn chay, suy ngẫm, cầu nguyện. Ngày đó, giống như Lễ Tro Lửa Đạo Công Giáo, là ngày nhắc nhở cho con người rằng mình chỉ là cát bụi và cũng sẽ trở về với cát bụi. Đúng giờ dân Do Thái đang cầu kinh, suy gẫm thì quân đội Ai Cập và Syria đồng loạt khai chiến. Từ phía Tây, Ai Cập qua nhiều ngả, tràn sang kênh Suez, theo dọc từ Port Sait ven bờ Địa Trung Hải xuống tới vùng Vịnh, đánh vào miền Sinai (đất Do Thái chiếm năm 1967). Về phía Tây Bắc, quân đội Syria đánh bọc qua vùng phi quân sự, tiến vào Cao Nguyên Golan (cũng là đất chiếm 1967).
Dù đã có tình báo từ Hè 1973 là khối Ả Rập chuyển quân về biên giới, Do Thái và Mỹ cứ tưởng là họ chỉ thao diễn tập dượt. Yếu tố bất ngờ làm Do Thái lúng túng ngày đầu khi Ai Cập lập được một phòng tuyến vào sâu trên năm dậm và Syria vào tới vùng Cao Nguyên Golan.
Từ ngày thứ hai thì Do Thái bắt đầu phản công. Nhưng lần này khác với trận 1967: Ai Cập có hỏa tiễn phòng không SAM do Nga Xô viện trợ. Trận chiến vừa bắt đầu thì có ngay cầu không vận tiếp tế cho Ai Cập và Syria. Chỉ trong một ngày, Do Thái thiệt 35 máy bay oanh tạc cỡ nặng và sau ba ngày, số tử thương đã lên tới 1.000 người trong khi cả cuộc chiến 1967 chỉ mất 700 mạng. Lực lượng thiết giáp tiêu hao mất gần một phần ba.
Do Thái cầu cứu Đồng Minh
Tiện đây, để so sánh với trường hợp Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Mỹ lúc lâm nguy vào mùa Xuân 1975, ta thử nhìn qua lịch sử xem Mỹ đã hành động như thế nào khi Do Thái bị tấn công.
Trước những thất bại không ngờ, bà Golda Meir, Thủ Tướng Do Thái, vội vàng cầu cứu Hoa Kỳ. Và Washington phản ứng ngay tức khắc. Tổng Thống Nixon liền ra lệnh thay thế toàn bộ tổn thất cho Do Thái, và còn hơn thế nữa. Vào lúc đó, Nixon đang mất ăn mất ngủ về vụ Watergate, thế mà sao Hoa Kỳ vẫn có thể hăng hái can thiệp? Đó là vì tuy bản thân ông Nixon đang bối rối nhưng đằng sau ông đã có Tổng Trưởng Ngoại Giao kiêm Cố Vấn An Ninh rất tỉnh táo và vững mạnh [4]. Ông Kissinger này lại vừa được giải thưởng Nobel Hòa Bình vì những thành quả ở Việt Nam. Ngay trước mắt, Hoa Kỳ dứt khoát phải chuyển vận thật gấp đạn dược sang cho Do Thái. Thoạt đầu bên Ngũ Giác Đài còn ngần ngừ, định chỉ gử i có ba máy bay C-5A chở đạn sang cho quân đội Do Thái thôi. Tổng Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger không lấy gì làm hăng say, còn hững hờ là khác. Ông e ngại hậu quả không hay cho Mỹ vì chắc chắn khối Ả Rập-Xô Viết sẽ trả đũa cách này cách khác để dạy cho Mỹ một bài học. Kissinger liền vào ‘’méc’’ với Nixon về thái độ lừng chừng của Schlesinger. Nixon gởi liền cho ông này và chỉ thị lập cầu không vận ngay lập tức dể tiếp liệu cho Do Thái. ‘’Tôi sẽ chấp nhận tất cả hậu quả, dù khối Ả Rập có tuyệt giao và cắt cả nguồn cung cấp dầu lửa cho Mỹ đi nữa’’, Nixon trấn an Schlesinger. [5]
Chỉ thị của Nixon là nếu không thuê đủ máy bay vận tải dân sự thì cứ dùng máy bay quân sự: ‘’Làm cách nào thì làm, nhưng phải cho máy bay cất cánh, và ngay bây giờ’’. Schlesinger lo ngại là nếu dùng máy bay quân sự thì có thể bị chỉ trích là nhảy vào vòng chiến. Dù có chỉ thị Tổng Thống, bên Quốc Phòng lại xoay con đường khác, đó là chỉ bàn cãi về việc phải dùng máy bay quân sự loại nào để chuyển vận.
Được biết chuyện này, Kissinger lại vào rỉ tai ông Nixon. ‘’Khốn kiếp’’ (Goddamn it), Nixon chửi thề, ‘’hãy dùng bất cứ loại nào chúng ta có. Nói với họ là hãy gửi bất cứ cái gì có thể bay’’.
Hoa Kỳ tiếp cứu
Thế là hồi ba giờ ngày 13 tháng 10, cầu không vận Mỹ-Do Thái bắt đầu: Đủ loại phi cơ chuyên chở được sử dụng: C5-A, C-130, C-141. Mỗi ngày có tới 20 chuyến bay chở 1.000 tấn viện dược, quân cụ. Trong vòng mấy tuần, có tới 550 chuyến bay, một cuộc tiếp liệu còn lớn hơn cả cầu không vận Berlin trong thời gian 1948-69. [6]
Như vậy, Hoa Kỳ đã thật hăng hái trong việc tiếp cứu Đồng Minh Do Thái, dù rằng việc đó bị chỉ trích là gián tiếp dính líu tới chiến tranh. Nên nhớ lại là vào thời điểm đó, vụ Watergate đang bốc hỏa như núi phun lửa, và chính Tổng Thống Nixon đang bị điều tra.
Quyền lực của Tổng Thống đã xuống rất thấp.
Lúc đó đạo luật giới hạn ‘’Quyền chiến tranh’’ của Tổng Thống (War Power Act) lại đang được tranh luận sôi nổi và cuối cùng đã được thông qua vào ngày 7 tháng 11. Thế mà, Đồng Minh Hoa Kỳ của Do Thái thật là chung tình. Lúc có rối loạn, dù khó khăn cách mấy cũng cứ nhào vào cứu.
Với phương tiện ồ ạt, mau lẹ, Do Thái lên tinh thần và khởi thế công kịp thời. Chỉ hơn ba tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, khối Ả Rập đã phải ký Hiệp Định Ngưng Chiến.
Nhưng ngưng thì cứ ngưng, chứ hậu quả của chiến tranh vùng Vịnh lại chỉ mới bắt đầu.
Cú sốc nặng nhất lại rơi ngay Miền Nam
Khối Ả Rập lập tức trả đũa mạnh mẽ. Tổ Chức các Quốc Gia xuất Cảng Dầu Lửa OPEC bỏ phiếu giảm hẳn chuyện sản xuất dầu thô cung cấp cho thế giới. Thế là giá xăng nhớt trên thị trường quốc tế bỗng nhảy vọt. Một thùng dầu thô đang từ 12 đô la, tăng gấp bốn. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Các quốc gia khác, nhất là những nước hậu tiến đều phải gánh chịu hậu quả lớn lao. Bao nhiêu ‘’Kế hoạch ngũ niên’’ phải vứt sọt rác. Vật giá leo thang, lạm phát lan tràn khắp nơi thì các nền kinh tế ngoài kh ối sản xuất dầu lửa đều bị ảnh hưởng lớn. Những thị trường không bị ảnh hưởng tức thời của giá dầu lửa là ở những nước có quan hệ với Nga Xô, kể cả Bắc Việt. Họ không bị khan hiếm vì Nga Xô vẫn chở sang lượng dầu như được ấn định hằng năm. Và vì phần lớn là dầu viện trợ nên nền kinh tế của họ ít bị ảnh hưởng vì khủng hoảng
Hết Phần 21 : Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – “When the Allies ran away” book by Nguyen Tien Hung
Xem thêm :
Xem lại từ đầu : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P1
Xem lại : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P20
Xem tiếp : Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng – P22